Người làm giờ thứ 11
– Mai là sinh nhật con, Ba ạ.
– Vậy con muốn gì nào?
Bé Emmy đưa ngòn tay trỏ lên môi, mắt hướng lên trên, ầm ừ suy nghĩ. Được một lúc, nó thở ra một cái thật dài, mặt sụ xuống, đáp:
– Con chẳng cần gì đâu ạ.
Emmy là một đứa bé rất hiểu chuyện. Tôi biết, nó đang có mong ước gì đó, nhưng chẳng dám nói ra. Vì nó hiểu, tôi đang thất nghiệp và chẳng thể đáp ứng được nhu cầu của nó.
Nằm cạnh vợ và ba đứa con trên một tấm nệm sờn rách lỗ chỗ. Đêm đến, gió lùa qua khe cửa mục nát, tấm chiếu rách chẳng đủ để sưởi ấm cho gia đình tôi. Ba đứa con nằm co quắp, nép sát vào nhau như để tìm chút hơi ấm. Cái thở dài của bé Emmy lúc chiều, làm tôi suy nghĩ mãi.
Với vai trò của một người trụ cột gia đình, đáng ra tôi phải chăm lo cho cuộc sống của vợ và ba đứa con nhỏ. Nhưng, tôi chưa làm tròn trách nhiệm cao cả ấy. Với thân phận làm thuê, nay đây mai đó, tôi phải phơi mình dưới những cơn mưa tuyết ở ngoài chợ người, để mong có ai đó, chịu nhận tôi làm công chọ họ. Dù là bất cứ công việc gì, nặng nhọc đến đâu, bẩn thỉu thế nào tôi cũng bằng lòng. Miễn sao có chút tiền công để nuôi gia đình. Tuy nhiên, căn bệnh hen suyễn quái ác hành hạ, khiến cơ thể tôi vốn gầy gò, nay lại càng xanh xao ốm yếu. Đã vậy, tấm áo khoác được đan bằng rơm chẳng thể cản được cái lạnh thấu xương của trời mưa tuyết này.
Đã gần một tuần nay, tôi kiên trì đứng co ro chờ có ai đó chọn tôi. Nhưng bên cạnh tôi, còn biết bao thanh niên cường tráng, sức khỏe dồi dào, và đương nhiên sẽ chẳng có ông chủ nào dại dột lại chọn thuê tôi, một kẻ bệnh tật, ốm yếu. Những hạt gạo cuối cùng còn sót lại trong hũ cũng đã hết.
“Mai sinh nhật con, ba ạ”
Câu nói của bé Emmy cứ văng vẳng trong đầu tôi. Giá như tôi có thể làm được gì cho con bé.
*****
Sáng sớm tinh sương, trời vẫn còn tối đen. Nhìn vợ con đang say giấc, tôi bất giác mỉm cười. Thật nhẹ nhàng bước xuống khỏi giường, tôi tìm đôi giày ba ta cũ kỹ, mòn đế và rách nát giống như cơ thể tôi. Khẽ mở cánh cửa, một cơn gió lùa vào khiến tôi rùng mình. Thu hai tay lại vào trong tấm áo khoác, tôi bước đi thật nhanh đến chợ người, lòng thầm mong có ông chủ nào đó cần người làm sớm, sẽ thuê tôi.
Đến nơi, tôi như chết lặng, khi thấy đã có gần chục người đang nằm sẵn ở đây. Có chút lo lắng, nhưng tôi vẫn làm dấu Thánh nhỏ ở ngực, tạ ơn Chúa:
“Tạ ơn Chúa, ít nhất con còn có nhà để về, có nệm để nằm. Còn những người này…”
Tôi lắc đầu chán ngán, thương thay những mảnh đời bất hạnh hơn tôi.
“Có lẽ, chẳng bao lâu nữa, tôi cũng sẽ giống họ”.
Bước lên bậc thềm, người tôi co rúm lại vì lạnh, mắt tôi rảo quanh một lượt tìm chỗ đứng cho mình, thấy có một góc tường phía trong có vẻ khuất gió. Nhưng ở đó, thì người ta lại khó nhìn thấy tôi. Suy nghĩ đắn đo một hồi, vì bé Emmy, tôi quyết định chọn một gốc cây ngay lề đường. Dù cho, chỗ này có vẻ gió lạnh hơn, nhưng tôi cũng chấp nhận, bởi chỉ có chỗ này, người ta mới có thể dễ dàng thấy tôi. Từng đợt gió lạnh qua đi, từ xa, phía cuối con đường, tôi thấy một dáng người bé nhỏ. Người ấy mặc một chiếc áo dạ dài đến đầu gối, đầu thì đội một chiếc mũ rộng vành. Với kinh nghiệm bản thân, không khó để tôi nhận ra ngay, đây không phải người làm thuê, mà là một bà chủ.
Đang tựa lưng vào cây, tôi vội đứng thẳng dậy, bước thật nhanh ra bậc thềm, nơi người ta có thể nhìn thấy tôi rõ nhất. Và đương nhiên, những người đang nằm kia cũng vội bật dậy, chạy thật nhanh lại chỗ tôi. Ai cũng đứng ưỡn ngực, thẳng lưng, cố tỏ ra mình rất sung sức. Tất cả chúng tôi, đều hướng nhìn từng bước chân của người phụ nữ ấy, với một ánh mắt tràn đầy sự mong chờ và hy vọng.
– Tôi cần một người biết sửa lò sưởi.
Chất giọng êm nhẹ của bà cất lên, khiến tất cả chúng tôi đều phải im lặng. Bà đưa mắt nhìn một lượt tất cả chúng tôi. Chợt ánh mắt bà dừng lại. Kìa bà đang hướng nhìn về phía tôi. Cùng với đó, bà đưa ngón tay thon dài lên chỉ. Tôi mở to mắt nhìn theo ngón tay bà mà lòng đầy sự hồi hộp, tim tôi đập thình thịch, tôi không cả dám thở nữa, chỉ sợ rằng, khi thở mạnh một chút, sẽ làm ngón tay ấy chuyển hướng.
– Anh đội mũ len kia, hãy đến làm cho tôi.
Một sự thất vọng tràn trề, chán nản. Tôi buông thõng hai tay xuống. Một người thanh niên to khỏe chen lên, anh ta gạt tôi ra một bên và bước đi với bà chủ của anh. Tôi hiểu, chẳng có ông chủ hay bà chủ nào dại dột bỏ qua những thanh niên trai tráng để chọn tôi – một kẻ bệnh tật ốm yếu. Nhưng tôi vẫn không ngừng hy vọng.
– Này, anh bạn. Tôi giật mình khi có một cánh tay rắn chắc vỗ vào vai tôi. Anh đưa ra phía trước mặt tôi một ly nước nóng hổi: uống chút nước cho ấm người. Khói bay lên nghi ngút, như được thư giãn đôi chút.
– Cảm ơn anh. Tôi nhận lấy ly nước. Quả thực, trong thời tiết giá rét này, có được ly nước nóng thì chẳng còn gì bằng.
Vừa đưa ly nước lên gần mặt, cho hơi ấm từ ly nước bay lên, sưởi ấm mặt, tôi vừa quan sát anh một lượt. Nhìn anh có vẻ trẻ trung, to và khỏe hơn tôi. Anh mặc một chiếc áo phao to sụ, nó khiến anh trông càng thêm to lớn hơn. Và đương nhiên, anh cũng nhanh chóng được chọn đi, để lại tôi cùng ly nước nóng, với sự chờ đợi và hy vọng.
Trời cũng dần sáng tỏ, người ta có thể nhìn thấy mọi sự rõ ràng hơn. Ngày mới đã thực sự đến, đã có nhiều ông chủ, bà chủ đến và đi. Cũng đã có nhiều người may mắn được gọi đi, nhưng tôi thì chưa, tôi vẫn phải đứng đây, trông ngóng và hy vọng. Vừa đói, vừa rét lại thêm thiếu ngủ khiến tôi thấm mệt. Tôi tựa lưng vào gốc cây, chợp mắt một chút. Bỗng, một tiếng người đàn ông sang sảng, khiến tôi mở choàng mắt, chạy ra phía trước bậc thềm.
– Tôi cần vài người đi làm vườn nho.
Là một người đàn ông cao to, ông có vẻ gì đó vừa uy nghi lại đầy sự hiền lành. Nghe chữ “vài người”, tất cả chúng tôi đầy hy vọng trong số ấy, có mình. Và sau đó, có đến 13 người được chọn đi. Nhưng tiếc thay, trong số ấy, không có tôi. Lại một lần nữa, tôi buồn bã, lê bước về phía gốc cây, đứng nhìn từng người được gọi đi và chờ đợi sự mong manh.
Dù đã đến giữa trưa, nhưng cơ thể tôi vẫn không thấy ấm hơn chút nào. Từng đợt gió lùa, khiến răng tôi va đập vào nhau liên tục, tạo nên những tiếng kêu khô khốc. Đang cố vòng tay, ôm chặt người lại và cố cắn răng thật chặt để nó khỏi va vào nhau, thì tôi lại nghe thấy một giọng nói sang sảng, quen quen.
– Tôi cần vài người đi làm vườn nho cho tôi.
Giờ cũng đã giữa trưa, nên số người làm thuê như tôi không còn nhiều. Và dĩ nhiên, những người đang ở đây mong ngóng sự may mắn đều là những người chẳng khỏe hơn tôi là bao. Tuy vậy, vẫn có gần một nửa người được gọi đi. Và tôi, vẫn ở lại.
Thời tiết quá lạnh và đói, nhiều người đã thất vọng và bỏ cuộc. Giờ chỉ còn lại tôi – một kẻ bệnh tật, hen suyễn cùng với 5 người đàn ông ốm yếu khác đang ngồi cố vớt vát chút hy vọng cuối cùng trong ngày. Với đôi bàn tay trắng trơn, tôi không thể về gặp vợ và bé Emmy được. Tôi không muốn nhìn ánh mắt thất vọng của bé Emmy, nên tôi vẫn phải kiên trì ở lại, biết đâu lại có một ông chủ tốt bụng nào đó cho tôi 1 công việc, để tôi có thể mang chút gì về cho gia đình đỡ đói.
Đứng đợi một lúc lâu, tôi có cảm giác cơ thể mình đang bị bao phủ bởi một lớp tuyết và sắp bị đóng băng vậy. Tôi cần hơi ấm, và dường như những người đàn ông kia cũng vậy. Chúng tôi không còn ngồi đứng riêng lẻ mỗi người một nơi nữa. Không ai bảo ai, 6 người tất thảy chúng tôi cùng ngồi sát vào nhau, phía trong, sau một cái cột.
Dù đang rất đói, nhưng hơi ấm của nhau cũng làm chúng tôi dễ chịu hơn rất nhiều. Ngồi nói chuyện với họ, tôi mới biết được rằng, gia cảnh của họ chẳng khá hơn tôi chút nào. Thậm chí có những người còn khốn khổ hơn tôi nữa. Chúng tôi, những mảnh đời bất hạnh, đang rất hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của nhau. Nhưng chẳng ai có thể giúp người khác điều gì, thôi đành trao cho nhau chút hơi ấm từ chính cơ thể mình vậy.
Ngày cũng đã gần xế chiều, tôi nghĩ chắc chẳng còn ai đến thuê chúng tôi giờ này nữa đâu. Đang tính chào những người bạn khốn khổ để ra về, thì lại một giọng nói sang sảng quen quen cất lên:
– Sao các anh còn ngồi đây mà không làm gì?
Ngẩng mặt lên nhìn, là ông chủ uy nghiêm và hiền lành đã thuê rất nhiều người trong ngày hôm nay. Chúng tôi lúc này, không còn tranh giành sự may mắn của nhau, mà chạy ùa ra phía trước bậc thềm nữa, mà từng bước mệt mỏi và uể oải, tôi tiến lại và đáp:
– Chẳng ai thuê chúng tôi làm cả. Nói đến đây, cái bụng tôi tự dưng lại réo lên. Xấu hổ quá, tôi ấn chặt bụng để nó khỏi kêu.
– Chúng tôi sẽ ra về và nhận lại sự thất vọng của vợ con.
Người đàn ông ấy, nhìn chúng tôi 1 lượt, suy nghĩ độ vài giây, ông nói:
– Tất cả các anh hãy đi làm vườn nho cho tôi.
Tôi giật mình, mở to mắt nhìn ông ấy. Có mấy người khác, đang chán nản ngồi phía góc tường cũng vội bật dậy. Liệu có phải do chúng tôi đói quá, lạnh quá nên nghe nhầm không? Là tất cả chứ không phải một vài. Mà giờ đã xế chiều, chẳng còn bao lâu nữa là hết giờ làm việc. Tôi ấp úng hỏi lại:
-Tất cả chúng tôi ư?
– Đúng, tất cả các anh.
Không ai bảo ai, mà chúng tôi bất ngờ quay sang nhìn nhau. Tôi hỏi thêm một câu nữa:
– Bây giờ ư?
Tất cả chúng tôi như đang nín thở để chờ đợi câu trả lời.
– Đúng, ngay bây giờ.
Ông chủ vừa dứt câu, một anh bạn nắm bàn tay lại thật chặt và nói to:
– Tuyệt vời. Tất cả chúng tôi cùng nhìn nhau nở nụ cười rạng rỡ hạnh phúc.
*****
Chỉ còn một ít thời gian để làm việc thôi, nên tất cả chúng tôi đều cố gắng làm hết sức mình. Và thời gian trôi đi thật nhanh. Sau tiếng chiêng báo hết giờ, chúng tôi xếp một hàng ngang trước mặt ông chủ để lãnh lương.
Vì chỉ làm có một giờ nên tôi cũng chẳng dám nghĩ gì đến công sá. Phó mặc ông chủ cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu thôi, chứ cũng không dám đòi hỏi gì. Ông chủ chỉ tay vào từng người chúng tôi, lẩm bẩm trong miệng, có lẽ ông đang đếm xem có bao nhiêu người. Tôi nghe thấy mấy người xung quanh xầm xì
– Ông chủ chia như này thì bao giờ mới xong. Tôi còn phải về mua đồ ăn nữa, gia đình đang đợi.
Có người khác lại phàn nàn:
– Ông chủ làm chẳng khoa học gì, đáng ra phải chia từng nhóm người đến làm giờ trước giờ sau ra chứ, để như này, biết thế nào mà trả lương.
Họ cứ xầm xì mãi. Cho đến khi ông chủ tiến lại.
Anh thanh niên to khỏe bên cạnh tôi được ông chủ trả cho một đồng. Anh đang tính đi, nhưng chẳng hiểu sao, anh còn lán lại nhìn sang hai bàn tay gầy guộc bẩn thỉu, tím ngắt vì lạnh của tôi đang giơ ra trước ngực. Ông chủ đặt vào lòng bàn tay tôi một đồng. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
– Thưa ông, ông có nhầm không, tôi chỉ làm có một giờ.
Anh thanh niên bên cạnh tôi khá bất mãn, anh nói chen vào:
– Sao ông lại trả cho anh ta bằng tôi? Tôi làm cho ông từ sáng sớm vất vả gió tuyết, còn anh ta vào làm được có một giờ.
Tạm bỏ qua lời anh thanh niên, ông chủ quay về phía tôi từ tốn đáp lại:
– Một đồng tôi trả cho anh vi sự nhiệt thành, hăng say và lòng trung thực. Anh mới xứng đáng được nhận số tiền này. Rồi ông đưa mắt nhìn về hướng anh thanh niên nói với giọng gay gắt hơn:
– Chẳng phải là chúng ta đã thỏa thuận là một đồng ư? Anh còn đòi hỏi gì nữa. Ông chỉ vào tôi và tiếp, còn tôi muốn trả cho anh ấy bao nhiêu là tùy tôi chứ. Hay vì tôi tốt bụng mà anh đâm ra ghen tức? Giọng ông bỗng đanh lại: Hãy cầm lấy số tiền của anh mà đi đi.
Tôi nâng niu đồng tiền, đưa lên môi hôn chụt một cái đầy sự trân trọng, rồi chúi đầu cám ơn ông chủ. Những người bạn sau chót của tôi cũng được một đồng. Chúng tôi hạnh phúc, chạy lại ôm chầm lấy nhau.
Vậy là bé emmy của tôi sẽ không bị đói trong ngày sinh nhật này rồi.
Tạ ơn Chúa!
Cóc Hoa
Tin liên quan