Chúa Nhật Tuần I – Mùa Chay năm B
Sau hồng thuỷ, Thiên Chúa lập giao ước với ông Nô-ê.
Bài trích sách Sáng thế.
8 Khi ấy, Thiên Chúa phán với ông Nô-ê và các con ông đang ở với ông rằng : 9 “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, 10 và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi : chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. 11 Ta lập giao ước của Ta với các ngươi : mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa.”
12 Thiên Chúa phán : “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau : 13 Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. 14 Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, 15 Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ; và nước sẽ không còn trở thành hồng thuỷ để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.”
Đ.Lạy Chúa, đường lối Chúa
tất cả là yêu thương và thành tín
đối với ai giữ giao ước của Ngài.
4Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.5aXin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Đ.Lạy Chúa, đường lối Chúa
tất cả là yêu thương và thành tín
đối với ai giữ giao ước của Ngài.
6Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời,
giờ đây xin nhớ lại.7cXin Chúa lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
Đ.Lạy Chúa, đường lối Chúa
tất cả là yêu thương và thành tín
đối với ai giữ giao ước của Ngài.
8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Đ.Lạy Chúa, đường lối Chúa
tất cả là yêu thương và thành tín
đối với ai giữ giao ước của Ngài.
Nước đó là phép rửa nay cứu thoát anh em.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.
18 Anh em thân mến, chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi -Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh. 19 Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, 20 tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước. 21 Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, 22 Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.
Người ta sống, không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.
Đức Giê-su chịu Xa-tan cám dỗ, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
12 Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. 13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Suy niệm (Lm. Giuse Nguyễn Bá Hiển)
“Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ”.
Trong tiếng Do Thái, chữ “cám dỗ” có nghĩa là “thử thách”, “thử tài”. Như vậy, cách nào đó, chữ cám dỗ cũng giống như chữ “đi thi” của chúng ta ngày nay. Ai thắng được cám dỗ là thi đậu, ai sa ngã là thi rớt.
Cám dỗ có thể được hiểu như những bài thi của mỗi người chúng ta. Mỗi lớp có nội dung thi khác nhau, phù hợp với trình độ của mỗi lớp, mỗi cấp… Từ đó chúng ta nhận ra rằng, các cám dỗ của mỗi người, mỗi nơi, mỗi giới tính cũng có những điểm khác nhau. Có thể với người này không phải là cám dỗ, nhưng với người khác, đó lại là một cơn cám dỗ mà họ phải chiến đấu rất cực nhọc. Bởi thế, cám dỗ có khi là dịp tốt để ta “lấy bằng cấp, được lên lớp, hay nói đúng hơn là để ta trưởng thành, để tỏ lòng trung với Chúa, và để được lên Thiên Đàng”.
Chúa Giêsu đã vượt qua cám dỗ bằng đời sống ăn chay và cầu nguyện bốn mươi ngày. Xin Chúa nâng đỡ mỗi người chúng ta, để qua bốn mươi ngày chay thánh, chúng ta cũng vượt qua được những cám dỗ là những thói hư nết xấu trong đời sống của mình. Amen.
Đối mặt với kẻ thù
Khi các nhà lãnh đạo chính trị phải đối mặt với biến động tài chính, họ thường muốn chuyển sự chú ý của mọi người ra khỏi cuộc khủng hoảng đang có. Năm 64 sau công nguyên, khi hoàng đế Nero đối mặt với sự sụp đổ kinh tế ở Rome, ông chọn đốt cháy thành phố để dân chúng tập trung vào đấy. Ngọn lửa cháy suốt một tuần và thiêu rụi nửa kinh thành. Nero buộc tội cho các Ki-tô hữu, những người mà cho đến thời điểm đó vẫn được dung túng như một giáo phái Do Thái. Thế là kỷ nguyên đàn áp bắt đầu. Những người theo Chúa Giêsu bị ném cho thú dữ trong đấu trường, còn dân thành Rome thì vui vẻ trước sự nhục nhã và cái chết tàn khốc của đồng loại. Sự chú ý của mọi người đã chuyển hướng khỏi các vấn đề kinh tế, nhưng hóa đơn chi trả cho sự chuyển hướng này lại được những người vô tội thanh toán.
Thánh Mác-cô viết Tin Mừng cho các Kitô hữu bị bách hại ở Rôma, những người luôn sống trong nỗi sợ hãi bị ném vào miệng thú dữ. Chẳng thế mà ở đầu câu chuyện về Chúa Giêsu, ông kể Chúa Giêsu sống giữa loài dã thú. Chúa Giêsu vô tội, nhưng sự vô tội không bảo vệ Ngài khỏi xung đột, thử thách, đau khổ, khỏi đối mặt với kẻ thù. Sự vô tội không xua đi xung đột; đúng hơn nó thu hút xung đột. Hoang địa là đấu trường truyền thống của Satan, trước khi bắt đầu sứ vụ Chúa Giêsu phải vào hoang địa đối mặt với thử thách. Các Kitô hữu cũng đối mặt với thử thách trong đấu trường. Trước khi vào sứ vụ công khai, người vô tội phải chịu thử thách quyết tâm của mình.
Satan
Thánh Mác-cô nói rằng Chúa Giê-su bị Sa-tan cám dỗ. Từ “Satan” trong tiếng Do Thái chỉ đơn giản có nghĩa là kẻ thù. Trong Cựu Ước, lần đầu tiên nó được dùng để chỉ đối thủ của con người. Ví dụ, người Phi-li-tinh sợ Đa-vít thành satan của họ, nghĩa là họ sợ Đa-vít thành kẻ thù của họ (l Sam 29,4). Khi Vua Sa-lô-môn vui mừng vì không còn satan hay bất hạnh nào nữa, ông muốn nói rằng cuối cùng thì ông đã thoát hết kẻ thù (l Vua 5:4). “Satan” ban đầu có nghĩa là đối thủ nguy hiểm, về sau từ này có nghĩa là người bào chữa cho một trường hợp chống lại người khác, là kẻ tố cáo con người trước mặt Thiên Chúa, công tố viên của thiên đàng. Cuối cùng nó có nghĩa là Kẻ thù của Chúa, một thế lực ma quỷ chống lại Thiên Chúa.
Vào thời Tân Ước, Satan được hiểu là thủ lãnh ác quỷ tham gia vào một cuộc đấu tranh dữ dội chống lại Thiên Chúa, và chỉ kết thúc vào ngày cuối cùng của lịch sử. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha tuyên bố Ngài là Con yêu dấu của Người. Giờ đây, tại hoang địa, Con Thiên Chúa gặp Kẻ thù của Thiên Chúa. Con phải quyết định đi theo đường lối của Cha hay đường lối của Sa-tan. Khởi đầu sứ vụ là thời điểm thay đổi và cũng là thời gian cám dỗ. Nhưng đây cũng là lúc để làm rõ. Nó luôn giúp ta biết ta đang chống lại ai và chống lại cái gì. Còn ai giúp ta tốt hơn kẻ thù, khi ta cần biết những gì ta phải chống và những gì ta phải bảo vệ ?
Khi Chúa Giêsu rời khỏi sa mạc cám dỗ, Ngài không bỏ lại cám dỗ mãi mãi đằng sau. Kẻ Thù sẽ xuất hiện trở lại trong sứ vụ – như khi Chúa Giêsu nói với Phêrô : “Hỡi Satan, hãy lui lại đằng sau Ta ! Vì cách suy nghĩ của ngươi không phải là đường lối của Thiên Chúa mà là của con người” (Mc 9:33). Chúa Giêsu phải suy nghĩ theo đường lối của Thiên Chúa, và Ngài trở thành người phát ngôn không phải cho Satan mà cho Chúa Cha. Khi bắt đầu rao giảng, Ngài nói với mọi người rằng đã đến lúc để Chúa cai trị cuộc đời họ. Nếu điều này xảy ra thì họ phải sám hối và tin vào Tin Mừng. Những gì Thiên Chúa đang làm là Tin Mừng. Và Tin Mừng không chỉ là thông điệp của Chúa Giêsu mà còn là chính Chúa Giêsu.
Khi Mùa Chay đến
Ít người trong chúng ta cùng nhau sống Mùa Chay với Tin Mừng, nhất là khi phải đối mặt với kẻ thù bên trong và quanh ta. Vào đầu Mùa Chay, Giáo Hội luôn đưa chúng ta vào hoang địa với Chúa Giêsu, để đối mặt với quyền lực chống lại Tin Mừng. Chúng ta sống Tin Mừng với Chúa Giêsu cùng với cộng đoàn những kẻ theo Người.
Không ai trong chúng ta phải đối mặt với hoang địa một mình; đừng ai trong chúng ta để bị ném lại tình trạng tự mình xoay sở. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ; tất cả chúng ta đều thất bại; tất cả chúng ta đều phạm tội. Đôi khi chúng ta có thể tự hỏi liệu có lối ra nào thoát hoang địa bế tắc hay không. Như Chúa Giêsu, tất cả chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của Chúa Cha nhìn nhận chúng ta là con cái yêu dấu của Người. Khi chúng ta nghe thấy tiếng nói đó, lời kêu gọi sám hối là lời kêu gọi ở lại với cộng đoàn thân ái của chúng ta. Chúng ta bị thách thức thay đổi suy nghĩ, thay đổi tấm lòng về Tin Mừng mà chúng ta bỏ qua, và thay đổi cách chúng ta đối mặt với những thói quen tội lỗi.
Đây là công việc của cả cuộc đời. Chúa Giêsu đã không chiến thắng Satan trong hoang địa, Ngài chỉ đạt được điều đó trong cái chết của mình. Mùa Chay nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải bắt đầu lại việc đối mặt với kẻ thù bên trong chúng ta. Và Tin Mừng là khi chúng ta làm điều đó, chúng ta sẽ đi trên con đường dẫn chúng ta đến vương quốc của Thiên Chúa.