Hội Trưởng Gia Đình GPBN – Tháng 5.2019

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN Tháng 05/2019

  1. LỜI CHÚA: Lc 10,38-42
  2. SUY NIỆM: Lắng nghe Lời của Chúa

Trên hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu được cô Mácta và Maria đón tiếp. Trong khi Mácta mải lo công việc phục vụ thì cô Maria đã ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Người giảng dạy. Với Chúa Giêsu, Maria đã chọn phần tốt nhất và không bị ai lấy đi.

Ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Người giảng dạy, có thể Maria đã phải vượt qua khỏi những tiếng xì xầm của đám đông dân chúng, về việc một phụ nữ mà dám ngồi vào chỗ của những môn đệ thân cận với Chúa để trở thành mộn đệ của Chúa. Không màng đến những chỉ trích của người khác, Maria đã chọn Thầy Giêsu cho đời mình và chăm chú lắng nghe Người.

Giây phút Maria lắng nghe Chúa thật sống động. Giây phút lắng nghe đó có lẽ giúp con tim của Maria rung động, mời gọi Maria nhận biết Thiên Chúa và nhận biết chính mình. Đây không còn là sự lắng nghe cách thụ động buồn chán, nhưng việc lắng nghe này giúp Maria có thể hiểu thêm về Thiên Chúa, để có thể tự hiểu chính mình, biết được con người thật của bản thân.

Việc lắng nghe của Maria không chỉ dừng lại ở việc thu nạp Tin Mừng được loan báo, nhưng Lời mà Maria tiếp nhận từ Thiên Chúa đã được ghi nhớ cách sâu đậm trong tâm hồn và mời gọi cô thực hành trong đời sống. Thái độ lắng nghe, ghi nhớ, và thực hành Lời của Chúa cũng là thái độ của Mẹ Maria luôn “hằng ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại” trong lòng về Lời của Thiên Chúa đối với cuộc đời của Mẹ qua những biến cố và qua Lời của Chúa Con. Qua việc lắng nghe, ghi nhớ và thực hành Lời của Chúa, người ta được nuôi dưỡng, lớn lên trong đức tin và xác tín về những điều mà Thiên Chúa đã, đang và sẽ làm trong cuộc đời của mỗi người.

Quên đi việc lắng nghe Lời của Chúa, người ta dễ rơi vào sự lo lắng, bận tâm, căng thẳng, thiếu kiên nhẫn, hay gây hấn, hăng tiết như cô Mácta. Vì mải lo việc phục vụ mà cô đã trở nên sợ sệt, lo lắng, không tìm lại được nụ cười và đánh mất đi căn tính của chính mình. Ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Lời của Người mở ra một lối thoát, giúp người ta tìm thấy lại niềm vui, khơi gợi trong tâm hồn con người niềm vui phục vụ mới.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người trưởng gia đình của chúng con luôn biết mở lòng, để lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng con trong đời sống thường ngày, nơi những biến cố mà chúng con gặp gỡ, qua những người chúng con trò chuyện, qua những lúc mà chúng con được lắng nghe Tin Mừng. Để nhờ việc lắng nghe này, mà chúng con sẽ luôn ghi nhớ và thực hành những điều Chúa mời gọi trong cuộc đời lữ hành của chúng con. Amen!

* Gợi ý chia sẻ

  1. Trong ngày sống của tôi, những giây phút nào tôi dành cho việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa? Phải chăng là khi tham dự thánh lễ, khi nghe đọc Tin Mừng, khi chầu Thánh Thể, hoặc trong khoảng thinh lặng?
  2. Trong gia đình, hội đoàn và xứ họ của mình, tôi đã lắng nghe và quan tâm đến người khác như thế nào hay là chỉ nói về chính mình?

III. CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH MỚI QUA ĐỜI.

1- Tômasô Nguyễn Văn Sỹ – Nhà xứ Nội Bài

2- Giuse Nguyễn Văn Bẩy – Giáo họ Toản Thanh – An Tràng

3- Inhaxiô Phạm Văn Hiển – Giáo họ I-Nhã – An Tràng

4- Inhaxiô Nguyễn Văn Long – Giáo họ I-Nhã – An Tràng

5- Đaminh Phạm Văn Hường – Nhà xứ Đại Lãm

6- Phanxicô Trần Văn Thi – Giáo họ Sen Hồ – Đạo Ngạn

7- Đaminh Lê Văn Khóa – Giáo họ Phú Thịnh – Yên Thịnh

8- Phêrô Nguyễn Văn Tô – Nhà xứ Vân Cương

9- Vixentê Lê Thanh Kết – Giáo họ Xăng-ty – Tân Cương

10- Đaminh Nguyễn Văn Cách – Giáo họ Soi Chiễn – Nhã Lộng

11- Giuse Trần Văn Nên – Nhà xứ Vinh Tiến

  1. CẦU NGUYỆN CHUNG: – Kinh Lạy Cha – Kính mừng – Sáng Danh – Kinh Ông thánh Giuse – Kinh Nguyện giỗ – Hát bài phù hợp – Kinh Trông cậy.
  2. HỌC TẬP:

QUY CHẾ HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH

GIÁO PHẬN BẮC NINH – Hiệu chỉnh 2019

(Các thành viên lưu lại bằng giấy, hoặc điện thoại hay máy tính để dùng làm tài liệu thay cho in sách)

DẪN NHẬP

Thiên Chúa Cha đã cử Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian để thực hiện kế hoạch cứu độ loài người, như lời Chúa Giêsu đã nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Chúa Giêsu đã thi hành kế hoạch ấy suốt cả cuộc đời: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Đức Giêsu Kitô. Phần Con, Con đã tôn vinh Cha dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao phó cho con làm” (Ga 17,3-4).

Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi sự trong mầu nhiệm Vượt Qua, nhưng ơn cứu độ phải được tiếp tục áp dụng cho mọi người đến tận thế. Khi còn sinh thời, Chúa Giêsu đã quy tụ các Tông Đồ, huấn luyện họ. Trước khi về với Chúa Cha, Người nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). “Vậy, anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuôn giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,19-20).

Các Tông đồ đã đón nhận sứ vụ ấy từ Đức Giêsu Kitô Phục Sinh và nhiệt tình thi hành trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô đã mở đầu bài giảng đầu tiên của người bằng những lời trích từ ngôn sứ Giôen như sau: “Trong những ngày ấy, Ta sẽ đổ Thánh Linh của Ta trên tôi tớ của Ta bất kì nam hay nữ, thì họ sẽ trở thành ngôn sứ” (Cv 1,18).

Cũng do Thánh Thần thúc đẩy, một số giáo dân nam nữ tình nguyện góp sức với các tông đồ trong việc truyền giáo, mà tên của họ đã được ghi lại trong sách thánh: hai vợ chồng A-qui-la và Pơ-rít-ki-la (Cv 18,2), gia đình Tê-pha-na (1 Cr 16,15), anh Ty-khi-cô, anh Ô-nê-xi-mô, anh A-rít-ta-khô, anh Ê-páp-ra, anh Lu-ca (x. Pl 4,1-18) và nhiều cộng sự viên khác.

Từ ngày ấy, giáo dân luôn có mặt cạnh hàng giáo phẩm để xây dựng Nước Chúa. Thật ra, công tác này vừa là bổn phận, vừa là vinh dự của người Kitô hữu, phát xuất từ bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Hội Thánh dạy: “Giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Hội Thánh. Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ. Đàng khác, các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, thông ban và nuôi dưỡng cho họ đức ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người. Nhân đức này là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ” (Hiến chế tín lí về Hội Thánh “Ánh sáng muôn dân”, số 33). Hội Thánh dạy tiếp: “Bởi vậy, nhiệm vụ cao cả của giáo dân làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới mọi người, ở mọi nơi và mọi thời đại”. (Hiến chế tín lí về Hội Thánh “Ánh sáng muôn dân”, số 33). (Còn tiếp)

Lm. Fx. Nguyễn Văn Huân

Đặc trách HTGĐGPBN

Download file word

Download file pdf