Ngày 17/10: Thánh Phanxicô Isidôrô Gagelin Kính – Linh mục (1799-1833), tử đạo

Hạnh phúc trong túp lều tranh

Ngày 10-5-1799, cậu Ga-giơ-lanh mở mắt chào đời ở làng Mông-pét-rơ (Montpesreux) thuộc địa phận Bơ dăng-xông (Besançon) nước Pháp. Từ bé cậu đã mơ ước làm linh mục và thường nói rằng: “Tôi muốn làm linh mục”. Lớn lên cậu lại muốn làm linh mục thừa sai truyền giáo. Sau bốn năm học đại chủng viện, năm 1819 Thày Ga-giơ-lanh xin chuyển sang đại chủng viện Hội truyền giáo Pa-ri, năm sau Thày được cử sang Việt Nam. Tháng 9-1821, Đức Cha Gio-an La-ba-tét, giám mục địa phận Đàng Trong truyền chức cho tân linh mục Ga-xơ-lanh mới 22 tuổi trên mảnh đất là nơi 12 năm sau Cha sẽ đổ máu để vun tưới cây Đức Tin cha đã gieo trồng. Hồi ấy vua Minh Mệnh mới lên ngôi, đạo được tự do phát triển. Cha Ga giơ-lanh nhận chức giáo sư chủng viện An Ninh và giúp các xứ trong vùng. Tâm tình Cha được biểu lộ qua bức thư viết về quê năm 1823 như sau:

 

“Những thiếu thốn, vất vả kéo đến với chúng tôi dồn dập, nhưng tôi cảm thấy được hạnh phúc sống trong túp lều tranh ở nước Việt này hơn là vua nước Pháp ở trong đền đài lộng lẫy.

Dần dần vua Minh Mệnh thay đổi thái độ với đạo, từ lạnh nhạt đến hoài nghi rồi cấm cách. Đức Giám mục giải tán chủng viện An Ninh, Cha Ga-giơ-lanh được cử vào tỉnh Gia Định. Ở đây quan Tổng trấn Gia Định là Tả quân Lê Văn Duyệt không áp dụng chính sách bài trừ tôn giáo của triều đình, nên các linh mục vẫn được tự do truyền giáo. Cha Ga-giơ-lanh giúp các xứ vùng Sài Gòn, Bà Rịa, và dạy chủng viện Lái Thiêu. Năm 1827, Cha nhận được lệnh vua Minh Mệnh triệu hồi về Kinh cùng với tất cả các linh mục ngoại quốc để dịch sách và làm phiên dịch cho vua, đây chỉ là lý do bên ngoài, nhưng thâm ý là ngăn cản sự bành trướng của đạo Gia-tô.

Tù giam lỏng

Lần này là lần thứ ba, Cha Ga-giơ-lanh đã nhận được giấy triệu hồi về Kinh, không thể trì hoãn hơn nữa, Cha lên đường về kinh và ở đây Cha gặp Cha Ta-be[1] (Từ) thuộc Hội Truyền giáo Pa-ri và Cha Ô-dô-ri-cô[2] (Phương) thuộc dòng Anh Em Hèn Mọn. Vua giao cho Cha viết các bài giải thích một số tranh ảnh, bản đồ của Tây Phương. Để dụ dỗ các Cha, vua Minh Mệnh đề nghị ban chức tước cho các Cha, nhưng cả ba Cha đều từ chối. Trong một bức thư viết về Pháp, Cha Ga-giơ-lanh kể lại rằng: “Tôi dứt khoát từ chối ơn huệ với quan mà nhà vua cử đến. Tôi giải thích cho ông biết mục đích của chúng tôi sang đây và chức vụ linh mục thì cao trọng hơn các chức phẩm trong triều bội phần. Tôi cũng nói rõ, chúng tôi đã bỏ quê hương, gia đình, danh vọng, lợi lộc trần gian để sang nước này rao giảng Phúc âm, có lẽ gì chúng tôi lại bỏ việc bổn phận của chúng tôi, nhưng chúng tôi hứa sẽ cố gắng giúp đỡ nhà vua”.

Trong thời gian bị giam lỏng, nhờ lính canh dễ dãi, Cha lợi dụng mọi cơ hội để giảng đạo và có khi còn ra ngoài thành giúp đỡ các giáo hữu.

Quan Tả quân Lê Văn Duyệt thấy vua không để các Cha được tự do như lời đã hứa thì đích thân về kinh mạnh bạo can gián vua. Vua ép tình phải trả lại tự do cho ba Cha.

Cha Chính địa phận

Ngày 1-6-1828, Cha Ga-giơ-lanh được trở về Đồng Nai, đi qua đất Bình Thuận ở lại ít lâu truyền giáo cho dân Chàm, nhưng việc không thành vì dân này rất sùng Hồi giáo.

Về Gia Định Cha đi làm phúc các xứ ở miền Lục Tỉnh, từ Vũng Tàu đến Hà Tiên trong vòng bốn tháng thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Thấy thế năm sau Đức Cha lại cử Cha tiếp tục cuộc hành trình. Ngoài việc mở các tuần đại phúc cho bổn đạo, lần này Cha còn muốn truyền giáo cho dân Cao Mên ở phía bắc Hà Tiên, thất bại Cha trở về dạy chủng viện Lái Thiêu.

Kỳ này Cha Ta-be mới được thụ phong giám mục và người đặt Cha Ga-giơ-lanh làm Cha Chính địa phận ở Miền Trung.

Thế là trong một vùng hoạt động rộng lớn của ba tỉnh Phú Yên, Bình Định, quảng Ngãi, Cha đi bộ từ xứ này đến xứ khác để giảng dạy, làm lễ, rửa tội và thêm sức cho bổn đạo. Mọi người đều khen ngợi đức tính hiền lành, dáng điệu trang nghiêm, lòng đạo đức, tinh thần nghèo khó và sự công bằng chính trực trong các quyết định của Cha Chính.

Tướng chỉ huy lại đào ngũ được ư?

Tin đồn cuộc bách hại tôn giáo sắp nổi lên ở Việt Nam vài người họ hàng viết thư khuyên Cha hồi hương. Cha trả lời rằng: “Một thanh niên đến tuổi động viên làm sao có thể trốn tránh nghĩa vụ? Phương chi tôi là tướng chỉ huy đạo binh thánh, tôi lại có thể đào ngũ được ư? Tôi sẽ chiến đấu đến cùng và phúc cho tôi, nếu tôi được chết giữa chiến trường”.

Năm 1833, quan Tả quân Lê văn Duyệt, vị công thần số một có đủ uy tín can gián vua Minh Mệnh thì đã từ trần ở Gia Định, cơn sóng gió bắt đầu. Ngày 6-1-1833 vua Minh Mệnh ra sắc chỉ cấm đạo trong cả nước, sắc chỉ không nói đến các giáo sĩ ngoại quốc, nhưng có mật lệnh phải bắt hết.

Cha Ga-giơ-lanh đang ở Bình Định được một quan thân tín trong triều mật báo tin dữ ấy. Cha trốn lên ở với dân Thượng miền núi. Nhưng thấy giáo dân bị bách hại tàn khốc, Cha viết thư xin phép Đức Cha để ra nộp mình, hy vọng nhờ đó dập tắt được cơn sóng gió. Đức Cha bằng lòng, và một ngày trong tháng 5-1833 Cha Ga-giơ-lanh đến trình diện với quan huyện Đồng Sơn (Bình Định), và Cha bị giải về kinh.

Ngày 23-8 Cha tới Huế, phải giam ở Trấn Phủ, Cha vui mừng được gặp Cha Giắc-ca (Phan) đã bị bắt trước, đôi khi Cha cũng được gặp Cha Ô-đô-ri-cô đang bị tù vì danh Chúa.

Đã bảy tuần trôi qua, cha không bị tra hỏi vì vua Minh Mệnh biết không thể làm gì lay chuyển nổi đức Tin sắt đá của Cha, đàng khác, vua muốn đánh lạc hướng, không muốn lộ mưu kế thâm độc của mình, vua còn truyền cho các quan phải tung ra những dư luận tốt mong đánh lừa các Cha, nhưng Cha Giắc-ca thường xuyên có dây liên lạc trong triều, biết rõ ý định của nhà vua, nhiều lần Cha báo tin cho Cha Ga-giơ-lanh để Cha dọn mình sẵn sàng chờ ngày bị xử tử.

Chúa Giê-su chịu đóng đinh là nguồn an ủi

Rồi đột nhiên ngày 12-10, Cha Ga-giơ-lanh bị xiềng xích, lính canh ngày đêm rất nghiêm nhặt cấm không cho ai vào thăm. Cha Giắc-ca tìm mọi cách gửi thư báo cho Cha Ga-giơ-lanh biết tin Cha sẽ phải xử tử nay mai. Cha Ga-giơ-lanh vui mừng viết thư cám ơn Cha Giắc-ca và bày tỏ niềm hân hoan của mình được đổ máu làm chứng cho Chúa Ki-tô ngay trên mảnh đất truyền giáo yêu quý này, Cha cũng xin Cha Giắc-ca báo tin cho các đấng Bề Trên và cho gia đình Cha rồi Cha viết tiếp rằng: “Con bỏ trần gian không chút luyến tiếc, chỉ nhìn vào Chúa Giê-su Chịu Đóng Đinh, con đã được an ủi rất nhiều về mọi đau đớn mà sự chết nay mai sắp đến với con. Bây giờ ước muốn của con là mong sớm thoát khỏi thân xác tội lỗi này để về với Chúa Kitô trên nơi vĩnh cửu. Con muốn tan ra bụi đất và kết hợp với Chúa Ki-tô”.

Vụ án được giữ bí mật đến phút cuối cùng, không có bản án, không có mệnh lệnh nào được thông báo trước. Đột nhiên, sáng sớm ngày 17-10-1833, tiếng chân lính rầm rập kéo vào ngục, một người lính vào báo tin Cha sẽ phải rời sang ngục khác. Đang đọc kinh, Cha vội mặc áo đi ngay, ra ngoài cửa gặp đội lính áp giải chờ sẵn, Cha hiểu giờ sau hết của mình đã đến.

Cha thản nhiên hỏi rằng: “Có phải các ông điệu tôi đi xử không ?” Một người lính đáp : “Phải”. Vị tông đồ tử đạo của Chúa nói rằng: “Tôi không sợ chết”.

Đoàn áp giải lên đường, có bốn lính đỡ bốn đầu gông đang đè nặng trên vai Cha, đi chung quanh là đoàn lính vũ trang tề chỉnh, hai quan Giám sát cưỡi ngựa đi sau cùng. Đến cầu ngăn cách Kinh Thành với khu ngoại ô Bãi Dâu, một người lính mới giơ cao thẻ ghi án như sau:

“Dương Nhân Hoài Hà mang tội truyền đạo Gia-tô ở nhiều tỉnh trong nước ta. Lệnh truyền phải xử giảo” (tên chữ hán các quan phiên âm từ tên Cha Ga-giơ-lanh Kính).

Cứ đi khoảng trăm bước, người lính này đứng lại, đánh mấy tiếng cồng và rao bản án. Cha Ga-giơ-lanh bước đi nhanh nhẹn, vẻ mặt bình tĩnh, thỉnh thoảng Cha đưa mắt nhìn đám đông đứng hai bên đường. Mọi người đều thán phục lòng dũng cảm của

Cha, tiếng xì xào bàn tán nổi lên, người này nói: “Tại sao lại giết người can đảm vô tội”. Người kia khen: “Chưa thấy ai đi lĩnh án tử mà bình thản như vậy”.

Đến pháp trường Bãi Dâu quan quân dừng lại, đội lính gươm giáo sáng loáng bao vây chung quanh vị tử đạo. Lính đóng ba cọc thẳng hàng, giải chiếu ở trước cọc giữa rồi bảo Cha ngồi xuống chiếu, tựa lưng vào cọc, lính trói tay Cha vào cọc, quàng giây thòng lọng vào cổ Cha, quấn hai đầu giây vào hai cọc ở hai bên. Cha Ga-giơ-lanh vẫn im lặng cầu nguyện. Hiệu lệnh nổi lên, 12 lính tiến ra cầm hai đầu dây, mỗi bên sáu người, rồi đến hiệu lệnh thứ hai, lính kéo thật mạnh, Cha tắt thở, cuộc sống vĩnh cửu của Cha bắt đầu và niềm mơ ước được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô của Cha thực hiện.

Sau cùng người ta đốt ống chân Cha để biết chắc đã chết thật chưa.

Mối lo sợ của ông vua đa nghi

Một học trò cũ của Cha Ô-đô-ri-cô và một thày giảng của Cha Giắc-ca xin thi hài Cha Ga-giơ-lanh đem về an táng ở Phủ Cam trong một nhà tư. Vua Minh Mệnh tính đa nghi, lại ghét đạo còn theo dõi tông đồ của Chúa đến tận mồ. Vua đọc sách biết người sáng lập đạo Gia-tô đã bị xử tử, ba ngày sau người ấy sống lại, vua sợ sự kiện đó có thể xảy ra nơi môn đệ Chúa. Vua truyền các quan khai quật, khám nghiệm tử thi và phải đệ trình kết quả về triều đình ngay. Biết rõ tội nhân đã chết, vua cho phép chôn lại, nhưng vẫn chưa yên tâm, vua bắt chước các người Do Thái xưa kia, truyền cho dân làng Phủ Cam phải canh mồ, nếu Cha Ga-giơ-lanh sống lại hay mất xác, họ phải thế mạng. Sự việc này đã được ghi chép lại qua các thư của Cha Giắc ca và Cha Đơ-la-mốt[3].

Năm 1846, hài cốt Cha I-đi-đô-rô Ga-giơ-lanh được đưa về chủng viện Hội Truyền Giáo Pa-ri. Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho Cha ngày 27-5-1900, và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong hiển thánh ngày 19-6-1988.


[1] Taberd.

[2] Odorico

[3] Delamotte.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn