Tài liệu Hoa Mân Côi và Hội trưởng gia Giáo phận tháng 4.2024

Trong tháng này, anh chị em hãy cầu nguyện cho phẩm giá của người phụ nữ được tôn trọng xứng đáng, để họ không bị phân biệt đối xử bất công hay trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực trong gia đình.    

HOA MÂN CÔI Tháng 04.2024

File PDF A4 File PDF A5 File Word A4 File Word A5

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH – Tháng 4.2024

File PDF File Word

 

HOA MÂN CÔI Tháng 04/ 2024

***

Ý nguyện: Trong tháng này, chị em hãy cầu nguyện cho phẩm giá của người phụ nữ được tôn trọng xứng đáng, để họ không bị phân biệt đối xử bất công hay trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực trong  gia đình.    

I – LỜI CHÚA    Xin đọc Tin Mừng Ga 20,19-31

  1. GỢI Ý SUY NIỆM

Khi sánh ví ai đó cứng lòng tin, người ta thường lôi Tôma ra để sánh ví bằng một câu nói: “cứng lòng như Tôma”.

Thật ra, không phải chỉ có Tôma mới cứng lòng, mà các Tông đồ khác cũng vậy thôi. Bởi vì, khi nghe tin Chúa sống lại, các ông bàng hoàng bỡ ngỡ, nhưng các ông vẫn nửa tin nửa ngờ, chứ chưa tin thực sự.  

Cụ thể, khi nghe các phụ nữ đi viếng mồ Chúa trở về thuật lại với các ông là họ đã thấy tảng đá lấp cửa mồ đã được lăn ra một bên và thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Chúa đã sống lại. Nhưng các ông không tin. Phêrô và Gioan liền chạy ra mộ để kiểm chứng xem có đúng như các bà ấy nói không. Điều đó, chứng tỏ rằng: Các ông ấy cũng cứng lòng, không khác gì Tôma.

Mặc dù hai ông đã ra tận nơi để kiểm chứng và thấy đúng như những gì các bà ấy nói. Thế nhưng chiều đến, hai môn đệ trong nhóm của các ông vẫn không tin, nên đã bỏ Giêrusalem để về làng Em-mau trong tâm trạng âu sầu, buồn bã, chán nản và thất vọng ê chề.

Vì thế mà Chúa mới phải hiện ra nhiều lần, và mỗi lần hiện ra, Chúa lại phải trấn an các ông bằng cách cho các ông xem các vết thương và cùng ăn uống để củng cố niềm tin cho các ông.

Tuy các ông chưa hoàn toàn tin, nhưng trong các ông không ai dám bộc lộ thái độ cứng lòng tin đó ra, mà chỉ có Tôma là người đã tuyên bố một cách quyết liệt rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Chính vì câu nói quả quyết ấy mà Tôma bị mang tiếng là kẻ “Cứng lòng tin”.

Tôma là  đại diện cho con người thời nay, cái gì họ cũng phải muốn nhìn tận mắt, bắt tận tay, day tận trán thì mới tin. Họ chỉ tin những gì mắt thấy, tay sờ. Họ đòi phải kiểm chứng tất cả mọi thứ thì mới tin, chứ không tin vào những lời nói suông.

            Nhưng chúng ta phải cám ơn thánh Tôma, vì nhờ ông mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường việc Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở chân tay và cạnh sườn Chúa. Cũng vì nhờ ông mà Chúa lại hiện ra một lần nữa, và nhất là nhờ ông mà chúng ta được nghe mối phúc cuối cùng Chúa đã hứa. 

            Lời chúc phúc của Chúa trên đây, đòi buộc chúng ta phải có một đức tin trưởng thành. Nghĩa là đặt nền tảng trên chân lý, chứ không phải là một niềm tin ấu trĩ.

Nếu chúng ta cứ nhất quyết cãi lý; phải nhìn thấy mới tin thì niềm tin ấy là niềm tin của người thiếu hiểu biết, hời hợt, nông cạn và là cái nhìn của trẻ con. Bởi vì, khi ta đã nhìn thấy tận mắt thì không cần tới lòng tin nữa. Chúng ta có tin hay không tin thì con người hay sự vật đó đã và vẫn đang hiện diện trước mắt chúng ta.

Còn mối phúc mà Chúa Giêsu nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, thì quá chí lý. Bởi vì, hầu hết điều chúng ta tin thì đều chưa xuất hiện hoặc không nhìn thấy bằng mắt thể lý.

Tôi có thế lấy một vài ví dụ để chứng minh điều đó. Chẳng hạn: Không ai trong chúng ta nhìn thấy cụ tổ cách chúng ta vài chục đời hoặc xa hơn nữa. Mặc dù chúng ta không nhìn thấy các cụ bằng con mắt thể lý, nhưng chẳng ai trong chúng ta dám chối bỏ sự hiện diện của các ngài.

Hay khi chúng ta ký hợp đồng để làm ăn với đối tác thì tất cả những điều chúng ta ký kết đều chưa xảy ra và ta chưa thể nhìn thấy nó được. Thế nhưng với lòng tin, ta vẫn đặt bút ký. 

            Một ví dụ rất văn minh hiện đại đó là mạng điện thoại, vô tuyến, viễn thông… nếu không có thiết bị đo lường, chúng ta không thể nhìn thấy làn sóng đó bằng mắt thể xác. Mặc dù không nhìn thấy, nhưng tất cả chúng ta đều tin là có thì ta mới có thể sử dụng được các thiết bị điện tử.

Hay giả sử; hai dây điện trần, một dây có điện, một dây không. Nếu dùng mắt thường, ta không thể nào biết được dây nào có điện, dây nào không. Nếu chúng ta cứ khăng khăng đòi phải mắt thấy, tay sờ thì mới ta tin, trường hợp đó liệu ta có dám dùng tay sờ vào để kiểm chứng có điện hay không ?

Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong muôn vàn tình huống khác nữa, để cho chúng ta thấy rằng; hầu hết điều chúng ta tin thì chúng ta không nhìn thấy bằng con mắt thể lý. Nhưng bất cứ thứ gì chúng ta tin, chúng ta không dựa vào cái nhìn thể lý, mà dùng lý trí để khám phá ra chân lý. Đặc biệt là về phương diện đức tin, ta phải dựa trên mạc khải và ân ban của Thiên Chúa. 

Qua bài Tin mừng trên đây, thuật lại việc thánh Tôma đòi xem vết thương ở chân tay và cạnh sườn của Chúa, đặt ra cho ta những tiêu chí mới trong việc giới thiệu Chúa cho người khác.

Đa số con người thời nay không còn tin vào những lý thuyết suông, xa vời, thiếu thực tế. Nhưng lý thuyết phải được chứng minh bằng những kết quả thực tế. Vì thế, để lý thuyết có giá trị thì lời nói phải đi đôi với việc làm.

            Muốn làm chứng cho Chúa, người Kitô hữu phải có một đời sống đạo gương mẫu. Đời sống đạo gương mẫu không phải chỉ dừng lại ở việc siêng năng đọc kinh, đi lễ. Nhưng nhất là phải gương mẫu trong cách ăn nết ở và trong lối sống đạo của ta.

            Bởi vì, làm sao những người ngoại giáo mến đạo, nếu những người công giáo cũng chia rẽ bất hoà ? Làm sao đạo Công giáo có sức thuyết phục khi người có đạo vẫn còn ham hố danh vọng chức quyền đến nỗi bán rẻ cả lương tâm của mình và tìm cách chà đạp bôi nhọ nhân phẩm của người khác? Làm sao làm chứng được đạo Công giáo tốt, trong khi những người tin đạo vẫn còn gian lận, bất công, tham lam của cải không phải của mình ? Cung cách sống đạo như thế, không thể thuyết phục được người khác.

            Xin Chúa Kitô phục sinh giúp mỗi chị em chúng ta biết làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh bằng chính đời sống gương sáng đạo đức của mỗi người chúng ta. Amen.

III – GỢI Ý THẢO LUẬN, CHIA SẺ 

  1. Về đức tin, tôi có nhất quyết phải nhìn thấy thì mới tin không ?
  2. Lời nói hay. Việc làm tốt. Đâu là sức thuyết phục người khác ?
  3. Tôi đã cố gắng sống đạo tốt để làm chứng cho Chúa chưa ?

* Cầu nguyện cho chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

1- Anna Nguyễn Thị Liên, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Vinh Tiến.

2- Anna Nguyễn Thị Cần, giáo họ Ngọc Liễn, Giáo xứ Ngọ Xá.

3- Maria Nguyễn Thị Thư, giáo họ La Đao, Giáo xứ La Tú.

4- Anna Nguyễn Thị Cát, giáo họ Nhà xứ, Giáo xứ Bắc Giang.

5- Maria Nguyễn Thị Tẹo, giáo họ Đồn Hang, Giáo xứ Vân Cương

*Lưu ý: Thứ bảy, ngày 04/05/2024, theo lịch phân công, Giáo hạt Thái Nguyên sẽ tập trung tại TTTM Từ Phong lúc 16h30 để học hỏi, chia sẻ => 18h30 dâng hoa kính Đức Mẹ. => 19h00 Thánh lễ.

Lm. Phêrô Mai Viết Thắng

Đặc trách Hội Mân Côi Giáo Phận Bắc Ninh.

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 04/2024

  1. LỜI CHÚA: Thứ Tư Tuần Bát Nhật PS: Lc 24,3-35
  2. SUY NIỆM:

Lời Chúa hôm nay kể lại cho chúng ta một câu chuyện rất đỗi quen thuộc về hai người môn đệ trên đường Em-mau. Sau cái chết của Thầy Giêsu ở Giêrusalem, có lẽ cả hai đều nặng trĩu nỗi buồn và thất vọng, buồn bã bước đi và thất vọng trở về. Chính lúc ấy, Đức Giêsu Phục Sinh tiến gần tới họ. Như một người khách xạ, Người tiến gần và cùng đi với họ. Người ra vẻ như không hề biết chuyện gì để làm quen: “Các ông có chuyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?”, “Việc gì thế?” Nhờ thế, họ bắt đầu trải lòng, giãi bày tâm sự với Người. Người đã lắng nghe sự buồn bã, nỗi thất vọng tràn trề của họ trên con đường hồi hương. Người đã lắng nghe mong đợi của họ về mình. Lắng nghe tâm cam của họ về chính Ngài, về cái chết của Ngài. Người đã thấu hiểu và bước vào đáy lòng đầy nỗi buồn, đầy thất vọng của họ.

Đức Giêsu đã đồng hành với họ trên con đường trở về tăm tối ấy. Khởi đi từ Kinh Thánh, Người cắt nghĩa và lý giải nguyên do Đấng Kitô phải chịu đau khổ, chịu xử tử, chịu đóng đinh như thế, để rồi Người mới được vinh quang. Tất cả đều nằm trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Cùng đi với họ, Người đã giúp họ đọc lại biến cố ấy dưới cái nhìn của Thánh Kinh. Từ đó, Người khai mở cho họ hiểu được ý nghĩa của những biến cố họ vừa trải qua và thắp lên niềm hy vọng nơi họ. Câu chuyện còn đi xa hơn nữa khi hai môn đệ mời Đức Giêsu nán lại. Họ bị hấp dẫn bởi người đàn ông kỳ bí này, và họ mời Đức Giêsu ở lại với họ. Đức Giêsu đã ở lại, vào bàn ăn, và bẻ bánh trao cho các ông. Chính giây phút này, các ông đã bừng tỉnh và nhận ra người đàn ông kỳ bí ấy lại chính là Thầy Giêsu phục sinh.

Con đường Em-mau trở thành biểu tượng cho hành trình đức tin của chúng ta: Kinh Thánh và Thánh Thể là những thứ không thể thiếu trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Ta thường đến nhà thờ với đầy những lo lắng, khó khăn, nỗi buồn và thất vọng,… Đôi khi cuộc sống gây ra không biết bao nhiêu tổn thương, nó khiến ta mang đầy nỗi buồn và thất vọng, và nó kéo ta xa dần Thiên Chúa. Nhưng, cũng giống như con đường Em-mau, Lời Chúa luôn mời gọi ta: Đức Giêsu giải nghĩa Kinh Thánh cho ta và đốt lên trong ta ngọn lửa của hy vọng và niềm tin, và trong Bí Tích Thánh Thể, Người ban cho ta sức mạnh để vượt thắng mọi sự. Chính Lời Chúa và Thánh Thể là nguồn mang lại cho ta niềm vui: niềm vui của hy vọng và niềm vui của đức tin. Khi ta chán nản, thất vọng và tràn trề đau khổ, Thiên Chúa mời gọi ta hãy đến với Thánh Lễ, nhất là Thánh Lễ Chúa Nhật, để nhận lãnh Thánh Thể và Lời của Chúa như phương dược mang lại cho ta niềm vui và bình an.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, trong cuộc sống hằng ngày, mỗi trưởng gia đình chúng con còn đầy rẫy những mỏi mệt, những lắng lo, đầy rẫy những thất vọng, những buồn chán, xin Chúa nâng đỡ và ban sức mạnh để chúng con đứng lên và đi về cùng Chúa trong Lời Chúa và Thánh Thể. Nhờ đó, chúng con kín múc nơi Chúa nguồn bình an và sức mạnh cho cuộc sống lữ hành này.

* Gợi ý cầu nguyện và chia sẻ:

– Trong cuộc sống hiện tại, có điều gì đang khiến tôi đau khổ và thất vọng nhất?

– Lời Chúa và Thánh Thể giúp ích gì trong đời sống của tôi, nhất là khi tôi gặp khó khăn?

III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Giuse Nguyễn văn Khải – Nhà xứ Từ Phong

2- Gioan Vũ Văn Lĩnh – Nhà xứ Ngọc Lâm

3- Đaminh Nguyễn Văn Học – Họ Yên Cư, xứ Đại Từ

4- Tôma Cáp Văn Tĩnh – Nhà xứ Tân an

5- Phêrô Nguyễn Duy Thanh – Họ Thủy Đương, xứ Đức Bản

6- Vicentê Hoàng Văn Chín – Nhà xứ Vân Cương

7- Giuse Trần Văn Đáng – Nhà xứ Tân cương

8- Au-gút-ti-nô Đỗ Đức Tần – Họ Yên Cư, xứ Đại Từ

9- Giuse Nguyễn Văn Đoan – Họ Bắc Nhụng, xứ Tân Bình

10- Đaminh Nguyễn Xuân Tiến – Nhà Xứ Ngọc Lâm

11- Gioan Vũ Hồng Lĩnh – Nhà xứ Ngọc Lâm

12- Giuse Nguyễn Văn Tưởng – Nhà xứ Hữu Bằng

13- Tôma Nguyễn Văn Vượng –  Họ Đại Lợi, xứ Phúc Yên

14- Phanxicô X. Nguyễn Văn Vui – Họ Bến Xây, xứ Phúc Yên

15- Lau-ren-sô Nguyễn Văn Nhường -Họ Kim Anh, xứ Phúc Yên

IV- HỌC TẬP: GIÁO LÝ HTCG (tiếp theo)

CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA: ĐỨC TIN

“Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).

“Nếu mặc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa”. (Thánh Âu-tinh)

Tin là đáp lời Thiên Chúa

“Với tình thương chan chứa, Thiên Chúa vô hình đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Ngài đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài” (MK 2). Tin chính là đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế, thánh Phaolô nói đến sự vâng phục của đức tin. Trong cuộc sống hằng ngày, mối quan hệ của con người với con người cũng được dệt bằng sự tin tưởng lẫn nhau, nếu không cuộc sống sẽ rất nặng nề vì ngờ vực và nghi kị. Xa hơn nữa, trong tình bạn và trong cuộc sống gia đình, người ta còn đến với nhau bằng niềm tin sâu xa hơn niềm tin bao hàm cả tình yêu, tín nhiệm và trung tín, niềm tin khiến con người cởi mở cõi lòng cho nhau và nâng đỡ nhau trong mọi nỗi niềm cuộc sống.

Như thế, niềm tin đã là một yếu tố căn bản và cần thiết cho cuộc sống. Thực tế đó giúp ta hiểu niềm tin vào Thiên Chúa không phải là điều chi xa lạ và trừu tượng.

Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN

Fx. Nguyễn Văn Huân