Ngày 23/11: Thánh Clê-men-tê I – Giáo hoàng, Tử đạo, Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – Phụng vụ
Theo chứng từ của thánh Hiêrônimô (392), thánh Clément ngay từ thế kỷ IV đã được tôn kính ở Rôma như một “linh mục và tử đạo”, trong nhà thờ mang danh “tước hiệu thánh Clément”. Lễ nhớ này lưu truyền một lòng sùng kính rất phổ biến ở Rôma, Bắc Phi, vùng Gaule, Tây Ban Nha, và cả ở Byzance, nơi những tác phẩm của thánh Clément được biết đến qua bản dịch Hy Lạp.
Thánh Clément I, hay Clément Rôma, sống ở thế kỷ I. Theo sử gia Eusèbe, ngài là “giám mục thứ 3 của Rôma” (từ 92 đến 101?) và là một cộng sự của thánh Phaolô. Thánh Irênê nói ngài là giáo hoàng kế vị thứ 3 của thánh Phêrô sau thánh Linô và Cletô, và làm chứng về ngài như sau: “Thánh Clément đã tận mắt thấy các thánh tông đồ, tiếp xúc với các ngài, nghe chính các ngài rao giảng, và còn được chứng kiến truyền thống của các ngài.”
Truyền thống cổ xưa đồng thanh nhìn nhận vai trò của thánh Clément như giám mục của Giáo Hội Rôma. Cũng thế, Thư gửi “Hội Thánh của Thiên Chúa ở Rôma, Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrinthô”, viết khoảng năm 95-98, được mọi người coi là của thánh Clément. Thư được viết trong hoàn cảnh có những rắc rối nội bộ đang đe doạ cộng đồng ở Cô-rin-tô, Giáo Hội Rôma mà ngài là giám mục đã dùng quyền bính can thiệp để khuyên nhủ các tín hữu sống hoà bình và vâng phục.
Dưới khía cạnh giáo lý, Thư này trình bày Đức Kitô như là Chúa và Đấng Cứu Thế, Người Con được Thiên Chúa sai đến, “là Thượng tế của chúng ta”. Chúa Giêsu lại sai các tông đồ, và các tông đồ đã lập các giám mục, linh mục và phó tế: Hội Thánh có phẩm trật được lưu tồn như thế trong sự kế tục các tông đồ. Nhưng qua tài liệu này, ta cũng thấy rõ Giáo Hội Rôma can thiệp bằng quyền bính trong công việc của một Giáo Hội khác, và thi hành quyền tối thượng (hay quyền chủ trì) của mình “trong đức ái” (thánh Ignatiô Antiochia)
Thư gửi tín hữu Côrinthô là một trong những tài liệu quí báu nhất của Hội Thánh sơ khởi, và thánh Clément có uy tín rất lớn khiến cho nhiều tác phẩm nguồn gốc không rõ ràng đã được lưu hành dưới danh nghĩa của ngài và thậm chí còn được kể vào số những sách qui điển. Ngoài ra chúng ta còn phải kể đến: Thư thứ 2 của Clément (khoảng 150), bài giảng cổ xưa nhất mà chúng ta hiện có; hai mươi Bài giảng, được lưu trữ bằng tiếng Hi Lạp, và tác phẩm Nhìn nhận (mười cuốn), một loại tiểu thuyết, tả về những thành viên trong gia đình Clément bị thất lạc rồi tìm lại được nhau nhờ thánh Phêrô.
Theo một truyền thống có từ thế kỷ IV, thánh Clément có lẽ đã chịu tử đạo. Ngài bị bắt trong cuộc bách hại của Trajan và bị kết án lao động trong hầm mỏ ở vùng bên kia Pont-Euxin, và bị ném xuống biển với một cái neo cột vào cổ.
II. Thông điệp và tính thời sự
Phụng vụ Giờ Kinh Sách đề nghị chúng ta bài trích Thư gửi tín hữu Côrinthô, trong đó chúng ta khám phá ra thông điệp phong phú của thánh Clément I, người môn đệ của các thánh tông đồ, mà theo thánh Irênê, thánh Clément “được nghe chính các tông đồ rao giảng”.
Ở chương 49, thánh Clément ca ngợi sự tuyệt hảo của ‘agapè’ (đức ái) bằng những lời lẽ nhắc chúng ta nhớ đến lời giảng dạy của thánh Gioan và thánh Phaolô: “Ai có đức ái trong Chúa Kitô, người ấy hãy thực hành giới luật Chúa Kitô. Đức ái kết hợp chúng ta với Thiên Chúa; đức ái che phủ rất nhiều tội lỗi. Đức ái chịu đựng tất cả, kiên nhẫn vì tất cả. . .Đức ái không chia rẽ, không gieo rối loạn, làm mọi sự trong hoà thuận.”
Tất cả sức mạnh lời giảng dạy của thánh Clément dựa trên nền tảng Kinh Thánh và các mẫu gương trong Kinh Thánh. Nhưng trên hết, Đức Kitô chính là “mẫu mực được ban cho chúng ta.” (16, 17). “Con đường qua đó chúng ta tìm được ơn cứu độ, đó là Chúa Giêsu Kitô, vị thượng tế của chúng ta, đấng bảo trợ chúng ta; đấng cứu giúp sự yếu đuối của chúng ta.” (38, 1).
Thánh Clément kết luận lá thư bằng một lời cầu nguyện dài với Thiên Chúa cho “những người được chọn trên toàn thế giới, vì Con yêu dấu Người là Chúa Giêsu Kitô.” Ngài viết: “Chúng con nài xin Người, lạy Chúa, xin cứu giúp và bảo vệ chúng con. Xin cứu những ai trong chúng con đang gặp gian truân, nâng dậy những người sa ngã, chữa lành những người bệnh tật, dẫn về những người lạc lối, cho người đói ăn, giải phóng người tù đày, cho người yếu đuối đứng dậy, ban can đảm cho kẻ yếu nhược, cho mọi quốc gia nhận biết Chúa là Thiên Chúa duy nhất, và Đức Giêsu là Con Chúa, và cho chúng con được làm con Chúa và làm đoàn chiên trong đồng cỏ của Chúa.” (59, 3).
Hội Thánh sơ khởi thích đọc lại những bản văn này trong các cuộc hội họp, ngang hàng với các thư của thánh Phaolô. Cũng như các vị mục tử của Hội Thánh có thói quen kết thúc các bài giảng bằng lời mời gọi các tín hữu cầu nguyện, thánh Clément cũng kết thúc lá thư của ngài bằng một lời cầu nguyện dài để nài xin và tạ ơn, vì đó là thói quen của phụng vụ thời xưa.
Enzo Lodi