Tài liệu Hoa Mân Côi và Hội trưởng gia đình Giáo phận tháng 4.2025

Trong tháng này, hãy cầu nguyện cho những người khô khan nguội lạnh, những người đang chìm trong bóng tối của tội lỗi, của sự chết, được sống lại nhờ sức sống của Chúa Kitô Phục sinh.

HOA MÂN CÔI Tháng 4.2025

File PDF A4 File PDF A5 File Word A4 File Word A5

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH – Tháng 4.2025

File PDF File Word

HOA MÂN CÔI Tháng 4.2025

Ý cầu nguyện: Trong tháng này, chị em hãy cầu nguyện cho những người khô khan nguội lạnh, những người đang chìm trong bóng tối của tội lỗi, của sự chết, được sống lại nhờ sức sống của Chúa Kitô Phục sinh.

I . ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20, 19-31 (Tin mừng Gio-an chương 20 từ câu 19 đến câu 31. Mọi người đọc chung, đọc chậm rãi ít nhất là 3 lần và tinh lặng ít phút sau mỗi lần đọc).

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gio-an:

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.’

  1. GỢI Ý CHIA SẺ
  • Nội dung đoạn Tin mừng trên, nói về điều gì ?
  • Đoạn Tin mừng trên đây, thánh Gioan kể lại việc Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần. Ngài trao ban bình an, rồi cho các ông xem các vết thương ở tay và cạnh sườn Ngài. Ngài cũng trao ban Thánh Thần cho các ông và trao cho các ông quyền tha tội.
  • Trong lần hiện ra này, Tôma không có mặt ở đó. Khi nghe các ông khác kể lại, Tôma đã quả quyết: Nếu ông không thấy dấu đinh ở tay Chúa, nếu ông không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, không đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa thì ông không tin.
  • Tám ngày sau, Chúa Giêsu Phục sinh lại hiện ra, lần này có cả Tôma, Chúa Giêsu Phục sinh đã bảo Tôma: Xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đưa tay ra đặt vào cạnh sườn Chúa và đừng cứng lòng nữa.
  • Sau đó, Chúa Chúa Giêsu Phục sinh đã ban cho các ông cũng như cho con người ngày nay thêm một mối phúc nữa, đó là: “phúc cho những ai không thấy mà tin”.
  • Qua đoạn Tin mừng trên đây, Chúa nói với tôi điều gì?
  • Qua thái độ cứng lòng tin của Tôma, Chúa muốn nói với tôi rằng: Đừng dừng lại ở niềm tin ấu trĩ như Tôma và như nhiều người thời nay; phải mắt thấy, tay sờ mới tin.
  • Chúa mời gọi tôi như vậy, tôi đã làm được gì ?
  • Chúa dạy tôi như vậy, nhưng nhìn lại bản thân tôi, tôi nhận thấy đức tin của tôi còn quá cứng cỏi, tôi chưa thực sự tin vào quyền năng và tình thương của Chúa qua những biến cố xảy đến trong đời tôi.
  • Đôi khi tôi cũng giống như Tôma, muốn điều mình tin phải được kiểm chứng bằng việc; nhìn tận mắt, bắt tận tay mà không biết rằng: Trên đời này có rất nhiều thứ tôi không thấy được bằng mắt thường, nhưng vẫn phải tin chẳng hạn: sóng điện thoại, mạng vô tuyến truyền hình… hay hai dây điện trần, một dây có điện, một dây không, nếu không có bút thử điện, ta không thể nhìn thấy dây nào có điện, dây nào không. Nếu cứ đòi phải mắt thấy, tay sờ, cho sờ, ta có dám sờ không ? Tất cả những thứ đó đều rất văn minh hiện đại mà mắt thường ta đều không thấy, nhưng ai trong chúng ta cũng đều phải tin.
  • Trớ trêu thay, nhiều điều mà Thiên Chúa và Giáo hội dạy về chân lý đức tin, đem lại cho tôi sự sống đời đời thì đôi khi tôi lại không chấp nhận hoặc không tin. Thế nhưng, tôi lại rất dễ tin vào những chuyện phù phiếm như bói toán, ma thuật, tướng số, ngày giờ, tuổi tác…
  • Tôi có quyết tâm thực hành những điều kiện Chúa đòi hỏi tôi không ?
  • Từ nay, tôi sẽ quyết tâm bồi dưỡng đức tin của tôi qua việc học hỏi, đào sâu về Lời Chúa và về giáo lý của Chúa để củng cố đức tin của tôi.
  • Tôi sẽ cố gắng không để cho điều mình tin dựa trên cảm tính mà không có sự kiểm soát của lý trí, để tôi khỏi rơi vào tình trạng mê tín dị đoan.
  • Khi đã xác tín vào quyền năng của Chúa, tôi sẽ cố gắng biến đổi mình mỗi ngày, để trở thành chứng nhân loan báo Tin mừng Phục sinh của Chúa Kitô cho những người chưa biết Chúa hoặc những người đang ngủ mê trong tội lỗi, trong sự thiếu hiểu biết về chân lý đức tin, để họ cũng được trở nên con cái Chúa, trở thành anh chị em với chúng ta và mai sau họ cũng được hưởng ơn cứu độ đời đời.

* Cầu nguyện cho chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

1- Philômena Nguyễn Thị Vét, họ Nhà xứ, Giáo xứ Bắc Giang.

2- Têrêxa Bùi Thị Lý, Giáo họ Bàn Mạch, Giáo xứ Hoà Loan.

3- Maria Lưu Thị Muỗn, Giáo họ Đề Trụ, Giáo xứ Tử Đình

*Lưu ý: Theo lịch phân công, Thứ Bẩy, ngày 03 tháng 05, Giáo hạt Thái Nguyên sẽ tập trung về TTTM Từ Phong lúc 16h30 để học hỏi, chia sẻ => 18h30 dâng hoa kính Đức Mẹ => 19h00 Thánh lễ. 

Lm. Phêrô Mai Viết Thắng

Đặc trách Hội Mân Côi Giáo Phận Bắc Ninh

 

TÀI LIỆU CHIA SẺ

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN BẮC NINH

Tháng 4.2025

  1. LỜI CHÚA: Thứ Tư tuần IV Mùa Chay – Mt 5,17-30
  2. SUY NIỆM: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

Chủ đề trong tháng tư này mời gọi chúng ta suy niệm về ơn gọi cao cả của người cha trong gia đình dưới ánh sáng Lời Chúa. Chúa Giêsu mời gọi những người cha trong các gia đình: Thiên Chúa vẫn làm việc và người cha vẫn làm việc. Đây không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một sứ mạng cao quý mà Thiên Chúa đã trao ban cho những người làm cha trong các gia đình. Như Chúa Giêsu đã nói: Chúa Cha không bao giờ ngừng làm việc cho con cái của Ngài, những người cha trong các gia đình cũng được kêu gọi làm việc không mệt mỏi cho gia đình họ, không chỉ trong việc cung cấp nhu cầu vật chất mà còn dẫn dắt họ trong đức tin, tình yêu và sự công chính.

Công việc của người cha phản ánh công việc của Thiên Chúa: Chúa Giêsu giải thích rằng Ngài noi gương Chúa Cha, chỉ làm những gì Ngài thấy Chúa Cha làm (Ga 5,19). Điều này có nghĩa là với tư cách là người cha, công việc của những người cha phản ánh công việc của Thiên Chúa. Như Thiên Chúa chu cấp cho toàn thể nhân loại, cũng vậy những người cha làm việc chăm chỉ để chu cấp cho gia đình mình. Nhưng ngoài thức ăn và nơi ở, những nhu cầu thể lý, họ còn phải cung cấp thức ăn tinh thần qua đời sống cầu nguyện và dạy những thành viên trong gia đình mình về Thiên Chúa. Qua đời sống của mình các người cha làm gương sáng: về đời sống công chính, lòng chung thuỷ và trung thực cũng như tình yêu của mình dành cho gia đình sẽ định hướng tương lai những thành viên khác trong gia đình không chỉ trưởng thành về thể lý mà cả đời sống đức tin.

Người cha trong các gia đình cùng làm việc với Chúa: Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng Ngài không làm bất cứ điều gì một mình mà chỉ làm những gì Chúa Cha mong muốn (Ga 5,30). Điều này dạy cho chúng ta một bài học quan trọng: Người cha không chỉ dựa vào sức mạnh của riêng mình mà phải làm việc cùng với Chúa. Chắc chắn những áp lực của công việc mưu sinh, việc nuôi dạy con cái và những trách nhiệm khác, nhiều người cha cảm thấy quá sức. Tuy nhiên, nếu chúng ta sắp xếp công việc của mình theo ý muốn của Chúa, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh và sự hướng dẫn của Ngài. Người cha phải tìm kiếm sự khôn ngoan của Chúa trong các quyết định, kiên nhẫn với con cái và trung thành trong những thử thách là những cách chúng ta “làm việc với Chúa” đúng theo tinh thần của phân định mà Giáo hội mời gọi chúng ta thực hành.

Nhiệm vụ của người cha không chỉ là giúp con cái mình thành nhân mà còn phải lớn lên trong tư cách là những người con cái Thiên Chúa, đó là dẫn dắt con cái mình cảm nếm mầu nhiệm nước trời ngay tại trần thế này. Chúa Giêsu nói rằng những ai tin vào Ngài sẽ có sự sống vĩnh cửu. Đây là trách nhiệm lớn nhất của một người cha: dẫn dắt gia đình mình đến với sự sống vĩnh cửu. Một người cha tốt không chỉ làm việc vì tương lai của con cái mình trong cuộc sống hiện tại trên trần thế này, mà còn chuẩn bị cho chúng sự sống vĩnh cửu trên thiên đàng. Vì thế, người cha được mời gọi làm việc bằng tình yêu và niềm tin chứ không chỉ làm việc bằng trách nhiệm mà thôi.

Mẫu gương tuyệt vời nhất của người cha Công giáo chính là Thánh Giuse. Ngài là người công chính, luôn làm việc để nuôi sống gia đình Thánh Gia. Ngài lao động vất vả với nghề thợ mộc để lo cho Đức Maria và Chúa Giêsu và luôn để Lời Chúa hướng dẫn trên mọi nẽo đường đời của mình. Xin Thánh Giuse chuyển cầu cho những người cha người trưởng trong các gia đình chu toàn bổn phận Chúa đã trao cho mình.

* Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

– Bạn có đang làm việc không chỉ vì thành công về vật chất mà còn vì hạnh phúc tinh thần của gia đình mình không?

– Tôi có tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa trong công việc làm cha của mình không, hay bạn cố gắng tự mình giải quyết mọi việc?

– Hằng ngày tôi có đang dẫn dắt gia đình mình đến gần Chúa hơn không?

III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Giuse Lê Văn Thể – Nhà xứ Xuân Hòa

2- Giuse Nguyễn Văn Vương – Họ Oánh, xứ Thái nguyên

3- Gioan Baotixita Nguyễn Văn Sổ –  Họ Ngọc Cục, xứ Phượng Giáo

4- Giuse Nguyễn Văn Hảo – Nhà xứ Phượng Giáo

5- Giuse Vũ Văn Dục – Nhà xứ Ngô Khê

6- Inhaxiô Đỗ Văn Xuất – Nhà xứ Mỹ Lộc

7- Giuse Ngô Quang Toàn – Nhà xứ Tiên Lục

8- Phêrô Đặng Văn Thanh – Nhà xứ Đại từ

9- Tômasô Nguyễn Văn Ba – Nhà xứ Nội Bài

10- Đaminh Hoàng Văn Cảnh – Nhà xứ Đồng Chương

11- Phanxicô X. Hoàng Văn Hồng – Nhà xứ Núi Ô

12- Inhaxiô Nguyễn Văn Hưởng – Họ I Nhã, xứ An Tràng

13- Giuse Nguyễn Văn Tam – Nhà xứ Thống Nhất

14- Giuse Trần Văn Quang – Nhà xứ Thống Nhất

15- Giuse Trần Văn Khẩn – Nhà xứ Thống Nhất

16- Giuse Nguyễn Văn Quang – Họ Tân Ngọc, xứ Thống Nhất

 

IV- HỌC TẬP: GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

THIÊN CHÚA MẶC KHẢI TÊN CỦA THIÊN CHÚA (tt)

Người là Thiên Chúa hằng sống, đã từng kêu gọi và hướng dẫn các tổ phụ. Người là Thiên Chúa trung thành với các lời đã hứa, là Thiên Chúa giải thoát Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ và đưa vào đất hứa. Người là Thiên Chúa luôn có mặt với dân Người đã chọn, nhận lời họ kêu cầu, bảo vệ và giải thoát khỏi các thù địch, vì Người là “Đấng Hiện Hữu”. Dân Ít-ra-en đã bất trung với Chúa và phản bội giao ước, nhưng “Đấng Hiện Hữu” vẫn trung thành mãi mãi, “giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ” (Xh 34,7) vẫn là “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), “đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16): Đức Giêsu đã quả quyết rằng: Người cũng mang tên gọi thần linh, khi hiến mình giải thoát chúng ta trên thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Cuối cùng Thánh danh: “Đấng Hiện Hữu” còn quả quyết rằng: chỉ mình Thiên Chúa hiện hữu, bất biến, không có khởi đầu và không có tận cùng. Ngoài ra “muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,36), và “chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). (Còn tiếp).

Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN

Fx. Nguyễn Văn Huân