Ngày 16/10: Thánh Ma-ga-ri-ta Ma-ri-a A-la-cốc – Trinh nữ (1647-1690), Lễ nhớ không buộc
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Marguerite-Marie Alacoque qua đời ngày 17 tháng 10 năm 1690 tại tu viện Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, miền Bourgogne, và được Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XV phong thánh năm 1920. Năm 1929, Đức Giáo Hoàng Piô XII mở rộng việc tôn kính thánh nữ cho toàn Giáo Hội. Lễ kính được cử hành ngày 16, vì ngày 17 là lễ kính thánh Inhaxiô Antiochia.
Marguerite sinh tại Verosvres, vùng Charolais, ngày 22 tháng 7 năm 1647. Là con thứ năm của một viên công chứng hoàng gia, ngài trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió, nhất là khi cha mất năm 1656, lúc đó ngài mới 8 tuổi. Sau khi được rước lễ lần đầu năm 9 tuổi, vào nội trú tại trường các chị Clarisse Urbainô, tại đây thánh nữ ngã bệnh nặng. Chị cầu nguyện Đức Trinh Nữ và hứa với Đức Mẹ sẽ vào dòng. Được khỏi bệnh vào khoảng 14 tuổi, cô bé cảm thấy chán ghét đời sống thế tục, trong khi những người thân lại muốn cô lấy chồng. Khi 22 tuổi, cô chịu phép thêm sức và nhận thêm tên gọi là Maria. Sau cùng, lúc 24 tuổi, người thanh nữ này, trong một chuyến đi thăm nhà dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, đã quyết định hiến mình cho đời sống tu trì. Thế là tháng 6 năm 1671, cô Marguerite-Maria gia nhập dòng các chị Thăm Viếng ở Paray-le-Monial; đây là một dòng nữ chiêm niệm, có lời khấn trọng thể, được thánh Phanxicô de Sales và thánh nữ Jeanne de Chantal thành lập tại Annecy năm 1610.
Tuy gặp nhiều đau khổ, chị Marguerite-Maria đã can đảm chịu đựng và một năm sau đó, 1672, chị hoàn tất năm nhà tập và tuyên khấn dòng. Ngày 27 tháng 12 năm 1673, lễ thánh Gioan Tông đồ, chị nhận được “mạc khải” đầu tiên của Thánh Tâm Chúa: “Người đặt tôi dựa vào ngực thánh Người thật lâu, tại đây tôi khám phá ra những sự kỳ diệu của tình yêu Người và những bí mật khôn tả của Thánh Tâm Người .”
Ngày 16 tháng 6 năm 1675, Chúa Giê-su truyền “người môn đệ yêu dấu” của Người xin phép lập ngày lễ kính Thánh Tâm vào ngày thứ sáu sau tuần bát nhật lễ Mình Thánh Chúa. Nhưng chị Marguerite-Maria chỉ nhận được nơi các bề trên và chị em trong cộng đoàn sự ngộ nhận và phỉ báng. Thế nhưng, cuộc thăm viếng nhà dòng Paray-le-Monial của cha dòng Tên Claude de la Colombière –sẽ được phong thánh năm 1992– được coi như là do Chúa quan phòng xếp đặt. Trong thực tế, cha là linh hướng của chị nữ tu trẻ này, và cha rất áy náy –cũng như chị Marguerite-Maria– làm sao cho người ta biết đến những lời yêu cầu và những “mạc khải” của Thánh Tâm Chúa.
Năm 1684, chị Margerite-Maria được cử làm trưởng cộng đoàn và giáo tập, và ngày 21 tháng 6 năm 1684, chị được niềm vui tham dự cuộc cử hành đầu tiên lễ Thánh Tâm Chúa tại tu viện Paray-le-Monial. Nhiệm vụ của chị hoàn tất, chị qua đời bốn năm sau tại tu viện này, hưởng thọ 44 tuổi.
Đức giáo hoàng Clément đã phê chuẩn một lễ và kinh nhật tụng Thánh Tâm Chúa vào năm 1765, nhưng mãi tới năm 1856, Đức Giáo Hoàng Piô IX mới qui định lễ này trong niên lịch của Hội Thánh toàn cầu.
Tại Paris –nơi tổng giám mục Christophe de Beaumont đã chấp nhận lễ kính Thánh Tâm Chúa trong giáo phận ngài từ năm 1767– vào thế kỷ XIX, trên ngọn đồi Montmartre, người ta xây dựng Vương cung thánh đường Thánh Tâm Chúa (1876-1910), là một trong những đền đài nổi tiếng nhất của thành phố.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện của ngày, chúng ta cầu xin cho được tràn đầy “tình yêu Chúa Kitô, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết”. Lời kinh này lấy ý từ bài đọc I của thánh lễ: “Anh em sẽ được nhận biết tình yêu của Đức Kitô, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết. Khi ấy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.”(Ep 3, 19).
Trong lần hiện ra ngày 16 tháng 6 năm 1675, Thánh Tâm đã nói với chị Marguerite-Maria, đang “xúc động vì lòng khát khao lấy tình yêu đáp trả tình yêu”: “Đây là Trái tim đã quá yêu thương loài người, đến nỗi đã không giữ lại gì cho mình, cho đến mức tiêu hao hoàn toàn để chứng tỏ tình yêu; nhưng Ta chỉ nhận được phần lớn là sự vong ân bội nghĩa . . . Vì thế Ta xin con, ngày thứ sáu đầu tiên sau tuần bát nhật lễ Mình Thánh, một lễ đặc biệt được dâng hiến để tôn kính Trái tim Ta, bằng cách làm việc phạt tạ xứng đáng để dâng Trái tim ta, rước lễ ngày hôm đó để đền bù những sự xúc phạm mà Thánh Tâm phải chịu khi được trưng bày trên bàn thờ; và Ta hứa với con, Trái tim Ta sẽ mở ra để đổ tràn tình yêu thần linh trên những ai tôn sùng Thánh Tâm.” (Lời chứng của chị Marguerite-Maria kể lại cho cha linh hướng Claude La Colombière. Xem Retraites Spirituelles, Médiaspaul, Paris, 1992, tr. 86).
Trong bài đọc giờ Kinh Sách, lá thư thánh Marguerite-Maria giúp chúng ta hiểu lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa: “Thánh Tâm là nguồn mạch vô tận chỉ muốn đổ tràn vào những tâm hồn khiêm tốn, trống rỗng, không ham muốn điều gì, luôn sẵn sàng hy sinh để làm đẹp lòng Người.”
Việc sùng kính Thánh Tâm có nền tảng trong chính Kinh Thánh, như được nhắc nhở trong thông điệp Haurietis Aquas của Đức Pi-ô XII. Sau Công đồng Vaticanô II, phụng vụ của lễ trọng kính Thánh Tâm được canh tân, nhấn mạnh trong Kinh Tiền Tụng nguồn cảm hứng Kinh Thánh của lòng sùng kính này, lấy từ bài tường thuật của thánh Gioan mô tả lưỡi giáo đâm vào cạnh sườn Đấng Chịu Đóng Đinh (19,31-37). “Thánh Tâm Chúa là vực thẳm khiêm nhường cho tính kiêu ngạo của chúng ta, vực thẳm xót thương cho những người khốn khổ, và vực thẳm tình yêu, để chúng ta trút hết những nỗi thống khổ của chúng ta.” (Bài đọc giờ Kinh Sách. Thư của thánh Marguerite-Maria).
Enzo Lodi