Ngày 3/11: Thánh Phêrô Phanxicô Nêron Bắc – Linh mục (1818-1860), Tử đạo

Ơn gọi muộn

Cậu Phê-rô Phan-xi-cô sinh ngày 21-9-1818 ở làng Bô-nây (Bornay), tỉnh Duy-ra (Jura) nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo. Từ bé cậu thường đi chăn đoàn vật của cha mẹ và theo học trường làng. Cho đến năm 17 tuổi, cậu chỉ là một thanh niên bình thương như các bạn. Khỏe mạnh, làm ăn như mọi người, tính tình vui vẻ thích chơi đùa, thích dự hội hè đình đám; Cha Cơ-lê-măng (Clément) là Cha xứ lo lắng về cậu. Nhưng nhiều khi đi chơi về, cậu lại vào chỗ vắng vẻ suy nghĩ, hối hận và lần hạt xin Đức Mẹ phù hộ. Một hôm tình cờ đọc quyển sách nhan đề “Hãy suy cho nên”, được ơn Chúa soi sáng, cậu động lòng ăn năn, đi xưng tội sốt sắng hơn mọi khi và từ đấy cậu trở thành con người mới, siêng năng xem lễ, chịu lễ, đọc kinh nguyện ngắm, xem sách đạo, chầu Mình Thánh; mọi người đều ngạc nhiên.

Cậu vẫn chăm chỉ làm việc ngoài đồng với các anh chị em, nhưng thánh hóa các việc ấy, cậu trầm tính yên lặng làm việc và ra như người xa lạ với người chung quang. Đến trưa, mọi người nghỉ, cậu đọc sách báo đạo đức. Cậu luôn làm gương tốt cho các bạn, khuyên giục họ xưng tội rước lễ. Trong xứ có một người mù, cậu thường đến dắt ông đi nhà thờ rồi lại dẫn về.

 

Hai năm trời trôi qua nhẹ thế, nhiều người đã đoán có lẽ Chúa sẽ chọn cậu Phê-rô Nê-rông làm việc khác cao trọng hơn. Tương lai người thanh niên này sẽ ra sao?

Và đây là lời giải đáp do cậu tự đưa ra. Một chủ nhật năm 1837, dự lễ xong, cậu đến gặp Cha xứ là Cha Cơ-lê-măng, trình rằng: “Thưa Cha, con muốn học La-tinh để được vào chủng viện”. Cha xứ ngạc nhiên bỡ ngỡ hỏi: “Con quá tuổi rồi, nhà con nghèo, lại phải học lâu năm”. Nhưng cậu Phê-rô Nê-rông cố nài xin: “Lạy Cha, Cha nói đúng, nhưng xin Cha thử con, con muốn làm được việc gì cho sáng Danh Chúa”. Cha xứ bằng lòng và tháng 11 năm ấy, cậu thanh niên 19 tuổi bỏ việc đồng áng để học La-tinh. Trí khôn cậu vững chắc nhưng kém thông minh vì đã lâu không được luyện tập. Dù thế sau 15 tháng nhẫn nại, ngày 14-1-1839 cậu được nhận vào chủng viện Nô-dơ-roa (Nozeroy).

Chú Phê-rô Nê-rông khiêm tốn ngồi học với các bạn nhỏ và trong năm năm học ở đây, chú nổi tiếng nhân đức, bền bỉ trong công việc, hiền lành, nhẫn nại, đạo đức.

Năm 1843 chú học triết ở chủng viện Đức Bà thành Vô (Vau) và năm 1845 chú vào Đại chủng viện Lông-lơ-sô-ni-ê.

Ở đây Thày Phê-rô Phan-xi-cô ao ước được đi giảng đạo cho dân ngoại. Sau khi đã bàn hỏi và cầu nguyện, năm 1846 thày vào Đại chủng viện Hội Truyền Giáo Pa-ri; ở đâu, thày vẫn là một chủng sinh chín chắn, hiền lành, đạo đức, sùng kính Đức Mẹ, được các thày giáo và các bạn tín nhiệm, yêu mến.

Phương trời truyền giáo rộng mở

Đức cha A-fơ-rơ (Affre) truyền chức linh mục cho Thày Phê-rô ngày 17-6-1848 và ngày 9-19 Cha rời Pa-ri đến cơ sở truyền giáo của mình là miền Bắc Việt Nam. Ngày 5-1-1849, Cha đến càng Hồng Công và từ đây đi Ma Cao. Ngày 10-2-1849, Cha đi thuyền Trung Quốc sang Việt Nam, sau 8 ngày đến cửa La Phù. Hồi ấy đang cấm đạo ngặt, vừa bước chân lên đất, Cha đã phải chạy trốn vì các quan bổ vây; mấy ngày sau, Cha được gặp Đức Cha Rơ-to (Liêu) Giám mục địa phận Tây.

Cha Nê-rông đến Nhà Chung Vĩnh Trị học tiếng Việt. Giọng Cha nặng, phát âm khó, nhưng sau 4 tháng chăm chỉ cố gắng, Cha đã nói sõi và có thể đi làm phúc các họ.

Đức cha cử Cha đến xứ Hoàng Xuyên coi sóc các họ Kẻ Chằm, Bái Vàng, rồi theo Đức cha Rơ-to đi mở năm toàn xá ở xứ Kẻ Trình, đi kinh lược các xứ trong tỉnh Ninh Bình. Sau Đức cha đặt Cha Phê-rô Nê-rông làm cha chính hạt Kim Sơn. Ở đây hai năm, rồi Cha được cử về làm Bề trên chủng viện Vĩnh Trị.

Cha hiền lành, thương học trò cả phần hồn phần xác, giảng giải sốt sắng, không vị nể, chịu khó ngồi tòa giải tội. Ai thiếu thốn, Cha giúp tiền bạc, ai ốm đau Cha càng để ý săn sóc thuốc men. Còn Cha, chỉ chỉ lo hãm mình phạt xác, ăn chay, sống cần kiệm đơn sơ, mùa rét chỉ mặc chiếc áo thâm dài, không dùng áo bông áo mềm. Cha đạo đức, mực thước, giữ đúng giờ đọc kinh làm lễ, lễ xong Cha các ơn lâu giờ. Đức cha Rơ-to kính nể Cha, các Cha trong địa phận thường khen Cha Phê-rô Nê-rông là người khôn ngoan thông thái, hòa nhã, dễ dàng với mọi người.

Ở Kẻ Vĩnh hai năm, Cha mắc bệnh sốt máu có lẽ vì làm việc nhiều quá, nên vào cuối năm 1854, nhân dịp chủng sinh nghỉ học về phép, Cha Nê-rông cũng đi giải trí và nhân thể đi thăm xem xét các trường phụ trong địa phận. Cha lên Kẻ Non, Hoàng Nguyên, ở đây chơi mấy hôm. Khi về đi thuyền qua Mõm Lợn phải ông tuần Đồ bắt, may giáo dân Kẻ Đầm biết tin, đưa 8 nén bạc ra chuộc, Cha được tha và về Kẻ Vĩnh bằng yên.

Năm 1855, ở tỉnh Nam xôn xao loạn lạc, các Cha không thể tập trung đông ở trường Kẻ Vĩnh, đàng khác, Cha Nê-rông mấy năm ở đây đã khó nhọc vất vả, nên Đức Cha đổi Cha lên coi xứ Đoài.

Xứ Đoài có 16.000 bổn đạo, nổi tiếng vì có Cha Gio-an Coóc-nây (Tân) và Cha Au-gu-ti-nô Sép-phơ-lơ (Đông) chịu tử đạo ở tỉnh Sơn Tây. Cha Phê-rô Nê-rông rất mừng, hy vọng mình sẽ được theo chân hai đấng ấy.

Hồi ấy vua Tự Đức cấm đạo ngặt, đường lên xứ Đoài cheo leo, cách trở, hiểm nghèo. Họ đạo Cha đến đầu tiên là họ Núi Dị bên dưới làng Bách Lộc. Cha ở đây nửa tháng, ngồi tòa giải tội cả ngày cả đêm, vì giáo dân chung quanh nghe tin tuốn đến rất đông. Rồi Cha lên Bách Lộc ở độ 4,5 ngày. Đến 1-7, trời vừa tối, Cha Nê-rông đi bộ suốt đêm, gần sáng hôm sau mới đến họ Kẻ Máy. Cha Phượng dẫn đường nói vùng này vắng vẻ lắm, muốn làm gì cũng không có ai rình mò, nên Cha Nê-rông vừa đi vừa hát to tiếng vui vẻ, và đây cũng là lần cuối cùng Cha được tự do thoải mái, vì sau đó chỉ còn là những chuỗi ngày đau khổ cho đến khi Cha chết vì đạo.

Những gian nan cơ cực bề trong bề ngoài

Cha Phê-rô Nê-rông ở Kẻ Máy một ngày, rồi xuống thuyền đi Yên Tập đến ẩn ở nhà dòng Mến Thánh Giá nửa tháng, sau lại đến ẩn ở nhà dòng Tạ Xá. Cha viết thư về cho cha mẹ rằng: “Không biết con có được phúc như hai Cha đã bị bắt ở xứ Đoài trước đây không? Nhưng dạo này các quan truy nã ráo riết hơn ở tỉnh Nam nhiều, cả các Cha Việt Nam cũng không thể đi làm phúc. Còn con ẩn ở trong nhà, thỉnh thoảng mới ra ngoài cho thoáng một chút. Quan nào bắt được Tây Dương đạo trưởng được thưởng 30 nén bạc và được thăng chức, nên con phải dọn mình sẵn, mọi việc đều ở trong thánh ý Chúa”.

Mùa Chay năm 1856, Cha làm phúc cho họ Tạ Xá, rồi và Lý Lương ở Yên Tập bằng lòng cho Cha ẩn trong nhà mình, nên Cha làm phúc ở xóm ấy, lại về Tạ Xá làm phúc lần nữa, nhưng có động, Cha vào ẩn trong nhà dòng.

Chẳng may đến năm 1857, có tuần Phận, người có đạo song khô khan, anh đến báo với ông Cai Mờn làng Xuân Trình rằng ở Tạ Xá có cố Tây. Ngày 17-3-1857, trời chưa sáng, Cha đang làm lễ, nên các chức sắc trong làng để Cha làm lễ xong mới cho Chánh tổng Mờn gặp, Cha sai người nhà pha nước tiếp ông lịch sự và Cha bảo ông: “Tôi mới về đây có ý muốn làm phúc cho bổn đạo, chưa đi đâu, ông Chánh có muốn bắt tôi, tôi cũng bằng lòng”.

Chánh tổng Mờn nói: “Tôi không muốn bắt cố, nhưng không bặt sợ có tội với quan”. Ông nói đi nói lại mấy lần, dân làng phải dọn cơm mời ông và biếu ông 300 quan tiền, ông mới ra về.

Nhưng câu chuyện đã trống, Cha phải bỏ Tạ Xá về Yên Tập mấy tháng, lúc ở nhà này, mai ở nhà khác.

Hồi ấy tỉnh Đông, ông Minh Chủ nổi lên chống triều đình, ông cai Kiếm có đạo ở xứ Đoài cũng theo ông này, và đứng đầu các tướng miền trên, vì thế các quan Sơn Tây đem quân đi đánh. Khi quân kéo đến gần Yên Tập, anh xã Bề là con ông cai Kiếm và 5 người nữa đưa Cha trốn vào rừng. Vì nhiều lần có tin báo sai, nên Cha cứ đi thong thả, khi đến gần rừng, quan quân đã vây kín làng Yên Tập, thấy thế ánh xã Bề vội trình Cha: “Thưa Cha, Cha đi nhanh lên, không sẽ bị bắt ngay”.

Rừng rậm rạp, bốn người đi trước phá lối, cử một người ở lại với Cha, nhưng người này sợ quá chạy đi để Cha một mình. Đợi lâu không thấy ai đến, Cha lại đi nên khi các người mở lối quay về tìm không thấy, họ vội về làng Tạ Xá báo tín, nhiều người đi tìm Cha, ba ngày không thấy, họ trở về, chỉ còn anh xã Bề ở lại tìm thêm. Một người ngoại nói chuyện gặp ông Tây nằm ở khe núi, anh vội đến đây và thấy Cha Nê-rông gần chết, anh chạy ra ngoài rừng tìm ít gạo nấu cháo đổ vào miện Cha và khi Cha tỉnh, anh đưa Cha về nhà dòng Tạ Xá. Ở đây thỉnh thoảng Cha giải tội cho hai, ba người, làm phép bí tích cho người ốm. Nhưng quan quân sục sạo luôn, dân làng Tạ Xá sợ hãi, các chức sắc đến xin Cha đi chỗ khác. Cha Nê-rông bảo: “Cha trốn lên rừng đã suýt chết, nên muốn chết trong nhà hay bị quan bắt còn hơn”. Vì Cha không chịu đi, họ đuổi các chị dòng và lấy hết thức ăn và gạo có ý đuổi Cha, nhưng Cha cứ ở lại, lấy thóc xay, giã gạo, thổi cơm ăn, rồi vẫn đọc kinh lần hạt tươi vui như thường. Thấy thế dân làng sắm võng, thuyền vì đang mùa ngập lụt, họ xông vào nhà dòng bắt Cha xuống thuyền, chở ra giữa cánh đồng và xin rằng: “Thưa Cha, chúng con làm thế này thật không phải, xin Cha tha cho vì chúng con sợ quá”. Cha thản nhiên bảo: “ Ừ Cha sẵn lòng tha”. Rồi họ đưa Cha về Yên Tập.

Dân làng Yên Tập cũng không can đảm hơn làng Tạ Xá là mấy, người ta sợ hãi vì khi ấy dù Cha ẩn kín đọc kinh xem sách cả ngày cả đêm, nhưng nhiều khi lên cơn sốt máu, thình lình Cha chạy ra sân vỗ tay kêu hét ầm ĩ.

Thấy thế Thày Nhất, Đức Cha cử lên giúp Cha trong lúc cấm đạo ngặt phải đưa Cha lên núi, hai Cha con ở trong một lều làm bằng lá chuối. Ở đấy độ ba tuần, ăn cơm với mắm cá, chỗ này vắng vẻ nhưng độc nước không ở lâu được. Sau Thày Nhất nhờ một người ngoại hiếm con trai ở làng Suông, cho Cha Nê-rông ở lấy phúc. Cha ở đây ba tháng, chủ nhà coi sóc Cha tận tình. Tối đến cả nhà đi ngủ, ông lấy bẹ chuối giăng các lối đi, để sáng sớm ra xem ban đêm có ai đến rình mò không.

Sau Cha lại đến Chiêu Ủng ở nhà ông Huân, rồi chạy đến Dụ Bơ ẩn trong rừng thông, ở đấy độ nửa tháng thì về Yên Tập.

Suốt năm 1859, Cha Nê-rông phải trốn chạy như thế, đói, sốt rét, lo lắng trong trí, cực khổ trong lòng, lo cho mình, lo cho con chiên vì họ khiếp sợ quá, không có sự gì yên ủi nâng đỡ, quay đàng nào cũng chỉ thấy gian nan như sắp đổ ập trên mình.

Trong một lá thư viết cho Đức cha Rơ-to, Cha tả rõ tâm trạng của mình: “Lạy Cha, linh hồn con buồn chán quá, con xin cho khỏi uống chén đắng này, nhưng xin đừng cứ ý con một như thánh ý Cha đã định”. Cha càng đau khổ hơn khi biết tin hai thày giảng đưa thư này bị bắt, một người chết rũ tù ở Hà Nội, một người phải phát lưu.

Cha Phê-rô Nê-rông vốn ao ước được phúc chết vì đạo nên khi tin quan quân đến vây làng, Cha không sợ lại bảo người ta rằng: “ Chúng con đừng bối rối lo lắng, nếu Cha bị bắt, sẽ phải bắt một mình không hại đến chúng con. Nhà ai đã cho Cha ở sẽ được bình an”. Mọi việc xẩy ra như lời Cha báo trước.

Tên phản bội xuất hiện

Bấy giờ Cha Nê-rông ở nhà bà khán Truật làng Yên Tập, bên cạnh làng Tạ Xá, chỉ có hai chức sắc trong làng biết nơi Cha ẩn, Thày Nhất và mấy thày giảng không dám ở cùng nhà với Cha, khoảng độ 5 ngày họ lại đến thăm Cha một lần rồi lại về. Cơm nước có chị May dòng Mến Thánh Giá thu xếp, bà khán Truật ngăn riêng một gian nhà để mình Cha ở cho kín, nhưng chật chội quá, Cha khó chịu nên bảo ông tuần Tô, người làng Tạ Xá hay đưa Cha đi chỗ này chỗ khác, sắm cho Cha hai gậy để Cha đi săn cầy ban đêm.

Làng Tạ Xá có tên Luyện biết nơi Cha Nê-rông ở. Một hôm đánh bạc thua, anh nợ Lý Phận 100 quan tiền mà không có gì trả. Lý Phận bảo anh: “Nếu anh chỉ Cha cố Bắc ở đâu, ta sẽ tha cho”. Thế là một tên phản bội nữa lại xuất hiện.

Lần trước Lý Phận đã đưa ông Cai Mờn đến nhà dòng Tạ Xá định bắt Cha Nê-rông, bây giờ ông lấy con gái ông Mờn làm vợ hai, nên lại đưa Chánh tổng đến bắt Cha Nê-rông lần nữa.

Đêm ngày 5-8-1860, Cai Mờn và Lý Phận đem 12 người vừa làng Tạ Xá, vừa làng Xuân Trình xuống ba thuyền chở thẳng từ Gò Lan đến nhà bà khán Truật. Khi họ đến, tiếng chó sủa ầm ĩ, chị May đang ngủ ở nhà ngoài với mẹ con bà khán Truật vào đánh thức Cha, xin Cha trốn vào rừng, nhưng Cha bảo: “Thôi, không phải trốn nữa”. Nhưng dù muốn trốn cũng không kịp vì họ đã vây kín chung quanh. Cha bình tĩnh ra mở cửa, hai tay cầm hai gậy quen dùng đi săn, Cha khua gậy, hai tên Quyền và Hợp người làng Tạ Xá đứng rình ở cửa vướng gậy ngã xuống, nhưng chúng bổ dậy ngay xông vào bắt Cha, chúng lấy gậy hất chân Cha, đánh vào một cái nhọt ở chân, đau quá Cha ngã xuống, chúng lấy khăn và dây chuối trói Cha, đem xuống thuyền trở về nhà cai Mờn.

Cha xứ Yên Tập nghe tin, vội cử mấy người đàn anh trong làng đến gặp cai Mờn xin chuộc, nhưng ông ta chỉ bằng lòng khai đã bắt được Tây dương đạo trưởng ở trên rừng, vì thế không ai phải oa gia hay thiệt hại như lời Cha đã báo trước.

Cai Mờn, bỏ Cha vào cũi điệu Cha nộp quan. Ngày 7-8, Cha tới Sơn Tây. Nghe tin bắt được Tây dương đạo trưởng quan cử thêm ông phó cai và 50 người lính về áp giải vì sợ bổn đạo đánh tháo. Qua làng nào, người ta cũng tuốn ra xem rất đông, còn Cha ngồi lần hạt, đọc kinh tạ ơn Chúa.

Đến tỉnh trời gần tối, dù thế các quan cũng ra hỏi Cha qua loa cho có việc tâu về kinh, rồi truyền khiêng cũi vào gian nhà trống ở bên công đường, quân canh cẩn mật đêm ngày, chỉ có các ông đội thỉnh thoảng được vào, còn Cha lúc nào cũng tươi vui, còn Cha lúc nào cũng tươi vui, không phàn nàn và không bị lên cơn sốt nóng lần nào.

Theo gương Chúa Giêsu

Một tháng sau, giấy trong kinh ra, đòi các quan phải tra hỏi Cha Phê-rô Nê-rông.

Các quan bắt Cha khai quê quán, sang đây làm gì, đã ở đâu? Những ai giúp? Vì Cha nhất định không khai đã ở đâu và không kể tên những người giúp mình nên quan truyền lính đánh 40 roi, nát hết thịt, Cha không kêu, cũng không nói câu nào. Các quan thấy tra tấn vô ích, thì truyền tha nọc, Cha ngồi chống hai tay dưới đất, gục đầu xuống mà dù các quan hỏi han dỗ dành thế nào, Cha cũng không nói, các quan đành đưa Cha vào cũi.

Khi chưa phải tra tấn, Cha vui vẻ nói chuyện với lính canh, mỗi buổi sáng Cha xin lính cho ra đi bách bộ độ 1 giờ rồi lại về cũi; nhưng từ hôm phải đòn, đau quá, Cha đổi tính hẳn. Ngay sáng hôm sau Cha bảo bà lão nấu cơm cho Cha rằng: “Từ bây giờ Cha không ăn uống của thế gian, đừng đưa cơm vào nữa”. Bà đưa vào cho Cha một chậu nước để Cha rửa mặt, rửa tay và một bát nước để Cha xúc miệng. Cha uống nước đã độ 5,6 ngày, rồi Cha nhịn cả uống cả ăn 21 ngày mà Cha vẫn khỏe mạnh, chỉ hơi gầy; khi Cha đi bách bộ, khi Cha ở trong cũi lần hạt. Các quan, lính canh, những người ngoài phố đều biết việc này, ai cũng lấy làm lạ, có người nói: “Ông ấy là thần thánh, dù không ăn cũng sống”, vì người ta vẫn quan niệm rằng: “Đàn ông không ăn bảy ngày, đàn bà không ăn chín ngày sẽ chết”.

Sau 21 ngày, bà nấu cơm mua cho Cha chiếc bánh phong, Cha ăn vào, say ngã ra như chết. Lính vào báo quan, quan truyền phải xử ngay, nhưng một lúc sau Cha hồi tỉnh. Sáng mai, bà lão lại dọn cơm và Cha ăn như thường cho đến khi phải xử.

Ngoài bà lão này, không ai được đến gần cũi Cha vì lính canh rất ngặt.

Cha Lương Điều ở Yên Tập và Cha Độ ở Bách Lộc muốn vào giải tội cho Cha Nê-rông mà không được.

Có ông đội Mạo ở Bách Lộc hay ra vào thành để nghe tin tức. Một lần ông tìm cách đưa lá thư của Đức cha Rơ-to đến tận tay Cha, nhưng Cha để đấy, không đọc, không nói gì. Ông Đội canh cũng cho giấy bút để Cha viết thư từ giã các người thân thuộc, nhưng Cha bảo: “Không cần phải từ giã ai”. Có lẽ Cha muốn bắt chước gương Chúa Giê-su ở lặng cho đến chết, không muốn cho ai nhớ đến mình.

Cha còn hãm mình phạt xác nhiều cách để dọn mình lĩnh ơn phúc tử đạo. Từ khi phải giải về tỉnh, Cha không thay quần áo lần nào, nên có nhiều chấy rận; những vết đòn xông mũi thối tha, hôi hám, Cha không xem sao và cũng không muốn làm gì cho xác được thảnh thơi đôi chút.

Sau các quan còn cố dỗ Cha nhận án đồng lõa với giặc, Cha can đảm cương quyết: “Tôi không làm ngụy, tôi không đi lại với giặc, tôi sang đây chỉ có một việc giảng đạo”, vì thế các quan chỉ kết án Cha rằng: “Tây dương đạo trưởng đã phạm luật nước này mà sang giảng đạo, luận phải trảm quyết, phiêu thủ tam nhật, đầu khí vu giang”. Và vua Tự Đức y án.

Lòng trí đã ở trên trời

Ngày 3-11-1860, có lệnh xử Cha Phê-rô Nê-rông ngay, tin này không được báo trước. Đây là lời Cha Nhất đã ở với Cha Nê-rông trên xứ Đoài kể lại:

“Hôm Cha Nê-rông phải xử, tôi đang ở xứ Bách Lộc. Quá trưa chúng tôi được tin Cha phải điệu đi xử. Tôi và Cha Độ vội vàng chạy lên tỉnh, thì đám giải Cha Nê-rông đã ra khỏi cửa thành, có bốn lính cầm gươm đi kèm Cha và đỡ xiềng để Cha đi cho dễ. Còn Cha đi mạnh bạo không tỏ dấu sợ hãi, Cha cứ trông thẳng về phía trước, lòng trí như đã ở trên trời hay đang dọn mình chết, dù Cha Độ len đi trước tìm dịp giải tội cho Cha và tôi cũng cố đến ngay cạnh mấy người lính cầm gươm, nhưng Cha cũng chẳng trông đến tôi. Có nhiều người ngoại đạo đi theo, họ bỡ ngỡ nói với nhau: “Lạ lùng thật, ông Tây biết sang nước này phải chết mà không sợ”. Đến nơi xử, vì muốn làm hiệu để Cha nhận ra tôi nên tôi hỏi Cha to tiếng rằng: Ông có tội gì mà vua xử với ông như vậy? Lúc ấy Cha đã cầm trí quỳ đọc kinh cũng không nghe thấy gì. Từ trước tôi đã dặn một người ngoại nếu thấy Cha Nê-rông phải điệu đi xử thì đưa chiếu và đệm để Cha quỳ, nhưng công việc gấp quá, người ấy liệu không kịp, Cha phải quỳ dưới đất.

“Quan Giám sát xuống ngựa nói nhỏ với Cha mấy câu, sau tôi nghe người ta kể lại quan bảo Cha rằng: vua làm tội ông, xin ông tha cho tôi và về quê bằng yên, xin ông nhớ cầu cho tôi.

“Cha đọc kinh xong, lính trói Cha vào cọc, quan Giám bắc loa hỏi: Xong chưa? Lính thưa: Xong rồi! Quan ra lệnh. Nghe dứt ba hồi chiêng lệnh thì thi hành.

“Cha quỳ giữa vòng vây lính, một người lính múa gươm trước mặt và một người múa đàng sau đã chém đầu Cha, chém một nhát thì treo ngành, người lính đàng trước lấy gươm cắt da, đầu rơi xuống, lý hình cắt dây trói, xác ngã nằm dưới đất, và mỗi người xé lấy một phần áo. Quan Giám sát quát: Sao không tung đầu lên. Chúng tung đầu rồi cho vào sọt.

“Những người ngoại Sơn Tây nghe biết Cha đã thành thánh vì nhịn 20 ngày không ăn mà vẫn sống, nên người ta tranh nhau thấm máu, lấy áo Cha. Về sau bổn đạo hỏi mua nhưng họ nhất định không bán.

“Khi điệu Cha đi xử, giời nắng chang chang, đến phố, có đám mây lớn làm trời tối sầm rồi lại nắng gay gắt, nhưng vừa xử xong, tời đổ mưa như trút, quan quân kéo về phải trú cho đến khi tạnh.

“Chúng tôi sợ các quan không cho người có đạo mai táng nên nhờ người bán hàng xã ngoại đạo sắm sẵn áo quan và vải liệm, khi nghe tin Cha phải xử thì khiêng quan tài đến chờ sẵn, khi xử xong thưa với quan rằng: Ông này là người nước ngoài, không có ai chôn cất, nên tôi xin lo việc cho ông ấy để lấy phúc về sau. Vậy khi xử xong, người này làm theo lời chúng tôi dặn và chôn xác Cha ngay nơi xử, đắp đất lấp rào thật kỹ, sợ kẻ có đạo đến lấy trộm xác và cắt quân nửa tháng.

“Dù thế, sau ba ngày họ Bách Lộc cũng lập mưu lấy xác Cha đưa về táng trong họ. Buổi tối, ông đội Mạo dẫn một số đàn ông bí mật đến Năm Mẫu là nơi chôn xác Cha Nê-rông. Mấy người quen lính canh mộ đến nói chuyện với chúng đang ngồi ở hàng quán cách mộ hơi xa, để giữ chân chúng ở đấy, một toán đề phòng, nếu lính canh đến sẽ đánh nhau với chúng, còn một toán đào mả. Đến nơi trời đã khuya, họ làm việc nhanh chóng, khi lấy được xác Cha, một người vác lên vai chạy về, còn các người khác lấp huyệt lại, rào giậu như trước. Khi xong việc, về đến đầu làng Bách Lộc, họ hú lên một tiếng to báo hiệu cho các toán khác biết rút về.

“Còn đầu Cha Nê-rông phải bêu ba ngày, Cha Độ cố gắng chuộc, nhưng cai binh không dám, sau Cha đưa tiền xin buộc phao vào đầu để sau biết lối tìm, nhưng các quan tranh nhau ăn tiền, lại nghi nhau nên không cho buộc dây gai có phao vào đầu Cha, về sau thuyền chài tìm thế nào cũng không được”.

Ngày 2-5-1909, Đức Thánh Cha Pi-ô X đã phong chân phúc cho Cha Phê-rô Phan-xi-cô Nê-rông, và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn người lên bậc hiển thánh.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn