Quy chế Hội Đồng Giáo Xứ Và Ban Hành Giáo Họ

Quy chế Hội đồng giáo xứ và Ban hành giáo này có hiệu lực kể từ ngày ký, và chính thức được áp dụng từ Chúa Nhật I Mùa Vọng năm 2020-2021.

DẪN NHẬP

Từ khi Tin Mừng được gieo trồng trên mảnh đất Việt đầu thế kỷ 16, các thừa sai đã nhanh chóng tập hợp những người đạo đức và có khả năng để cùng cộng tác với các ngài trong công cuộc loan báo Tin Mừng và phục vụ cộng đoàn.

Cũng vậy, công việc loan báo Tin mừng ở Giáo Phận Bắc Ninh có được thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay là nhờ rất nhiều vào sự nhiệt tình và cộng tác của anh chị em giáo dân, nhất là các vị ban hành giáo. Mẫu gương phục vụ cộng đoàn và hy sinh vì đạo của thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh, cụ trùm giáo họ Thổ Hà[1]. Đặc biệt, biến cố 100 vị đầu mục (các vị bàn hành giáo) tử đạo ngày 4/4/1862 tại cổng tả thành cổ Bắc Ninh cho thấy tấm gương hy sinh lẫm liệt và vai trò không thể thiếu được của các vị chức dịch trong việc phục vụ xứ họ[2], danh thơm tiếng tốt cũng như sự hy sinh của các ngài được lưu danh muôn thủa, và được Chúa trả công xứng đáng.

Máu của cha ông đổ ra đã không trở nên vô ích, nhưng đã trở thành nền móng đức tin vững chắc cho một giáo phận mới được hình thành.

Trong lịch sử hơn 100 năm của mình, giáo phận Bắc Ninh đã phải chịu đựng và trải qua biết bao cam go, thử thách, nhất là khi đất nước chuyển sang xã hội mới sau năm 1954. Nhưng Giáo Hội là của Chúa và do Chúa Thánh Thần hướng dẫn, trong thời kỳ Đức Cha Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng và Đức Cha Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Quang Tuyến, các ngài đã củng cố và xây dựng lại ban hành giáo, cổ vũ việc đọc kinh ở nhà thờ và trong gia đình…; các ngài cũng đã nỗ lực đào tạo những người giáo dân, đặc biệt các vị ban hành giáo trong các xứ họ để họ trở thành cánh tay nối dài của Đức giám mục. Nhờ vậy mà các tín hữu trên khắp giáo phận mới có thể giữ vững và sống đức tin trước muôn vàn khó khăn thử thách.

Ngày nay, vai trò của ban hành giáo và hội đồng giáo xứ cần thiết hơn bao giờ hết trong công cuộc loan báo Tin Mừng và quản trị mục vụ xứ họ. Tuy nhiên, sống giữa xã hội với nhiều đổi thay và có nhiều thách thức mới, người môn đệ của Chúa nhất là các vị ban hành giáo và hội đồng giáo xứ cần phải có đủ “Tâm” và đủ “Tầm”, phải “khôn ngoan như con rắn và thật thà như chim bồ câu” (Mt 10, 16) mới có thể đáp ứng được những thách đố mới của thời đại, qua đó mảnh đất giáo phận miền Kinh Bắc mới có thể trổ sinh nhiều hoa thơm trái ngọt. Nhiệm vụ củng cố và phát triển các ban hành giáo không chỉ là trách nhiệm của Đức Giám mục hay các Linh mục, mà còn là trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa, nhất là những giáo dân nhiệt thành.

 

CHƯƠNG I: TỔ CHỨC GIÁO XỨ VÀ CƠ CẤU HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ (HĐGX)

Điều 1. Giáo xứ

Giáo xứ là gia đình/cộng đoàn các tín hữu:

(1) cư ngụ trong một địa hạt;

(2) cùng nhau thi hành sứ vụ:

  • tôn thờ Thiên Chúa
  • học hỏi và loan truyền Tin mừng
  • thực thi bác ái cộng đồng.
  • được hưởng tính cách pháp nhân theo luật;
  • được thành lập, thay đổi hoặc giải tán do Đức giám mục giáo phận;
  • được Đức giám mục giáo phận uỷ thác cho linh mục chính xứ (cha sở, cha xứ) chăm sóc.
Điều 2. Linh mục chính xứ        

Linh mục chính xứ là người:

  • mục tử (chủ chăn) riêng của gia đình giáo xứ;
  • hướng dẫn cộng đoàn giáo xứ, thi hành nhiệm vụ thánh hoá, giảng dạy, và phục vụ (tư tế, ngôn sứ và vương đế) dưới quyền của giám mục giáo phận;
  • đại diện của gia đình giáo xứ trong tất cả mọi hành vi pháp lý, liên đới và hiệp thông với mọi người.
Điều 3. Hội đồng giáo xứ

HĐGX là cơ chế gồm những người đại diện cho giáo dân trong xứ họ:

  • được Đức giám mục giáo phận cho phép thành lập (nếu ngài xét thấy thuận lợi);
  • có quyền tư vấn và được điều hành theo các quy tắc do Đức giám mục giáo phận ấn định;
  • cộng tác với linh mục chính xứ thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, góp phần xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn dân Thiên Chúa, sống làm chứng và loan truyền Tin mừng, yêu thương, phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người;
  • cộng tác với linh mục chính xứ trong việc quản trị, tổ chức và điều hành các sinh hoạt chung trong xứ họ. Đồng thời xây đắp tình liên đới và hiệp thông trong gia đình giáo xứ.

 

Điều 4. Thành phần Hội đồng giáo xứ [[3]]

 HĐGX bao gồm các thành viên được cộng đoàn tín nhiệm qua đề cử và bầu cử, sau đó được Đức giám mục giáo phận chấp thuận để cộng tác với cha xứ trong việc điều hành những sinh hoạt chung của xứ họ. Tùy từng trường hợp cụ thể:

  • nghĩa thứ nhất (hẹp): HĐGX gồm ban thường vụ: Chủ tịch và phó chủ tịch HĐGX (chánh, phó trương), thư ký, thủ quỹ HĐGX.
  • nghĩa thứ hai (rộng): HĐGX gồm ban thường vụ và đại diện BHG các giáo họ.

Lưu ý: mỗi giáo họ nên có đại diện trong ban thường vụ HĐGX

Điều 5. Các chức vụ trong HĐGX

Các chức vụ trong HĐGX (ban thường vụ) gồm có:

  • chủ tịch (chánh trương)
  • phó chủ tịch đặc trách nội vụ (phó trương)
  • phó chủ tịch đặc trách ngoại vụ (phó trương)
  • thư ký
  • thủ quỹ

Điều 6. Các chức vụ trong Ban Hành Giáo (BHG) họ BHG gồm có [[4]]:

  • trùm chính [[5]]
  • trùm phó (tùy theo nhu cầu hoàn cảnh có thể có phó 1 và phó 2)
  • tư mệnh
  • quản giáo (thường là 4 vị: 2 nam, 2 nữ)
  • thư ký
  • thủ quỹ

 

Chương II: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI

Điều 7. Nhiệm vụ của linh mục chính xứ đối với HĐGX và BHG

Là chủ chăn riêng và là người cha tinh thần của gia đình giáo xứ, chịu trách nhiệm hướng dẫn tinh thần và sinh hoạt mục vụ của giáo xứ, linh mục chính xứ:

  • có thể mời linh mục phụ tá và đại diện các tu sĩ tham gia vào sinh hoạt xứ họ;
  • chủ trì và là người chịu trách nhiệm các phiên họp, các sinh hoạt của HĐGX và BHG (khi vắng mặt, có thể ủy nhiệm cho linh mục phụ tá hoặc cho chủ tịch hay trùm chính);
  • tạo bầu khí đối thoại, trợ lực, hiệp thông và hợp tác lành mạnh: “thống nhất trong điều chính, tương nhượng trong điều phụ, bác ái trong mọi sự”[[6]]; tiếp nhận, xét duyệt và phê chuẩn những kiến nghị được đa số các thành viên HĐGX và BHG tán thành [[7]].
  • lo liệu việc huấn luyện và bồi dưỡng cho các thành viên HĐGX và BHG về phương diện thiêng liêng, nhân bản, chuyên môn nhằm nâng cao năng lực phục vụ và làm việc tập thể; nhờ đó, góp phần hoàn thành sứ vụ yêu thương và phục vụ.
  • trong tư cách là chủ chăn riêng của gia đình giáo xứ được Đức giám mục giáo phận trao phó, linh mục chính xứ trao phó công việc cho HĐGX và BHG như những cộng sự viên đích thực trong công việc. Vì vậy cha xứ nên: hướng dẫn, trợ lực và uỷ thác nhằm tạo thuận lợi cho các thành viên HĐGX và BHG để họ chủ động tham gia tích cực trong việc xây dựng xứ họ [[8]].
Điều 8. Nhiệm vụ của HĐGX và BHG

Nắm bắt tình hình chung trong xứ họ, nhất là hiện trạng đời sống đức tin và phong hóa trong xứ họ, HĐGX và BHG cùng với sự hướng dẫn của linh mục chính xứ:

  • góp phần tích cực trong việc hoạch định chương trình mục vụ, đề ra phương thức và phân công thực hiện;
  • phối hợp hài hoà công việc của các đơn vị mục vụ trong sự tôn trọng tính tự lập của mỗi ban ngành;
  • theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, và báo cáo kết quả;
  • góp phần giải quyết những vấn đề đang xảy ra (tôn trọng những khác biệt, xung khắc bất đồng cần được hòa giải) trong tinh thần liên đới, tương trợ và hiệp thông;
  • góp phần chia sẻ trách nhiệm trong việc quản trị tài sản xứ họ;
  • tích cực bồi dưỡng tri thức, nâng cao tinh thần làm việc tập thể và dấn thân phục vụ trong yêu thương.
Điều 9. Nhiệm vụ của Chủ tịch HĐGX (Chánh trương)

Theo sự hướng dẫn của linh mục chính xứ, chủ tịch có nhiệm vụ:

  • chịu trách nhiệm chung về HĐGX trong việc lãnh đạo và điều hành, hoạch định chương trình mục vụ để giáo xứ ngày một phát triển;
  • quán xuyến cách tổng quát các sinh hoạt mục vụ, động viên cộng đoàn giáo xứ, cách riêng là các thành viên HĐGX và BHG, tạo bầu khí đối thoại, hiệp thông, hợp tác lành mạnh;
  • khi được uỷ nhiệm của linh mục chính xứ, chủ trì các phiên họp HĐGX và BHG, cũng như điều hành các buổi sinh hoạt của ban thường vụ;

(4) thay mặt cộng đoàn giáo xứ trong những trường hợp được uỷ nhiệm, nhưng không được đồng thuận những gì trái nghịch quyền lợi của giáo xứ.

Điều 10. Nhiệm vụ của Phó chủ tịch HĐGX (Phó trương) đặc trách nội vụ

Theo sự hướng dẫn của linh mục chính xứ, phó chủ tịch đặc trách nội vụ có nhiệm vụ:

  • hợp tác với chủ tịch; thay thế chủ tịch khi vắng mặt, chịu trách nhiệm chung về HĐGX trong việc lãnh đạo và điều hành, cùng với HĐGX hoạch định chương trình mục vụ sao cho giáo xứ được thăng tiến.
  • phối hợp các sinh hoạt mục vụ trong những trường hợp được uỷ nhiệm, đặc biệt các sinh hoạt thuộc lãnh vực phụng tự và huấn giáo.
  • thực hiện các sinh hoạt thuộc các lãnh vực được nêu ở phần (2) khi giáo xứ không có ủy viên chuyên trách.
Điều 11. Nhiệm vụ của Phó chủ tịch (phó trương) đặc trách ngoại vụ

Theo sự hướng dẫn của cha xứ, phó trương đặc trách ngoại vụ có nhiệm vụ:

  • hợp tác với chủ tịch ; thay thế chủ tịch và phó chủ tịch đặc trách nội vụ khi cả hai đều vắng mặt, chịu trách nhiệm chung về HĐGX trong việc lãnh đạo và điều hành, cùng với HĐGX hoạch định chương trình mục vụ sao cho giáo xứ được phát triển.
  • phụ trách việc liên lạc với bên ngoài giáo xứ trong những trường hợp được uỷ nhiệm: thường là phối hợp các sinh hoạt thuộc lãnh vực tông đồ, bác ái xã hội (đặc biệt quan tâm đến người nghèo, neo đơn, bệnh tật…), phát triển và loan báo Tin mừng, chịu trách nhiệm về anh chị em dự tòng.
  • thực hiện công việc thuộc các lãnh vực ở phần (2) khi giáo xứ không có ủy viên chuyên trách.
Điều 12. Nhiệm vụ của Thư ký HĐGX

Cộng tác với linh mục chính xứ và HĐGX trong công việc sổ sách, thư ký có nhiệm vụ:

  • giúp phác thảo các chương trình sinh hoạt được giao phó, trình duyệt và thực hiện các bản báo cáo trình linh mục chính xứ.
  • soạn thảo các chương trình, thống nhất với vị chủ tọa và giữ chương trình, đọc các văn thư, và ghi biên bản các phiên họp giáo xứ, và ban thường vụ. [[9]]
  • thông tin, liên lạc văn thư, báo cáo các số liệu giáo xứ, thực hiện và lưu trữ sổ sách và văn thư của giáo xứ.
  • phối hợp với thư ký các giáo họ về sổ gia đình Công giáo, cập nhật những số liệu về giáo xứ.
Điều 13. Nhiệm vụ của Thủ quỹ HĐGX

Cộng tác với linh mục chính xứ và HĐGX trong công việc tài chính, thủ quỹ có nhiệm vụ:

  • dưới sự hướng dẫn và thống nhất của linh mục chính xứ, cùng với HĐGX, quản lý tài chính của giáo xứ,
  • cùng với các vị hữu trách lo liệu việc gây quỹ cho giáo xứ khi được ủy thác,
  • phối hợp với HĐGX để thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định của giáo xứ.
  • góp phần vào việc quản trị tài sản giáo xứ: trông coi, bảo trì, tu bổ cơ sở của giáo xứ, và thực hiện các giấy tờ sổ sách tài chính và tài sản chung.
  • khi nhận hoặc xuất tiền phải ghi và ký nhận vào sổ thu chi. Không được phép tự chi bất cứ ngân khoản nào, chỉ được xuất tiền theo hạn mức quy định cho những công việc chính đáng của HĐGX và cha xứ khi có văn bản giấy tờ (theo tiêu chuẩn chung của giáo phận).

 

Điều 14. Nhiệm vụ của BHG [[10]]

 (1) Trùm chính (chánh) [[11]]

  • tổ chức các giờ kinh lễ: giờ giấc, chương trình;
  • lo cho giáo dân được lãnh nhận các nhiệm tích;
  • được cha xứ ủy nhiệm các buổi họp, các buổi sinh hoạt BHG và của cộng đoàn dân họ.
  • quán xuyến, động viên mọi người, mọi việc trong BHG, cũng như trong cộng đoàn giáo dân. Tạo bầu khí hiệp thông và yêu thương giữa các đoàn thể trong giáo họ.
  • thay mặt cộng đoàn giáo dân trong giáo họ khi có việc liên quan đến cha xứ và với chính quyền.
  • lập sổ nhân danh và báo cáo hàng năm

(2) Trùm phó:(khi chỉ có một trùm phó thì người này kiêm cả công việc phó 1 và phó 2), nếu có 2 vị phó thì được phân chia phần việc như sau:

  + Phó 1:

  • có nhiệm vụ bao quát chung về cơ sở vật chất,
  • hợp tác với trùm chính và thay thế khi vị này vắng mặt,
  • trông coi cơ sở vật chất của Thánh đường và Nghĩa trang (nếu thuộc về dân họ).
  • chăm lo phần trang trí, khánh tiết và vệ sinh

    + Phó 2:

  • chịu trách nhiệm về anh chị em dự tòng và hôn nhân,
  • giúp việc rửa tội, hôn phối,
  • lưu giữ và ghi chép cẩn thận sổ rửa tội, hôn phối và sổ tử,
  • chịu trách nhiệm về vấn đề bác ái, xã hội, nhất là đối với những người nghèo, neo đơn, đau yếu, bệnh tật.

 (3) Tư mệnh:

  • cử hành nghi thức suy tôn lời Chúa khi được cha xứ ủy nhiệm;
  • mở cửa nhà tạm trong giờ chầu Thánh thể khi cha xứ ủy nhiệm;
  • săn sóc các bệnh nhân, lo cho họ lãnh nhận các nhiệm tích sau hết, chuẩn bị lễ nghi an táng.
  • cử hành nghi thức tẩm liệm, các nghi thức tại phần mộ khi được cha xứ ủy nhiệm.

(4) Quản giáo:

  • chăm lo các lớp giáo lý theo từng lứa tuổi;
  • chăm lo trật tự trong các giờ kinh, giờ phụng vụ;
  • chăm lo các đoàn thể thiếu nhi như : trống trắc, đoàn hoa, thiếu nhi Thánh Thể …;
  • tổ chức vui chơi sinh hoạt, thi giáo lý, thi kinh;
  • lập sổ thêm sức;

 (5) Thư ký:

Cộng tác với BHG và cha xứ trong công việc sổ sách của giáo họ:

  • soạn thảo các chương trình, thống nhất với vị chủ tọa và giữ chương trình, đọc các văn thư, ghi biên bản các phiên họp giáo họ và của

BHG; [[12]]

  • thông tin, liên lạc văn thư, báo cáo các số liệu giáo họ, thực hiện và lưu trữ sổ sách giáo họ,
  • cập nhật những số liệu về giáo họ.

(6) Thủ quỹ

Theo sự hướng dẫn của linh mục chính xứ và cùng với BHG trong công việc tài chính:

  • dưới sự hướng dẫn của cha xứ và cùng với BHG quản lý tài chính của giáo họ;
  • cùng với các vị hữu trách lo liệu việc gây quỹ cho giáo họ khi được ủy thác;
  • báo cáo định kỳ theo quy định;
  • góp phần vào việc quản trị tài sản giáo họ: trông coi, bảo trì, tu bổ cơ sở của giáo họ, và thực hiện các giấy tờ sổ sách tài chính, tài sản liên hệ;
  • Khi nhận và chi tiền phải ghi và ký nhận vào sổ thu chi. Không được phép tự chi bất cứ ngân khoản nào, chỉ được xuất tiền theo hạn mức quy định cho những công việc chính đáng của BHG và cha xứ khi có văn bản giấy tờ (theo tiêu chuẩn chung của giáo phận).

Lưu ý: cha xứ có thể chọn các vị quản giáo kiêm thư ký và thủ quỹ)

Điều 15: Quy định chi tiêu chung của HĐGX và BHG như sau:
  • Chi từ 500,000 đ trở xuống , chủ tịch hay trùm chính có quyền tự quyết, nhưng mỗi tháng không quá hai lần, nếu quá hai lần phải xin ý kiến cha xứ, HĐGX hay BHG, và phải ký vào hóa đơn xuất tiền hay ký vào sổ chi của giáo xứ hay giáo họ.
  • Chi trên 500,000 đ đến dưới 1,000,000 đ phải thống nhất trong HĐGX hay BHG.
  • Chi từ 1,000,000 trở lên, phải được sự chấp thuận của cha xứ.

Lưu ý: linh mục chính xứ đặt một người (có thể ngoài HĐGX và BHG) để giám sát công việc tài chính.

Điều 16. Quyền lợi

Thánh Phaolô viết trong thư gửi Timôthê: Cha đã chiến đấu trong cuộc chiến đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây, cha chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là Vị thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho cha trong ngày ấy, và không chỉ cho cha, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện (2Tm 4: 7-8).

Như thế, người phục vụ Nước Chúa không mong chờ bổng lộc trần gian như danh vọng, chức quyền, tiền bạc…. Người phục vụ Tin mừng cần có tinh thần vô vị lợi và biết kiên trì hoạt động theo gương Thánh Tông đồ Phaolô.

Tuy nhiên, để có thể nắm bắt tình hình chung của giáo xứ, nhất là hiện trạng đời sống đức tin và phong hóa trong giáo xứ; cộng tác chặt chẽ và thường xuyên với linh mục chính xứ trong việc quản trị xứ họ; và để có uy tín phục vụ và tham gia tích cực vào các công việc Hội thánh, các thành viên HĐGX và BHG được hưởng một số quyền lợi khi còn sống và khi qua đời.

  1. Khi còn sống:
    • học hỏi, huấn luyện, bồi dưỡng cách hệ thống qua việc tập huấn, thường huấn, chuyên huấn… nhằm nâng cao tinh thần phục vụ và cập nhật những chỉ thị mới của Giáo hội.
    • hằng năm vào dịp lễ kính Chúa Kitô Vua, bổn mạng HĐGX và BHG, cha xứ dâng một Thánh lễ cầu nguyện cho các vị đương nhiệm hay đã mãn nhiệm.
    • Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, sẽ được giáo phận cấp bằng mãn nhiệm và ghi vào sổ lưu.
  2. Khi qua đời [[13]]:

(a)            Xứ họ phải xin một Thánh lễ cầu hồn để tưởng nhớ và ghi ơn người quá cố.

  • HĐGX hay BHG giáo đương nhiệm tổ chức đến gia đình phúng viếng và đọc kinh cầu nguyện.
  • Thông báo cho cộng đoàn xứ họ đến dự lễ an táng (trường hợp vị đó chuyển đi nơi khác, chỉ cần xin một Thánh lễ cầu hồn để tưởng nhớ và tri ân).
  • Cộng đoàn nên tỏ lòng ưu ái đối với người bạn đời của các vị HĐGX và BHG, nên quan tâm và giúp đỡ cả về tinh thần cũng như vật chất cho những trường hợp đặc biệt, như khi gặp tai nạn, ốm đau hay qua đời.

 

CHƯƠNG III: TUYỂN CHỌN

Điều 17. Tiêu chuẩn tuyển chọn thành viên HĐGX và BHG

Đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, đã ghi danh trong xứ họ ít là một năm, ứng viên vào HĐGX và BHG là tín hữu cần có: [[14]]

  • đời sống đạo đức gương mẫu, phù hợp với giáo huấn và đường lối của Giáo hội, uy tín, nhiệt thành trong việc chung và không bị ngăn trở về giáo luật.
  • những đức tính nhân bản cần cho chức vụ, như tinh thần trách nhiệm, hy sinh phục vụ, biết làm việc tập thể.
  • năng lực cần thiết cho chức vụ: sức khoẻ, trình độ văn hoá (và trình độ học vấn tương xứng), những kỹ năng chuyên môn.
  • thời giờ đủ và thích hợp dành cho công việc chung.
  • không tham gia các công tác xã hội [[15]] (trừ khi cha xứ định liệu cách khác).
  • ứng viên HĐGX phải là BHG đương hoặc cựu (trừ khi cha xứ định liệu cách khác).
  • ứng viên vào trùm chính và phó đã từng tham gia vào chức vụ nào đó trong giáo họ (trừ khi cha xứ định liệu cách khác). [[16]]
  • hạn tuổi: từ 25 đến 65 (trừ khi cha xứ định liệu cách khác).

 

Điều 18: Cách Thức Tuyển Chọn

A- Hội đồng giáo xứ

Có hai cách tuyển chọn: thông thường và ngoại lệ

  1. Thông thường: tuỳ hoàn cảnh, mỗi giáo xứ có thể sử dụng một trong các phương thức sau:

– Ban hành giáo mỗi giáo họ đề cử 5 ứng viên theo tiêu chuẩn của điều 17. Linh mục chính xứ cùng với các thành viên HĐGX lập danh sách ứng viên (linh mục chính xứ có thể đề cử 1/3 số ứng viên), rồi niêm yết danh sách hoặc công bố vào ngày Chúa nhật cho cộng đoàn giáo xứ, ít là hai tuần trước ngày bầu chọn.

                (a)    Người đi bỏ phiếu theo một trong những cách thức sau:

  • Cách 1: BHG đương và cựu của các giáo họ
  • Cách 2: mỗi gia đình cử một đại diện đi bầu
  • Cách 3: mỗi tín hữu từ 18 tuổi trở lên đi bầu
  • Cách 4: BHG đương nhiệm và thành viên các đơn vị mục vụ ( các giới, và hội đoàn) cử đại diện đi bầu.
  • Lưu ý: cho dù chọn cách thức nào thì số người đi bầu phải quá bán thì cuộc bầu cử mới hợp lệ.

                (b)    Thể thức bầu chọn theo một trong những cách thức sau:

  • Cách 1: bầu phiếu kín từng người vào các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch 1 và 2, thư ký, thủ quỹ.
  • Cách 2: bầu phiếu kín một lượt, khi đã chọn được các người trúng cử, cha xứ sẽ phân công việc cho từng vị, sau đó đệ trình lên Đức giám mục giáo phận chuẩn nhận.
  • Lưu ý: để tránh thắc mắc và gây chia rẽ không cần thiết, cha xứ và cộng đoàn thống nhất thể thức bầu và cách chọn chức vụ trước khi bỏ phiếu.

(c) Bước 3 (kết quả): Ban bầu cử mở thùng phiếu và kiểm phiếu công khai trước mọi người:

  • Người có số phiếu cao nhất từ trên xuống là người trúng cử (bầu theo cách 1), nhưng phải đạt trên 50% số phiếu (quá bán).
  • Những người có số phiếu cao nhất từ trên xuống là những người trúng cử (bầu theo cách 2), nhưng phải đạt trên 50% số phiếu (quá bán).

 

  • Lưu ý:

+ để tránh tình trạng người đắc cử từ chối nhận chức vụ sau khi bầu, ban bầu cử, cách riêng linh mục chính xứ cần giải thích trước cho mọi người trong xứ, nhất là những người được đề cử, hiểu được ý nghĩa cao quý của việc dấn thân phục vụ giáo xứ và mời gọi những ai được trúng cử không từ chối.

+ nếu người đắc cử nhất định từ chối, thì người có số phiếu cao kế tiếp sẽ trúng cử.

(d) Sau khi có kết quả bầu cử, cha xứ đệ trình tên tuổi, chức vụ của các vị đắc cử bằng văn bản lên Đức giám mục giáo phận. Sau khi được phê chuẩn, cha xứ tổ chức lễ tuyên thệ công khai trước cộng đoàn.

 

  1. Ngoại lệ: ở những giáo xứ ít người hay vì lý do đặc biệt[[17]], có thể cử một số thành viên và xin cha xứ cứu xét để phân bổ công việc, rồi đệ trình Đức Giám Mục phê chuẩn.

 

B- Ban hành giáo họ

Có hai cách tuyển chọn: thông thường và ngoại lệ

  1. Thông thường: tuỳ hoàn cảnh, mỗi giáo họ có thể sử dụng một trong các phương thức sau:

– BHG, ban phục vụ mỗi hội đoàn đề cử các ứng viên (không phân biệt nam nữ, nguyên quán…) theo tiêu chuẩn trong điều 17; linh mục chính xứ cùng với các thành viên BHG lập danh sách ứng viên (linh mục chính xứ có thể bổ sung 1/3 số ứng viên khác), rồi niêm yết danh sách hoặc công bố vào ngày Chúa nhật cho cộng đoàn giáo họ, ít nhất là hai tuần trước ngày bầu chọn.

                (a)    Người đi bỏ phiếu theo một trong những cách sau:

  • Cách 1: mỗi gia đình cử một đại diện đi bầu.
  • Cách 2: thành viên các đơn vị mục vụ (các giới, và hội đoàn) cử đại diện đi bầu.
  • Cách 3: mỗi tín hữu từ 18 tuổi trở lên đi bầu.
  • Lưu ý: cho dù chọn cách thức nào thì số người đi bầu phải quá bán thì cuộc bầu cử mới hợp lệ.

                (b)    Thể thức bầu theo một trong những cách sau:

  • Cách 1: bầu phiếu kín từng người vào các chức vụ trùm chính, trùm phó 1, trùm phó 2, tư mệnh, thư ký, thủ quỹ và quản giáo.
  • Cách 2: bầu phiếu kín một lượt các chức vụ có tên trong danh sách ứng viên, trong trường hợp này có thể người có số phiếu cao nhất sẽ giữ chức vụ cao nhất, sau đó các chức vụ sẽ được xếp sắp theo cấp độ số phiếu.
  • Cách 3: bầu phiếu kín một lượt, khi đã chọn được các người đắc cử, cha xứ sẽ phân bổ công việc cho từng chức vị, sau đó đệ trình lên Đức giám mục giáo phận chuẩn nhận.
  • Lưu ý: để tránh thắc mắc và gây chia rẽ không cần thiết, cha xứ và giáo dân thống nhất thể thức bầu chọn trước khi bỏ phiếu.

(c) Bước 3 (kết quả): Ban bầu cử mở thùng phiếu và kiểm phiếu công khai trước mọi người:

  • Người có số phiếu cao nhất từ trên xuống là người trúng cử (bầu theo cách 1), nhưng phải đạt trên 50% (quá bán) số phiếu .
  • Những người có số phiếu cao nhất từ trên xuống là những người trúng cử (bầu theo cách 2 và 3), nhưng phải đạt trên 50% (quá bán) số phiếu.
  • Lưu ý:
  • Để tránh tình trạng người đắc cử từ chối nhận chức vụ sau khi bầu, ban bầu cử, cách riêng linh mục chính xứ cần giải thích trước cho mọi người trong giáo họ, nhất là những người được đề cử, hiểu được ý nghĩa cao quý của việc dấn thân phục vụ và mời gọi những ai được trúng cử không từ chối.
  • Nếu người đắc cử nhất định từ chối, người có số phiếu cao kế tiếp sẽ trúng cử.

(d) Sau khi có kết quả bầu cử, linh mục chính xứ đệ trình tên tuổi và chức vụ của các vị đắc cứ bằng văn bản lên Đức giám mục giáo

phận. Sau khi được phê chuẩn, cha xứ tổ chức lễ tuyên thệ công khai trước cộng đoàn.

 

  1. Ngoại lệ: ở những nơi ít người hay vì lý do đặc biệt [[18]], có thể cử một số thành viên và xin cha xứ xem xét để phân bổ công việc, rồi đệ trình Đức Giám Mục phê chuẩn.

 

* Lưu ý: những người đắc cử:

  • Phải được Đức giám mục giáo phận chấp thuận bằng văn thư và phải được đọc công khai trong nghi thức tuyên hứa.
  • Nghi thức trao và nhận nhiệm vụ được cử hành trong Thánh lễ có đông người tham dự. Cũng có thể trao vi bằng mãn nhiệm trong dịp này.

 

CHƯƠNG IV: NHẬN CHỨC – SINH HOẠT – NHIỆM KỲ

Điều 19. Nhận chức và bàn giao

Theo Giáo luật điều 536 và theo truyền thống của giáo phận, linh mục chính xứ đệ trình danh sách các thành viên HĐGX hay BHG mới lên Đức giám mục giáo phận. BHG chính thức tuyên thệ và thi hành nhiệm vụ sau khi có văn thư chấp thuận của Đức giám mục.

 Việc bàn giao giữa HĐGX hay BHG cũ và mới phải có sự chứng kiến của linh mục chính xứ.

Điều 20. Sinh hoạt

Theo sự hướng dẫn của linh mục chính xứ hầu nhằm thăng tiến sự hợp tác giữa các thành phần trong xứ họ, và khơi dậy ý thức cũng như trách nhiệm xây dựng Giáo hội theo định hướng Nước Trời ngay tại môi trường

sống là các xứ họ, HĐGX và BHG nên có các chương trình và kế hoạch mục vụ cụ thể (từng tháng, từng quý và cả năm).

Để chuẩn bị tốt và tham gia tích cực hơn vào vai trò quản trị mục vụ xứ họ, HĐGX và BHG cũng cần:

  • họp định kỳ mỗi tháng một lần;
  • họp bất thường khi linh mục chính xứ triệu tập; [[19]]
  • họp định kỳ mỗi quý với sự tham dự của tất cả các trưởng ban phục vụ các hội đoàn.
Điều 21. Nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ của HĐGX hay BHG họ là 5 năm, trong đó:

  • Thành viên HĐGX và BHG được tái bầu cử thêm một lần nữa vào chức vụ cũ; nghĩa là, một người có thể trúng cử tối đa hai nhiệm kỳ liên tục trong cùng một chức vụ, trừ khi linh mục chính xứ định liệu cách khác. [[20]]
  • Vì lý do mục vụ, linh mục chính xứ có thể gia hạn thêm thời gian cho thành viên BHG đã hết nhiệm kỳ, thời gian gia hạn chỉ được một lần và không quá một năm.
  • Nếu khuyết vị trí HĐGX và BHG nào trong nhiệm kỳ thì linh mục chính xứ nhờ thành viên khác đảm nhận thay trong một thời kỳ nhất định, tuy nhiên phải bầu bổ sung sớm nhất có thể.
Điều 22.Từ Nhiệm

Khi vì lý do chính đáng, với sự chấp thuận của Đức giám mục, các thành viên HĐGX và BHG có thể xin từ nhiệm.

Điều 23. Bãi Nhiệm

Các thành viên có thể bị bãi chức sau nhiều lần cảnh cáo vô hiệu khi phạm những lỗi nặng như:

  • làm gương xấu về đời sống luân lý: sống bê tha, rượu chè, cờ

bạc, rối vợ, rối chồng;

  • gây mất đoàn kết nội bộ;
  • chống đối hoặc bất tuân những quyết định mục vụ quan trọng do cha xứ đề ra;
  • bỏ bê nhiệm vụ.

Linh mục chính xứ gửi văn thư xin bãi nhiệm lên Đức giám mục giáo phận, việc bãi chức chỉ có hiệu lực sau khi Đức giám mục giáo phận chấp thuận bằng văn bản.

 

CHƯƠNG V: NỘI QUY

Điều 24: Nội quy riêng của mỗi giáo xứ

Mỗi giáo xứ nên có bản nội quy riêng để thống nhất các sinh hoạt giáo xứ, kiến tạo giáo xứ theo mẫu gương cộng đoàn Giáo hội thời các thánh tông đồ. Bản nội quy giáo xứ cần được giáo dân góp ý và được linh mục chính xứ phê duyệt. Bản nội quy này không được trái với Giáo luật, hay những quy định của Hội đồng giám mục Việt Nam và giáo phận. Bản nội quy riêng chỉ có giá trị trong giáo xứ. [[21]] Cụ thể, bản nội quy giáo xứ được soạn thảo để:

(1) xác định mô hình giáo xứ và định hướng mục vụ nhằm mời gọi mọi thành phần dân Chúa góp sức xây dựng tình người trong Chúa Kitô, tinh thần hiệp thông huynh đệ trong giáo xứ, giáo phận, làm chứng cho tình thương bao la của Thiên Chúa là Cha chung mọi người;

  • xác định cụ thể về việc cử hành (lãnh nhận) các bí tích, cũng như những sinh hoạt mục vụ giáo xứ, giáo họ, giáo khu, liên gia (tuyển chọn, bầu cử, chọn thánh bổn mạng, mừng lễ thánh bổn mạng, sinh hoạt hỗ tương…);
  • xác định chi tiết và cụ thể về việc lãnh đạo, tổ chức cũng như hướng dẫn các giới, các hội đoàn trong giáo xứ.

 

Điều 25: Tủ Hồ Sơ

Trong mỗi xứ họ, hoặc nhà phòng trong khuôn viên nhà chung, cần có một tủ để lưu trữ sổ sách và hồ sơ xứ họ. Giáo Luật điều 353 các khoản 1- 4 quy định người chịu trách nhiệm thực hiện và bảo quản là linh mục chính xứ, tất nhiên với sự hợp tác của HĐGX và BHG. Sổ sách và hồ sơ gồm hai loại: loại mục vụ và loại quản trị tài chính.

        (1)    loại mục vụ:

  • sổ sách có tính bắt buộc gồm sổ Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối, Tử (GL 535,895). Hồ sơ gồm có thư từ của Đức Giám Mục và các văn thư quan trọng khác. Các hồ sơ này được sắp xếp theo thứ tự và cập nhật hóa (GL 535);
  • sổ sách nhiệm ý (tùy theo truyền thống và quy định của giáo phận) gồm sổ hôn phối đặc biệt (GL 1133).
  1. Loại quản trị tài chính:
  • danh sách thống kê, mô tả và đánh giá các tài sản xứ họ (GL, 1283 khoản 2-3). Khi có thay đổi quan trọng hay nhận xứ mới, linh mục chính xứ phải làm lại bản này và nộp lại một bản cho Tòa Giám Mục.
  • danh sách và các văn kiện pháp lý chứng minh nguồn gốc và chủ quyền các tài sản xứ họ, bản chính lưu tại Tòa Giám Mục (GL, 1284 khoản 2.9). (c) sổ sách chi thu của xứ họ (GL, 1284 khoản 2.7)

 

Điều 26: Nguyên tắc quản trị tài sản xứ họ

 Tài sản của xứ họ là tài sản của Giáo hội nên phải được quản trị và sử dụng theo những nguyên tắc chung của Giáo hội đề ra.

  • tài sản của Giáo hội phải được sử dụng đúng mục đích: tổ chức việc thờ phượng Thiên Chúa, trợ cấp xứng đáng cho hàng giáo sĩ và các thừa tác viên khác, làm việc tông đồ và bác ái (GL, 1254 khoản 2). Trong tinh thần hiệp thông và tương trợ, mục đích này gồm cả việc truyền giáo, đào tạo giáo sĩ, giáo dục lương tâm, đồng hành với giới trẻ, thiếu nhi…
  • Giám mục giáo phận là người lãnh đạo giáo phận và đứng tên chủ quyền mọi tài sản của giáo phận. Do đó ngài có toàn quyền tổ chức, trách nhiệm kiểm tra, can thiệp và điều phối mọi hoạt động quản trị tài sản trong giáo phận (GL, 1276 khoản 2).
  • Giám mục giáo phận ủy quyền cho linh mục chính xứ là người duy nhất chịu trách nhiệm đối với giáo phận, để quản trị tài sản xứ họ, theo các quy định của Hội Thánh và giáo phận như một người cha tốt lành và cần mẫn (GL, 532, 1276).
  • Giáo hội kêu gọi những người giáo dân ưu tú về chuyên môn, khôn ngoan và đức hạnh, trợ giúp các vị mục tử với tư cách chuyên viên hoặc cố vấn. Khi quản trị tài sản xứ họ, linh mục chính xứ cần đến sự cộng tác của một số giáo dân trong xứ họ (GL, 228 khoản 2)
  • Việc quản trị tài sản cần được thực hiện một cách khôn ngoan và minh bạch, phù hợp với các quy định của giáo luật và dân luật. Sổ sách và hồ sơ quản trị phải được thực hiện chu đáo và bảo quản cẩn thận (GL, 1280-1290). HĐGX và BHG cộng tác trong việc: dự trù các phương án chi thu và gây quỹ cho xứ họ (GL, 493); góp ý về những công việc quản trị quan trọng và ngoại thường (GL, 1281).
Điều 27. Quy chế Hội đồng giáo xứ và Ban hành giáo này có hiệu lực kể từ ngày ký, và chính thức được áp dụng từ Chúa Nhật I Mùa Vọng năm 2020-2021.

 

Bắc Ninh, ngày 09 tháng 11 năm 2020

+ Cosma Hoàng Văn Đạt SJ

Giám mục giáo phận bắc Ninh

[1]Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

[2]Xc. Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Lược sử Giáo phận Bắc Ninh, Tr 26.

[3]Nhiều nơi vẫn thường gọi là Ban hàng phủ hay Phủ xứ

[4]Giáo xứ gồm nhiều giáo họ, nếu giáo họ lớn có thể thêm các chức vụ khác vào ban mục vụ giáo họ. Trong trường hợp này, giáo họ có thể được linh mục chính xứ hướng dẫn thành lập hội đồng mục vụ giáo họ; và theo đó, có thể có ban thường vụ BHG (trùm chính, phó, tư mệnh, quản giáo, thư ký và thủ quỹ) giáo họ.

[5]Người đứng đầu BHG

[6]Thánh Augustinô

[7]Cha xứ nên tôn trọng ý kiến chân thành của các thành viên HĐGX và BHG.

[8]Mô hình giáo hội cùng tham gia.

[9]Một biên bản phiên họp cần phải có chữ ký của cả vị chủ toạ phiên họp lẫn chữ ký của vị thư ký phiên họp thì biên bản ấy mới có giá trị.

[10]Là thành viên của HĐGX theo nghĩa mở rộng

[11]Là người đứng đầu giáo họ

[12]Một biên bản phiên họp cần phải có chữ ký của cả vị chủ toạ phiên họp lẫn chữ ký của vị thư ký phiên họp thì biên bản ấy mới có giá trị.

[13]Linh mục chính xứ cầu nguyện cho tất cả các vị đã phục vụ xứ họ ở mọi cấp, đương nhiệm cũng như đã mãn nhiệm.

[14]Phẩm chất và năng lực các thành viên HĐGX và BHG luôn cần được trau dồi, phát huy, và nâng cao ngang tầm với sứ vụ cao quý này.

[15]Vai trò và nhiệm vụ HĐGX và BHG rất quan trọng trong việc quản trị và phục vụ cộng đoàn, vì vậy HĐGX và BHG cần có nhiều thời gian dành cho việc chung, nếu đảm nhận hai công việc khác nhau cùng lúc sẽ không thể chu toàn tốt công việc được giao.

[16]Cần linh hoạt uyển chuyển để phù hợp hoàn cảnh thực tế của từng xứ họ.

[17]Lý do đặc biệt là ảnh hưởng đến sự hiệp nhất của giáo xứ.

[18]Lý do đặc biệt là lý do ảnh hưởng đến sự hiệp nhất trong giáo họ

[19] Việc triệu tập cuộc họp HĐGX và BHG thuộc phạm vi quyền hạn được ủy thác của linh mục chính xứ trong tư cách là mục tử riêng: (1) ngài tự mình quyết định triệu tập cuộc họp, hoặc (2) quyết định vì chấp thuận lời đề nghị triệu tập cuộc họp của đa số các thành viên HĐGX hay BHG.

[20]Vì hoàn cảnh giáo phận rất khác nhau và có những nơi chỉ có vài chục giáo dân nên cần phải linh hoạt uyển chuyển cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

[21]Cũng nên có bản nội qui liên xứ ở những nơi gần nhau.