Hồi ký của Cha cố Giuse Trần Quang Vinh
Trích Hồi ký của Cha cố Giuse Trần Quang Vinh sau những năm tháng cải tạo bắt buộc.
Hôm sau, bà con Vinh Thống (Nội Bài) vẫn tiếp tục tới thăm tôi mừng mừng tủi tủi… trong niềm vui khôn tả.
Sau hôm trận bỏ bom ở Xuân Hòa Yên Mỹ, tôi đạp xe sang thăm bà con, gặp người quen trên đường bê tông tôi gọi mà vẫn cứ lầm lũi đi, như không nghe thấy. Tôi vào thăm bà chị (Vịnh), rồi ra cánh đồng nơi ẩn núp của bà con, vẫn loang mầu máu; Quần áo, sách vở, vật gia dụng tung tóe bên hầm, ngoài ruộng; người chết đã vội chôn cất, để rồi ban tối còn đi sơ tán, đi khỏi làng, vào sâu trong rừng, khỏi khu nhà tầng, khu đông dân…để tránh bom đạn hôm sau. Nhưng Xuân Hòa Yên Mỹ cũng là ngày cuối cùng của đợt không tặc lịch sử khó quên đó.
Tôi vào nhà Ô Bạn (Tước): Cánh cửa gỗ lim của ngôi nhà ba gian, đã tháo hết để chôn vội (5 mẹ con)…Sách vở vẫn tung tóe trên nền nhà…không người thu dọn… Tôi nhặt một lá thư vợ anh (chị Kha) mới viết chưa kịp gửi đi trong đống sách vở tung tóe trên nền nhà, vội gửi cho anh còn đang trên Trại Giam. Anh đã nhận được, và ít ngày sau anh được tha về trong hụt hẫng, tang thương trước cảnh 5 mẹ con, vò võ chờ chồng, đợi cha…Thì giờ đây chỉ còn sót lại một người con trai nhỏ (Lương)…Còn tất cả chỉ còn là những nấm mộ vô hồn.
Tôi ra về mà lòng những bâng khuâng: Đêm mai Tử Thần sẽ tới đâu? Tang tóc sẽ ập đến nơi nào? Ai còn ai mất? Ôi chiến tranh! Ôi chia ly! Ôi đau thương mất mát?..
Nhưng may thay, hôm sau những trận mưa bom đã kết thúc.
….
Về tới Thống Nhất, dân làng bà con tiếp tục tới thăm đông…
Cũng rất may cho tôi, ra trại cũng là lúc 12 ngày đêm Mỹ bắn phá Thủ đô miền Bắc, tù nhân bị giữ lại, cổng trại khóa kỹ hơn, tù nhân hy vọng ra trại hãy đợi đấy!
Sau một một tuần nghỉ ngơi, đi thăm hỏi bà con dân làng. Tôi gặp Ô. Chủ Nhiệm (Bài) tại nhà ông, chào thăm và xin việc Thợ Xây. Ông vui mừng vì một tù nhân trở về, gốc từ quê cũ chưa hề gặp mặt, nay tới chào thăm, lại xin việc, xã cũng chưa có đội ngành nghề…Và Đội Xây Dựng của HTX cũng được thành lập từ đấy, khởi đi từ công trình Hội Trường HTX Bá Hiến, thọ bền tới ngày nay. Số anh em đi làm theo tôi cũng đã thành nghề nuôi sống gia đình nhiều năm. Đội Thợ Xây và Đội Mộc, cũng do tôi thành lập, chi công điểm cho cả người dậy lẫn người học việc… đã đóng góp cho HTX cũng như tư gia nhiều công trình xây dựng khang trang bền chặt. Tôi cũng yên thân có “nghề nghiệp” chân chính…Nhà thờ Thống Nhất (quê tôi), Nhà thờ Tân Ngọc liền kề, nhiều nhà xây tư nhân trong xã…đều do các tay thợ mà tôi đào tạo xây dựng nên…
Trở lại ngày đầu về làng… Sau hơn một tháng, tôi đạp xe về chào Đức Cha Tụng và cha Quảng tại Xuân Hòa (các Ngài đang sơ tán tại đó), Cha con mừng mừng tủi tủi…Các Ngài động viên, khích lệ…, thăm hỏi mọi anh em trên trại…Cơm xong tôi ra về trong niềm vui và hy vọng bởi sự ân cần và động viên của các ngài.
Những tháng ngày đầu sau khi ở Trại về, Công an Tỉnh còn hẹn gặp nhiều lần, lúc đầu 1 tháng, rồi 3 tháng, rồi 6 tháng, thăm hỏi, thăm dò…Tôi cũng trả lời chung chung…Lâu dần “đuôi cũng đứt”.
Rồi tôi cũng về TGM những ngày Lễ, nhận bài học tiếp…
Thời gian này, tại Thống Nhất quê hương mới (Nội Bài chuyển lên), tôi bắt đầu lao động như mọi người: thợ xây, nghề mà tôi đã lăn lộn, trách nhiệm, dạy nghề 7-8 năm (Ông Chủ Nhiệm phấn khởi, vì HTX Bá Hiến chưa có Đội Thợ Xây…). Ông cho tôi chọn người…Thế là tôi đã là Đội Trưởng…Đội Thợ Xây và Đội Thợ Mộc…thường xuyên có mặt trên hiện trường.
Tôi cũng muốn cho quê tôi thuần nông có thêm nghề phụ… Khởi đi từ bản thân tôi: bắt đầu làm thêm những nghề phụ (Máy khâu, Nổ ngô, cai thầu điện…), Rồi gieo con rau giống…Cha Tuyến (là cha xứ hạt Vĩnh Phú) gợi ý để bà con Vĩnh Phú khỏi phải về Bắc Ninh mua…Phần Ngài khỏi phải trả nợ bù cho con chiên Vĩnh Phú của Ngài, khi cuối vụ chưa trả được nợ con rau giống cho người gieo thân quen cạnh Tòa, là anh chị Thao-Vân…Chính AC thân hành lên ăn nghỉ tại nhà tôi, làm con rau giống liền nhà, có cháu Thu phụ giúp (Thu sau ra HN học Đại Học Văn Hóa, được ĐC. Tuyến cho trọ nhà các Chú, học tốt nghiệp Văn Hóa…vào học ĐCV và hiện nay đã là LM)….
Tôi xuống chợ đi một vòng, rồi vào Ủy Ban chào thăm và gợi ý: “Báo cáo các vị lãnh đạo, tôi vào thăm chợ…đi một vòng thấy dân ta còn nghèo quá! Ông Chủ Tịch hỏi: sao ông vào chợ mà biết dân xã nghèo…” Tôi trả lời: “Bởi vì có người mua, người ta mới bán…Bán của vừa túi tiền dễ bán” Và tôi vào đề luôn: “Riêng về rau: Chợ Bá Hiến mà tôi chỉ thấy có 2 người Bá Hiến bán rau: 1 bà Bảo Sơn và 1 bà Bá Hạ bán rau muống…Còn 4 người bán rau cải bắp cuốn, 2 người bán cải bắp xòe, 1 người bán cà chua…đều là người ở nơi khác…Tôi sẽ đưa cây rau cải bắp về Bá Hiến này!” Ông Chủ Tịch (Ch.) nói: Tôi ủng hộ ông. Tôi bắt tay ông CT và nói: Cám ơn ông, ủng hộ tôi là: ai muốn đổi ruộng cho tiện làm rau, hãy cho họ tự do…Chuyện vui nhưng cũng là thực…Bấy giờ vẫn là cơ cấu tổ chức và sản xuất vẫn là HTX… Và tôi đã thành công…Nhiều người đã khá lên nhờ trồng rau, một người (A.Thể) sau 1 vụ rau đã xây nhà ngói. Bà con Vĩnh Phú lâu nay vẫn phải đạp xe về tận Bắc Ninh mua con rau cải bắp giống, hôm nào muộn phải đỗ nhờ TGM. Nay tại ruộng Bá Hiến Vĩnh Phúc có con rau giống “KK xịn” vẫn AC Thao Vân lên gieo giống thật, tại ruộng nhà thày Vinh. Bà con chuyên rau đi xe đạp khoảng 20 phút, nhổ con giống 15 phút, ra về kịp trồng: khi mặt trời mới nhú ngọn tre…hoặc lúc chiều tà, khi mặt trời còn chưa lặn…
Một dịp ĐC. Tụng yếu mệt kéo dài, cha Quảng có xin Ngài truyền chức LM cho số anh em chúng tôi…Đắn đo…Cuối cùng Ngài đã chấp thuận…
Một buổi tối ngày 16/09/1974, 7 anh em chúng tôi đã được báo trước, tới TGM dọn mình. Cha Can cảnh giới…dưới nhà… Phòng U8 chật chội (8m2)… đã tiến hành “Lễ Truyền Chức” hy hữu cho 7 anh em chúng tôi, Đức Cha Phaolô chủ tế và cha chính Đaminh giới thiệu… Danh sách ứng viên.
1 – Giuse Nguyễn Đức Hiểu, sinh 05/05/1947
2 – Giuse Trần Bá Hạnh, sinh 20/01/1945
3 – Giuse Phạm Văn Hải, sinh 22/10/1950
4 – Đaminh Nguyễn Văn Kinh, sinh 04/04/1944
5 – Giuse Nguyễn Quang Tuyến, sinh 16/06/1943
6 – Giuse Nguyễn Huy Tảo, sinh 04/11/1942
7 – Giuse Trần Quang Vinh, sinh 25/12/1938
Sau đó, Đức Cha giáo phận lại khỏe dần lên… Mọi việc trở lại trạng thái “thường khi” như cũ. Nửa năm sau, tôi đã xin Đức Cha…thi thoảng có dâng lễ Chúa Nhật một mình tại phòng riêng (tôi có nhà riêng, phòng riêng) Ngài đồng ý. Thánh lễ đầu tiên đêm (19/03/1975) trong đơn côi, cô tịch; nhưng sốt sáng và là nguồn động viên khích lệ lớn lao… Năm 1990, có dịp Đức Cha đi kinh lý Vĩnh Phúc đến nhà riêng, thăm nơi Dâng Lễ, tôi đã dẫn Ngài tới Phòng riêng, Ngài hỏi: sao không dâng buồng áo Nhà thờ. Tôi trả lời: Không kín đáo. Ngài im lặng, chấp thuận…
Trong những năm ẩn dật này, ngay từ khi ra trại (1972), tôi đã hòa đồng cùng cuộc sống quê hương…(thợ xây, máy khâu, nổ ngô, làm đậu…chăn nuôi, gieo con rau giống…Mục đích của tôi là tiếp cận mọi người và động viên cho lớp trẻ có nghề nghiệp, người dân có nghề phụ, để người nông dân được nâng cao cuộc sống…). Điều đó đã được chứng minh tại quê tôi…
Khi Chủng viện mở cửa lại, tôi và Cha Kinh được gọi về Trường, lúc đầu vì ngại…tôi có trình bày thoái thác, Nhưng Đức Cha, động viên như phương thế tối ưu, vì chính Ngài là Tác Nhân truyền chức không phép cho hai chúng tôi… Cuối cùng chúng tôi đã vâng lời về Đại Chủng viện 2 năm. Cùng với số các linh mục chui các giáo phận khác, họ đã công khai, nên vẫn đồng tế trong Thánh Lễ hằng ngày trong Chủng Viện. Riêng hai anh em Bắc Ninh chúng tôi vẫn âm thầm lặng lẽ là một chủng sinh học tập…Sau 2 năm ra trường, giáo phận Bắc Ninh có thông báo ngày “Tấn Phong Linh Mục” cho hai chúng tôi.
Ngày 04/08/1994: đông đủ mọi thành phần… Đầu lễ Đức Cha Phaolô chủ tế, đồng tế có Đức Cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến. Đức Cha chủ tế có đôi lời giới thiệu: Vì Thánh Lễ Truyền Chức Linh mục dài, nên chúng tôi đã lo liệu trước… Giờ đây cộng đoàn chúng ta chúc mừng hai Tân Linh Mục Giuse Trần Quang Vinh và Đaminh Nguyễn Văn Kinh, (cộng đoàn vỗ tay chúc mừng). Thánh Lễ diễn tiến bình thường. Sau Thánh Lễ có bài cám ơn, chụp ảnh lưu niệm, quà mừng, tiệc vui…
Sau ít ngày chúng tôi được sai đi công khai làm mục vụ…
Trích Hồi ký của Cha cố Giuse Trần Quang Vinh