Thánh Gioan Tông đồ, Lễ kính

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 1, 1-4

“Chúng tôi loan truyền cho anh em điều chúng tôi đã nghe và đã thấy”.

Bắt đầu thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, điều đã có từ thuở ban sơ, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã ngắm nhìn và tay chúng tôi đã sờ đến về Ngôi Lời hằng sống: là sự sống đã tỏ hiện, và chúng tôi đã từng thấy, chúng tôi làm chứng và chúng tôi loan truyền cho các con sự sống đời đời đã có nơi Chúa Cha và đã tỏ hiện cho chúng ta. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi loan truyền cho các con, để các con hiệp nhất với chúng tôi, và chúng ta hiệp nhất với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con của Người. Chúng tôi viết các điều này để các con vui mừng và niềm vui của các con được trọn vẹn.

 

Tin mừng: Ga 20, 2-8

Ngày thứ nhất trong tuần, 2 Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu”.

3 Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. 4 Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. 5 Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. 6 Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, 7 và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.

8 Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: “Phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ đựơc nhìn thấy Thiên Chúa”. Mối phúc ấy hôm nay được thể hiện nơi Thánh Gioan Tông đồ. Thật vậy, nhờ đồng trinh, Thánh Gioan có diễm phúc nhận ra mầu nhiệm Phục Sinh sớm hơn các tông đồ khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, khoa học kỹ thuật càng văn minh tiến bộ thì đời sống con người càng dễ bị tục hoá, người ta càng dễ đánh mất sự nhạy bén của thế giới linh thiêng, với những giá trị tâm linh. Đã có một thời người ta đả kích đời sống độc thân và đức đồng trinh. Người ta bảo như thế là đi ngược với bản năng, trái với luật tự nhiên. Người ta bảo như thế là làm cho con tim bị khô héo, làm cho tình cảm bị cằn cỗi, làm cho con người trở nên bất bình thường. Nhưng lạy Chúa, thực tế lại cho con thấy khác hẳn. Thánh Gioan hôm nay là một điển hình. Nhìn sự kiện mồ trống, Thánh Gioan đã đọc ngay được rằng: Chúa đã sống lại. Rồi khi Chúa hiện ra bảo thả lưới bên hữu thuyền thì chính Thánh Gioan cũng là người đầu tiên nhận ra Chúa. Vâng lạy Chúa, đức đồng trinh đã giúp Thánh Gioan mở mắt linh hồn nhìn rõ hơn người khác.

Khi nhìn lại hơn 2000 năm lịch sử Kitô giáo, con nhìn thấy biết bao đóng góp của những người đồng trinh. Nhờ đức đồng trinh, tâm hồn tự do hơn, dễ dàng tận hiến cho Chúa và các linh hồn hơn. Con cầu nguyện cho Giáo hội có nhiều người biết quý trọng bậc độc thân và đức trinh khiết. Con cầu nguyện cho xứ đạo con có nhiều người được ơn gọi sống đời tận hiến để phục vụ Chúa và các linh hồn.

Con cầu nguyện cho gia đình con dù sống giữa các mối liên hệ gia đình, dù sống giữa thế giới văn minh vật chất hưởng thụ, vẫn biết sống trong trắng, để nhờ đó nhận ra sự hiện diện của Chúa và vươn lên tới những giá trị tâm linh cao cả. Amen.

Ghi nhớ“Môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông”.

GIOAN: TÌNH LÀ NHƯ THẾ (Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Trường)

Gioan là môn đệ được Chúa thương yêu và cũng là người đã định nghĩa: Thiên Chúa là Tình Yêu. Yêu kiểu gì? Lời Chúa lễ thánh Gioan cho 3 điều rất đẹp: Gần, Khoe, và Nhường.

  1. Gần. Yêu luôn muốn gần. Chúa yêu nên làm người để gần nhân loại, để Gioan được nghe, ngắm, chạm đến Chúa. Nói yêu thì hãy gần Chúa, gần nhau. Vợ chồng nào cứ gần gũi nghe, ngắm, chạm vào nhau thì gia đình hạnh phúc lắm.
  2. Khoe. Yêu luôn thích khoe: khoe người yêu, khoe vợ đẹp, khoe con ngoan. Yêu ai hay thứ gì thì luôn thích giới thiệu cho gia đình bè bạn. Thế nên, nếu chúng ta yêu Chúa thì cũng phải như Gioan hân hoan  loan báo và làm chứng về Chúa.
  3. Nhường. Yêu sẵn sàng nhường. Gioan chạy nhanh hơn nhưng lại nhường cho Phêrô vào mộ Chúa trước. Nhường là mình sẵn lòng chịu thiệt để người khác được hưởng hơn. Thế là cả hai cùng vui hạnh phúc. Người ta tranh giành, mặt đỏ tía tai cãi nhau hay hăng máu đánh nhau vì không có khả năng nhường nhau. Vì thương nên nhường. Nhường vì rộng lượng, nhường mới xứng trượng phu.

Theo Gioan, tình là như thế: Gần, Khoe và Nhường. Mình yêu thương nhau như thế nhé. Amen.

Suy niệm 2: Lm. Phêrô Mai Viết Thắng

Thánh Gioan là một mẫu gương mặt nổi bật và rất sáng giá trong nhóm 12. Ngài được Chúa Giêsu yêu mến cách đặc biệt. Nhưng ngài cũng rất khiêm tốn, không hãnh diện coi mình hơn các anh em khác, nên khi chép sách Tin mừng, ngài không hề nhắc tới tên của mình mà nhắc tới bằng một danh xưng “người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến”.

Ngài là con ông Dêbêđê và là em ruột của thánh Giacôbê tiền. Gia đình của ngài làm nghề đánh cá và gia đình cũng tương đối khá giả vì có cả người làm công. Ngài cũng là một trong 4 môn đệ đầu tiên được Chúa kêu gọi làm môn đệ của Chúa. Ngài đã trung thành theo Chúa đến cùng và là môn đệ duy nhất đứng dưới chân thập giá và cũng là môn đệ duy nhất đại diện cho nhân loại đón nhận lời trăn trối của Chúa khi Chúa trao Đức Maria làm Mẹ nhân loại và nhận nhân loại làm con cái Đức Mẹ.

Sau khi Chúa về trời, ngài luôn sát cánh với tông đồ trưởng Phêrô và cả hai đều bị điệu ra trước toà án Do thái.

Ngài chính là tác giả của sách Tin mừng thứ tư và ba lá thư cũng như sách Khải Huyền trong cuốn Tân Ước. Ngài được mô tả là một nhà thần học rất sâu sắc nhờ lối viết văn chương của ngài. 

Cả cuộc đời của ngài là một cuộc làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh. Duy nhất chỉ có mình ngài trong nhóm 12 là không bị tử đạo. Ngài qua đời thời hoàng đế Tra-da-nô khoảng năm 100, sau khi Chúa Giáng sinh.

Mừng lễ kính ngài hôm nay, mỗi người chúng ta hãy xin ngài chuyển cầu cho chúng ta biết noi gương bắt chước ngài, luôn hăng say rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa bằng đời sống bác ái yêu thương để chúng ta thực sự trở nên môn đệ của Chúa. Hơn nữa, hãy siêng năng đọc và suy niệm Tin mừng, các thư chung và sách Khải Huyền do ngài chép lại để giúp ta hiểu biết và thực hiện thánh ý Thiên Chúa qua các dấu chỉ của thời đại hôm nay. Amen.

Suy niệm 3 (TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ta đoán “người môn đệ Chúa yêu” là thánh Gio-an. Vì chỉ thấy danh xưng này trong Tin mừng Gio-an.

Chắc chắn ai cũng được Chúa yêu. Có điều không cảm nhận được. Hoặc không nói ra. Đáng lẽ Phê-rô phải xưng mình là người được Chúa yêu hơn cả. Vì ông đã lỗi lầm và được tha thứ. Như lời Chúa dạy: “Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều”. Cả Giu-đa, nếu ăn năn trở lại, cũng có thể xưng mình là người môn đệ được Chúa yêu. Nhưng chỉ có Gio-an xưng mình là “người môn đệ được Chúa yêu”. Vì ông là người có nhiều tình cảm nên cảm nhận được một cách rõ ràng và sâu xa. Và ông có tài diễn tả. Và ông muốn cho mọi người biết rằng ai cũng được Chúa yêu. Ai cũng có thể xưng mình là “người môn đệ được Chúa yêu”.

Tình yêu có trí nhớ rất sắc bén. Yêu ai ta nhớ từng lời nói, thái độ, cử chỉ. Thánh Gio-an nhớ rất kỹ những lời nói việc làm của Chúa Giê-su. Chẳng hạn về ngày đầu tiên gặp gỡ. Thánh nhân ghi nhớ từng chi tiết. Cả thời giờ: “Lúc đó khoảng giờ thứ mười” (Ga 1,35-39).Nên nhớ, hơn nửa thế kỷ sau, thánh Gio-an mới viết Tin mừng . thế mà vẫn ghi nhớ từng chi tiết. Chắc chắn đó là một kỷ niệm khắc sâu trong tâm hồn.

Tình yêu có trực giác rất mạnh. Dễ nhận ra những dấu vết của người yêu. Việc thánh Gio-an bén nhậy tin Chúa phục sinh sau khi nhìn ngôi mộ trống là một trực giác của tình yêu. Nhìn khăn liệm và khăn che mặt xếp đặt gọn gàng Ngài nhận ra ngay dấu vết của Chúa. Cũng như ngài là người đầu tiên nhận ra Chúa Giê-su phục sinh bên bờ hồ sau mẻ cá lạ. Mẻ cá lạ chỉ có thể do Chúa. Và gợi lại những mẻ cá khi Người chưa chịu khổ nạn.

Tình yêu đi vào hiệp thông sâu xa. Hiệp thông khiến tình yêu thành cụ thể và sống động. Thánh Gio-an thấy tận mắt, sờ tận tay Lời Thiên Chúa. “Điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống”. Chạm được vào Lời là có mối thân tình rất sâu xa. Nên được “hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người”.

Nếu tôi ghi nhớ tất cả những gì Chúa làm cho tôi. Nếu tôi đủ nhậy bén. Tôi sẽ đi vào hiệp thông với Chúa. Và sẽ nhận biết tôi là “người môn đệ Chúa yêu”. Khi đó tôi sẽ vô cùng hạnh phúc.