Lễ giỗ đầu cha Giuse Phạm Sĩ An

Sáng ngày 16 tháng 02 năm 2021 (tức ngày mùng 5 tết Tân Sửu), Đức cha giáo phận Cosma Hoàng Văn Đạt SJ  chủ tế thánh lễ  nhân ngày giỗ đầu cha Giuse Phạm Sĩ An. Vì đang trong đợt dịch Covid – 19 bùng phát  trong cộng đồng, nên lễ giỗ đầu cha Giuse được tổ chức đơn giản tại nhà nguyện Tòa giám mục Bắc Ninh.

Đồng tế trong thánh lễ có cha tổng đại diện Phêrô Nguyễn Công Văn,  quý cha ở Tòa giám mục và mấy  anh chị em giáo dân ở giáo xứ nhà thờ chính Tòa Bắc Ninh.

Ngỏ lời với cộng đoàn trong thánh lễ, Đức cha chia sẻ cuộc đời cha Giuse như  hình ảnh ông Gióp trong Kinh Thánh.  Cho dù trải qua biết bao đau khổ , nhưng cha Giuse vẫn trung tín với Chúa đến cùng.

Cha Giuse Nguyễn Đức Hiểu, một linh mục cao niên trong giáo phận đã sống nhiều năm với cha Giuse Phạm Sĩ An  chia sẻ trong thánh lễ, ngài nói: trong hoàn cảnh khó khăn của Giáo hội miền bắc  sau  năm 1954, cha Giuse chịu chức linh mục trong âm thầm, sau đó phải đi cải tạo nhiều năm. Sau khi mãn hạn cải tạo cha Giuse phải đi làm công nhân và sống như một linh mục thợ, khi được trở về giáo phận thì cha Giuse tiếp tục sống âm thầm ở nhà xứ Xuân Hòa. Đến khi thời cuộc dễ dàng hơn,  các linh mục chịu chức chui có thể hoạt động mục vụ công khai thì cha Giuse lại bị bệnh tật…. Có thể nói,  cha Giuse là con người luôn sống âm thầm như thánh Giuse bổn mạng của ngài, nhưng trên hết cha Giuse vẫn kiên trung với Chúa đến hơi thở cuối cùng.

Chiều hôm trước  ngày giỗ, Đức cha, quý cha và quý thầy ở Tòa giám mục đã ra nghĩa trang thắp nhan và đọc kinh cầu nguyện cho cha Giuse.

Xương Giang

CHA GIUSE PHẠM SĨ AN – CHỨNG NHÂN THẦM LẶNG VÀ KIÊN TRUNG

Trong ý định của Thiên Chúa, Ngài đã chọn gọi cha Giuse từ khi cha được thai nghén trong lòng mẫu thân. Cũng chính Thiên Chúa đã chuẩn bị cho cha Giuse được sinh ra trong một gia đình Công giáo, một xứ đạo toàn tòng. Ơn gọi dâng hiến cứ dần dần mọc lên, tươi cành xanh lá giữa những bão giông cuộc đời và không ngừng trổ sinh hoa trái tốt lành. Hành trình 80 năm cuộc đời với hơn 55 năm linh mục của cha Giuse Phạm Sĩ An là một hành trình đầy ắp thử thách và gian truân, nhưng trên hết cha Giuse đã kiên trung sống đời dâng hiến trong thầm lặng để đến hôm nay Thiên Chúa đưa tay hái trái thơm Bình An đem về nước trời.

Cha Giuse Phạm Sĩ An sinh ra trong một gia đình truyền thống đạo hạnh tại giáo xứ Phượng Mao, vốn là giáo xứ sầm uất, có 10 vị đầu mục tử đạo, cách Tòa Giám mục chưa đầy 10km. Cha Giuse sinh  ngày 16 tháng 3 năm 1940, trước ngày kính Thánh Giuse 3 ngày nên khi rửa tội ông bà cố đặt cho con trai tên thánh là Giuse, khác với tên thánh truyền thống của gia đình là Đôminicô và đặt tên gọi là An với ước mong sau này cậu bé luôn sống trong bình an và gieo rắc bình an cho cuộc đời.

Hành trình ơn gọi của cậu An cũng thật tình cờ. Năm lên 10 tuổi, trong lúc gia đình tản cư tới Đạo Ngạn, cậu được một bà cô họ là dì phước ở Đạo Ngạn dẫn tới gặp cha già Lộc lúc đó đang ở tạm Đạo Ngạn để xin ở với ngài. Năm 1952, cha già Lộc về coi sóc Cẩm Giang, cậu An lại khăn gói quả mướp theo cha cố. Về đây cậu tiếp tục được đi học trường tiểu học lớp nhì, rồi lớp nhất do thầy cô giáo từ Hà Nội về dạy. Cậu An chăm chỉ học tập rèn luyện bản thân dưới sự kèm cặp rèn rũa của cha cố Lộc. Cha già Lộc đã rèn rũa cho cậu An tinh thần học tập chăm chỉ và nghiêm túc từ các việc ở nhà thờ như dọn lễ, giúp lễ, xướng kinh, đọc sách các tối trong tháng Đức mẹ, tháng cầu cho các linh hồn.

Năm 1954 cậu An đỗ bậc tiểu học với số điểm rất cao xếp thứ 6 và nghiễm nhiên được tuyển  vào chủng viện Antôn Ninh Đạo Ngạn. Nhưng cũng chính năm 1954 ấy đất nước bị chia đôi và chủng viện Anton Ninh Đạo Ngạn di cư vào Nam. Chú An đã ở lại Giáo phận cùng với cha già Cố. Năm 1955, giáo phận Bắc Ninh gửi  20 chú (trong đó có chú An) sang chủng viện Gioan Hà Nội tu học. Chủng viện Gioan do Đức cha Khuê lập và được giao cho cha Phaolô Phạm Đình Tụng làm giám đốc. Chú An học tập rất chăm chỉ, học giỏi các môn toán, tiếng Pháp, tiếng Latinh. Vì viết chữ đẹp và rõ ràng nên chú An được chọn để ghi chép mỗi khi làm sổ sách hay trình bày báo tường. Ở chủng viện, chú An được bề trên đánh giá là: hiền lành, cầu an, có khả năng làm văn thư.

Chủng viện Gioan hoạt động trôi chảy được mấy năm, nhưng ngày một khó thêm. Tới năm 1960 chủng viện đóng cửa, các chủng sinh đến, rồi lại về chờ đợi. Phần chú An về Xuân Hòa ở với cha cố Lộc, trong thời gian này chú An phải tự học, và  “mài mòn đũng quần trên yên xe đạp” chạy mấy chục cây số từ Xuân Hòa ra Hà Nội học hàm thụ suốt mấy năm trời. Nhưng với tinh thần hiếu học, ham tiếp thu nên chú An xem như đó là chuyện thường tình, đạp xe rèn luyện sức khỏe. Ngày 05 tháng 10 năm 1963, cha Phaolô Phạm Đình Tụng – Giám đốc chủng viện Gioan về làm Giám mục Bắc Ninh thành ra việc học tập của chú An trở nên thuận lợi. Chú An tiếp tục lui tới với Đức cha Tụng vừa học hàm thụ các môn thần học vừa hỗ trợ Đức cha các công việc giấy tờ văn thư.

Bước sang năm 1964, tình hình biến động hơn rất nhiều, chính quyền lúc này thắt chặt kiểm soát. Trước tình cảnh như thế, việc tu học hàm thụ của thầy An được đẩy nhanh tiến độ. Nhằm lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô năm 1964, Đức cha Tụng quyết định đặt tay truyền chức linh mục cho thầy An tại phòng nguyện U8 trong đêm 29 tháng 06. Trước giờ Thánh lễ, thầy An chuẩn bị tâm hồn, suy nghĩ lại lần cuối về sự lựa chọn của mình, thầy có viết một giấy cam đoan rất ngắn hứa trung thành bước theo Thày chí thánh, dẫu gặp gian nan thử thách, thầy ai viết: “thật cảm động trước tình yêu của Chúa qua cha giám đốc, các cha – các thày giáo, cha già nghĩa phụ và giáo dân quanh tôi, tôi lựa chọn theo Chúa Giêsu trên con đường tế tự và phục vụ với tinh thầnTình yêu Chúa Kitô thôi thúc tôi” (2Cor 5,14)”. Đêm khuya lễ truyền chức mới bắt đầu, có tất cả 4 người gồm Đức cha Tụng, cha già Lộc, thầy già Triệu và thầy tiến chức An. Lễ đang diễn ra thì có động tĩnh, phải ngưng lại nghe ngóng, đức cha chủ tế giữ cửa để thầy An trèo lên trần nhà. Ít phút sau khi thấy yên, nghi thức truyền chức lại tiếp tục. Đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời Giám mục, Đức cha Tụng cử hành lễ truyền chức, đánh dấu một giai đoạn sóng gió trong cuộc đời của cha An cũng như lịch sử Giáo phận.

Sớm hôm sau, cha An trở về Xuân Hòa cùng cha cố Lộc. Thánh Lễ tạ ơn của ngài cũng chỉ có vỏn vẹn hai cha con. Từ hôm truyền chức, cha An không đi đâu ra khỏi cổng làng Xuân Hòa. Nhưng việc gì đến cũng phải đến, ngày 24 tháng 7 năm 1964, Cha An phải đi tập trung cải tạo ở Hà Giang và  Lào Cai tổng cộng 11 năm. Ở đâu cha An cũng sống hiền hòa, khiêm nhu nên được nhiều bạn tù thương mến, tin tưởng.

Cha Giuse  dành thời gian rảnh rỗi để trau dồi kiến thức cho bản thân và không ngừng hy vọng vào tương lai tươi sáng. Ngài chăm chỉ cầu nguyện sớm tối, vững tâm tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng sẽ dẫn bước ngài trong cuộc đời. Ngài không hề oán trách hay giận hờn những người làm hại mình, thay vào đó ngài âm thầm chịu đựng, tha thứ và cầu nguyện cho họ.

Năm 1975, cha An được đưa về giam tại Hỏa Lò, một tuần sau đó được đưa về trại Hà Bắc vốn là nơi cha đã bị giam cách đó 11 năm. Sau một tháng, chính quyền đưa cha An tới một gia đình ở Mỹ Độ gần đầu cầu Bắc Giang để thăm dò thái độ. Trước lời mời chào cộng tác để được lợi cho bản thân, nhưng cha An đã dứt khoát không thỏa hiệp. Chính vì thế, cha An lại tiếp tục được người ta đưa vào một hành trình mới trông gai không kém đó là lao động quản chế. Họ đưa cha An tới làm việc tại xí nghiệp chế biến gỗ Hà Bắc. Mọi sinh hoạt, đi lại, công việc của cha An đều được theo dõi, giám sát kỹ lưỡng. Giữa môi trường mới giống như bị giam lỏng, cha An vốn đã sống theo tinh thần tiểu đệ Đức Kitô nên chuyện hội nhập vào một cuộc sống với người chung quanh cũng không có gì xa lạ. Cha trầm lắng nhưng lại thường xuyên bắt thân với mọi người bằng nụ cười, bằng sự chân thành,  bằng sự nhiệt tình giúp đỡ.

Lao động ở xí nghiệp chế biến gỗ Hà Bắc được 9 năm, bỗng một ngày cha An thấy đau lưng, đi khám thì phát hiện sỏi thân. Sau thời gian chữa bệnh, tháng 8 năm 1984, cha An được trở lại Xuân Hòa vốn là nơi ngài đã ra đi. Nhưng việc ở lại Xuân Hòa ban đầu cũng gặp không ít khó khăn. Cha An về ở dãy nhà bên hông nhà thờ, là nơi vốn dành cho người kéo chuông. Tuy nhiên, chỗ ở của cha rất thuận tiện cho sinh hoạt và đi nhà thờ. Cha sống bình dị và tự lập, tự cắt tóc, tự may vá, tự nấu ăn…

Tới thập niên 90 cơ chế dần được nới lỏng, đời sống đạo thuận lợi hơn. Cha An vẫn giữ thói quen đạp xe lên Tòa giám mục giúp lễ cho Đức cha cách công khai các ngày lễ trọng và Chúa Nhật. Ở Xuân hòa, vào mỗi tối thứ bấy cha lại giúp bà con có thêm tư tưởng sống Đạo, đời sống nhân bản; tối Chúa nhật, Ban hành giáo suy tôn Lời Chúa, phần suy niệm thì cha An lên chia sẻ. Các tối ngày thường, cha An sang nhà phước giúp dạy giáo lý. Dần dần cha An tiến tới cho hiệp lễ thứ bẩy và Chúa nhật. Cha An vẫn cử hành thánh lễ cách kín đáo, về sau có thêm 3-4 bà vào dự lễ… Khi Đức cha dự định đưa cha An lên coi sóc Bắc Giang thế chỗ cha Giản (qua đời do tai nạn) thì cha lại đổ bệnh cao huyết áp, sau kèm với cả động mạch vành. Thế là sau bao năm vất vả vượt qua chông gai đợi ngày được thực thi sứ vụ linh mục công khai, cha An lại phải đón nhận thánh giá mới đó là bệnh tật. Không có sức đi coi Bắc Giang, Đức cha giao cho cha An phụ trách nhà phước Xuân Hòa. Buổi sáng cha dâng lễ đàng hoàng, bà con ngoài làng cũng vào tham dự. Kể từ đó trở đi, dù mang bệnh, nhưng cha An vẫn nỗ lực làm mục vụ cách nửa kín nửa công khai. Đó cũng là món quà Chúa ban để cha có thêm niềm vui và nghị lực hầu làm sáng danh Chúa. Cũng từ đó cha An tiếp tục đón nhận thêm một bộ sưu tập các thứ bệnh. Dù đau đớn, mệt mỏi nhưng cha vẫn luôn vui cười và không ngừng nỗ lực vượt qua với niềm tin yêu hy vọng.

Năm 2006, cha An chuyển sang sống tại Tòa Giám mục để tiện bề cho việc khám chữa bệnh. Ngài phải ăn uống kiêng khem, đi lại nhiệm nhặt, lúc nào cũng ở trong tư thế đi bệnh viện. Dẫu vậy cha vẫn luôn lạc quan yêu đời với chàng chuỗi Mân côi thường trực trên tay. Cha còn dành thời gian hàng ngày ngồi đọc, ngồi viết và tự tay đánh máy bài giảng, sách vở của Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng. Tới năm 2013, cha An đã xin Đức cha Giáo phận vào dưỡng bệnh tại nhà hưu Thủ Đức để tiện bề cho việc đi chữa bệnh vì có gia đình bác sĩ Quang ở gần. Kể từ đó tới nay, ngài vẫn sống với tinh thần lạc quan, tin tưởng, phó thác và không ngừng chiến đấu chống lại bệnh tật cũng như tuổi già.

Vào lúc 18 giờ ngày 16 tháng 2 năm 2020 (tức ngày 23 tháng Giêng năm Canh Tý),  Người đầy tớ trung tín là cha Giuse đã “An bình ra đi” về với Chúa, sau 80 làm con Chúa nơi trần gian, với hơn 55 năm làm linh mục, trong đó có 20 năm tập trung cải tạo, 22 năm sống âm thầm dưỡng bệnh và làm linh hướng cho cộng đoàn nữ Đaminh ở Xuân Hòa, 14 năm hưu dưỡng trị bệnh tại tòa giám mục Bắc Ninh và nhà hưu dưỡng Bắc Ninh ở Thủ Đức. Cả cuộc đời cha Giuse như một bản thánh ca An Bình, trầm lắng nhưng mãnh liệt “nhờ tình yêu Đức Kitô  thôi thúc”. Vượt qua muôn ngàn sóng gió thời cuộc và đớn đau bệnh tật của thể xác, cha Giuse đã trở nên giống thánh quan thầy sống tinh thần thầm lặng cầu nguyện và khắc họa lại đời sống của thánh Phêrô và Phaolô kiên trung mẫu mực. Giờ đây nơi tòa Chúa là quê hương vĩnh cửu trên trời, chắc hẳn cha Giuse đang hân hoan cầu nguyện cho mỗi người chúng ta và cho giáo phận Bắc Ninh thân yêu.

Quê hương tôi ở trên trời
Trần gian tạm trú một thời mà thôi
Trên dưới bẩy chục, ai ơi

Có chăng là được tám mươi tuổi đời
Phần lớn vất vả khôn nguôi
Cuộc đời thấm thoát, ôi thôi còn gì
Miệng quen sinh ký tử qui
Cớ sao mê mải những gì trần gian
Phù vân nối tiếp phù vân
Về quê vĩnh cửu cần gì, hỡi ai ?
Ngắm nhìn thượng giới tuyệt vời
Nơi tòa Chúa ngự rạng ngời vinh quang

Mà lo chuẩn bị hành trang
Đi về cõi sống cao sang đời đời
Hợp cùng thần thánh quê trời
Ngợi khen cảm tạ không ngơi hát mừng
Cầu xin Đức Mẹ đoái thương
Giúp con vững bước trên đường về quê

Cậy trông có Mẹ chở che
Gian trần cạm bẫy tư bề, sợ chi ?
Mẹ thương dìu dắt con đi
Về quê vĩnh cửu nghỉ ngơi an bình!

Nguyện xin Thiên Chúa là cha giàu lòng xót thương đón nhận người con thầm lặng kiên trung và là người anh em thương mên của chúng con đây về hưởng phúc muôn đời. Amen.

 

 

 

 

 

Tin liên quan