Linh mục như giếng nước hằng sống

 Sau gần 200 năm đón nhận Đức Tin, người xómTrám khát khao mòn mỏi vì gần 2 thế kỷ không có nổi một nữ tu chứ huống hồ nói chi đến linh mục. Ấy vậy mà năm nay, mạch nước mát làm thỏa cơn khát, niềm vui cứ nối tiếp niềm vui mới hôm 23 tháng 5 sơ Lơ về tạ ơn vĩnh khấn tại ngôi nhà thờ này, và cũng chỉ 13 ngày sau, chính là hôm nay đây, cha Inhaxiô Tư lại về ngôi thánh đường thân thương Mỹ Lộc dâng thánh lễ tạ ơn đầu đời Linh mục. Có thế nói năm nay giáo xứ  “Đẹp” lại còn lắm “Lộc”;  “song hỷ lâm môn” vừa có nữ tu khấn trọn, vừa có linh mục tiên khởi. Còn gì  đẹp hơn,  còn gì lộc lá hơn.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, khởi đi từ câu chuyện Chúa Giêsu với người phụ nữ bên bờ giếng ông Giacóp đầu làng Samaria trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe gợi hứng cho tôi những suy tư trong thánh lễ tạ ơn linh mục hôm nay đó là hình ảnh “Linh mục và giếng nước

  1. Giếng nước trong văn hóa người Việt

Từ ngàn năm nay, hình ảnh “Cây đa – giếng nước – sân đình” đã trở thành biểu tượng văn hóa ăn sâu vào tâm trí, vào đời sống của người Việt. Biết bao nhiêu những câu truyện, huyền tích về “giếng làng” được dệt thêu gắn liền với lịch sử của từng ngôi làng. Có lẽ vì thế mà mỗi lần có dịp vào làng Diềm cách tòa giám mục Bắc Ninh khoảng 5 km, tôi vẫn ghé thăm giếng Ngọc, đôi khi còn uống nước giếng ở đấy để lấy may. Bởi lẽ giếng làng Diềm là nơi sản sinh ra những làn điệu Quan Họ thiết tha, yêu mến, dịu dàng, tình tứ, ngọt ngào. Có lẽ cha Tư cũng đã từng uống nước giếng làng Diềm nên giờ mới trở thành linh mục nhẹ nhàng, dịu dàng đến vậy.

Hồi còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe các cụ kể về giếng nước làng Tiên Lục, chuyện rằng, một thầy địa lý đi ngang qua giếng liền phán, giếng này đào trúng mắt con rồng nên Tiên Lục mới có nhiều người bị toét mắt như vậy. Nghe vậy, nên lúc nhỏ cứ đinh ninh chuyện ấy là thật, khi lớn lên đi học mới biết người Việt nam vốn dĩ tin rằng “mắt toét là tại hướng đình” chứ đâu phải tại giếng làng đào sâu. Thành ra, lời thày địa lý phán xưa kia là nói phét, là sai bét. Chuyện xưa thì xưa, nó chỉ mang tính minh họa, vui kể buồn vương, chẳng thế mà ngày nay mắt người Tiên Lục chẳng những không toét mà còn sáng nhất vùng. Nếu nói theo kiểu Tiên Lục, thì mắt người Tiên Lục không những sáng nhất tỉnh Bắc Giang mà còn “tinh” nhất quả đất. Chẳng rõ những huyền tích về giếng nước xưa kia linh thiêng đến đâu mà người Mỹ Lộc khi nghe thấy thì hò nhau đi khơi lại giếng làng, vốn đã bị lấp với ước mong thần giếng sẽ hiển linh phù hộ cho dân làng.

Hôm lễ tạ ơn của Sơ Lơ, cha Gioakim Thành đã nhắc đến chuyện Mỹ Lộc phải đổi hướng cổng nên mới có nổi một sơ khấn trọn. Hôm nay xin bổ sung thêm một chi tiết thần thoại nữa là “Mỹ Lộc phải khơi lại giếng làng” nên mới có được linh mục tiên khởi sau gần 200 năm đón nhận Tin Mừng. Nếu nhớ không nhầm thì chục năm trước khi vừa mới khơi lại giếng làng, ngay lập tức thầy Tư đỗ chủng viện qua cầu Chương Dương sang Hà Nội tu học. Câu chuyện vừa thực vừa hư nhắc lại cho cho mỗi người chúng ta phấn khởi sau gần  2 thế kỷ khát mong nơi mảnh đất sỏi son này sinh ra một con trạch vàng. Hôm nay con trạch vàng ấy đã sinh ra bên giếng nước của người Mỹ Lộc và đang hiện diện giữa cộng đồng dân Thánh dâng hy tế tạ ơn Thiên Chúa. Câu chuyện về giếng nước của người Mỹ Lộc cũng như giếng làng của người Việt là những câu chuyện diễn tả về tính kết cộng đồng và hiệp thông chia ơn thánh trời ban. Ở bên những giếng làng ấy là nơi ghi dấu biết bao biến cố, biết bao kỷ niệm vui buồn của biết bao thế hệ con dân trong làng. Chẳng thế mà người Mỹ Lộc không những đặt tên cho cánh đồng ngay sát giếng là cánh đồng Giếng, lại còn  truyền tụng nhau câu thơ rằng: Giếng  Mỹ Lộc vừa trong vừa mát/ Đường Mỹ Lộc sỏi đá lắm ai ơi…

  1. Giếng nước trong Kinh Thánh

Cũng giống như trong văn hóa người Việt, trong Kinh Thánh giếng nước không những là nơi khởi đầu nhiều huyền tích, nhiều cuộc tình nên duyên vợ chồng  mà còn là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Câu chuyện giữa Môsê và nàng Xipôra diễn ra ở bên bờ giếng làng Mađian. Sách Xuất Hành trình thuật rằng:  Ông Môsê khi trốn chạy Pharaô đến miền Mađian, ông mệt mỏi và đến  ngồi bên bờ giếng làng. Một nhóm thanh viên choai choai đã trêu ghẹo và đuổi mấy thôn nữ đang đến lấy nước, Môsê thấy vậy nên đứng ra bảo vệ các thôn nữ, sau đó còn múc nước cho chiên của các thiếu nữ uống no nê. Nhờ hành động anh hùng, dũng cảm bên giếng làng Mađian mà Môsê đã cưới được nàng  Xíppôra làm vợ. Sau này Môsê đã trở thành anh hùng vĩ đại của dân Do thái và là vị trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người. Sách sáng thế cũng ghi lại mối tình giữa tổ phụ Isaac và nàng Rêbecca. Hai người gặp nhau bên bờ giếng nước đầu làng Nakhor, rồi đem lòng mộ mến để rồi về sau Isaác và Rebeca cũng nên duyên vợ chồng. (St 24,10-21)

Trong Tin Mừng, theo trình thuật của thánh Gioan, Đức Giêsu đã gặp và người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp. Cuộc đàm thoại giữa người Do Thái và người Samari vốn là điều cấm kị nhưng Đức Giêsu đã vượt qua rào cản bắt đầu bằng việc xin nước uống cho đỡ khát về phần xác: “Ai uống nước này, sẽ lại khát”. Câu chuyện đưa đẩy dần đến khi Đức Giêsu tiết lộ cho người phụ nữ Samaria biết thứ nước Người ban cho là nước trường sinh, sẽ đem lại “sự sống đời đời”. Câu chuyện bên bờ giếng Giacóp kết thúc ở đỉnh điểm là người phụ nữ và dân làng Samaria nhận ra Đức Giêsu là Đấng cứu độ mà muôn dân mong đợi.

  1. Giếng nước trong đời Linh mục

Người phụ nữ Samaria trong đoạn Tin Mừng nói trên là hiện thân của con người hôm nay đang khao khát nước hằng sống :  “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát.”  Bởi thế, sứ vụ linh mục là phải làm cho con người thỏa mãn cơn khát với dòng nước hằng sống, vì linh mục là hiện thân của Đức Kitô, nói như Vaticanô II thì linh mục là “Đức Kitô khác”. Linh mục qua bí tích truyền chức thánh đã nhận “nước hằng sống” là những “ân sủng” từ Đức Kitô và có sứ vụ phân phát ân sủng của Thiên Chúa cho con người qua các bí tích, qua việc giảng dạy Lời Chúa, qua đời sống cầu nguyện…. Nói cách khác, linh mục phải đáp ứng nhu cầu tâm linh đang khao khát của con người: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.”

Ngày nay, nhất là trong lúc đại dịch cúm Covid- 19 đang hoành hành trên thế giới làm cho nhiều người hoang mang, lo sợ, bất an… thì linh mục phải là nguồn nước “bình an”  đến cho mọi người. Không những vậy sống trong xã hội mà nhiều người khao khát sự thật vì xung quanh có quá nhiều  gian dối, gian ác, gian tham; nhiều người đang khao khát tự do, nhiều gia đình đang khát khao hạnh phúc vì có nhiều cặp vợ chồng đang trên bờ đổ vỡ, nhiều đứa trẻ đang  khao khát yêu thương vì bố mẹ không còn sống với nhau… Chắc chắn những người này sẽ đến xin với linh mục như dân Do Thái xin với Môsê “Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống” (Xh 17, 3-7). Vì vậy, linh mục là người làm thỏa mãn cơn khát của nhân loại bằng “ mạch nước hằng sống” giữa một  xã hội khô cằn.

Hình ảnh “Giếng nước đầu làng” cũng là hình ảnh của cuộc đời linh mục, có những lúc nước giếng trong xanh mát rượi, nhưng đôi khi giếng nước vẩn đục, bị ô nhiễm, thậm trí có những lúc giếng nước bị chiếm lấp, “Linh mục như giếng giữa đàng,/ người khôn rửa mặt người phàm rửa chân”. Vì vậy, giếng nước của đời linh mục phải luôn được thanh lọc bằng đời sống cầu nguyện và sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể như lời mời gọi của Thầy Chí Thánh: “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15:4). Mỗi khi  cử hành thánh lễ và ban bí tích là  lúc linh  mục trở thành mạch nước trong mát cho mọi người, dẫn đoàn chiên đến với Giếng nước hằng sống là Đức Kitô và làm thỏa mãn cơn khát của lòng người: “Linh hồn con khao khát Chúa, ôi Chúa Trời hằng sống.” Amen.

 Mỹ Lộc, thứ bảy ngày 6/6/2020

Lm. Phanxicô X. Nguyễn Văn Thắng