Ngày 24/11: Thánh An-rê Dũng Lạc và các bạn tử đạo tại Việt Nam
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Lễ này mừng kính một trăm mười bảy vị thánh tử đạo tại Việt Nam (thế kỷ XVIII và XIX) mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh tại công trường Thánh Phêrô ngày 19 tháng 6 năm 1988. Các ngài là những vị tử đạo đã được phong chân phước vào bốn dịp khác nhau: sáu mươi bốn vị được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII phong chân phước vào năm 1900; tám vị do Đức Giáo Hoàng Piô X năm 1906; hai mươi vị năm 1909, cũng do Đức Piô X; và hai mươi lăm vị do Đức Piô XII năm 1951.
Danh sách các thánh tử đạo gồm tám giám mục, năm mươi linh mục, năm mươi chín giáo dân, tất cả có tám mươi sáu vị người Việt Nam, mười một vị người Tây Ban Nha, mười vị người Pháp. Trong số các ngài, mười một vị thuộc dòng Đa-minh, mười vị thuộc Hội Thừa Sai Paris, các vị khác là giáo sĩ triều, và một chủng sinh. Trong số giáo dân có nhiều vị là cha gia đình, một bà mẹ, mười sáu thày giảng, sáu binh sĩ, bốn thầy thuốc, một thợ may, các nông dân, thuyền chài, và các trùm họ đạo. Sáu vị được phúc tử đạo ở thế kỷ XVIII; các vị khác chịu tử đạo từ 1835 tới 1862. Bảy mươi lăm vị bị xử trảm, các vị khác bị treo cổ, thiêu sống, róc thịt, hoặc bị tra tấn đến chết trong tù, vì từ chối bước qua thánh giá hay không chịu bỏ đạo.
Trong số một trăm mười bảy vị thánh tử đạo này, văn thức phong thánh nêu bật danh tánh của sáu vị đặc biệt đại biểu cho những bậc khác nhau trong Hội Thánh và những quốc tịch khác nhau. Vị thứ nhất là thánh An-rê Dũng Lạc, mà Giờ Kinh Sách trích một lá thư của ngài: ngài sinh tại Bắc Việt năm 1795, là thày giảng, rồi thụ phong linh mục. Bị giết năm 1839, ngài được phong chân phước năm 1900. Hai vị khác xuất thân từ miền Trung và Nam Việt Nam: vị thứ nhất là Tô-ma Trần Văn Thiện, sinh năm 1820 và bị bắt khi đang là chủng sinh chuẩn bị chức linh mục, bị giết năm 1838 lúc ngài 18 tuổi. Vị thứ hai là Em-ma-nu-el Lê Văn Phụng, thày giảng và là cha gia đình, bị giết năm 1859 và được phong chân phước năm 1909.
Trong số các thừa sai nước ngoài, hai vị người Tây Ban Nha và một vị người Pháp được nhắc đến: Đức cha Hi-ê-rô-ni-mô Hermosilla người Tây Ban Nha, thuộc dòng Đa-minh, đến Việt Nam năm 1829, làm đại diện tông tòa ở Bắc Kỳ, bị giết năm 1861 và được phong chân phước năm 1909; Đức cha Valentinô Berrio Ochoa, người xứ Basques, cũng thuộc dòng Đa-minh, đến Bắc Kỳ năm 1858 lúc ngài 34 tuổi, bị giết năm 1861 và được phong chân phước năm 1906. Cha Jean-Theophane Vénard người Pháp, thuộc Hội Thừa Sai Paris, đến Bắc Kỳ năm 1854, bị giết năm 32 tuổi và được phong chân phước năm 1906: các lá thư của ngài đã gợi hứng cho thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su cầu nguyện cho các xứ truyền giáo, và thánh nữ đã được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo, cùng với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê.
II. Thông điệp và tính thời sự
Thánh An-rê Dũng Lạc và các bạn tử đạo đã “đổ máu mình ra để trung thành với thập giá Chúa Kitô” (Lời Nguyện của ngày).
Các vị thánh tử đạo này thuộc mọi hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều đã trung thành với thập giá Chúa Ki-tô đến độ chịu đựng những khổ hình ghê sợ nhất: một số bị treo vào cột hành hình và bị cắt lưỡi; số khác bị chém đầu, bị bỏ cho chết đói, bị cưa thân thể hay bị róc thịt; lại còn một số bị nhốt trong hầm tối như loài vật hay bị phơi dưới mặt trời để bị thiêu cháy hay chết khát, hay bị đánh đòn, trói chân tay và bị giam trong ngục hôi thối. Bất kể thế nào, các ngài vẫn mạnh hơn mọi cực hình.
Bài đọc hạnh thánh của Giờ Kinh Sách cho chúng ta một chứng từ cảm động về cuộc khổ nạn của các thánh tử đạo Việt Nam, làm chứng lòng can đảm và đức tin anh hùng của các ngài. Lá thư của một thánh tử đạo, thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh, gửi cho các chủng sinh của mình ở chủng viện Kẻ Vinh năm 1843, cho chúng ta thấy sự khủng khiếp của các cực hình cũng như sự anh hùng mà loài người không thể cắt nghĩa nổi. Ngài viết: “Ngục thất này đúng là hình ảnh sống của hoả ngục đời đời. Không chỉ có xiềng xích, gông cùm, còn có sự căm giận, thù hằn, những lời chửi bới, những câu chuyện tục tĩu, cãi vã, những hành vi xấu xa, những lời thề gian, nói xấu, cộng thêm sự buồn chán.” Ngập chìm trong cảnh tăm tối đó, ngài tự hỏi: “Làm sao con có thể sống nổi khi trông thấy mỗi ngày những tên bạo chúa và những tay sai vô đạo của chúng nhục mạ thánh danh Chúa, lạy Chúa, Đấng ngự giữa các thần Kê-ru-bim và Sê-ra-phim?”
Bài giảng của Đức Gioan Phaolô II trong cuộc phong thánh các ngài cho thấy tính thời sự của chứng tá mà các thánh tử đạo để lại cho đất nước Việt Nam, một đất nước ngày nay có sáu triệu người công giáo và hai mươi lăm giáo phận: “Nếu các thánh tử đạo đã gieo trong nước mắt, thì trong thực tế các ngài đã đặt nền móng cho cuộc đối thoại sâu xa và có sức giải phóng với dân tộc và nền văn hóa của đất nước họ, bằng cách công bố trước hết tất cả sự thật và sự phổ quát của đức tin vào Thiên Chúa và đề nghị một bậc thang các giá trị và bổn phận thích hợp đặc biệt cho nền văn hóa tôn giáo của phương Đông. Đối diện với những gì mà các nhà cầm quyền áp đặt cho việc thực hành đức tin, các ngài đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng của mình và với lòng can đảm khiêm tốn, các ngài đã khẳng định rằng đạo Chúa Kitô là điều duy nhất các ngài không thể từ bỏ, bởi vì các ngài không thể không vâng lời Thiên Chúa. Mặt khác, các ngài mạnh mẽ khẳng định ý chí trung thành với quyền bính của nhà cầm quyền đất nước, nhưng không chối bỏ những gì là chính đáng và tốt lành. Các ngài đã giảng dạy lòng tôn kính tổ tiên, theo phong tục của đất nước các ngài, trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh. Hội Thánh Việt Nam, với các thánh tử đạo và nhờ chứng tá của các ngài, đã có thể công bố ý chí của mình không từ bỏ truyền thống văn hóa và những cơ chế pháp lý của quốc gia; ngược lại, Hội Thánh Việt Nam đã tuyên bố và chứng tỏ ý muốn hội nhập vào những cơ chế ấy, để trung thành góp phần vào việc thực sự xây dựng tổ quốc.”
Enzo Lodi