Ngày 20/9: Thánh Gio-an Ca-rô-lô Cooc-nây Tân – Linh mục (1809-1837), tử đạo

Ý Chúa khác ý loài người

Cha Gio-an Ca-rô-lô Coóc-nây sinh năm 1809 ở thành Poa-chi-ê (Poitiers) nước Pháp trong một gia đình đạo đức giàu có. Cậu Gio-an Ca-rô-lô hiền lành thật thà ham chơi như các trẻ nhỏ, nhưng cậu khiêm tốn không bao giờ cậy mình là con nhà giầu mà khinh chê các bạn, lại hay chiều theo ý người khác nên được mọi người quý mến.

 

Khi đến tuổi trưởng thành, cậu quyết định dâng mình cho Chúa, bỏ mọi sự giầu sang, danh tiếng, bỏ tương lai sán lạn đang chờ đón cậu. Năm 1828 cậu vào Đại chủng viện.

Thày Ca-rô-lô mau chóng hòa mình vào nếp sống mới, thày vui vẻ làm các việc bậc mình. Sau khi chịu chức năm, một hôm nghe nói về việc giảng đạo cho các dân ngoại, được ơn Chúa thày cảm thương các linh hồn và quyết định bỏ cha mẹ, quê hương đất nước đến rao giảng Tin Mừng cho họ.

Mấy tháng sau thày xin vào Hội Truyền Giáo Pa-ri, năm sau thày được chịu chức sáu. Khi ấy Phương Đông đang thiếu người truyền giáo lại tiện dịp có tàu, nên Bề trên sai người sang tỉnh Tứ Xuyên đất Trung Quốc trước khi chịu chức linh mục. Các trạm gác ở tỉnh Quảng Đông và ở gần kinh đô canh phòng rất ngặt, thày không thể vào lục địa được, nên Bề trên truyền thày đi qua Việt Nam vào tỉnh Vân Nam.

Đến Việt Nam, thày lên xứ Đoài, chờ người bên Trung Quốc sang đón, bổn đạo ở đây thường thấy một người ngoại quốc rất trẻ, mặc y phục Trung quốc, tóc tết đuôi sam, quỳ dự lễ nghiêm trang, không làm lễ bao giờ nên quen gọi là Cố Sáu.

Đang khi ở An Tập hai người Trung Quốc sang đón, đi đến Hà Nội chẳng may cả hai bị bệnh chết, được chôn ở Châu Sơn. Bấy giờ Thày Ca-rô-lô xuống tỉnh Nam gặp Đức Cha Ha-va (Du) để chịu chức linh mục; sau lại về xứ Đoài và bổn đạo gọi người là Cố Tân.

Trong khi chờ người Trung Quốc sang đón, để cho khỏi phí thời giờ và để giúp bổn đạo, Cha Coóc-nây bắt đầu học tiếng Việt. Ba năm sau Đức Cha tỉnh Tứ Xuyên viết thư báo không tìm được người sang đón nên Đức Cha cho Cha tùy ý muốn ở lại Việt Nam hay trở về thành Ma-cao tìm đường vào Tứ Xuyên cũng được. Cha xin ở lại Việt Nam và từ đó Cha nhập vào số các đấng giảng đạo Địa phận Tây ký.

Quyết định này tỏ rõ lòng sốt sắng can đảm của Cha vì hồi đó vua mới ra lệnh cấm đạo, truyền bắt các đạo trưởng ngoại quốc đang giảng đạo trong nước. Ở lại là chấp nhận gông cùm, tù ngục, tra tấn và cái chết dã man, đàng khác từ khi sang Việt Nam Cha ốm đau luôn, nếu về Ma-cao hy vọng sẽ được khoẻ mạnh, hồi ấy cha còn bị đau mắt nặng nên ở lại cũng không làm được việc gì, nhiều người khuyên Cha về Pháp chữa bệnh, Cha đã định theo ý người ta, nhưng không muốn rời cánh đồng truyền giáo đầy hứa hẹn này, Cha cầu nguyện sốt sắng xin Chúa cho mình được khỏi bệnh và hứa thà chết chẳng thà bỏ đất Việt.

Chúa đã nhận lời, lại còn đội trên đầu Cha một triều thiên tử đạo vinh quang ngay trên mảnh đất thân yêu này.

Mọi việc trắc trở xảy ra đều để thực hiện và hoàn thành Thánh Ý nhiệm màu của Chúa và tên Cha Ca-rô-lô Coóc-nây muôn đời ghi trong danh sách các Đấng tử đạo ở Việt Nam.

Làng Bầu Nọ và tướng giặc Đức

Ông Đức là người làng Bầu Nọ (Nỗ Lực) nổi lên chống lại triều đình, dân làng sợ liên lụy đã đuổi ra khỏi làng, ông bắt và phải giam ở tỉnh Sơn Tây. Tức giận, ông quyết báo thù dân làng. Ông trình quan rằng: “Làng Bầu Nọ khinh dể luật nước, dám chứa Tây Dương đạo trưởng”. Hồi ấy các quan không ghét đạo nên bác đơn. Ông Đức lại bẫy mưu khác. Ông bảo vợ giả cách xin theo đạo.

Cha Coóc-nây tin và nhận dạy đạo. Khi bà đã biết nơi Cha ở và nhận diện được mấy thày giảng, bà lấy súng chôn gần nhà xứ rồi đi báo quan có Cổ tây ở làng Bầu Nọ thông đồng với giặc và giúp tiền của cho nó. Đang đêm, quan đem một nghìn quân đến vây làng Bầu Nọ, biết tin Thày Mỹ sai người dẫn Cha Coóc-nây đến ẩn vào bụi rậm đầu làng nhưng vẫn ở trong vòng vây. Về sau Cha viết thư cho cha mẹ kể lại rằng:

“Con mặc áo sắp ra làm lễ thì được tin quan quân đến vây làng Bầu Nọ, vì gấp rút quá không biết liệu cách nào, một người bổn đạo đưa con đến ẩn trong bụi rậm rạp, không ai trông thấy, lính đi qua lại nhiều lần, con nghe rõ tiếng họ nói. Họ lục soát từ sáng đến chiều không bắt được con, nhưng khoảng 4 giờ, lính lấy giáo đâm vào các bụi rậm chung quanh, có thể con sẽ chết ở đấy, nên con ra nộp mình cho họ thì tốt hơn”.

“Thấy con, lính lấy dây trói tay ra sau lưng, lúc ấy con nghĩ đến cảnh Chúa Giê-su đã bị xưa. Người ta giải con đến trước mặt quan, ở đây đã bày sẵn ảnh Chúa Giê-su và ảnh Đức Mẹ, con quỳ gối xuống kính thờ ảnh, các quan bắt con cắt nghĩa các ảnh ấy, con nghiêm trang làm dấu Thánh giá và đọc kinh to tiếng có ý xưng mình là mộn đệ Chúa”.

“Quan sai đóng gông con và bắt trói 40 người, con rất buồn vì dân làng phải khổ sở, lại sợ họ còn yếu đức Tin, không hiểu những việc xảy ra là ơn Chúa, lại oán con hay oán cả Cha Ma-rét (Phan) đã cử con về làng Bầu Nợ”.

“Hôm ấy nắng gay gắt, con phải đứng giữa trời lâu giờ, giờ chiều, con đói quá xin quan cho ăn, quan truyền lính đưa cho con ba lưng bát cơm”.

“Hôm sau ngày 21-6, quan quân lại làm khổ dân, khám xét đánh đập, quan hỏi con rằng: “Các đồ lễ để ở đâu?” Con đáp rằng: “Khi làng Bầu Nọ bị vây, tôi chạy không kịp thu xếp. Lính lấy được chừng 20 gánh sách vở và đồ lễ, đồ đạc nhà xứ không đem đi được, họ đập tan nát”.

“Quan Lãnh binh xử với con như tướng giặc, truyền đóng cũi, con bị nhốt trong cũi như muông sói, nhưng còn dễ chịu hơn mang gông, ở đây con muốn nằm hay muốn cử động thế nào cũng được, không phải mang gông nặng, không phải lính đánh đập”.

“Con xin mãi quan mới trả lại cho con 6 quyển sách, quan hỏi sách ấy là sách gì, con thưa là sách nguyện con dùng để cầu nguyện cho các quan nên họ bằng lòng lắm, con cũng đọc mấy câu Phúc âm nói về sự Chúa Giê-su đã phải trói, nộp cho quan Phi-la-tô. Con đọc đi đọc lại đoạn này nên dù con nói ngọng nói sai, các quan cũng hiểu”.

“Chiếc cũi của con bằng tre, bốn cột bằng gỗ, con tưởng không nặng lắm, thế mà phải 8 người khiêng khó nhọc vất vả đường đi chật hẹp, có khi phải đi qua những cánh đồng mới cày, khi đi qua cổng làng, phải phá cổng cũi mới đi vừa, lính lại còn lấy roi quất giục người ta đi nhanh không xét gì. Ban đêm quan quân vào ngủ trong chùa, còn cũi con để ở ngoài sân. Con nói chuyện với lính canh, họ bảo con rằng: “Quan có ý bắt tướng giặc, nhưng nó trốn, nên quan bắt ông”.

Một tù nhân hay hát

Khi đi đường, Cha Coóc-nây ngồi trong cũi đọc kinh, xem sách, ca hát, nói chuyện với lính, thỉnh thoảng cha thổi kèn, có rất đông người đến xem, ai cũng khen Cha và chê trách quan bắt vu vơ, giặc không bắt lại bắt người hiền.

Đến Phủ, đoàn áp giải tù nghỉ chân, quan Phủ hỏi các việc, rồi đến thăm Cha và bảo Cha hát cho nghe mấy câu, Cha từ chối vì từ sáng chưa được ăn, nhưng quan Phủ cố ép Cha, hát rồi mới được ăn, nên Cha hát mấy câu kính Đức Mẹ.

Đến tỉnh Sơn Tây, cũi Cha đặt trước nhà quan Thượng, quan ra xem mặt rồi quay vào nhà không nói gì, sau sai người ra bảo Cha mấy ngày nữa sẽ phải điệu vào kinh. Đến bữa cơm quan bắt Cha phải hát mới được ăn. Tối hôm ấy lính chuyển Cha sang cũi bằng gỗ chắc chắn hơn và Cha phải đeo xiềng.

Hôm sau quan lãnh binh đến thăm Cha, có nhiều người theo hầu để dò xét Cha. Quan hỏi các việc Cha quen làm. Cha thưa rằng: “Tôi chỉ giảng đạo, dạy dỗ người ta, làm các phép trong đạo, nhất là giải tội cho những người đã phạm đến Thiên Chúa”. Cha cũng nói về điều răn thứ bốn dạy con cái phải vâng lời cha mẹ, người dưới phải vâng lời người trên, dân làng phải vâng lời vua quan”. Quan lãnh binh phục lẽ và nói rằng: “Đạo ông là đạo lành, ông bị bắt không phải vì làm giặc mà vì vua cấm không cho các ông ở đây giảng đạo”. Quan lại nói tiếp: “Quan Thượng sẽ tha cho ông và cả làng Bầu Nọ miễn là chạy được một trăm nén bạc”. Nhưng dân làng không thu xếp nổi, nên mấy ngày sau các quan tâu vào kinh xin vua xét.

Tôi không làm giặc

Các quan không xử, định giải Cha Coóc-nây về kinh, vua không nghe, bắt các quan Sơn Tây phải tra xét việc này rõ ràng rồi tâu trình. Vì có đơn bà Yển vợ ông Đức tổ cáo Cha thông đồng với giặc nên các quan cố ý khép án Cha làm giặc để được công thưởng.

Khi các quan hỏi Cha đến nước này mấy năm, đi tàu tây hay tầu khách, Cha trả lời rõ ràng ngay, nhưng khi hỏi đã ở những nơi nào, ở nhà ai, coi sóc miền rộng bao nhiêu, Cha không dáp. Sau quan Thượng hỏi rằng: “Sao ông ở bên Tây lại sang chiếm nước này ?” Cha đáp rằng: “Tôi chỉ sang giảng đạo”. Quan hỏi: “Có đơn tố cáo ông liên lạc với các tên Ba Nhờn, Thiệt, Thạch, Bột, ông bàn với chúng việc gì, chúng đã khai hết”. – “Tôi không biết những người ấy, tôi chỉ lo giảng đạo”. Quan dọa rằng: “Không nhận sẽ phải tấn”. Cha thản nhiên đáp: “Tấn thì tấn, tôi không làm giặc tôi không nhận”.

Quan cho Cha xem đơn người tố cáo và bắt phải ký nhận, Cha không chịu. Quan truyền đánh 50 roi đôi đau đớn quá, máu chảy thịt nát, nhưng Cha không kêu một tiếng, lính nhổ nọc, Cha lại ca hát và khi về cũi Cha tiếp tục xem sách đọc kinh, nói chuyện như thường.

Lần thứ hai ra công đường, ông Cuộc, lý tưởng làng Bầu Nọ phải bắt với Cha bị tấn đau quá đã xuất giáo và khai Cha là cố vấn của Ba Nhờn và mình đã theo Cha làm giặc. Dù Cha chối thế nào quan Thượng cũng biên vào án, nhưng mọi người đều biết Cha bị vu oan.

Lần thứ ba, vì Cha vẫn cương quyết không chịu nhận án làm giặc nên phải tấn 50 roi. Quan Thượng còn cố bắt Cha phải khai đã ở nơi nào, Cha nói rằng: “Các quan đừng hỏi tôi điều ấy, tôi không muốn làm hại người khác. Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng không ở đâu lâu, không quen biết ai mà dù quen tôi cũng không nói, xin quan đừng hỏi tôi”.

Các quan chỉ cố ép Cha nhận thông đồng với giặc và kết án Cha phải trảm quyết, chặt chân tay, phanh thây làm bốn, nhưng mọi người biết các quan muốn lập công to đã vu oan cho Cha. Ông quan bắt Cha và hay quở mắng Cha bỗng phải bệnh thủng má, thối tha, được bốn ngày thì qua đời nên người ta càng tin rằng: “Trời phạt quan vì đã bắt và làm khổ ông Tây”.

Cha Coóc-nây bị giam trong cũi ba tháng, khổ sở trăm nghìn cách, Cha thường ốm đau luôn những vẫn vui vẻ đọc kinh, có khi hát cả ngày. Trước không ai dám nhận nuôi Cha, sau có một ông lang nhận việc này cho đến ngày Cha bị xử, và có một chị nhà dòng ở Bầu Nọ thỉnh thoảng cũng đến giúp Cha. Trong tù Cha giữ các ngày chay như thường, ít lo đến bản thân, chỉ thương các thầy đang phải giam ở ngục khác, Cha con không được ở một nơi để an ủi nhau.

Lính canh rất ngặt, không cho ai vào thăm và khi Cha gửi thư hay nhận thư phải giấu trong thức ăn.

Ngày 6-9, quan Thượng đến nói chuyện với Cha lâu giờ và bảo Cha rằng: “Ông sắp được tha”. Nhưng Cha không bị lừa, vì Cha được tin mình đã bị khép án, nhờ có thư Cha Ma-rét gửi tới.

Án lăng trì

Vua Minh Mệnh châu phê án chỉ đổi án đạo trưởng phải trảm quyết thành án lăng trì như án giặc.

Ngày 20-9, án trong kinh ra, khoảng 2 giờ chiều quan điệu Cha đi xử. Có 500 lính đi trước, các lý hình cầm gươm, rìu búa đi chung quanh Cha. Cha ngồi trong cũi vui vẻ ca hát, đọc kinh. Cha Thể đã chờ sẵn, cũi đi qua Cha làm phép giải tội cho Cha Coóc-nây. Đến pháp trường Năm Mẫu, đoàn giải tù dừng lại, ở đây đã trải sẵn chiếu, một người lính mang thẻ ghi án rằng: “Tên Tân, tên Tây là Cao-lang-sê, quê thành Lông-đun nước Pháp phải tội vì làm đạo trưởng và làm giặc. Vua truyền xử lăng trì, bêu đầu ba ngày rồi quăng sông cho mọi người sợ. Minh Mệnh thập bát niên, bát nguyệt nhị thập nhất nhật.”

Lý hình cựa then cũi, Cha đi ra chào các quan, một người lính đến lột áo Cha, Cha xin cầu nguyện một lúc. Rồi Cha ngồi vào thảm đỏ trải trên chiếu, lính cởi áo bắt Cha nằm sấp mình trên thảm, trói chân tay vào cọc, họ xin Cha tha vì họ phải làm theo lệnh vua. Quan Giám sát gọi loa truyền rằng: “Chém đầu trước, chặt chân tay sau, rồi phân mình ra làm bốn”.

Hai ông thông đọc đến khoản nào, lính làm khoản ấy, rồi giơ lên cho quan xem thấy. Sau cùng lính dùng rìu bổ dọc xương sống, moi gan ruột ra, chia xác làm bốn phần.

Đến tối lính gọi loa bắt dân phố phải chôn xác, họ để cho bổn đạo Bách Lộc chôn, các người này chôn nông, ban đêm định lấy trộm đưa về làng, còn giây trói mang về ngay. Nhưng nửa đêm đang khi đào xác được tin báo có người rình bắt nên phải chôn vào chỗ cũ, chỉ lấy thảm đỏ, áo lót, mũ của Cha đem về Bách Lộc. Ba ngày sau ông Bếp Đào đánh lừa người nhà quan lấy được đầu cho vào nồi sành chôn ở nhà ông Trùm Lòa. Khỏi bảy tháng họ Bách Lộc lấy xác đưa về xứ Chiểu Úng, Cha Ma-rét không muốn để xác ở đây nhưng họ nài nẵng mãi Cha phải chịu và khi cho xác vào quan tài họ canh rất kỹ sợ Cha Ma-rét lấy mất phần thân thể nào. Họ chôn xác Cha trong nhà kho nhà dòng Chiểu Úng và từ đấy gọi nhà này là nhà mồ.

Chị em nhà dòng hay bổn đạo gặp sự khốn khó thường đến khấn Cha Coóc-nây xin ơn bằng yên phần hồn phần xác và nhiều khi họ được như ý. Một lần nhà dòng thoát cơn hoả hoạn, lần khác được tin quan vây làng, ban đêm phải thu xếp chạy vào rừng, không dám đốt đèn sợ có người trông thấy, các chị cầu xin Cha thì tự nhiên trong nhà và ngoài sân sáng như có ánh trăng.

Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc cho Cha Gio-an Ca-rô-lô Coóc-nây ngày 27-5-1900.

Cha Coóc-nây được phúc tử đạo ngày 20-9-1837. Theo gương Cha, chúng ta hãy phó mọi sự trong tay Chúa nhân lành và tin tưởng các biến cố xẩy đến trong đời ta đều do Chúa quan phòng đã làm ích lợi cho ta.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã phong hiển thánh cho người ngày 19-6-1988.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn