Lược sử Giáo họ nhà xứ Yên Mỹ

  1. Thông tin cơ bản

Tên gọi: Giáo họ nhà xứ Yên Mỹ.

Địa chỉ: 35 Nhà Chung, phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm thành lập: 1885.

Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi (07/10).

Giáo dân: Họ nhà xứ Yên Mỹ có 3000 nhân danh (8/2022). Yên Mỹ là một giáo xứ toàn tòng. Giáo dân ở đây sống tập trung trong tổ dân phố Yên Mỹ I và II. Ngoài ra, còn có sinh viên từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội II cư trú. Hầu hết các hộ dân trong xứ là lao động phổ thông, kinh doanh nhỏ lẻ và các ngành nghề khác nên đời sống kinh tế khá phát triển.

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Cộng đoàn Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Têrêsa, hội Lòng Chúa thương xót, ban Caritas, ban Bảo vệ sự sống, đoàn kèn thánh Cẩm, hội Đaminh giới trẻ, ca đoàn, hội trống trắc, huynh trưởng – giáo lý viên và Phong trào TNTT.

Nhà thờ: Ngôi nhà thờ hiện nay được xây dựng năm 2002 với kích thước: chiều dài 51m, chiều rộng 14m, và tháp chuông cao 27m.

Các giáo họ trực thuộc: Bảo An, Đồng Quỳ

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Theo lời các cụ cao niên kể lại, Yên Mỹ thuở sơ khai có những tên gọi khác như: “làng Nại Bái, “Sùng Rẫy” và “An Mỹ” (thời Pháp thuộc). Khoảng năm 1770 – 1772, một số thầy lang và thầy đồ từ miền xuôi đến Yên Mỹ dạy học và chữa bệnh rồi truyền đạo cho người dân trong vùng. Thời kỳ đầu đón nhận Tin Mừng, ở Yên Mỹ chỉ có khoảng 10 người theo đạo. Khoảng vài tháng sau đó, các nhà truyền giáo đã rửa tội cho gần 200 tín hữu. Sau hòa ước Nhâm Tuất năm 1862, quan quyền không còn bắt bớ đạo nên số nhân danh ở Yên Mỹ liên tục gia tăng. Những năm cuối thế kỷ XIX, làng Yên Mỹ có khoảng 300 nhân danh. Giữa bối cảnh này, dân họ Yên Mỹ đã cùng nhau xây dựng một nguyện đường nhỏ để có nơi sinh hoạt đức tin. Nguyện đường này mang kiến trúc thô sơ, có các cột chống bằng gỗ và tre nứa với phần mái lợp bằng cỏ tranh. Để củng cố đời sống đức tin cho các giáo hữu Yên Mỹ, các cha cố Tây vẫn thường lui đến họ đạo dâng lễ và động viên bà con nơi đây cậy trông vào Chúa.

Năm 1885, giáo xứ Yên Mỹ chính thức được thiết lập và có cha Nebzada Hòa (thừa sai Tây Ban Nha dòng Đaminh) về coi sóc. Ngài không chỉ lo cho các giáo hữu Yên Mỹ về đời sống thiêng liêng mà còn giúp họ chuyển làng để cải thiện đời sống kinh tế cũng như các vấn đề an sinh xã hội. Trước giai đoạn chuyển làng, giáo dân Yên Mỹ sống tập trung trong khoảng 1ha đất. Thổ nhưỡng ở đây kém thuận lợi, xung quanh làng là đầm sâu nước trũng nên rất khó để phát triển lâu dài. Bởi vậy, cha vận động bà con chuyển làng cũ đến định cư tại vị trí hiện nay. Tại nơi ở mới, cha đã lo liệu để giáo dân có 10000m2 đất xây dựng nhà thờ và nhà xứ. Thời gian sau khi có đủ điều kiện, giáo xứ Yên Mỹ đã xây dựng được một ngôi thánh đường có kích thước: chiều dài 50m, chiều rộng 10m, chiều cao tường nhà thờ 12m, đỉnh vòm tum cao 20m và tháp chuông cao 31m.

Kể từ khi thành lập năm 1885, giáo xứ Yên Mỹ có nhiều hoạt động tông đồ và bác ái. Ngoài công việc mục vụ của các cố Tây cũng như của các chức sắc trong giáo xứ, giáo dân Yên Mỹ đã chung tay xây dựng một giáo xứ trong tình liên đới với những người thuộc tôn giáo bạn. Năm 1920, Đức cha Maximino Velasco Khâm xây dựng tại Yên Mỹ một cơ sở dòng nữ Đaminh[1] (diện tích khoảng 3000m2). Cơ sở này dần trở thành cô nhi viện, nơi chăm sóc các trẻ em bị bỏ rơi lớn nhất vùng trong thời gian đó.

Năm 1949, theo chính sách “tiêu thổ kháng chiến”, chính quyền xã Cao Minh đem mìn vào đánh sập và phá nát nhà thờ Yên Mỹ. Năm 1950, cha xứ Vinhsơn Phạm Khắc Đoan cùng bà con giáo dân nơi đây tiến hành xây dựng tạm một ngôi nhà để lấy chỗ đọc kinh cầu nguyện. Trong khoảng hai năm sau, cha Đoan chuyển xứ và cha Phêrô Nguyễn Đình Thất về thay thế.

Năm 1954, cha xứ Phêrô cùng đông đảo bà con giáo dân Yên Mỹ di cư vào miền Nam. Biến cố này khiến đời sống của các giáo hữu ở lại Yên Mỹ rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Riêng cơ sở của nhà dòng nữ Đaminh chỉ còn lại bà Hiền, cô Thiêng, cô Phan và cô Đức coi sóc. Một thời gian sau, cô nhi viện chính thức ngừng hoạt động.

Năm 1955, Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn (bấy giờ là giám mục Bắc Ninh) cử cha Giuse Nguyễn Hữu Tất về coi sóc xứ Yên Mỹ. Sau trận bão lớn đêm mồng 09/8/1958, phần mái của ngôi nhà thờ tạm bị đổ sập. Được một thời gian, hợp tác xã trưng khu đất nhà thờ và chiếm dụng làm kho chứa thóc. Trước tình cảnh này, cha Giuse cùng bà con giáo dân tiến hành sửa lại cô nhi viện để có nơi thờ phượng.

Khi cha Giuse Tất qua đời (21/4/1971), giáo dân Yên Mỹ không còn cha ở trực tiếp để chăm sóc trong thời gian này. Những năm tháng sau đó, giáo phận Bắc Ninh lâm vào cảnh “một linh mục rưỡi”. Để củng cố đời sống đức tin của các giáo hữu nơi đây, cha Giuse Trần Đăng Can (quản hạt Vĩnh Phú) thường đến Yên Mỹ dâng lễ vào những dịp đặc biệt.

Ngày 29/6/1998, giáo phận Bắc Ninh hân hoan vui mừng cử hành Thánh lễ truyền chức linh mục sau 24 năm vắng bóng. Đến tháng 9 năm 1999, cha Giuse Bùi Xuân Bính được bổ nhiệm làm cha chính xứ Yên Mỹ. Thời gian đầu, cha Giuse củng cố đời sống cộng đoàn cũng như các hoạt động khác để gây dựng giáo xứ. Năm 2002, Đức cha cố Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến về Yên Mỹ dâng Thánh lễ tạ ơn và đặt viên đá khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới trên nền nhà thờ cũ. Nhà thờ này có kích thước: chiều dài 51m, chiều rộng 14m, tháp chuông cao 27m. Sau 5 năm xây dựng, ngày 09/12/2007, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt về giáo xứ Yên Mỹ dâng lễ khánh thành và làm phép ngôi thánh đường.

  1. Đời sống đức tin

Trải qua hơn 200 hình thành và phát triển, giáo xứ Yên Mỹ luôn là điểm sáng đức tin trong giáo phận. Với nền tảng đức tin dày dặn, đời sống sinh hoạt đức tin của giáo họ khá sinh động. Hiện nay, giáo họ có các hội đoàn như: huynh đoàn giáo dân Đaminh, Trưởng gia đình, Mân Côi, Têrêsa, Lòng Chúa Thương Xót, ban Caritas, ban Bảo vệ sự sống, đoàn kim nhạc, ca đoàn, hội trống trắc, phong trào TNTT. Hơn nữa, giáo họ Yên Mỹ còn đóng góp cho cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội 3 linh mục và 2 nữ tu. Hiện nay, ở Yên Mỹ có Thánh lễ 4 buổi trong tuần.

[1] Ngày nay, nhà dòng Nữ Đaminh không còn vì di cư vào Nam những năm 1954. Cơ sở của nhà dòng được Đức cha giáo phận trao lại cho các nữ tu Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất. Hiện cư xá còn giữ lại chiếc cổng cũ với dòng chữ: Dominicaines, 1934.

BTT Giáo Phận