Phụ nữ cần được trợ giúp y khoa chứ không cần “phá thai an toàn”

New Delhi – Giáo hội Công giáo tại Ấn độ khẳng định rằng các phụ nữ cần được trợ giúp y khoa chứ không cần “phá thai an toàn”. Nữ tu Julie George thuộc dòng Chúa Thánh Thần đã nói với hãng tin Á châu như thế.

Chị Julie George là giám đốc của hội “Tiếng nói phụ nữ”, một tổ chức đấu tranh để củng cố vị trí của phụ nữ trên thế giới, tham dự vào tranh luận về phá thai ở Ấn độ. Chị Julie cho biết là các vụ phá thai bất hợp pháp “là một trong yếu tố nguy hiểm cho phụ nữ, thường chết ở độ tuổi còn trẻ. Sự thiếu kiến thức và việc sử dụng các cách thức dễ dàng như uống thuốc và các phương thức tại gia dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Chính quyền phải bảo đảm việc được chăm sóc tốt hơn, đăc biệt là đối với các phụ nữ sống ở những vùng nông thôn.”

Nữ tu Talisha Nadukudiyil, thư ký điều hành của Ủy ban Phụ nữ của hội đồng Giám mục Ấn độ nói thêm rằng chúng ta là người Công giáo, chống lại phá thai, làm sao chúng ta có thể không nói về việc phá thai không an toàn. Chị cũng nhấn mạnh lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thông điệp Laudato sì (số 10): “Nếu chúng ta đáng mất cảm tính cá nhân và xã hội về việc tiếp nhận một sự sống mới, thì ngay cả những hình thức tiếp nhận có ích khác đối với cuộc sống xã hội cũng trở nên cằn cỗi.” Chị đặt câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể phớt lờ tiếng kêu khóc của thai nhi máu thịt của chính mình mà có thể lắng nghe tiếng kêu của người lân cận? Chúng ta có bao giờ có thể mong đợi trong một tình huống tương tự như vậy những tội ác chống lại những người dễ bị tổn thương sẽ giảm bớt?”

Theo thống kê, mỗi ngày có 10 phụ nữ ở Ấn độ bị chết vì phá thai bất hợp pháp và mỗi năm số phá thai lên đến khoảng 7 triệu. Theo các nghiên cứu cũng cho thấy số các bà mẹ chết vì phá thai chiếm 1/3 số các bà mẹ qua đời.

Nữ bác sĩ Astrid Lobo Gajiwala, một thần học gia Công giáo cho biết các cuộc phá thai trong điều kiện không an toàn là một quan tâm bức xúc dù là luật pháp tự do. Ngoài ra xu hướng thiển cận xem việc có thể phá thai an toàn là giải pháp chính cho vấn đề. Bà nói: “Nếu một đàng buộc phải bảo đảm việc phá thai cách an toàn và gia tăng các thông tin về các cơ sở y tế, thì tốt hơn nên nhớ rằng ngay cả những điều kiên tốt hơn cũng có thể có nguy cơ biến chứng và tạo nên vô sinh và thương tổn tâm lý.” (Asia News 26/07/2017)

Hồng Thủy