Ngày 11/5: Thánh Mát-thêu Lê Văn Gẫm – Giáo hữu, tử đạo Việt Nam
Gò công : Đất lành chim đậu
Thánh Mát-thê-ô Lê Văn Gẫm sinh năm 1813 trên một mảnh đất là nơi trú ngụ các loại chim nhất là loài công nên gọi là Gò Công thuộc làng Long Đại tỉnh Biên Hòa, ở đây có họ đạo mà thời ấy gọi là Họ Tắt, bậy giờ gọi là họ Gò Công. Hiện nay trên khu đất này có tu viện Phước Sơn, dòng họ thánh tử đạo Lê Văn Gẫm đã dâng đất ấy cho nhà thờ và nhà thờ để lại một phần cho tu viện.
Cậu Lê Văn Gẫm là con đầu lòng trong một gia đình có năm anh em trai và một người em gái út. Cha mẹ cậu là ông Phao-lô Lê Văn Lai và bà Maria Nguyễn Thị Nhiệm là những giáo hữu đạo đức. Năm 15 tuổi cậu muốn dâng mình cho Chúa và được nhận vào chủng viện Lái Thiêu. Nhưng một tháng sau cha mẹ cậu bắt về vì cậu là trưởng nam phải coi sóc việc nhà. Năm 20 tuổi, cậu lập gia đình và sang ở họ Thành, làng Long Điển, Bà Rịa là quê vợ.
Hai vợ chồng buôn bán, làm ăn khá giả, sinh được bốn người con. Con cả và con út chết bệnh, người con thứ hai chết vì đạo khi người ngoại đốt nhà thờ Cầu Ngang, con thứ ba cũng bị bắt vì đạo, phải khắc hai chữ “Tả đạo’ vào má, sau phải chết thiêu trong nhà giam Bà Rịa cùng với 46 nhân chứng Đức Tin. Cha ông Gẫm cũng bắt vì đạo một thời gian.
Ông Gẫm sống một đời bình dị, không tham chức quyền danh vọng, được mọi người yêu quý. Dù vậy bóng dáng tội lỗi cũng đã len lỏi vào con người dũng mạnh can đảm trước mọi khổ hình này. Một lần ông đã thất tình với vợ, nhưng ông sớm tỉnh ngộ, ăn năn thống hối tội mình.
Biển đông
Ông Mát-thê-ô Gẫm tận tâm giúp đỡ Nhà Chung trong thời cấm đạo. Thấy ông là người can đảm có Đức. Tin mạnh mẽ, thạo nghề sông biển nên các cha nhờ ông đi Sing-ga-po[1], đưa đón các chủng sinh xuất ngoại học ở chủng viện Pê-năng[2], lĩnh tiền và đồ đạc cho Nhà Chung. Chuyến đi đầu, công việc xuôi xắn, trở về bình an.
Hồi ấy vì nhu cầu truyền giáo, Cha Lợi là cha coi xứ vùng Bà Rịa vâng lời Bề trên, xuất tiền Nhà Chung cho ông Gẫm đóng một thuyền lớn để tiện việc đi Sing-ga-po, Pê-năng và các vùng duyên hải.
Năm 1840, ông Gẫm nhận đi đón Đức Cha Lơ-phe cấm đạo. Lần này trách nhiệm khó khăn nặng nề rất nguy hiểm. Chuyến đi trước dù giữ cẩn thận kín đáo nhưng đã có tiếng đồn thổi không hay, người ta kháo nhau rằng ông Gẫm đi Sing-ga-po chở đồ quốc cấm, vì thế lần này ông hơi ngại nên trì hoãn. Sau Cha Lợi thúc giục mãi, ông mới phó mọi sự trong tay Chúa rồi lo thu xếp lên đường.
Trước khi đi, ông về quê từ giã cha mẹ, ông không dám nói thật với bố vì ông cụ hơi đãng trí, không kín đáo sơ hở ra cách nào người ngoài biết, ông chỉ nói tránh là mình đi Cao Mên đổi muối chừng hai ba tháng mới về .
Riêng với mẹ, ông không giấu sự gì. Ông cảm động nói với mẹ: “Cha Lợi thúc giục con nhiều quá, cha bảo đã chậm lại một tháng rồi nên con phải đi, lần này con hơi lo, khó mà thoát nạn, vì lẫn trước người ta đã dồn thổi con đi Sing-ga-po. Có lẽ con sẽ phải chết, nhưng không sao, con sẵn lòng chết vì Chúa”.
Chuyến đi mọi việc êm xuôi. Thuyền ở lại Sing-ga-po hai tháng. Ngày 23-5-1846, thuyền nhổ neo trở về, trong chuyến này có Đức Cha Lơ-pe, Cha Đuy-cơ-lô, ba chủng sinh Pê-nặng và các đồ đạc, tiền bạc Đức Cha đưa về cho địa phận.
Dọc đường bị bốn trận bão lớn và một lần bị cướp biển đuổi theo nhưng vì thuyền nhẹ nên thoát.
Ngày 6-6, thuyền tới cửa Cầu Giờ, đợi hai ngày không thấy ông Trùm Huy ở Chợ Quán ra đón như đã hẹn trước để Đức Cha và Cha Đuy-cơ-lô sang thuyền nhỏ vào bờ cho dễ, không bị lính tuần kiểm soát. Nhưng chẳng may đúng kỳ hẹn, ông Huy đợi năm , sáu ngày không thấy thì lấy củi trở về.
Tối 7-6, ông Gẫm căng buồm chạy sát vào sông, qua đồn canh thì bị thuyền đi tuần kiểm soát ông phải đưa cho năm người lính 15 nén bạc, họ mới để thuyền đi. Nhưng được một lúc họ lại đuổi theo trả bạc và bảo: “Việc này can hệ lắm, chúng tôi không dám nhận, các ông phải về đồn”.
Ông Gẫm không chịu, định bảo các người dưới thuyền trói năm tên lính lại bỏ lên bờ rồi đi, nhưng Đức Cha không cho phép. Năm người lính trở về báo đồn. Trước nguy cơ đe dọa, Thày giảng Niêm cũng đi chuyến ấy xin ông Gẫm nhận thày là chủ thuyền để tránh nguy hiểm cho ông, nhưng ông Gẫm nhất định không bằng lòng và đây là một trong những nét anh hùng của vị tử đạo.
Trời vừa sáng, một cai đội và mấy người lính trở lại bắt thuyền. Mọi người ở trên thuyền đang ngủ, chỉ có một người thức nấu cơm. Thấy thuyền tuần người ấy vội vàng gọi ông Gẫm, các người trong thuyền tỉnh dậy, ông Gẫm phải đưa cho họ 150 quan tiền thì Cai đội rút về và giục thuyền ông phải chạy cho nhanh. Thuyền cố gắng chèo, nhưng khốn nỗi đến Cờ Bắp gần Ngã Bảy, nước ngược không đi được phải bỏ neo ở đấy. Còn Cai đội lấy tiền không chia đều cho cháu ông trưởng đồn canh nên nó đi tố giác. Bị hỏi đến, Cai đội nói dối là thuyền ấy đông người đánh tháo chạy nên thuyền tuần phải rút về xin thêm quân. Ông trưởng đồn cho thêm thuyền đuổi bắt. Sáng ngày 8-6 thuyền ông Gẫm bị bao vây và phải lục soát, ông bị đóng gông ngay. Các người dưới thuyền không ai phải trói vì ông Gẫm đã khai thật mọi sự, thuyền và của cải dưới thuyền bị tịch thu hết, thuyền truyền giáo quay về Cầu Giờ kiểm soát, sau đó phải áp giải về Bến Nghé, Đức Cha Lơ-phe và Cha Đuy-cơ-lô bị giam ở công quán. Ngày 17-7-1846, Cha Đuy-cơ-lô chết trong tù, Đức Cha phải giải ra Huế và vua Thiệu Trị kết án xử trảm giam hậu, nhưng không thi hành mà cho về Tây Ban Nha; năm 1847 Đức Cha lại có mặt ở miền Nam để điều khiển địa phận. Ông Mát-thê-ô Gẫm và các bạn dưới thuyền đều bị đóng gông và phải giam ở Gia-Tả.
Hiên ngang trước công đường
Mấy hôm sau ông Gẫm phải ra trước công đường. Ông mạnh bạo thẳng thắn khai rõ lý lịch, công việc làm ăn và cả việc chở các Tây dương đạo trưởng. Ông nói: “Tôi gặp các ông ở Sing-ga-po, các ông thuê tôi chở về Nam Kỳ, vì việc làm ăn tôi bằng lòng chở các ông, vả lại tôi sùng đạo nên cũng muốn đưa các ông về để các ông dạy người ta đường ngay nẻo chính”.
– Anh chở các ông Tây đi đâu ?
– Về Chợ Sỏi.
Quan tức giận mắng: “Chợ Sỏi chỉ có dân ngoại, người có đạo không có, về đấy làm gì. Phải khai cho thật, không ta sẽ tấn”.
Ông Gẫm thưa: “Quan không tin, tôi xin chịu, không biết chở đi đâu, nếu quan muốn chở hai ông đi đâu, xin quan cứ nói, tôi sẽ khai cho bằng lòng quan”.
Quan giận lắm, truyền đánh đòn ông. Rồi quan bảo: “Xuất giáo đi, nếu không ta sẽ chém”.
– Tôi không bao giờ bỏ đạo cha ông tôi.
Quan thấy người nói mạnh bạo, chắc chắn, thì mắng thậm tệ và truyền giải về ngục. Những buổi tra hỏi tiếp theo đều xoay quanh vấn đề khóa quá. Sau 20 ngày bị giam giữ, dù tra tấn hay dụ dỗ, cũng vô hiệu, ông Gẫm luôn tỏ ra can đảm, cuối cùng các quan xử trảm giam hậu vì ba tội, bản án ghi rằng: “Tiền ký gian thương; đạo tải dương nhân, dương thư; bất khẳng khóa quá thập tử. Tàu thỉnh trảm phiêu”, nghĩa là: “Trước đã buôn bán lậu, chở trộm các Tây dương đạo trưởng, chở sách Tây, không khóa quá. Tâu xin chém bêu đầu”.
Những ngày trong tù ngục
Trong khi chờ vua châu phê án, ông Gẫm không bị tra khảo nữa, ông ở trong tù, cổ mang gông, tay đeo xiềng nhưng bình thản tươi vui, lúc nào cũng một lòng tin vững vàng can đảm chịu mọi thử thách. Ông thường nói: “Chúa định làm vậy, tôi xin theo ý Chúa”. Có hai, ba người cũng bị bắt với ông nói những lời phàn nàn trách móc, ông an ủi họ rằng : “Anh em đừng nói những lời như vậy, dù sống dù chết cũng là vì Chúa, nếu được chết vì đạo thì phúc cho tôi”.
Ông Gẫm siêng năng cầu nguyện và được Cha Thán cải trang vào giải tội ba lần. Thánh Phan Văn Minh mới qua chịu chức linh khi đi Bến Nghé cũng ghé vào mục thăm an ủi ông, khuyên ông đừng lo gì đến vợ con, ông tươi cười thưa rằng: “Thưa cha, con sẵn lòng chịu khó theo thánh ý Chúa, con không lo gì đến vợ con, cũng không lo đến cửa nhà”. Và thật ông từ bỏ mọi sự nên cấm không cho vợ con đến thăm, sợ bị xúc động quá.
Giáo dân họ Chợ Quán, Thị Nghè, An Nhơn và họ Lăng (Chí Hoà) thường vào thăm an ủi và tiếp tế cho ông, vì từ khi bị bắt gia đình ông không thể đến giúp đỡ ông được.
Vừa bị bắt ở Gia Định và liên hệ gia đình, quan quân bắt giam ông cụ thân sinh và một người em của ông Gẫm là ông Phao-lô Lê Văn Bằng ở Biên Hoà. Mẹ và người em khác là ông Phê-rô Lê Văn Tình phải trốn lên Thủ Đức. Khi các quan đã kết án ông Gẫm rồi, bà mẹ mới vào thăm con, cảm động bà khóc, còn ông vui vẻ an ủi mẹ rằng: “Mẹ đừng khóc, con sung sướng được chết vì danh Chúa”.
Sau cơn xúc động, bà mẹ đạo đức sốt sắng khuyên con hãy theo chân Chúa đến cùng. Năm 1870 Tòa Thánh tra xét việc ông Mát-thê-ô Gẫm chết vì đạo, khi ấy bà còn sống đã ngoài 90 tuổi, bà khai rằng: “Vợ chồng tôi nghe tin con được chết vì đạo thì chẳng có sầu não ưu phiền, lại bằng lòng và bảo nhau rằng: Chết vì đạo sẽ được làm Thánh”.
Ông Ngạn là nhân viên trong toà án có lòng thương ông Gẫm, thỉnh thoảng vào ngục thăm, thấy ông vui vẻ thì ngạc nhiên hỏi rằng: “Này chú, chú có tội với triều đình mà sao vui vẻ thế”. Ông Gẫm đáp: “Thưa ông, tôi không ăn trộm, ăn cướp hay giết người mà tôi sợ, tôi buồn…. Tôi được chết vì đạo là một phúc lớn”.
Bảy tháng sau vua Thiệu Trị y án và án được chuyển đến tỉnh nhưng phải hoãn lại qua Tết mới thi hành.
Các quan nghĩ lại thấy ông Gẫm không phạm tội gì đáng chết thì tâu vua xin đổi sang án tù chung thân, nhưng lúc đó, vua Thiệu Trị bất mãn và thất bại trong việc đánh phá tàu Tây đổ bộ ở Cửa Hàn, nên việc xin đổi án không thành.
Pháp trường Chợ Đũi: Hồi chiêng tiễn biết
Ông Ngạn báo tin cho ông Mát-thê-ô Gẫm biết ngày giờ chịu chết vì danh Chúa Kitô, ông vui mừng từ giã các bạn tù, chúc họ ở lại bình an và vững vàng nhận lấy các đau khổ theo thánh ý Chúa.
Ngày 11-5-1847, lính điệu ông Gẫm đi xử. Trước khi ra pháp trường, ông còn phải lên công đường lần cuối cùng, các quan ngon ngọt dỗ dành ông, ông trả lời dứt khóat rằng: “Nếu các quan chém, xin cứ chém, tôi không thể khóa quá, dù gươm giáo, dù tù ngục lâu ngày, tôi nhất định không nao núng”.
Rồi ông Gẫm vui vẻ lên đường, tới pháp trường bà con thân thuộc đã tề tịu đông đủ. Ông giơ tay từ giã mọi người, thấy họ khóc lóc, ông bảo rằng: “Đừng khóc theo thói thế gian, hãy tạ ơn Chúa và cầu cho tôi được chết lành”.
Pháp trường chật ních người, lương dân tò mò đến xem ngạc nhiên bỡ ngỡ. Một người lính cầm thẻ rao to: “Lê Bôi[3], Gia-tô tả đạo, đi Hạ Châu (Sing-ga-po) chở Tây dương, nhà nước bắt được bất khẳng khóa quá, lệnh xử trảm quyết”. Người lính rao nhỏ tiếng không rõ, ông Gẫm bảo nó: “Rao cho rõ, sợ cái gì ? Rao cho to để mọi người nghe, để sau có người khác bắt chước tôi”. Ông vừa nói vừa cười và quay về phía quan Giám sát, ông nói: “Xin quan bảo anh lính rao cho rõ để người ta biết tôi không phải là trộm cướp”.
Lính rao lại, nhưng bỏ tiếng Gia-tô nên ông Gẫm không nghe, ông nói: “ Thong thả mà rao cho đủ tiếng, thôi để tôi đọc trước, anh đọc sau”. Rồi ông rao án mình từ đầu, người lính lặp lại rõ ràng và ông thưởng cho lính 2 quan tiền. Dọc đường ông đưa mắt tìm Cha Thán đã hẹn chờ giải tội cho ông. Đến chợ Da Còm (chợ Đũi), là nơi định xử, Cha Thán xuất hiện, ông vui mừng, nhưng Cha Thán bị dân chen, ông không thấy Cha nữa, nên xin quan đi thêm một đoạn nữa để được gặp bà con, ông có ý muốn gặp Cha giải tội, vả lại dân nơi ấy cũng không muốn xử ở đây. Quan bằng lòng và truyền dẫn tới núi Bánh Tráng.
Quan cho phép ông Gẫm cầu nguyện dọn mình chết. Rồi quan ra lệnh: “Sau hồi chiêng, nghe một dài sẽ chặt đầu”. Một hồi chiêng rền vang ảo não, vị tuyên xưng Đức Tin vui vẻ kêu danh Chúa và cúi đầu chờ đợi. Tiếng chiêng cuối cùng vọng lên như than khóc tiễn biệt, lý hình vung gươm chém, chém hai lần chưa đứt, sau người ấy phải cứa cổ mới xong, giơ đầu lên cho quan xem thấy, rồi bỏ đầu xuống chạy biến. Người ta trách lý hình: Mọi khi chém giỏi sao lần này lại vụng về, người ấy nói: “Tại Trời không cho chém người vô tội, nên tay run, chém sai”.
Quan quân và lương dân sợ oan hồn bắt vội vàng rút về hết. Ba người em ông Gẫm và bổn đạo lấy vải thấm máu ông giữ làm của thánh. Giáo dân chợ Đũi và chợ Quán lo liệu việc chôn cất; họ võng xác vị tử đạo về chợ Quán chôn ở Mật Cạt cạnh một mồ đá để sau tìm cho dễ vì không dám làm đấu gì khác. Cha Thán và bổn đạo lo chôn cất sơ sài nhanh chóng vì sợ phải bắt, dù thế người ngoại cũng theo đưa xác rất đông.
Năm 1864, Đức Cha Đô-mi-ni-cô (Đức Cha Lơ-pe) cải táng đưa về chôn ở nền nhà thờ Chợ Quán.
Ông Mát-thê-ô Lê Văn Gẫm được Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc ngày 27-5-1900, ông lại được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
[1] Singapore
[2] Pénan
[3]Trước toà án ông nhận tên là Lê Văn Bửu, sau vì có sự nhầm lẫn trong cách viết chữ Nho nên Lê Văn Bửu: Lê Bôi.
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn