Chúa nhật tuần IV Mùa Vọng năm A

“Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. (Mt 1, 24)

BÀI ĐỌC I: Is 7, 10-14

“Này trinh nữ sẽ thụ thai”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa”.

Và Isaia nói: “Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Đavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa ? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Đáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Đế hiển vinh (x. c. 7c và 10b).

Xướng:

1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. – Đáp.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài ? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. – Đáp.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Đấng cứu độ ban ân thưởng. Đó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 1, 1-7

“Đức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Đavít, là Con Thiên Chúa”.

Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.

Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Đức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi.

Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 1, 18-24

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.

19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.

21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”.

22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

Bài giảng của Đức Hồng Y Phao lô Giuse

ĐỊA VỊ CỦA ĐỨC GIÊSU TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ.

 Đức tin dạy cho ta biết, sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa không từ bỏ loài ngưòi hư đi khốn nạn, Ngài hứa sẽ cứu loài người. Lời hứa đó được nói lên trong án phạt con rắn: “Ta sẽ đặt sự hiềm thù giữa mi và người nữ, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người nữ, Người sẽ đạp dập đàu m nà mi rình cắn gót chân Người” ( St 3,14). Theo lời chú giải của các Giáo Phụ thì người nữ nói đây là Đức Maria Đấng sinh ra Đức Kitô, chiến thắng ma quỷ và cứu độ loài người.

Nhưng từ khi Thiên Chúa hứa đến khi Đấng Cứu Thế ra đời, nhân loại phải sống lâu dài trong chờ đợi và mong ước. Thiên Chúa xem ra như quên lời hứa và từ bỏ loài người. Nhưng Thiên Chúa vẫn âm thầm chuản bị và sắp đặt mọi sự để thực hiện kế hoạch của Ngài một cách vô cùng khôn ngoan, êm dịu và mạnh mẽ.

Vào quãng hai ngàn năm trước  Công nguyên, Thiên Chúa đã lên tiếng gọi tổ phụ Abraham, và qua Abraham, Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Do Thái để lưu truyền lời  Chúa hứa và dọn đường cho Đấng Cứu Thế ra đời. Chúng ta có thể nói lịch sử dân Do Thái để lưu truyên lời Chúa hứa và dọn đường cho Đấng Cứu Thế ra đời. Chúng ta có thể nói, lịch sử dân Do Thái trải qua gần 2000 năm là một mùa vọng kéo dài, mong đợi và chuẩn bị đón nhận Đức Kitô. Nhưng việc Thiên Chúa dự định phải đến đã đến, khi thờ gian viên mãn, người nữ mà Thiên Chúa tiên báo sẽ đạp đầu con rắn hoả ngục, người nữ đó xuất hiện nơi Đức Maria. Bài Phúc Âm hôm nay nói: “Người đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần, và sinh một con trai, Đấng sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Sau sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời tiên tri: “Này đây, một Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên Con Trẻ là Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

  Như vậy, ta thấy Đức Maria có một địa vị và vai trò đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, kế hoạch mà Ngài đã chỉ định từ nguyên thuỷ và thực hiện dần dần từng bước qua dòng thời gian. Công đồng Vaticano II dạy như sau: Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Tân ước và Thánh Truyền đã trình bày ngày càng rõ hơn vai trò của Mẹ Đấng Cứu Thế trong kế hoạch cứu độ và đề cao Người lên cho chúng ta chiêm ngắm. Thực vậy, các sách Cựu ước thuật lại lịch sử cứu độ, trong đó ngày Đức Kitô xuất hiện trên thế giới được chuẩn bị một cách từ từ  từng giai đoạn. Các sách Cựu ước theo như Giáo Hội vẫn hiểu dưới ánh sáng mạc khải, dần dần cho thấy, hình ảnh Mẹ Đấng Cứu Thế đã được tiên báo trong lời Thiên Chúa hứa ban cho người chiến thắng con rắn hoả ngục. Người cũng là chính Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai, được gọi là Emmanuel. Người nữ đó trội vượt hơn mọi kẻ khiêm nhường và nghèo khó của Thiên Chúa là những kẻ tin tưởng hy vọng và đón nhận ơn nơi Thiên Chúa. Thế rồi, sau đêm dài mong đợi, lời Thiên Chúa đã được thực hành, khi Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại trong lòng Trinh nữ để cứu loài người khỏi tội lỗi nhờ các màu nhiệm của thân xác Đức Kitô”. 

(Xem Hiến chế về Giáo Hội số 55).

Tới đây ta nhớ lại xưa bà Evà đã cộng tác với ông Ađam trong tội nguyên tổ và đưa loài ngưòi vào tình trạng hư vong, thì nay Thiên Chúa đã chọn Đức Maria để cộng tác với Đức Kitô trong việc cứu độ loài người. Tuy nhiên, ta đừng quan niệm vai trò của Đức Maria chỉ có tính cách thụ động như một người mày Thiên Chúa lắp sẵn cứ bấm nút là hoạt động vô ý thức. Không phải thế, Đức Mẹ cũng là người có trí khôn suy xét, ý chí tự do, nên Người đã tự nguyện góp phần vào công việc cứu độ một cách ý thức và chủ động. Thực thế, khi Thiên Thần đến truyền tin cho Đức Mẹ thụ thai, Người đã suy nghĩ và đáp lại: “Này Tôi là tôi tá Thiên Chúa, Tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”. Do lời xin vâng đó, Ngôi Hai đã nhập thể trong lòng Đức Mẹ và làm người để cứu chuộc ta. Thánh Irênê viết: “Cái nút mà bà Evà đã thắt lại do bất phục tùng thì Đức Maria đã cởi ra bởi sự vâng phục của Người”.

Để kết luận, chúng ta hãy hợp cùng Đức Mẹ dâng lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa đã làm cho Đức Mẹ những việc trọng đại. Chúng ta hãy tuyệt đối tin cậy vào quyền năng và lòng từ bi của Đức Mẹ. Trong mọi trường hợp vui buồn, gian khổ, khi thấy mình tội lỗi nặng nề, gia đình khó khăn, Đức tin yếu kém, ta hãy nhìn lên Đức Mẹ tha thiết kêu xin Người thưong giúp, chắc chắn không bao giờ Đức Mẹ từ chối lời ta cầu xin. Đức Giêsu đã qua Đức Mẹ mà xuống cứu ta, thì ta cũng phải qua Đức Mẹ là con đường chắc chắn nhất đưa ta đến cùng Chúa là nguồn mạch ơn cứu độ. Ai yêu Đức Mẹ thiết tha, chắc phần cứu rỗi miễn là trung kiên.