Nụ Cười Trẻ Thơ!!!
Nhớ lại ngày xưa còn bé, vào những năm chín mươi, làng mình đói lắm, cơm ăn phải độn sắn. Lúc đó thỉnh thoảng có người việt kiều mỹ về cho quần áo cũ, nhà nhà người người đều hớn hở đi tới để may ra nhận được bộ đồ, quý hóa lắm đó.
Mình cũng như mọi người hớn hở vui cười đi tới, cố tìm cho được một bộ, nhưng rất tiếc là mình thấp bé, chả có bộ nào vừa. Trong lòng cũng buồn lắm, nhưng ngoài mặt vẫn tươi cười. Thực ra khi nhìn thấy ai cũng có quần áo trên tay mang về, tươi cười như ngày hội, mình cũng cảm thấy rộn ràng niềm vui.
Mấy ngày nay gần tết, cũng gợi lại trong trí những ngày tết thuở nhỏ, cứ thấy gần đến tết là vui lắm, vì những ngày tết dù sao cũng không phải ăn cơm độn sắn, không phải ăn ngô bung, ít gì cũng có được cơm trắng no nê, và đặc biệt ngày tết đến còn được mẹ dẫn đi chợ sắm quần áo mới, hạnh phúc quá đơn sơ, nhưng vui lắm.
Hôm nay, cuộc sống đã hoàn toàn khác, trẻ em gần như tháng nào cũng được mẹ mua cho quần áo mới, ăn những thứ ngon, đa số người dân là vậy. Thế nhưng thực tế đâu đó quanh chúng vẫn còn những cảnh đời đói khổ, quần áo không có mà mặc, cơm ăn chẳng đủ no, đặc biệt tại những vùng dân tộc thiểu số. Mỗi lần được cùng với các anh chị em trong nhóm thiện nguyện đến thăm bà con các dân tộc thiểu số : người H’mông hay người Nùng hoặc người Dao, khắp nơi chúng tôi đều bắt gặp những hoàn cảnh khó khăn mọi mặt.
Mỗi lần trao một món quà cho một cụ già, hay áo mới cho các em bé, chúng tôi nhìn thấy những ánh mắt reo vui, khuôn mặt rạng rỡ, tay ôm món quà mà như muốn ôm cả người trao. Món quà trao tay, đổi lại là tấm lòng trao người, trên môi cùng nở những nụ cười tươi! Nụ cười của ân nghĩa đong đầy sức sống.
Nhìn các trẻ em tung tăng nhảy nhót trong bộ quần áo mới, rồi chạy đi khoe khắp bản. Sự hồn nhiên tươi cười của các em đưa tôi trở lại tuổi thơ, những năm tháng đói nghèo, tôi thấy mình chung nỗi lòng và chung khát vọng, chung tiếng reo vui trước những bàn tay nhân ái, trong tình yêu ngàn đời.
Rời bản làng về lại nhà, nghĩ về trẻ em thành phố, hết mặc theo mốt này rồi lại đổi mốt kia, sống mà cứ phải chạy theo mốt, đua đòi nhiêu đó cũng thấm mệt ; đồ ăn cũng phải thật ngon mới chịu, dư thừa là đem đổ bỏ, hoàn toàn vô cảm trước bao cảnh đời khó khăn đang ngày đêm chịu đói khát, và nay đang lâm cảnh rét mướt.
Tuy nhiên, đời người sống trong trời đất và giữa nhân gian đâu chỉ là chuyện ăn, chuyện mặc, mà là chuyện ông Trời có mắt, dưới cái nhin yêu thương của Thiên Chúa đất trời, người nghèo khổ đương nhiên chiếm một chỗ đặc biệt trong trái tim và trong vòng tay của Ngài, và vì thế, dưới những mái nhà đơn nghèo luôn tràn ngập tiếng cười của trẻ thơ, những đứa trẻ chẳng có gì để tranh giành, khi no thì vui chơi dưới bóng mát của cha, khi đói thì chìm sâu trong tiếng ru êm ngọt ngào của mẹ, và ngược lại, mẹ cha lại say đắm trong ánh mắt của con, ánh mắt trẻ thơ, hồn nhiên và luôn tươi vui, để rồi quên hết mệt nhọc, vơi bớt ưu phiền, vì nơi ánh mắt trẻ thơ, trời vẫn sáng.
Khi để mình chìm sâu trong ánh mắt trẻ thơ trong các bản làng, biết rằng ánh mắt trẻ thơ là vậy, nhưng lòng tôi lại vẫn nhói lên nỗi đau khi không có khả năng phụ giúp một chút, một chút thôi, để những ai đang khó nhọc có thể vơi bớt nỗi vất vả của cuộc sống.
Dẫu vậy tôi lại cũng rất vui khi nhớ lại cảnh các em tươi cười khi nhận quà, nhất là lúc nhận được quần áo mới…tôi ngỡ ngàng trước gói quà quá đơn sơ mà sao quá hạnh phúc, và tôi thầm cảm ơn Thiên Chúa đã đổ đầy tràn lòng tôi tình yêu của Ngài, để tôi biết hiến dâng và cho đi, và hiểu được rằng trong tình yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa đất trời thì chính lúc cho đi là khi lãnh nhận.
Lúc này đây tôi cũng nhớ đến những người bạn cùng tôi chung sức, và những người bạn cùng tôi chung đường, những đôi tay âm thầm hòa quyện bước chân người đi, tìm đến với bà con nghèo khổ trên những vùng đất xa xôi để cùng nhau hát vang tình người. Hát trên những núi đồi, hát trong từng mái nhà, hát trong muôn cõi lòng, bài tình ca sự sống.
Maria Phạm Hoài