Ngày 12/6: Thánh Au-gus-ti-nô Phan Viết Huy – Giáo hữu, tử đạo Việt Nam
Ông Au-gu-ti-nô Phan Việt Huy quê ở làng Hạ Linh, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định. Khi ông bị bắt vì đạo, ông đã 44 tuổi, có gia đình và đi lính được 10 năm. Đối với 2 bạn là ông Đạt và ông Thể thì ông là người lý sự và biết nhiều lẽ đạo hơn cả vì trước kia ông đã ở nhà Đức Chúa Trời.

Thời ấy cuộc đời lính tự do, phóng túng do hoàn cảnh sống tập trung, luôn tiếp xúc với dịp tội, lại xa linh mục, xa nhà thờ, xa họ đạo, xa quê hương, nên đa số lính chỉ mang tên là người có đạo, nhưng không có lòng đạo đức và thường sa ngã. Ông Huy ở trong số này, ông lại còn có vợ hai. Tuy thế họ vẫn có đức Tin và mỗi lần sa ngã họ lại tìm đường trở về, ăn năn thống hối, đến bù cách âm thầm hay công khai.
Sau bữa tiệc quan Trịnh Quang Khanh thiết đãi 500 lính có đạo hồi tháng 6 năm 1838, khoảng ít lâu sau chỉ còn ba ông Huy, Đạt, Thể dũng cảm chiến đấu.
Qua lần tra tấn thứ hai, được ơn Chúa tác động, đêm ấy ông Huy thấy mình mắc nhiều tội lỗi làm gương mù gương xấu vì đã lấy vợ hai ở Nam Định, nên xin về tìm linh mục để gỡ tội. Cha Thiều sau đổi tên là Năng đang làm phúc ở họ Phúc Đường giải tội cho ông và yên ủi khuyên bảo ông vững vàng chịu khó vì đạo đến cùng. Dân làng vui mừng đội ơn lòng nhân lành vô biên của Chúa không những đã biến cải con người tội lỗi, lại ban cho người ấy được phúc rất cao trọng.
Hôm sau ông Huy hân hoan trở về ngục để dọn mình chịu tra khảo lần thứ ba. Đây là buổi tra tấn dữ dội. Trong số 5 chiến sĩ Đức Tin, cuối cùng chỉ còn ba ông Huy, Đạt, Thể.
Trước công đường, khi quan xúc phạm đến đạo thì ông Huy là người đối đáp, cắt nghĩa đạo và bác bẻ các lý lẽ của quan.
Đến tháng 9, không còn cách nào dụ dỗ nữa, các quan kết án giết ba ông, nhưng vua Minh Mệnh không châu phê, đòi các quan phải dùng mọi cách bắt khóa quá. Rồi một tháng trôi qua với bao cực hình, đức tin của ba ông như theo đó lớn dần lên. Quan xin vua giết ba ông cho xong, vua không ưng lại quở trách quan nặng lời.
Niềm vui qua mau
Cuối cùng quan bày mưu mô xảo quyệt là dùng anh em họ hàng làng nước để đánh đổ đức tin kiên cường của ba ông. Quan đã thành công, ông Thể ngã trước, rồi đến ông Đạt, còn lại mình ông Huy vững vàng, buồn rầu vì hai bạn. Đêm ấy người nhà quan vào ngục, lợi dụng ông Huy đang lúc hoang mang ra sức dụ dỗ ông, họ rỉ vào tai ông rằng: “Chú vâng lời vua đi, ai dám cười chê chú vì chú đã can trường chịu mọi cực hình, vua thương không giết chú, nhưng cũng chẳng chịu tha nếu chú không khóa quá, thôi chú hãy bước qua một lần cho xong”. Đêm ấy ông Huy thất bại, ngã thua.
Quan Tổng đốc vui mừng thưởng tiền, tha cho cả ba và tâu vào kinh chiến thắng của mình.
Nhưng nỗi vui của quan mau qua như gió. Ba ông về lương tâm nặng chĩu, hối hận, âu sầu. Mấy ngày sau ông đi xưng tội và được ơn trên soi sáng ba ông nhất định lên tỉnh xưng đạo lại trước mặt quan.
Trông thấy ba người lính can trường quan hơi chột dạ, ông Huy đến lạy quan và thưa rằng: “Đạo Thiên Chúa là đạo thật, Chúa chúng tôi thờ là Đấng phép tắc vô cùng, chúng tôi đã trót dại khóa quá, nay chúng tôi xin giữ đạo đến chết và trả tiền quan”. Niềm vui của quan tan biến, thay vào đấy là cơn giận lôi đình, chửi bới thậm tệ, dùng mọi cực hình như trước nhưng thất bại cay đắng, cuối cùng quan nghĩ ra một kế thượng sách là vì ba người đã khóa quá rồi, nên đuổi ra cấm không cho họ đến làm rầy rà các quan, rồi bắt lý dịch 3 xã nhận tiền thay và đưa ba ông về coi sóc.
Được ơn trên soi sáng, ba ông nhất quyết vào kinh xưng đạo trước mặt vua, nhưng việc này hiểm nghèo nên ba ông ăn chay cầu nguyện và xin ý kiến các Cha. Sau khi được phép, hai ông Huy và ông Thể vào kinh, còn ông Đạt vì bận việc quân nên ở nhà nhưng cũng ký tên trong đơn.
Tháng ngày chờ đợi
Hai ông xưng tội, chịu lễ, từ giã thân thuộc dân làng lên đường. Con trai ông Huy cũng theo cha cho biết sự việc. Sau 20 ngày vất vả, ông Huy và bạn tới kinh đô Huế, tạm trú ở nhà bà Đông là người có đạo, sau hơn một tháng ăn chay cầu nguyện dọn mình chiến đấu, hai ông nộp đơn lên toà Tam Pháp. Quan tòa nhận đơn, không hỏi han gì. Mấy hôm sau hai ông đệ đơn khác đại ý trình bày vì bị quan Tổng đốc Nam Định ép khóa quá, còn thật tình không bỏ đạo. Tòa nhận đơn nhưng cũng không trả lời.
Hai ông nhẫn nại chờ đợi. Một hôm vua ra dạo ngoài thành, hai ông phủ phục bên đường đầu đội đơn. Hiểu rõ câu chuyện, vua truyền giam hai ông ngay và ra lệnh cho ba bộ Hình, Lễ, Binh hợp đồng xét định. Các quan dùng mọi cách không làm hai ông nao núng. Ông Lê Văn Đức trước làm Tổng đốc Nam Định đã biết hai ông nên nói rằng: “Đánh chúng bay, chỉ mỏi tay”.
Các quan tâu vua, vua ngạc nhiên, song vẫn hy vọng hai ông bỏ đạo, truyền các quan phải khuyên dỗ thêm, nhưng vô ích.
Án lăng trì
Vua vẫn chưa chịu thua, vua truyền đem ra 30 nén vàng, một tượng chịu nạn, một thanh gươm đặt trước mặt hai ông để các ông tự ý lựa chọn, nếu bước qua thập giá sẽ được vàng, nếu không, phải án lăng trì là phải chặt ngang lưng và bỏ xác xuống biển.
Ông Huy và bạn xin chịu chết.
Vua giận truyền án như sau :
“Minh Mệnh nhị thập niên, ngũ ngoạt, sơ nhất nhật, nội các thần Lê Khanh Trinh, thần Lâm Duy Nghĩa vâng lời truyền: theo biên bản Tòa Tam Pháp thì hai tên lính Nam Định Phan Viết Huy và Bùi Đức Thể khai rằng: đã theo đạo Gia-tô, năm ngoái đã bước qua thập giá vì bị quan Tổng đốc Nam Định áp bức, trong lòng không muốn, bây giờ xin giữ đạo như cũ. Các quan Tòa Tam Pháp đã hai ba lần khuyến cáo nhưng hai tên này nhất quyết không chừa cải chỉ xin được chịu chết, vậy hai tên này là những đứa mê muội, tráo trở, trước đây chúng đã bị án chết nhưng ta thương không nỡ giết, ngờ đâu chúng mù quáng không biết lẽ phải, mở đường cho chúng ăn năn hối cải, song chúng không còn lương tri, cố chấp theo Gia-tô tả đạo, chúng lại ngạo mạn kiêu căng dám bỏ việc lính vào tận kinh nộp đơn nên đáng chết. Hai tên Huy và Thể đã vào đây sẽ bị đưa ra biển, lấy rìu chặt ngang lưng, bỏ xác xuống biển để cho mọi người biết. Còn tên can án nữa là Đinh Đạt, quan Trịnh Quang Khanh phải tra xét việc ấy ngay rồi tâu trình cho minh bạch”.
Ngày hôm sau, 2-5 âm lịch cũng là ngày 12-6-1839, ông Au-gu-ti-nô Phan Viết Huy phải điệu ra cửa bể Húc Tuần. Trên đường đi ông tỏ vẻ vui mừng. Đến cửa biển, quan quân giải ông xuống thuyền chèo ra khơi, trước khi xử quan còn hỏi ông nếu khóa quá sẽ được ân xá, ông từ chối. Bấy giờ lính tháo gông, trói ông vào cọc chèo, lý hình chặt ngang lưng rồi chặt đầu, bổ xác làm bốn quăng xuống biển.
Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho ông Au-gu-ti-nô Phan Viết Huy ngày 27-5-1900.
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II lại tôn phong ông lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn