Suy niệm mầu nhiệm Mân Côi tháng 8 năm 2021
SUY NIỆM
MẦU NHIỆM MÂN CÔI
08/2021
************
Năm Sự Sáng
Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.
Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy tập biến hình với Chúa qua việc siêng năng lãnh nhận Bí tích giải tội.
I – LỜI CHA Xin đọc Tin Mừng Mt 17,1-9
- GỢI Ý SUY NIỆM
Khi chứng kiến biến cố Chúa tỏ vinh quang và đàm đạo với hai chứng nhân là Môsê và Êlia trên núi Tabor, các môn đệ vui mừng quá sức và muốn dựng cho mỗi Đấng một cái lều ở ngay tại đó, để cả các ông cũng được ở lại mãi trong vinh quang Thiên Chúa và không muốn trở về với cuộc sống đời thường nữa. Thế nhưng, mục đích của việc Chúa biến hình không phải là để cho các ông dựng lều để định cư, mà là để củng cố đức tin cho các ông khỏi hoang mang trước cuộc Thương Khó của Ngài, đồng thời để giúp các ông nhận ra Thiên tính của một Con Người đang đồng hành với các ông. Con Người đó không phải chỉ có bản tính loài người như mọi người khác mà còn có bản tính Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa nữa.
Qua trình thuật của Tin mừng, thì đây là lần thứ hai Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con của Ngài. Lần thứ nhất là tại sông Giođan còn lần này thì xác nhận trên núi Tabor.
Qua biến cố hiển dung cho ta thấy; Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nhưng đồng thời Ngài cũng là Người Tôi Tớ chịu đau khổ bởi vâng phục Thánh ý Chúa Cha đến độ đổ máu mình ra và chết trên thập giá. Núi Tabor nơi Chúa biến hình, nơi Chúa tỏ vinh quang của Ngài nhằm báo trước sự hy sinh trên núi Can-vê để bước vào vinh quang bất diệt.
Sau khi chứng kiến việc Chúa biến hình, các tông đồ muốn dựng ba cái lều cho Chúa, cho Môsê, cho Êlia và muốn kéo dài vinh quang đó ra mãi. Nhưng đấy không phải là ý Chúa, vì Ngài không muốn cho các ông ngồi yên một chỗ. Nhưng sau khi đã được củng cố đức tin, được nhận ra Ngài là Thiên Chúa và được nếm trước vinh quang Chúa tỏ hiện, thì các ông còn phải ra đi làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống hy sinh đau khổ của mình. Đây là cơ hội để các ông biết rõ hơn về Thầy mình thực sự là ai, đồng thời cho các ông được hưởng nếm trước vinh quang thiên quốc đang chờ đón các ông, bởi vì các ông đã từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Đây cũng là sự chuẩn bị tinh thần cho các ông, để khi Thầy mình bị bắt bớ, bị xỉ nhục thì các ông không bị mất niềm tin và khỏi bị hoang mang, hoảng loạn.
Thực ra, ban đầu khi bước theo Chúa Giêsu thì cả Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng như các môn đệ khác đã không biết cái giá họ phải trả như thế nào. Khi được chứng kiến dung nhan vinh hiển Chúa tỏ hiện trên núi Tabor, họ đã sung sướng ngất ngây và muốn ở lại luôn trên đó, muốn kéo dài sự thánh thiện đó ra. Nhưng chương trình của Chúa Giêsu và ý muốn của Chúa Cha không phải như vậy. Ngài đã dẫn các ông xuống núi và ngăn cấm không cho họ nói với ai về những gì họ đã nghe, đã thấy cho đến khi “Con Người từ cõi chết sống lại.” Ngài còn nói cho các ông hay rằng: “Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ ….” Nhưng họ vẫn không hiểu và hỏi nhau, “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì ?”
Vậy thì, biến cố hiển dung của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều gì và chúng ta rút ra bài học gì cho đời sống của mỗi người chúng ta ?
Trước hết chúng ta thấy mối liên hệ giữa đau khổ và sự chết, liên kết với sự sống lại vinh quang của Chúa Giêsu. Điều đó hé mở cho chúng ta thấy là phải trải qua đau khổ mới được vào vinh quang, như chính Chúa đã nêu gương cho chúng ta. Trong cuộc hành trình đức tin Kitô giáo, chẳng bao giờ có con đường nào tránh né sự đau khổ hay chạy trốn hy sinh mà lại dẫn đến vinh quang với Chúa Kitô. Hạnh phúc và bình an thật sự chỉ đến sau khi đã bằng lòng vác thánh giá lên đồi Can-vê để chịu chết với Chúa. Có chết đi thì mới có sống lại. Có đau khổ thì mới có vinh quang. Bởi vì, kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng không có cái gì quý giá ở trên đời này mà lại không phải hy sinh hay khổ công tìm kiếm.
Trong cuộc sống đôi khi chúng ta quá bận tâm đến những lo lắng hiện tại hằng ngày, để rồi quên đi lý tưởng vinh quang mai sau mà chúng ta đang được mời gọi tiến tới. Bởi đó, chúng ta dễ ca thán, phàn nàn khi gặp đau khổ, có khi còn phàn nàn kêu trách Chúa. Đáng buồn hơn nữa là có khi chúng ta bị tê liệt tinh thần trước những đau khổ thử thách.
Chính vì thế mà Cha Thánh Pio đã căn dặn một nông dân rằng: “Đừng bao giờ để linh hồn con bị khuấy động bởi hoàn cảnh sầu khổ gây ra do sự bất công của loài người.” Kinh nghiệm cũng cho thấy đôi lúc chúng ta đang cảm thấy ê chề, thất vọng kéo lê trong cuộc đời chúng ta thì một tia sáng, một tin vui, một chút hy vọng, hay một dấu hiệu yêu thương nào đó đã thay đổi hẳn cái nhìn của chúng ta, nâng chúng ta dậy, và chúng ta lại thấy rõ hơn ý nghĩa đau khổ của đời mình và giúp ta vui vẻ chấp nhận những gian nan đau khổ.
Khi suy niệm biến cố Chúa Hiển Dung, nhắc cho chúng ta nhớ lại con đường dẫn tới vinh quang Nước Trời là con đường đau khổ thập giá mà Chúa Giêsu đã đi qua. Muốn vào hưởng vinh quang với Chúa, chúng ta không thể đi con đường nào khác ngoài con đường thập giá Chúa Kitô. Do đó, ta phải can đảm vác lấy thánh giá là những đau khổ trong bổn phận thì ta mới đón nhận được vinh quang Nước Trời. Lời Chúa Cha nhắn nhủ trên núi Tabor năm xưa vẫn vang vọng trong tâm hồn chúng ta hôm nay: “Hãy nghe lời Người”. Hãy vác lấy thánh giá là tất cả những hy sinh đau khổ mà ta gặp thấy trong cuộc đời ta, như Chúa Giêsu đã đón nhận và nêu gương cho chúng ta. Như thế, chúng ta mới có thể đạt tới vinh quang bất diệt mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Amen.
III – GỢI Ý SỐNG VÀ CHIA SẺ
- Trong biến cố Chúa biến hình, tiếng Chúa Cha phán: “Đây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Tôi có thực lòng vâng nghe và làm theo Lời Chúa mách bảo qua tiếng lương tâm mỗi ngày không ?
- Tôi có lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần hướng dẫn và để cho Ngài biến đổi đời sống của ta không ?
- Tôi có ý chịu khó biến hình với Chúa qua việc lãnh nhận bí tích giải tội, để được biến đổi từ tội lỗi sang sự thánh thiện không ?
* Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.
1- Anna Thân Thị Khanh, giáo xứ Thiết Nham, giáo hạt Bắc Giang.
2- Anna Dương Thị Quyên, giáo xứ Núi Ô, giáo hạt Bắc Giang.
*Thông báo: Vì đại dịch Covid 19, nên việc tập trung về TTTM Từ Phong tạm hoãn cho tới khi có thông báo mới.
Linh mục đặc trách
Hội Mân Côi giáo phận Bắc Ninh
Phêrô Mai Viết Thắng