Ngày 12/8: Thánh Gia-cô-bê Đỗ Mai Năm – Linh mục, tử đạo Việt Nam
Cha Gia-cô-bê Mai Năm là một trong ba chân phúc cùng lĩnh cành lá vạn tuế tử đạo trong một ngày, dưới đời vua Minh Mệnh. Hai đấng kia là ông Trùm An-tôn Đích và lý trưởng Mỹ.
Lời khai trên đây có mục đích không để tiết lộ quê hương, họ hàng, bổn đạo, để khỏi gây liên lụy, nhưng cũng tả đúng cảnh sống cô đơn, bấp bênh của các linh mục thời cấm cách.
Thày giảng gương mẫu
(1) Jacques Longer. (2) Corsyne.
Cha Năm dàng mình cho Chúa từ khi còn nhỏ, học ở chủng viện Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị) tỉnh Nam Định. Khi Cha làm thày giảng thì được cử đi coi sóc nhà thương Kẻ Vĩnh. Ban ngày Cha coi sóc kẻ ốm đau, đến tối Cha dạy kinh bổn cho trẻ con, Cha vui tính biết cách coi sóc dạy dỗ trẻ, nên chúng yêu mến Cha lắm.
Sau mấy năm hoạt động nhiệt thành, Cha được gọi về tràng lý đoán và đến năm 1813, đời vua Gia Long, Cha được chịu chức linh mục và được sai đi giúp xứ. Bấy giờ Cha mới 32 tuổi. Đến độ nửa đời Minh Mệnh, Cha được gọi về Nhà chung Kẻ Vĩnh.
Từ bình an đến sóng gió
Suốt triều đại vua Gia Long và mấy năm đầu triều đại vua Minh Mệnh, Giáo hội được bằng yên và tự do phát triển. Nhưng sau vua Minh Mệnh đổi thái độ; tháng 2 năm 1825, vua ra sắc cấm tất cả các giáo sĩ đạo Thiên Chúa không được nhập cảnh. Ngày 6-1-1833, vua lại ra sắc cấm truyền bá và cấm theo đạo Gia-tô.
Cha Năm về Nhà chung Kẻ Vĩnh độ hai ba năm thì có sắc chỉ cấm đạo trên đây, vua ra lệnh bắt các đạo trưởng, triệt hạ nhà chung, nhà thờ. Các linh mục phải rút vào bí mật, ăn mặc như thường dân, nay đây mai đó kín đáo làm lễ và làm các phép Bí tích cho bổn đạo. Bấy giờ Nhà chung Vĩnh Trị phải giải tán, Cha Năm ẩn trốn ở nhà ông Trùm Tốn họ Kẻ Nguồi thuộc xứ Vĩnh Trị độ ba bốn năm. Khi cơn cấm đạo tạm yên, Nhà chung Vĩnh Trị hoạt động lại, Cha Năm về Vĩnh Trị. Nhưng được ít lâu cơn cấm đạo ngặt hơn, Cha phải ra ẩn ở nhà ông Trùm Đích xứ Vĩnh Trị.
Một linh mục hiền lành, khiêm nhường, vâng lời và thương kẻ khó
Cha Năm hiền hòa, dễ thương, nói chuyện có duyên vui vẻ, Cha hay kể lại những năm loạn lạc đời vua Tây Sơn nên ai cũng yêu mến Cha. Cha ăn mặc đơn sơ, cử chỉ khiêm nhường; khi thong thả làm các việc như nhặt cỏ, làm vườn, làm các việc vặt với các chủng sinh, không nề hà việc gì. Cha sốt sắng, mực thước, ngày nào cũng thấy Cha giữ các giờ rất cẩn thận. Khi Cha phải trốn ẩn ở nhà ông Trùm Soạn họ Kẻ Non, Cha đọc kinh lần hạt cả ngày, ai muốn gặp Cha có khi phải chờ lâu vì Cha đang đọc kinh lần hạt. Cha rất vâng lời các Đấng Bề trên, dù Cha phải ở Nhà chung lâu năm, không bao giờ Cha dám phàn nàn.
Cha thương kẻ khó lắm, ai biếu Cha của gì, Cha cho kẻ khó hết, ăn cơm cũng để phần cho họ, khi không có gì, Cha cho họ thuốc viên.
Ước ao phúc tử đạo
Cha Năm rất ước ao được phúc tử đạo. Một lần Cha nghe tin có người kia chối đạo, Cha buồn bã phàn nàn than thở: “Sao ông ấy dại dột thế, được dịp đền tội lại không đón nhận. Chúa dẫn ông ấy vào đường thẳng tắp đến thiên đàng mà không chịu đi, nếu Chúa thương ban cho tôi ơn trọng ấy, tôi sẽ không dám từ chối, nếu Chúa cho tôi gặp dịp may mắn đó, tôi sẽ sẵn sàng vui tươi lợi dụng ngay dịp hiếm có ấy”.
Sa lưới khi Cha Năm đang ở nhà ông Trùm Đích làng Vĩnh Trị, các quan Nam Định sai hai người đến đấy do thám.
Một người tên là Tỷ quê Đông Mạc, một người tên là Xuân quê Tiểu Tức Mạc huyện Mỹ Lộc. Ông Trùm Đích không biết, thuê chúng làm các việc trong nhà, dân làng cũng không ai ngờ cho đến khi chúng dẫn quan quân về vậy làng mới rõ. Chúng ở đấy ít lâu, biết có Cha Năm đang ẩn ở nhà này và trong làng Vĩnh Trị cất giấu rất nhiều đồ đạo, chúng về Nam Định báo các quan. Bấy giờ, ông Trịnh Quang Khanh làm Tổng đốc Nam Định, nổi tiếng ghét đạo, quan đã bị vua triệu về kính khiển trách nặng lời vì không bắt đạo như ý vua, nên khi trở về quan giận dữ bắt bớ và ra chỉ thị thúc giục các quan trong tỉnh lùng bắt các linh mục ngoại quốc và bản xứ. Ông ghét đạo cũng như quan Nguyễn Đình Tân thời vua Tự Đức.
Được tin mật báo, đang đêm quan kéo quân đến bao vây làng Vĩnh Trị, quan chia làm hai toán thủy, bộ. Năm thứ 19 đời vua Minh Mệnh, sáng ngày 11 tháng 5, trời mới rạng đông, quan quân đã bao vây làng Vĩnh, quan Tổng đốc ngồi ở đình làng, đòi lý trưởng là ông Mi-ca- e Mỹ và các đàn anh ra, rao mõ bắt thanh niên từ 18 tuổi phải đến đình làng điểm danh, bắt lý trưởng phải làm giấy cam đoan, hễ bắt được đạo trưởng và đồ đạo giấu trong làng, sẽ phải chịu tội. Đang khi ấy, hai người do thám dẫn lính đến nhà ông Trùm Đích. Khi nghe tin quan quân đã vây làng và truyền mọi người phải ra điểm danh, Cha Năm thắt lưng, xắn quần áo định đi làm cơm cho quan với mấy người làng.
Lính đến nhà ông Trùm Đích, gặp Cha Năm thấy Cha phúc hậu trắng trẻo thì hỏi: “Ông là ai? Có phải cụ đạo không?”. Cha Năm nói tránh: “Tôi là người nhà này” . Bấy giờ hai người do thám đến kêu: “Cụ ẩn ở nhà này đấy”. Cha Năm nhận ngay, lính bắt Cha và ông Trùm Đích giải ra đình. Đến trước mặt quan Tổng Đốc, Cha Năm xưng mình là đạo trưởng.
Quan quát: “Triều đình nghiêm cấm đạo Gia-tô, sao người dám truyền đạo ấy? Có khóa quá không? Cha Năm đáp: “Thưa quan lớn, tôi không khóa quá”.
Quan sai đóng gông Cha, ông Trùm Đích và ông Lý Mỹ, đem xuống thuyền giải về Nam Định.
Từ khi bị bắt đến khi phải xử
Đến Nam Định, Cha phải giam vào trại ngay. Hôm sau các quan đòi Cha ra tòa, tra hỏi và bắt khóa quá. Cha cam đảm thưa lại những lời khôn ngoan cứng cáp: “Tôi là đạo trưởng, tôi khóa quá sao được? Tôi đâu dám dại dột đạp ảnh tượng Chúa tôi thờ, Tôi khuyên giáo hữu giữ đạo vững vàng, dù chết cũng không bỏ đạo, tôi phải giữ lời tôi khuyên kẻ khác. Đạo trưởng mà không làm chứng cho đạo thì ai sẽ chết vì đạo?”.
Quan bảo Cha rằng: “Nếu ông cứ nói như thế, sẽ phải chết, tôi thấy ông là người lương thiện muốn cứu ông, ông hãy nghe tôi, hãy xuất giáo vâng lời vua, ông sẽ được sống”. Cha trả lời: “Thưa quan lớn, tôi không sợ chết, tôi đã bằng này tuổi rồi, quan có thương tha giết tôi, thì chẳng bao lâu nữa tôi sẽ chết vì bệnh.
Các quan biết không thể nào thuyết phục được Cha, lại thấy Cha có tuổi, nói năng lịch sự thì thương cho mang gông nhẹ và làm ngơ cho Cha đi lại thăm hỏi bạn tù, Cha lợi dụng dịp tốt ấy để an ủi khuyến khích nâng đỡ tinh thần các giáo hữu bị giam giữ, giải tội cho họ và giúp họ dọn mình rước lễ, Cha cũng được một linh mục cái trang đưa Mình Thánh vào cho Cha chịu. Nhất là ông Trùm Đích được Cha săn sóc hơn cả vì ông tuổi tác lại có tính nhút nhát, khi nghĩ đến hình khổ và sự chết, ông sợ hãi không biết mình có đủ sức chịu nổi không. Đối với tù nhân ngoại giáo, Cha an ủi, giảng đạo cho họ, Cha thương cả phần xác nữa, bổn đạo biếu Cha rất nhiều thức ăn, Cha lấy phân phát hết cho các bạn tù nghèo khó và cả lính canh nữa.
Thỉnh thoảng các quan gọi Cha lên công đường để khuyên Cha khóa quá, lần nào Cha cũng từ chối, các quan không ép, chỉ hỏi chiếu lệ. Thấy Cha khăng khăng một mực, các quan làm án cho Cha rằng: “Tên Mai Năm là đạo trưởng đã theo Tây dương đạo trưởng Gia-cô-bê từ bé, đã tin đạo Gia-tô và tin đạo ấy vào lòng sâu lắm không còn hiểu sự phải sự trái, một mực bất khẳng khóa quá, bất tuân pháp luật, nên chúng tôi đã xử nó phải trảm quyết, bêu đầu ba ngày để cho mọi người sợ và không bắt chước gương nó”.
Cha Năm biết các quan đã đệ án mình vào kinh, thì đoán mình sắp phải xử, nên Cha dọn mình kỹ càng. Trong hơn một tháng, Cha Năm, ông Trùm Đích và ông Lý Mỹ phải giam, thường đọc kinh sớm tối to tiếng chung với nhau mà không ai cấm, Cha cũng được xưng tội và rước lễ hai ba lần vì khi ấy có ba linh mục địa phận Đông cũng phải giam ở đấy, và hồi ấy các quan chưa cấm đạo ngặt như sau này.
Án đệ vào kinh độ mười lăm ngày thì có chiếu chỉ của vua ra châu phê y án, ngày 11-8-1838, chiếu chỉ tới Nam Định và ngay ngày hôm sau phải thi hành án ở Chùa, gọi là Bảy Mẫu là nơi quen xử tù.
Hân hoan tiến ra pháp trường như đi dự hội
Đến ngày xử, người ta kéo đến xem đông lắm, hai quan Giám sát cưỡi hai voi và hơn hai trăm lính kéo ra lối cửa Bắc đi trước, linh mục Năm, ông Trùm Đích và ông Lý Mỹ đeo gông mang xiềng đi sau, có ba người lính, mang ba bảng ghi tên ba người ấy đi trước.
Cha Năm đi đầu tiên, ông Trùm Đích và ông Lý Mỹ đi sau, cả ba cùng hân hoan vui vẻ. Thỉnh thoảng Cha Năm bảo mọi người: “Đạo trưởng đây, hãy đến đây mà xem”, gặp người quen thuộc, Cha từ giã: “Anh em nghỉ lại, tôi về quê trước, sau này chúng ta sẽ gặp nhau trên Nước Trời”. Bổn đạo khóc lóc, còn người không có đạo cười chế giễu và trông lên trời xem có điềm gì lạ không. Bỗng họ thấy một đám mây trắng hình vuông, có diềm xanh chung quanh như chiếc chiếu, sau một góc tan đi, dân chúng bàn tán: “Đấy là chiếc chiếu trải cho ba ông ngồi trên trời, chỉ có ba người nên một góc tan đi”. Lại có đám mây trắng như hình cầu vồng nổi lên, người ta lại nói: “Đấy là cầu để các ông đi lên trời”.
Khi đến nơi xử, Cha Năm quỳ xuống chiếu ông Lý Thi con ông Trùm Đích đã trải sẵn, ba người cầu nguyện một lúc, rồi quan Giám sát gọi loa truyền mọi người im lặng, một tên lính đọc án Cha Năm. Đọc xong, truyền lên hiệu xử, tiếng chiêng vừa dứt, lý hình chém một nhát, đầu Cha rơi xuống, lý hình tung đầu Cha lên cho quan xem thấy; xử xong quan quân kéo về tỉnh, đến cửa thành có con chim bà cắt mỏ ngậm tờ giấy trắng đậu trên nóc nhà bay vọt lên trời. Người ngoại kháo với nhau rằng: “Ba ông ấy chết oan, chim đem đơn lên trời kiện các quan”.
Ông Lý Thi xin được phép đưa xác ba đấng tử đạo về Vĩnh Trị. Dân làng Vĩnh Trị ra tỉnh khiêng xác ba đấng về lối cầu Gia, Vụ Bản, đến Kẻ Thứ thì tối, về đến gần làng Vĩnh Trị, cả dân làng vui mừng đốt đèn đuốc ra đón, kéo chuông đánh trống ầm ĩ. Xác Cha Năm được chôn ở đầu nhà thờ, đầu Cha phải bêu ở tỉnh ba ngày theo như án, sau một thầy giảng xin được, bỏ vào nồi chôn ở đầu quan tài Cha. Khi bình an, Nhà Chung Vĩnh Trị xây nhà mồ ở đấy, có treo câu đối:
“Hoành hoành nghĩa khí còn nhớ mãi
Lắm lắm trung thành vạn cổ sư”.
Sau Đức Cha Rơ-to[1] (Liêu ) truyền bốc xác Cha Năm định đưa về Pháp, nhưng vì cấm đạo ngặt không thể đưa về được thì ông Trứ ở họ Kẻ Tướng giữ cho đến khi tha đạo. Đức Cha dạy ông đưa xác về Nhà chung Kẻ Sở.
Cha Năm chết vì đạo ngày 12-8-1838 hồi Cha 57 tuổi, chịu chức linh mục được 25 năm. Cha đã mừng lễ ngân khánh cách hoàn hảo nhất trên Nước Trời.
Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Cha ngày 27-5-1900.
Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong Cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
[1] Retord.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn