Chúa Nhật tuần I Mùa Chay năm A
Bài đọc 1 | St 2,7-9; 3,1-7 |
Đáp ca | Tv 50,3-4.5-6a.12-13.14 và 17 (Đ.x.c.3a) |
Bài đọc 2 | Rm 5,12-19 |
Tung hô Tin Mừng | Mt 4,4b |
Tin Mừng | Mt 4,1-11 |
Bài giảng của Đức Hồng Y Phaolô Giuse
Bài Phúc âm hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu lên rừng nhịn chay và chịu ma quỉ cám dỗ. Ma quỉ cám dỗ Chúa về ba cái mà tính tự nhiên loài người ham thích là: ham thích ăn uống và sướng vui, ham thích danh giá và tiếng khen, ham thích giầu có và sang trọng. Đó là ba cái mồi rất lợi hại ma quỉ dùng để cám dỗ người ta, và xưa nay nó đã quật ngã rất nhiều người, trước nhất là ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng.
Lần này, thấy Chúa Giêsu nhịn chay bốn mươi ngày và đang đói, ma quỉ lợi dụng thời cơ đến cám dỗ Chúa về sự ham ăn uống. Nó hy vọng thắng được Chúa như đã đánh ngã được ông Adam và bà Eva. Để cơn cám dỗ thêm hiệu lực, nó gợi lên địa vị làm Con Thiên Chúa của Ngài. Nó nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy khiến hòn đá này trở nên bánh mà ăn!” – Nói cách khác: theo lẽ tự nhiên thì Con Thiên Chúa nhất định phải sung sướng chứ, có lẽ gì phải đói khổ thế này, mà có đói khổ thì cứ nói một lời, hòn đá sẽ trở nên bánh ngay. Ma quỉ gợi lên tư tưởng đó, cũng như ở đời người ta thường nói: “Sướng như ông hoàng” – nghĩa là con vua thì biết đói khổ gì, mà có đói khổ thì chỉ cần nói một tiếng là có bánh ăn.
Trước cơn cám dỗ của Satan, Chúa Giêsu chống trả ngay: “Người ta không sống nguyên bằng cơm bánh, nhưng còn bằng mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. – Lời đáp lại của Cha dạy ta điều này: Chúa Giêsu là Con thật Thiên Chúa, nhưng không phải như quan niệm của người đời, nhất là quan niệm của người Do thái thời ấy lầm tưởng. Theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha, thì đời sống Con Thiên Chúa ở trần gian không phải để ăn uống no nê vui sướng, nhưng để nghe lời Thiên Chúa và thi hành ý Chúa. Mà ý Thiên Chúa là gì? Là cứu độ trần gian bằng sự đau khổ và sự chết của Con Ngài. Thế là ma quỉ thất bại, không thể cám dỗ Chúa về sự ham ăn uống. – Nó liền đổi chiến lược và mở đợt tấn công thứ hai. Nó đưa Chúa lên nóc Đền thờ và cám dỗ Chúa về sự danh giá tiếng khen, nó nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép “Thiên Chúa sẽ sai thiên thần nâng đỡ chân ông không vấp vào đá”. Ta có thể nói cách khác: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì phải làm việc kỳ lạ tỏ ra uy thế của Cha mình để cho mọi người ca tụng thán phục chứ! Cũng như ở đời, con một ông vua thì phải ăn ở khác người, phải làm những việc phi thường thì mới oai chứ! – Chúa Giêsu phản đối ngay: “Có lời ghi chép: ngươi đừng thử quyền phép Thiên Chúa là Chúa ngươi”. Chúa có ý khẳng định: Đời sống Con Thiên Chúa ở trần gian không được cậy uy thế Cha mình mà làm những việc kỳ lạ cho người đời khen lao, nhưng là hạ mình xuống, vâng lời cho đến chết trên Thập Giá. – Sau khi cám dỗ Chúa lần thứ hai, nhưng thất bại, ma quỉ mở đợt tấn công lần thứ ba, nó cám dỗ Chúa về sự giầu có sang trọng. Nó đem Người lên một đỉnh núi cao, bày ra trước mặt Người các nước thế gian cùng những sự sang trọng đời này và nói: “Nếu ông sấp mình thờ lậy ta, ta sẽ cho ông tất cả các nước ấy”. – Lần này, Chúa Giêsu mắng ngay: “Satan, cút đi, vì có lời ghi chép: ngươi phải thờ lậy Thiên Chúa và phụng sự một mình Ngài”. Qua lời đó chúng ta thấy, Chúa Giêsu là Đấng cứu thế, là Con Thiên Chúa xuống trần gian không phải cho được hưởng giầu sang phú quí. Nước Người không thuộc về thế gian này. Người đến để thiết lập Nước Thiên Chúa trong các linh hồn, để mọi người nhận biết và phụng sự Thiên Chúa trong thần khí và sự thật.
Thế là ma quỉ thất bại lần thứ ba, nó liền bỏ Chúa mà rút lui.
Qua bài Phúc âm hôm nay, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, nhưng không phải như người Do thái quan niệm và ước mơ. Người Do thái ước mơ một Đấng cứu thế sung sướng, nhưng Đức Giêsu là Đấng cứu thế khổ hạnh; người Do thái ước mơ một Đấng cứu thế uy quyền, nhưng Đức Giêsu là Đấng cứu thế khiêm nhường, người Do thái quan niệm một Đấng cứu thế giầu sang, nhưng Đức Giêsu là Đấng cứu thế khó nghèo. Sống khổ hạnh, khiêm nhường và khó nghèo, đấy là thân phận Con Thiên Chúa, Đấng cứu thế ở trần gian theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa Cha. Đọc Phúc âm, chúng ta thấy trong lót cuộc đời trần thế, từ khi giáng sinh trong hang đá cho đến giờ chết trên Thập giá, Chúa Giêsu hằng theo đuổi và thực hiện kế hoạch đó bằng bất cứ giá nào. Cũng vì trung thành với kế hoạch đó mà có lần Chúa đã gay gắt phản đối ông Phêrô khi ông này định can ngăn Chúa, Chúa mắng: “Satan, cút đi khỏi Ta, vì quan niệm của ngươi không phải là quan niệm của Thiên Chúa, nhưng là của người phàm” (Mc 8,33). – Không những Chúa phải đấu tranh với người khác mỗi khi họ gợi lên địa vị Con Thiên Chúa để can ngăn Người thực hiện kế hoạch của Đức Chúa Cha, mà Chúa còn phấn đấu với chính bản thân mình khi cảm thấy lo sợ ngại ngùng trước đau khổ và Thập giá. Cụ thể nhất là trong vườn Cây Dầu, Chúa đã phải phấn đấu gay gắt đến toát mồ hôi máu để chấp nhận ý Đức Chúa Cha. Lời cầu xin của Chúa khi ấy chứng minh điều đó: “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cất chén này khỏi Con”. – Nhưng Chúa nói thêm: “Nhưng đừng cứ ý Con, một theo ý Cha” (Mt 26,39).
Thánh Phaolô cũng viết về thân phận Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa ở trần gian như sau: “Mặc dù ở địa vị Thiên Chúa, nhưng Ngài không giành lại cho mình số phận ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài đã tự hủy mình ra không, nhận lấy thân phận tôi tá, trở nên giống loài người và qua diện mạo, Ngài được coi như một người. Ngài đã hạ mình xuống vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá” (Pl 2,6-8). – Nơi khác,Thánh Phaolô còn viết: “Những ngày còn sống trong thân xác, Ngài đã dâng lên Đấng có thể cứu Ngài khỏi chết, những lời cầu xin khẩn nguyện và lớn tiếng kêu van hòa cùng nước mắt, và Ngài đã được nhận lời thoát khỏi sợ hãi… Mặc dù là Con, Ngài đã phải qua đau khổ để học đức Vâng lời” (Xem thư gửi giáo đoàn Hy-bá-lai 5, 7-8).
Đức Kitô trong hoang địa cũng bị Satan cám dỗ như ông Adam trong vườn địa đàng, Giáo Hội gọi Ngài là Adam mới, Adam thứ hai, Đàng khác Ngài cũng là Con Thiên Chúa nhập thể làm người cứu độ nhân loại, nên sự cám dỗ Ngài chịu là cơn cám dỗ của loài người. Cơn cám dỗ diễn ra giữa hai sự việc: Việc Chúa Cha từ trời tuyên bố: “Đây là Con Ta yêu dấu” và việc khởi sự thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ nhân loại.
Phúc âm cho thấy, qua suốt thời kỳ thi hành sứ mệnh đó, cơn cám dỗ hoang địa nhiều lần tái diễn dưới những hình thức khác nhau. Khi thì Phêrô can ngăn Chúa đi chịu chết, khi thì người Do thái muốn Chúa làm phép lạ phi thường, khi thì các giáo trưởng thách đố Chúa trên Thập giá: “Nếu mi là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi Thập giá để chúng ta tin”. Nhưng trong mỗi trường hợp đó, Chúa Giêsu đã chiến thắng như Ngài đã chiến thắng Satan trong hoang địa. Vì thế mà Chúa đã dẫn dưa Người vào định mệnh đích thực của họ là làm Con Thiên Chúa như lời Thánh Phaolô nói: “Thật là thích hợp: Đấng vì Ngài và bởi Ngài mà có muôn vật, đã muốn đưa một số đông con cái đến phúc vinh quang nên đã dùng đau khổ mà kiện toàn vị Thủ lãnh để Người đem ơn cứu độ đến cho họ và không hổ thẹn gọi họ là anh em mình” (Hr 2, 10-11).
TỘI NHÂN, SIÊU NHÂN, ÂN NHÂN (Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Trường)
Mùa Chay là mùa sám hối trở về. Phải trở về có nghĩa là ta đang xa cách. Xa là vì tội lỗi lôi kéo chúng ta rời xa Thiên Chúa. Hãy chân thành nhìn nhận chúng ta là tội nhân, và thành tâm thống hối trở về với Chúa là ân nhân yêu thương cứu độ chúng ta.
- Tội nhân. Bài Đọc 1 cho thấy ngay từ khởi đầu nguyên tổ loài người đã phạm tội, lìa xa Thiên Chúa. Để sám hối trở về thì con người phải chân thành nhìn nhận mình có tội. Bởi vì, xã hội thời nay, nhiều người phạm tội nhưng lại tìm mọi cách chạy tội, chối tội, đổ tội, chứ không nhận mình có tội. Nguy hiểm hơn nữa khi người ta phạm tội này tội kia, nhưng lại cho rằng đó không phải là tội, làm điều đó vẫn OK. Phạm tội thoải mái, không vấn đề gì, lương tâm không còn cắn rứt.
- Siêu nhân. Nguyên tổ loài người được Chúa ban cho mọi sự trong vườn địa đàng mà vẫn bị cám dỗ muốn thành siêu nhân “như những vị thần biết điều thiện điều ác”. Chúa Giêsu làm người cũng bị cám dỗ trở thành siêu nhân khi quỷ xui Chúa từ trên nóc đền thờ nhảy xuống. Ngày nay hơn bao giờ hết, con người bị cám dỗ trở thành siêu nhân không cần ai, không cần cả Chúa. Cơn cám dỗ tôi biết hết, tôi làm chủ cuộc đời theo ý riêng mình thích, chứ không cần đó có là ý Chúa, ý tốt hay không. Loạn đến vậy.
- Ân nhân. Phúc đức thay, dù cho con người là tội nhân lìa xa Chúa, muốn là siêu nhân chả cần Chúa, thì Chúa vẫn như một ân nhân đầy lòng yêu thương cứu giúp con người. Con người phạm tội, Chúa dủ lòng thương xót tha thứ. Tội gây nên chết chóc thì Chúa thương ban ân sủng sự sống. Chúa hy sinh cứu độ để biến con người từ tội nhân thành người công chính như diễn tả trong Bài Đọc 2.
Đức Giêsu đã chiến thắng các cơn cám dỗ nhờ sức mạnh Lời Chúa và lòng tôn thờ Chúa. Là tội nhân, chúng con rất cần Chúa. Amen.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ðức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ. Ðã là người có tự do và trách nhiệm, nên phải lựa chọn, và đó chính là những thử thách. Cơn thử thách của Ðức Giêsu nhắm đẩy Ngài đi trái ý Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa Cha muốn Ngài thực hiện ơn cứu độ bằng con đường khổ nạn. Cơn cám dỗ lại xúi bẩy Ngài tỏ uy quyền vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng tất cả các mưu chước của sa tan đều bị Ðức Giêsu đánh gục. Ðức Giêsu đã khiêm hạ sống thân phận tự hủy để ý Cha được nên trọn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khiêm hạ sống trọn kiếp người như chúng con. Chúa cũng muốn trải qua những thử thách để cảm thông và trao kinh nghiệm chiến thắng cho chúng con. Gương của Chúa dạy chúng con: Muốn thắng cám dỗ, chúng con phải cầu nguyện. Muốn thắng cám dỗ, chúng con phải dùng lời Chúa. Muốn thắng cám dỗ, chúng con phải nhờ sức mạnh của Thiên Chúa. Xin Chúa giúp chúng con làm trọn ý Thiên Chúa Cha. Amen.
Ghi nhớ: “Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày đêm, và chịu cám dỗ”.