Tài liệu Hoa Mân Côi và Hội trưởng gia đình Giáo phận tháng 1.2025
Trong tháng này, xin cầu nguyện cho những người hành hương năm thánh, để họ được tăng trưởng về đời sống đức tin, giúp họ nhận biết Chúa Kitô Phục sinh đang hiện diện giữa cuộc đời và nhận ra Người là trung tâm của đời sống người Kitô hữu.
File PDF A4 | File PDF A5 | File Word A4 | File Word A5 |
HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH – Tháng 1.2025
File PDF | File Word |
Ý nguyện: Trong tháng này, chị em hãy cầu nguyện cho quyền được giáo dục của những người di dân, những người tị nạn, những nạn nhân chiến tranh luôn được tôn trọng và được bảo đảm, nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
I . ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5, 13-16 (Tin mừng Mát-thêu chương 5 từ câu 13 đến câu 16. Mọi người đọc chung, đọc chậm rãi ít nhất là 3 lần và tinh lặng ít phút sau mỗi lần đọc).
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu.
13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
14 “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”
- GỢI Ý CHIA SẺ
- Nội dung đoạn Tin mừng trên, Chúa nói về điều gì ?
- Đoạn Tin mừng trên đây, Chúa Giêsu dùng hai hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta là Muối và Ánh Sáng, để sánh ví với đời sống đức tin của người môn đệ Chúa Kitô, đồng thời cũng để rút ra bài học cho đời sống đức tin của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
- Qua đoạn Tin mừng trên đây, Chúa nói gì với tôi ?
- Chúa chỉ cho tôi thấy hai hình ảnh Muối và Ánh Sáng là những thứ không thể thiếu trong đời sống thường ngày của tôi cũng như của mọi người.
- Hình ảnh thứ nhất đó là Muối: Muối rất cần thiết cho đời sống con người. Muối được dùng để sát trùng các vết thương, để ướp cho thức ăn khỏi bị hư thối, muối còn để bón cho lúa mẩy hạt, người ta còn dùng để nhóm bếp than cho nhanh bén lửa… Đặc biệt, muối không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày của mọi người. Nó được dùng để nêm vào các món ăn cho vừa vặn, đậm đà, ngon miệng, không trở nên nhàm chán, nhạt nhẽo.
- Hình ảnh hai nhất đó là Ánh Sáng: Ánh sáng rất cần thiết cho mọi sinh vật sống. Không có ánh sáng quang hợp thì sẽ không có sự sống. Ánh sáng xua đuổi bóng tối để nó bao phủ các vật được nó chiếu tỏa. Ánh sáng còn giúp cho ta phân biệt người quen với người lạ, phân biệt thật giả tốt xấu, trắng đen, nó còn tôn vẻ đẹp cho tạo vật. Ánh sáng còn soi dẫn cho con người biết đường đi và sưởi ấm cho con người khỏi băng giá… Ngoài thứ ánh sáng vật lý, còn có ánh sánh văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm lý và ánh sáng tâm linh nữa.
- Điều đặc biệt là cả Muối và Ánh sáng đều hiện diện âm thầm bằng cách phân huỷ mình đi để đem lại vị ngon cho món ăn hay ánh sáng chiếu soi vạn vật, để giúp ta nhận ra vẻ đẹp của tạo vật và sự thật cũng được phơi bày ra trước ánh sáng.
- Cả hai hình ảnh muối và ánh sáng mà Chúa dùng để nhắc nhở tôi phải trở nên muối để ướp mặn cho đời sống xã hội nơi tôi cư ngụ đang bị thối rữa bởi suy thoái đạo đức, bởi tội lỗi và những trào lưu phóng túng, đồng thời Ngài cũng mời gọi tôi phải trở nên ánh sáng soi cho mọi người bằng chính gương sáng đời sống đạo đức tốt lành của tôi giữa một xã hội mà nhiều người đang đi lầm đường lạc lối.
- Chúa mời gọi tôi như vậy, tôi đã làm được gì ?
- Chúa mời gọi tôi trở nên muối cho đời và thành ánh sáng cho trần gian. Nhưng tôi chưa phát huy được tác dụng của nó trong đời sống thường ngày của tôi. Nghĩa là tôi chưa sống đúng căn tính Kitô của mình.
- Ngay trong đời sống gia đình, tôi chưa làm gương sáng về lối sống đạo đức, về đời sống đức tin của tôi cho con cái tôi, cho người thân của tôi và cho những người sống xung quanh tôi, đôi khi vì những yếu đuối, tội lỗi của tôi còn trở thành gương mù, gương xấu và trở thành vật cản hay cớ vấp phạm cho người khác đến với Chúa.
- Hàng ngày, lẽ ra tôi phải gióng dựng đọc kinh chung trong gia đình để nuôi dưỡng đời sống đức tin cho con cái tôi, đồng thời để nêu gương sáng về đời sống đức tin của tôi cho chúng, nhưng tôi lại ươn lười không chịu tổ chức đọc kinh chung trong gia đình.
- Với những người lương dân sống xung quanh tôi, đôi khi vì gương xấu của tôi thể hiện qua lời nói hay việc làm, khiến cho hình ảnh của Chúa Kitô nơi bản thân tôi trở nên dị dạng, méo mó, làm cho người khác hiểu lệch lạc về Chúa, về đạo Chúa và về những người tin theo Chúa.
- Tôi có quyết tâm thực hành những điều Chúa đòi hỏi tôi không ?
- Tôi đang sống trong một thế giới tục hoá, một xã hội đã và đang đánh mất những chuẩn mực đạo đức. Nếu tôi vẫn cứ tiếp tục làm mất vị mặn của muối hay làm mù tối ánh sáng trong tôi, nghĩa là căn tính Kitô mà tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa thì tôi càng góp phần làm cho thế giới này tha hoá biến chất và dẫn tới huỷ diệt sự sống đời đời.
- Tôi thiết nghĩ: Lời mời gọi của Chúa trên đây phải trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh lối sống ươn lười hay buông thả của tôi. Từ nay, tôi sẽ cố gắng phát huy tác dụng của muối và ánh sáng là căn tính Kitô của tôi, để tôi có thể góp phần ướp mặn môi trường tôi đang sống, góp phần làm lành mạnh hoá xã hội nhờ lối sống đạo đức của tôi.
- Là một thành viên của Hội Mân Côi, tôi không thể để mất căn tính Kitô của mình. Nghĩa là không để cho đời sống đạo của tôi trở nên khô khan nguội lạnh hoặc làm mất dần đức tin của tôi. Từ nay, tôi sẽ cố gắng biến đổi đời sống tôi qua việc kiên trì tập luyện các nhân đức và triệt tiêu các mối tội đầu như trong Kinh: “Cải tội bảy mối” đã dạy, để những nhân đức ấy trở thành những đoá hoa Mân Côi dâng lên Đức Mẹ, góp phần toả hương thơm nhân đức, nhằm xua đi những mùi xú uế, thối rữa… do lối sống tục hoá, biến chất của xã hội hôm nay. Amen.
* Cầu nguyện cho chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.
1- Maria Lê Thị Tỵ, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Tân Cương.
2- Anna Nguyễn Thị Cẩn, Giáo họ Ngọc Bảo, Giáo xứ Hữu Bằng.
3- Anna Nguyễn Thị Mến, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Vinh Tiến.
*Lưu ý: Theo lịch phân công, Thứ Bẩy, ngày 01 tháng 02 (tức 04 Tết Ất Tỵ), Giáo hạt Bắc Ninh sẽ tập trung về TTTM Từ Phong lúc 16h00 để học hỏi, chia sẻ Lời Chúa => 18h00 dâng hoa kính Đức Mẹ => 18h30 Thánh lễ.
Lm. Phêrô Mai Viết Thắng
Đặc trách Hội Mân Côi Giáo Phận Bắc Ninh
HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN BẮC NINH
Tháng 1.2025
1. LỜI CHÚA: – Thứ Tư Ngày Đầu Năm Mới: Lc 2,16-21
2. SUY NIỆM: THÁI ĐỘ CỦA CÁC MỤC ĐỒNG TRONG HÀNH TRÌNH GẶP GIÊSU
Với đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe về cách những người mục đồng, khi nghe thiên thần loan báo về sự ra đời của Chúa Giêsu, họ lập tức “hối hả ra đi đến Bê-lem”. Hành động đơn giản nhưng sâu sắc này mời gọi chúng ta suy ngẫm về thái độ và cách chúng ta phản ứng với biến cố Chúa Giêsu chào đời đòi hỏi ở nơi mỗi người chúng ta.
Những người mục đồng không phải là những người quyền lực hay có ảnh hưởng sâu sắc gì. Họ là những người lao động bình dân, khiêm nhường, chăn dắt đàn chiên trên đồng cỏ. Có thể nói cuộc sống của họ không bình thường so với những người khác trong xã hội: thay vì sống trong cộng đồng với những người khác, họ sống với đàn gia súc; ban đêm mọi người nghỉ ngơi họ vẫn canh giữ đàn vật. Tuy nhiên, chính các thiên thần đã công bố Tin Mừng trọng đại đầu tiên cho họ: “Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa.” Lời loan báo này không dành cho những người giàu có, vua chúa hay học giả, mà dành cho những người mục đồng, những con người bé nhỏ trong xã hội.
Chúng ta được mời gọi để nhìn ngắm những phản ứng của những người mục đồng khi nghe sứ điệp Tin Mừng. Họ lên đường vội vã, háo hức tìm một “Trẻ Thơ” đã sinh ra cho họ. Chúng ta học được nơi họ bài học quan trọng đầu tiên: tính cấp thiết của việc lên đường đi tìm Chúa Giêsu. Những người mục đồng không trì hoãn; họ ngay lập tức lên đường tìm kiếm Chúa Hài Đồng. Trong cuộc sống của chính mình, chúng ta thường trì hoãn hoặc đưa ra lời biện minh khi Chúa mời gọi chúng ta kết hợp với Ngài trong một mối tương quan sâu đậm hơn hay trong một sứ mạng. Hành trình tìm kiếm Chúa Giêsu của những người mục đồng không hề dễ dàng. Tương tự như vậy, hành trình đến với Chúa Giêsu của chúng ta có thể không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có thể có những thách thức, sự xao lãng hoặc nghi ngờ trên đường đi, nhưng chúng ta biết rằng phần thưởng của chúng ta là kinh nghiệm gặp gỡ chính Chúa Kitô.
Tiếp đến là niềm vui đến từ việc gặp gỡ Chúa Giêsu đã lấp đầy nơi họ. Niềm vui lớn đến nỗi họ không thể giữ nó cho riêng mình. Sự ra đời của Chúa Giêsu không chỉ là một phúc lành cá nhân; đó là tin mừng cho tất cả mọi người. Tin Mừng này đã thay đổi cuộc sống của họ, và họ muốn mọi người đều biết. Tương tự như vậy, khi chúng ta gặp Chúa Giêsu, chúng ta được kêu gọi chia sẻ niềm vui đó với người khác, nói với họ về tình yêu và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta và toàn thể nhân loại.
Cuối cùng, những người mục đồng trở về đồng cỏ của họ, “họ tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa về tất cả những gì họ đã nghe và thấy“. Hành trình của họ không kết thúc với cuộc gặp gỡ; nó tiếp tục khi họ trở lại cuộc sống thường ngày của mình, được biến đổi bởi trải nghiệm. Họ đã không trở về như cũ. Họ trở về với trái tim tràn đầy lòng biết ơn, niềm vui và lời ngợi khen. Đây là lời nhắc nhở chúng ta rằng cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giêsu sẽ thay đổi chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quay lại với những cách sống cũ của mình mà không thay đổi. Đức tin của chúng ta sẽ biến đổi hành động, thái độ và cách tương tác của chúng ta với người khác.
Vì vậy, khi chúng ta bước vào Năm Thánh 2025: Những Người Lữ Hành Của Niềm Hy Vọng, chúng ta hãy suy ngẫm về cung cách của các mục đồng đã phản ứng thế nào với sứ điệp Tin Mừng. Chúng ta cũng được mời gọi lên đường trong cuộc lữ hành của đời mình trong năm mới này và nhanh chóng tìm gặp Chúa Giêsu. Chúng ta hãy đáp lại tiếng gọi của Ngài bằng sự khẩn trương và niềm vui. Và khi chúng ta gặp Ngài, chúng ta sẽ được biến đổi, và được thúc đẩy để chia sẻ niềm vui về sự hiện diện của Ngài với mọi người chúng ta gặp gỡ. Cùng với các mục đồng, chúng ta hãy ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta thời gian và cơ hội để bước vào Năm Thánh 2025.
* Gợi ý Suy Gẫm và Chia Sẻ:
– Kinh nghiệm đức tin hoặc niềm vui về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống nơi bản thân và với những người xung quanh như thế nào?
– Làm thế nào chúng ta có thể ưu tiên chọn lựa việc thiêng liêng hơn là những bận tâm lo lắng thường ngày?
– Đâu là cách thức chúng ta diễn tả niềm vui trong mối tương quan của ta với Thiên Chúa?
III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:
1- Giuse Nguyên Văn Phúc – Họ Thanh Giã
2- Anrê Nguyễn Văn Đức – Họ Tiên Sơn, xứ Ngọ Xá
3- Phanxicô Nguyễn Ngọc Hoan – Nhà xứ Đình Tổ
4- Gioan Baotixita Vũ Văn Chương – Nhà xứ Tử Đình
5- Tômasô Nguyễn Văn Tuẩn – Nhà xứ Nội Bài
6- Phêrô Nguyễn Đình Trinh – Họ Bái Giang, xứ Tử Nê
7- Phêrô Trần Hữu Vàng – Nhà xứ Vĩnh Ngọc
8- Giuse Đỗ Thanb Liêm – Họ Bến trinh, xứ Vĩnh Ngọc
9- Giuse Nguyễn Đình Cung – Họ nhà xứ Đồng Chương
10- Giuse Thân Trọng Nhạc – Nhà xứ Thiết Nham
11- Đaminh Đặng Văn Thành – Họ Oánh, Xứ Thái Nguyên
12- Giuse Lăng Văn Đảm – Nhà xứ Đại Điền
13- Đaminh Phạm Xuân Trường – Họ Vân Tập, xứ Vĩnh Yên
IV- HỌC TẬP: GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (tt) – THIÊN CHÚA DUY NHẤT
“Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5). “Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn Chúa nào khác… Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối và mở miệng thề rằng: Chỉ nhờ Đức Chúa mới có thể làm điều công chính và mới có sức mạnh” (Is 45,22-24).
Khi chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa”, là chúng ta tin vào Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa đã mặc khải danh Người cho ông Môsê và là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô.
Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN
Fx. Nguyễn Văn Huân