THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA. Lễ trọng

Bài đọc 1: 2 Sm 7,4-5a.12-14a.16

Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

4 Hồi ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng :

5a “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít : Đức Chúa phán thế này : 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. 13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. 14a Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. 16 Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.”

 

Đáp ca: Tv 88,2-3.4-5.27 và 29 (Đ. c.37)

Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.

2Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.3Vâng con nói : “Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.”

Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.

4Xưa Chúa phán : “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,
đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta,5rằng : dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,
ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ.”

Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.

27Người sẽ thưa với Ta : “Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ !”29Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở
và thành tín giữ giao ước với Người.

Đ.Dòng dõi Người sẽ trường tồn vạn kỷ.

 

Bài đọc 2: Rm 4,13.16-18.22

Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

13 Thưa anh em, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp ; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin. 16 Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa ; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, 17 như có lời chép : Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.

18 Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán : Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. 22 Bởi vậy, ông được kể là người công chính.

Tung hô Tin Mừng: Tv 83,5

Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện

họ luôn luôn được hát mừng Ngài.

 

Tin Mừng: Mt 1,16.18-21.24a 

Ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

16 Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 24a Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

 

Bài giảng của Đức Hồng y Phaolô Giuse

Hôm nay chúng ta mừng lễ kính Thánh Cả Giuse là Cha nuôi Chúa Giêsu, là Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng Bảo trợ Hội Thánh, Bảo trợ nước Việt Nam. Đó là những lý do chính thúc giục chũng ta yêu mến, tin cậy và cầu xin Thánh Giuse.

    Nhưng trong bài này, tôi muốn nói về một lý do nữa: Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ các người cha gia đình.

    Thưa anh chị em,

    Trong một căn nhà, cột trụ có một vai trò và vị trí rất quan trọng. Cột trụ vững mạnh thì căn nhà sẽ đứng vững. Trái lại, nếu cột trụ yếu ớt, xiêu vẹo, thì căn nhà cũng xiêu vẹo và sụp đổ.

Người cha cũng là cột trụ của gia đình. Người cha khôn ngoan, can đảm, đạo đức, thì gia đình sẽ an vui, hòa hợp và đứng vững. Trái lại, người cha vụng về, nhát đảm, khô khan, thì gia đình sẽ lục đục, chia rẽ và sụp đổ khi gặp gian nan.

    Kinh nghiệm cho thấy, một gia đình trong thời chiến tranh, cửa nhà bị tàn phá, tài sản bị phân tán, vợ thì yếu đuối, con thì thơ dại, trông mặt nào cũng thấy bi quan chán nản, không phương cứu vãn. Tuy nhiên, người cha vẫn đứng vững và trung thành yêu vợ thương con, can đảm hy sinh vì vợ con, thì khi đó tình yêu và lập trường của người cha trở nên bảo đảm cuối cùng cứu gia đình khỏi tan vỡ.

    Để làm trọn nghĩa vụ cao quí đó, người cha phải làm gì?

    Trước hết, phải biến gia đình thành nhà cầu nguyện theo gương Thánh Giuse. Đối với Thánh Giuse việc cầu nguyện chiếm địa vị ưu tiên trong mọi sinh hoạt của Thánh Gia: Cầu nguyện hằng ngày trong gia đình, cầu nguyện hằng tuần ngày Sabat trong hội đường, cầu nguyện hằng năm ở Đền thờ Giêrusalem… Đó là tấm gương sáng mà Thánh Gia để lại cho chúng ta.

    Về phần xác, mỗi ngày gia đình ta họp nhau ít là hai lần để ăn cơm chung do người cha đứng đầu, thì phần hồn, mỗi ngày chúng ta cũng cần hợp nhau tối sớm để đọc kinh chung do người bố chủ sự. Đó là điều kiện cần thiết để nuôi dưỡng đức tin. Kinh nghiệm cho thấy gia đình nào siêng năng đọc kinh tối sớm, gia đình ấy sẽ giữ vững đức tin, gia đình nào lười đọc kinh, đức tin sẽ suy yếu và có nguy cơ sụp đổ trước những cơn thử thách của cuộc đời.

    Đọc kinh tối sớm là điều kiện cần thiết nuôi dưỡng đức tin, hơn nữa còn là bảo đảm cho gia đình hòa thuận an vui.

    Đời sống gia đình không phải bao giờ cũng vui tươi như ngày mới cưới, gia đình nào cũng có lúc va chạm, vợ chồng cãi cọ nhau, con cái ngỗ nghịch. Nhưng ban tối nếu gia đình họp nhau đọc kinh thì những bất bình va chạm ban ngày sẽ tan đi trong giấc ngủ. Trái lại nếu không đọc kinh, mỗi người đi ngủ đem theo sự buồn giận trong lòng, thì ban đêm sẽ khó ngủ và sáng dậy đầu óc sẽ nặng nề hơn.

    Đọc kinh chung là điều kiện nuôi dưỡng đức tin, bảo đảm sự hòa thuận trong gia đình, hơn nữa còn là nguồn nghị lực giúp gia đình đứng vững trước cơn gian nan thử thách.

    Đời sống gia đinh không phải luôn êm xuôi như nước chảy một chiều, gia đình nào cũng có lúc trải qua những ngày khó khăn thử thách như ốm đau bệnh tật, mất cha, mất con, làm ăn thất bại, tai nạn túng thiếu… Trong những tình huống đó, nếu gia đình vững lòng tin cậy, bền bỉ cầu nguyện thì thế nào Chúa cũng ban ơn trợ giúp để vượt qua.

    Sau nữa, phải biến gia đình thành trường luyện nhân đức, nhất là đức hiền lành nhẫn nại.

    Sống chung là một dịp hãm mình rất lớn. Người ta thường nói: “Bá nhân bá tính”. Nghĩa là một trăm người, một trăm tính nết khác nhau. Không nói gì đến một trăm người, chỉ mấy đứa con, trong một vấn đề nhỏ mọn như ăn uống thôi mà người mẹ cũng khó lòng dọn thức ăn cho vừa tất cả: đứa thích món này, đứa thích món kia, làm thế nào mà chiều được. Nếu không hợp tính nhau, không đồng quan điểm với nhau thì chỉ còn một cách là nhịn nhục chịu đựng trong tinh thần hy sinh bác ái, thì gia đình mới yên ổn được. Về vấn đề này, người cha phải làm gương sáng cho vợ con trước nhất, bởi vì sự thường người bố hay lấy quyền mình mà áp đặt, đòi hỏi, không được như ý sinh ra cáu gắt, đánh đập làm cho vợ con khiếp sợ. Thật là hạnh phúc cho gia đình nào có người bố hiền lành nhịn nhục. Người ta kể chuyện: Ông Socrate, xưa là một nhà hiền triết Hy Lạp có một bà vợ dữ tợn và lắm đều, nhưng ông cứ bình tĩnh chịu đựng. Một hôm bà ta xỉa xói ông những điều thậm tệ, ông im lặng khoác áo ra đi, bà ta còn chạy theo hất một chậu nước vào ông. Nhà hiền triết quay lại thái độ bình tĩnh nói: Tôi biết mà! Sau cơn giông tố thì thể nào cũng đổ mưa! Thế rồi ông cứ bình tĩnh bước đi.

    Thưa các ông là những người cha gia đình,

    Sứ mạng Chúa trao cho các ông thật là cao cả tựa như sứ mạng của Thánh Giuse, trách nhiệm của các ông cũng rất nặng nề, hoàn cảnh hiện nay cũng đầy khó khăn phức tạp. Chẳng hạn gia đình túng thiếu, việc làm ăn vất vả đi sớm về khuya, còn giờ đâu mà dạy dỗ con cái. Đang khi ấy thì bao nhiêu quyến rũ bên ngoài, bao nhiêu tệ nạn xã hội lôi kéo con cái ta vào con đường hư hỏng: cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút, bạn bè xấu, phim ảnh trụy lạc… Nhiều lúc các ông cảm thấy khổ tâm và bất lực, các ông lo lắng nhìn con cái và tự hỏi: Sau này chúng sẽ ra sao ? Còn giữ vững đức tin hay bỏ đạo ? Còn trung thành với nền nếp gia đình hay trở nên người hư hỏng

Dù sao chúng ra cũng không thể ngã lòng nản chí, vì quyền năng của Thiên Chúa thường biểu lộ ra trong sự yếu đuối và bất lực của con người, lúc chúng ta thấy mình yếu đuối là lúc chúng ta mạnh.

Vậy chúng ta hãy đến cùng Thánh Giuse, xin Người hộ giúp. Xưa Thánh Giuse cũng sống đời sống gia đình như ta. Người đã làm đầu coi sóc mọi sự trong nhà Đức mẹ mà nay người là Đấng mọi nhà phải cậy trông cho được vững vàng.

Thánh Giuse thấu hiểu hơn ai hết những nỗi khó khăn phức tạp của đời sống gia đình. Người cũng hiểu hơn ai hết vai trò và trách nhiệm của người cha gia đình. Do đó, với một tình thông cảm bao la, Thánh Giuse luôn sẵn sàng hộ giúp các người cha gia đình, khi đến cầu xin Người.

Sau cùng, tôi đề nghị anh chị em, nhất là các bà mẹ, cầu nguyện nhiều cho các gia đình có một người gia trưởng giống như Thánh Giuse, thì đời sống gia đình ta sẽ hạnh phúc biết bao. Người ta kể lại: Một người mẹ gia đình đến xin một luật sư biện hộ cho mình trong dự định ly hôn với ông chồng. Bà nói: Ông nhà tôi quá thể, tôi không chịu nổi, tối nào về cũng say khướt rồi đánh mắng vợ con, đập phá đồ đạc om sòm nhà cửa… Luật sư hỏi: Khi ấy thì bà làm gì?- Tất nhiên tôi phải lên tiếng cãi lại không chịu ngồi yên. Luật sư nói: Tôi nghĩ nhà bà còn thiếu một cái. Thiếu cái gì? Thiếu một cái ghế quì. Nếu khi ông nhà bà say sưa, đánh mắng như vậy, bà cứ yên lặng quì cầu nguyện cho ông sửa đổi tính nết thì sẽ có kết quả hơn nhiều.

    Thưa anh chị em thân mến,

Trên đây là một bài học rất khôn ngoan và thâm thúy, mong rằng chúng ta đem ra áp dụng trong đời sống gia đình khi gặp trường hợp tương tự. Amen.

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thánh Giuse vâng lời sứ thần để nhận Chúa Giêsu là con của mình, nhờ thế Chúa Giêsu thuộc về dòng dõi vua Đa-vít. Thánh Giuse là người công chính vì Ngài luôn tôn trọng Thánh Ý Thiên Chúa và tôn trọng Đức Mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con chúc tụng Cha vì Cha đã chọn cho Chúa Giêsu một người cha nuôi thánh thiện là thánh Giuse. Ngài thánh thiện vì ngài là người công chính sống đúng thân phận và vai trò của mình. Đối với Cha, ngài đã luôn tôn trọng Thánh ý nhiệm mầu và kế hoạch cứu độ. Dù hiểu hay không hiểu, ngài vẫn luôn sẵn sàng chờ đợi để thực hiện điều Cha muốn nơi ngài. Đối với Chúa Giêsu, ngài luôn tôn trọng và chu toàn trách nhiệm của người cha nuôi. Đối với Đức Mẹ, dù ngài không hiểu rõ điều đã xảy đến cho Đức Mẹ, nhưng ngài vẫn hết lòng tôn trọng và không muốn tố giác Đức Mẹ.

Lạy Cha, xin Cha giúp con noi gương thánh Giuse để sống cuộc đời công chính. Xin Cha cho con biết tôn trọng Cha để con thờ Cha cho phải đạo. Xin cho con biết tôn trọng mầu nhiệm Thánh Ý Cha để con tuân giữ và vâng phục, dù trí khôn hèn mọn của con chẳng thể hiểu thấu. Xin giúp con tôn trọng người khác, vì mỗi người là một mầu nhiệm mà chỉ mình Cha mới có quyền đi vào. Con cũng muốn tôn trọng cả thiên nhiên, vì Cha muốn con phải làm chủ vạn vật theo kế hoạch của Cha.

Trong đức tin, con nhận ra rằng cả một mầu nhiệm vĩ đại đang bao trùm cuộc sống con. Con chỉ biết chờ đợi Cha lên tiếng mời gọi và hướng dẫn, để con sống đúng thân phận và vai trò của con. Amen.

Ghi nhớ: “Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.