Hội thảo chuyên đề: Văn hóa Quan Họ và niềm tin tôn giáo

Sáng 25.6.2016, hội thảo chuyên đề “Văn hóa Quan họ và niềm tin Tôn giáo” đã được tổ chức tại  trung tâm mục vụ giáo phận Bắc Ninh. Kết chạ văn hóa Quan họ và niềm tin Tôn giáo. Mối tình không chỉ đẹp mà còn thiêng liêng.

“Văn hóa Quan họ và niềm tin Tôn giáo” đã được họa nên cách đặc biệt bởi hai thuyết trình viên chính  là Cha Giuse Nguyễn Văn Chữ. OP; nghệ sĩ ưu tú Xuân Mùi, nguyên phó giám đốc nhà hát Quan Họ Bắc Ninh. Bên cạnh hai bài thuyết trình chính còn có những bài phát biểu tham luận của thầy Nguyễn Văn Cương, hiệu trưởng Trường trung cấp VH,NT&DL Bắc Ninh, và tổng kết của đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt SJ, giám mục giáo phận Bắc Ninh.

Hiện diện trong buổi hội thảo có đức cha Giáo phận, cha tổng đại diện Giuse Nguyễn Đức Hiểu và khoảng 60 tham dự viên.

Mở đầu hội thảo, cha tổng đại diện đã có lời khai mạc ý nghĩa. Sau đó, liền anh liền chị giáo phận Bắc Ninh đã “mời nước mời trầu” quý đấng bậc và các tham dự viên. Điều này như muốn hát lên “người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình, người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên.”“Mỗi khi khách đến chơi nhà”, người Kinh Bắc không chỉ “rót nước pha trà” mời khách, mà còn bằng câu hát thắm đượm tình nghĩa trên đôi môi tươi cười.

Đan xen những bài thuyết trình rất ý nghĩa về “Tôn kính tổ tiên” của cha giáo Giuse Nguyễn văn Chữ OP., và “Tương quan giữa văn hóa Quan Họ và tôn giáo của nghệ sĩ ưu tú Xuân Mùi là các làn điệu dân ca Quan Họ là các liền anh chủng sinh và  liền chị nữ tu.

“Canh hát” hôm nay được diễn ra từ 8h00 sáng bằng sự nhiệt tình để “ca một canh cho vui bàu vui bạn, vui xóm, vui làng, cầu may, cầu phúc.” Có người đã ví buổi hội thảo hôm nay như giọng La rằng trong văn hóa Quan họ.

Giọng La rằng đặc biệt quan trọng trong ca hát Quan họ. Nó chi phối nghệ thuật ca hát cả buổi hôm đó. La rằng giúp cả đôi bên sớm đi vào sự ăn nhập về cao độ, trường độ về sự vang, rền, nền, nẩy…của nghệ thuật ca hát. Không hát kỹ La rằng, hai giọng hát sẽ cứ chênh vênh, hụt hơi, với (cao) hoặc sỉn (thấp)… Vì thế, có câu nhắc nhớ: “Bắt lại La rằng một lần nữa đi, không thì lại chênh vênh đến sáng.” Kinh nghiệm cho thấy, nếu không ca được bài Là rằng cho vang, rền, nền, nẩy thì đừng nói chuyện ca Quan họ.

Thật thế, buổi hổi thảo hôm nay đã giúp tham dự viên hiểu hơn về văn hóa Quan họ không chứa sự oán hờn, căm thù. Âm thanh của quan họ chưa bao giờ chói tai, khó nghe nhưng luôn luôn mang đến cho thính giả sự mềm mại, uyển chuyển và tinh tế. Bởi Quan họ điểm đầu và mục đích là cảm xúc trữ tình làm say đắm lòng người.

Song song với đó, niềm tin Tôn giáo đã quyện lấy Quan họ. Để từ đó, niềm tin đem lại cho con người một ý nghĩa mới. Hướng về một mối tình thiêng liêng cao quý hơn, điều mà Quan họ cố gắng xây dựng mỗi ngày.

Được biết trước buổi hội thảo chuyên đề hôm nay, trung tâm mục vụ đã mở lớp học hát dân ca Quan Họ kéo dài một tuần do nghệ sĩ nhân dân Thúy Hường giảng dạy.

Chặng cuối là lúc người Quan họ mời nhau xơi tiệc mặn. Bữa tiệc của tình huynh đệ, bữa tiệc hiệp thông cho tất cả mọi người. Tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, nuối tiếc không nguôi như câu ca: “Người ơi người đừng về” hay “Con Nhện giăng mùng”…Nhiều lưu luyến để lại trong tâm hồn các tham dự viên và hẹn nhau rằng “…đến hẹn lại lên.”

_MG_1119 _MG_1122 _MG_1127 _MG_1128 _MG_1129 _MG_1158 _MG_1166 _MG_1180 _MG_1183 _MG_1194 _MG_1198 _MG_1206 _MG_1220 _MG_1228

Tôma Miên