Lược sử giáo xứ Lai Tê

Cùng bạn xuôi về xứ Lai Tê

Theo dòng kỷ niệm chốn thôn quê

Bờ cây hóng mát sông Đồng Khởi

Ngân vang khắp cõi tiếng chuông chiều.

Ân cả phúc đầy Thiên Chúa đổ

Niềm tin cậy mến đã trổ sinh

Tìm về nguồn cội lòng sâu lắng

Mảnh đất quê nhà đẫm Phúc Âm.

Có lẽ Lai Tê được coi như là một họ đạo, có nhà thờ mang tước hiệu thánh Phanxico Xavie, thuộc giáo xứ Kẻ Mốt,[1] giáo phận Bắc Đàng Ngoài kể từ năm 1883. Trước đó, Lai Tê chỉ là một giáo điểm truyền giáo, gọi là xóm Trại[2], thuộc giáo phận Đông Đàng Ngoài.

Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng: Tính đến năm 1848, Lai Tê có một linh mục; năm 1862, Lai Tê có 13 vị đầu mục và 3 thầy giảng hiền phúc tử đạo; có cha đến dâng lễ, có các chú giúp lễ hay thầy giảng; có Kiệu Vàng Bát Cống và dựa vào sự việc khi thánh Vicentê Đỗ Yến, cha xứ Kẻ Mốt chịu tử đạo, bà con giáo dân Lai Tê và Thọ Ninh rước xác về Thọ Ninh…ta có thể nói rằng: Khi ấy, Lai Tê là một giáo điểm lớn mạnh và sầm uất.

Khoảng những năm 1902 – 1925, Đức Cha Maximino Velasco Khâm đến kinh lý các giáo xứ, giáo họ khu vực huyện Lương Tài và đã tách các giáo họ Lai Tê, Thọ Ninh và Nghĩa La; lập ra một giáo xứ mới, gọi là giáo xứ Lai Tê. Khi đó, giáo xứ Lai Tê bao gồm toàn bộ phía tả ngạn sông Thái Bình, nằm trong địa giới xã Trung Chính và xã Phú Lương hiện nay. Về sau, có thêm họ Quốc Trinh (Ấp Chanh). Tuy nhiên, giáo họ này chỉ tồn tại cho tới năm 1947. Bởi vì sau khi chiến tranh Việt – Pháp leo thang, toàn bộ gia đình chủ Ấp (Quan Thị) di rời đi nơi khác. Số giáo dân còn lại trở về bản hương, đa phần là Thứa. Hiện nay, giáo họ Nghĩa La đang quản lý Khu Vườn Thánh[3] của giáo họ này. Ngoài ra, bên cạnh Thọ Ninh còn có một giáo điểm mà trong sổ rửa tội Lai Tê 1906-1932, sổ hôn phối Lai Tê 1908-1952 có ghi, đó là họ Thủy Xá. Họ đạo này bao gồm một số gia đình sinh sống ở trên thuyền, thường đậu ở sông Cẩm Giàng, đoạn Thọ Ninh. Về sau bà con giáo dân của họ đạo này lên bờ và nhập vào Thọ Ninh.

Năm 1952, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn tách Thọ Ninh ra khỏi giáo xứ Lai Tê, gọi là xứ Thọ Ninh. Khi ấy, Thọ Ninh có cha Thanh về coi xứ. Tuy nhiên, do những biến cố thời đại, phần đông bà con giáo dân Thọ Ninh di cư vào Miền Nam (4/5 giáo dân di cư). Sinh hoạt đạo của các giáo xứ trong vùng đều do Cha quyền coi sóc. Như thế, đến năm 1952, Lai Tê chỉ có một họ lẻ là họ Nghĩa La và địa giới thu hẹp lại, chỉ trong xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Hiện tại, xã Trung Chính chỉ có hai làng Công Giáo toàn tòng là Lai Tê và Nghĩa La. Cả giáo xứ Lai Tê có khoảng 1940 tín hữu/ 10134 người dân trong toàn xã,[4] trong đó, giáo họ Lai Tê có khoảng 1470 tín hữu, giáo họ Nghĩa La có khoảng 470 tín hữu. (xem bản đồ)

Ngày nay, Lai Tê được xem như là một trong những giáo xứ năng động và trưởng thành thuộc giáo phận Bắc Ninh. Thế nhưng, có mấy ai biết được rằng cộng đoàn đức tin này đã phải trải qua biết bao thăng trầm, thử thách. Dường như ít người biết đến Lai Tê là quê ngoại của thánh Đa Minh Cẩm, là nơi thánh nhân lớn lên và cũng chính là nơi thánh nhân gửi lại thân xác mình. Đâu mấy người biết được rằng trong 100 vị đầu mục tử đạo tại thành Bắc Ninh năm 1862, Lai Tê được phần vinh dự và tự hào vì có 13 vị là người Lai Tê. Thêm vào đó là ba vị hiền phúc tử đạo đang gửi thân xác mình tại Lai Tê. Tìm lại những hình ảnh, những câu chuyện vui buồn ít người biết đến ấy, người viết ước mong có thể góp phần nhỏ bé của mình, hướng tới việc kỷ niệm 90 năm xây dựng ngôi thánh đường, hơn 100 năm thành lập giáo xứ và hơn 200 năm đón nhận Tin Mừng.

[1] Cũng có người cho rằng: Lai Tê khi ấy là họ lẻ của giáo xứ Tử Nê. Tuy nhiên, dựa vào những gì thu thập được, người viết cho rằng Lai Tê là họ lẻ của giáo xứ Kẻ Mốt thì hợp lý hơn.

[2] Xóm Trại: Là cách gọi những người theo Đạo Công Giáo trong xã Lai Xá, nhằm phân biệt với tên gọi hành chính thay đổi theo từng thời kỳ. Tên gọi này được sử dụng cho tới khi Lai Tê trở thành một làng Công Giáo toàn tòng.

[3] Khu Vườn Thánh: Hiện nay, khu Vườn Thánh này nằm ở khu vực phía sau gia đình ông bà Tuân Đối và gia đình ông bà Thiệp Thê.

[4] Thống kê dân số năm 2014 của Ủy Ban Nhân Dân xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

…………………….

                                                                               Giuse Hoàng Nguyên