Năm thánh bắt nguồn từ đâu?
CÙNG TÌM HIỀU VỀ LỊCH SỬ NĂM THÁNH
- NĂM THÁNH, NĂM HỒNG ÂN THEO KINH THÁNH
Câu 12. Năm Thánh bắt nguồn từ đâu?
Đáp: Hạn từ “Năm Thánh” bắt nguồn từ tiếng Do Thái: “יוֹבֵל” (yôvēl hay Jôbel) nghĩa là “thổi tù và báo hiệu Năm Đại xá”. Thuật ngữ này được dịch sang tiếng Latinh là jubilæus. Theo nguyên ngữ Latinh: Annum Jubilaei được hiểu là Năm Hồng Ân hay Năm Toàn Xá. Tuy nhiên, từ Năm Thánh 1475, tên gọi Năm Thánh (Annus Sanctus – tiếng Latinh; Holy Year – tiếng Anh) được sử dụng phổ biến và mang ý nghĩa hơn trong Giáo Hội Công Giáo, so với danh từ Năm Ân Xá (Annum Jubilæi hay Jubilaeum) có nguồn gốc và ý nghĩa của Cựu Ước và Do Thái giáo hơn.
Câu 13. Năm Thánh là gì?
Đáp: Năm Thánh là một thời kỳ hồng ân, qua đó Thiên Chúa ban ơn đặc biệt khi con người mở lòng để canh tân, thống hối và đón nhận tha thứ của Người. Vì vậy, Năm Thánh là thời gian mà con người được mời gọi khẩn thiết sống và thực thi việc thống hối và canh tân, dứt khoát từ bỏ tội lỗi, sống mối tương quan tình yêu với Thiên Chúa, hòa giải và hiệp nhất với tha nhân, với vũ trụ vạn vật.
Câu 14. Những nguyên tắc căn bản để sống Năm Thánh trong Cựu Ước là gì?
Đáp: Năm Thánh được sống với ba nguyên tắc căn bản: nguyên tắc đầu tiên liên quan đến “kỳ nghỉ ngơi của đất đai”, sau bảy năm, đồng ruộng phải bỏ hoang một năm (x. Lv 25, 11); nguyên tắc thứ hai liên quan xoá nợ và hoàn trả nguyên vẹn (cho chủ sở hữu ban đầu) những mảnh đất bị chuyển nhượng và bán đi (x. Lv 25,23-34); nguyên tắc thứ ba liên quan đến trả tự do và giải phóng nô lệ: mọi người Israel – nếu là nô lệ – phải được tự do (x. Lv 25, 35-55; Ed 46,17; Gr 34,14-17; Is 61,1-2).
Câu 15. Chúa Giêsu nói gì về Năm Thánh?
Đáp: Luật Môsê về Năm Hồng Ân được Isaia nhắc lại: “Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, chữa lành những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is 61,1-2). Đây là những lời mà Chúa Giêsu đã áp dụng cho mình lúc khởi đầu sứ vụ khi tuyên bố rằng “Năm hồng ân của Chúa” đã được thực hiện nơi chính Người (x. Lc 4,18-19; SCNT, 10).
- NĂM THÁNH TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Câu 16. Năm Thánh trong Giáo Hội Công Giáo bắt đầu từ khi nào?
Đáp: Khởi đi từ nền tảng Kinh Thánh, Năm Thánh đầu tiên trong Giáo Hội Công Giáo được khai mở vào năm 1300 thời Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII với Tông sắc Antiquorum habet fida relatio, ban hành ngày 22/02/1300 (x. SCNT, 5).
Câu 17. Chu kỳ Năm Thánh thông thường trong Giáo Hội Công Giáo là bao nhiêu năm?
Đáp: Chu kỳ Năm Thánh thường lệ trong Giáo Hội là: 100 năm, 50 năm, 33 năm và 25 năm.
Câu 18. Tại sao chu kỳ Năm Thánh trong Giáo Hội có sự thay đổi từ 100 năm xuống còn 50 năm?
Đáp: Năm Thánh được quy định với chu kỳ 100 năm vào thời Đức Giáo Hoàng Bônifaciô VIII năm 1300. Vì 100 năm quá lâu so với một đời người, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VI qua Tông sắc Urigenitus Dei Filius, ngày 27/01/1343 ấn định thời gian Năm Thánh là 50 năm và hiện thực vào năm 1350.
Câu 19. Chu kỳ 25 năm của Năm Thánh được ấn định khi nào?
Đáp: Chu kỳ 25 năm được nhiều Giáo hoàng xác quyết như: Đức Giáo Hoàng Phaolô II qua Tông sắc Ineffabilis Providentia, ngày 19/4/1470; Đức Giáo Hoàng Giuliô III, với Tông sắc Si pastores ovium, ngày 24/02/1550; Đức Giáo Hoàng Sixtô IV, qua Tông sắc Salvator Noster Dei Patris, ngày 26/3/1472, đã tái xác nhận chu kỳ Năm Thánh với 25 năm. Chu kỳ 25 năm cho một Năm Thánh theo thể thức thông thường đã được Giáo Hội “đóng ấn” từ Năm Thánh 1475 cho đến thời đại chúng ta với Năm Thánh 2000, và Năm Thánh 2025.
Câu 20. Tại sao có chu kỳ Năm Thánh 33 năm?
Đáp: Năm Thánh theo chu kỳ 33 năm được ấn định vào thời Đức Giáo Hoàng Grêgoriô XI qua Tông sắc Salvator Noster Dominus, ngày 29/4/1373, ban hành tại Avignon. Ấn định chu kỳ Năm Thánh theo tuổi đời của Chúa Giêsu.
Câu 21. Những Năm Thánh thường lệ gần đây là năm nào?
Đáp: Năm Thánh 1950 với sứ điệp Hoà bình, do Ðức Giáo Hoàng Piô XII khai mạc sau những đau thương tàn khốc của Thế chiến II; Năm Thánh 1975 được khai mở bởi thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, với ý hướng Canh tân và Hoà giải; Đại Năm Thánh 2000 dưới thời thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Câu 22. Khác biệt giữa Năm Thánh thường lệ và Năm Thánh ngoại thường là gì?
Đáp: Năm Thánh thường lệ diễn ra theo chu kỳ được ấn định, chẳng hạn Đại Năm Thánh 2000, Năm Thánh 2025; còn Năm Thánh ngoại thường được một Giáo hoàng khai mở vào những dịp đặc biệt để Giáo Hội sống mầu nhiệm đức tin và canh tân đời sống kitô hữu.
Câu 23. Những Năm Thánh ngoại thường gần đây là gì?
Đáp: Năm Thánh ngoại thường đầu tiên là vào năm 1423, do ý muốn Đức Giáo Hoàng Martin V. Gần đây, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công bố Năm Thánh 1966 nhân dịp bế mạc Công đồng Vatican II; Đức Gioan Phaolô II cử hành Năm Thánh năm thứ 1950 của Ơn Cứu Chuộc (1983-1984); Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI muốn cử hành Năm Thánh Phaolô nhân dịp kỷ niệm hai ngàn năm ngày sinh của vị Tông đồ dân ngoại (28/6/2008 – 29/6/2009); Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót vào năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vaticanô II.
Câu 24. Giáo phận Vinh đã có những Năm Thánh nào?
Đáp: Cho đến nay, Giáo phận Vinh đã có ba Năm Thánh: 1) Năm Thánh (1991-1992) kỷ niệm 100 năm Đức cha Louis Pineau Trị dâng giáo phận cho Đức Mẹ; 2) Năm Thánh (27/3/2015-27/3/2016) mừng kỷ niệm 170 năm thành lập giáo phận Vinh (1846-2916); 3) Năm Thánh (01/01-31/12/2018) kỷ niệm 100 năm thành lập Tuần Chầu Lượt (1918-2018).[3]
Câu 25. Cửa Thánh là gì?
Đáp: Cửa Thánh là cửa Đền Thờ được xây kín tường và chỉ được mở ra vào dịp Năm Thánh. Không chỉ là một giới hạn không gian, Cửa Thánh là biểu tượng của một khoảng thời gian thánh thiêng, là lối mở ra để tiến vào Đền Thánh Chúa, là dấu chỉ của Chúa Kitô, Đấng là Cửa, là Con Đường dẫn con người đến với Thiên Chúa (x. Ga 10,9; 14,6). Cửa Thánh được đặt tại các Đền Thánh chính ở Rôma: Đền thờ thánh Phêrô, Đền thờ thánh Gioan Laterano, Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, và Đền thờ Đức Bà Cả.
Cửa Thánh được mở khi Khai mạc Năm Thánh và được đóng lại khi bế mạc Năm Thánh. Nghi thức khai mạc Năm Thánh thường đi liền với việc mở Cửa Thánh. Nghi thức mở Cửa Thánh diễn tả ý nghĩa biểu tượng rằng, suốt Năm Thánh này người tín hữu được hưởng một “hành trình đặc biệt” hướng tới ơn cứu rỗi.
Câu 26. Cửa Thánh của Năm Thánh thường lệ 2025 được mở khi nào?
Đáp: Cửa Thánh của Năm Thánh 2025 chính thức được khai mở bằng việc mở Cửa Thánh Đền thờ thánh Phêrô vào ngày 24 tháng 12 năm 2024, lễ Giáng sinh, và sau đó, các Cửa Thánh tại các Đền thờ Laterano, Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành và Đền thờ Đức Bà Cả sẽ được mở vào những ngày tiếp theo (x. SCNT, 6).
Đại Chủng viện thánh Phanxicô Xaviê
———————–
[3] Tòa Giám mục đã gửi Thư thỉnh nguyện xin Đức Giáo Hoàng ban Ơn Toàn Xá cho các tín hữu trong thời gian đặc biệt này. Ngày 15 tháng 12 năm 2017, thừa lệnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tòa Ân Giải Tối Cao, qua các văn thư Prot. N. 1344/17/I và Prot. N. 1345/17/I, đã chấp thuận cho các tín hữu được hưởng Ơn Toàn Xá từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31/12/2018.
NHỮNG TỪ VIẾT TẮT
LG: CĐ Vatican II, Hiến chế về Giáo Hội, Lumen gentium
SC: CĐ Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum concilium
GLHTCG: Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo
KMNT: Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Giáo Hội địa phương
BMNT: Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Nghi thức bế mạc Năm Thánh tại các Giáo Hội địa phương
EG: Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium
FT: Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti
SCNT: Đức Phanxicô, Sắc chỉ Năm Thánh 2025: Spes non confundit
QCSL: Quy chế Sách lễ Rôma 2000
TDCG: HĐGMVN, Từ điển Công giáo