Tài liệu Hoa Mân Côi và Hội trưởng gia Giáo phận tháng 7.2024
Trong tháng này, anh chị em hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới biết phục vụ người dân của họ, biết ủng hộ cho sự phát triển con người toàn diện và cho thiện ích chung, đặc biệt là chăm lo cho những người nghèo khổ và những người đang bị thất nghiệp, không có công ăn việc làm.
File PDF A4 | File PDF A5 | File Word A4 | File Word A5 |
HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH – Tháng 7.2024
File PDF | File Word |
***
Ý nguyện: Trong tháng này, chị em hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới biết phục vụ người dân của họ, biết ủng hộ cho sự phát triển con người toàn diện và cho thiện ích chung, đặc biệt là chăm lo cho những người nghèo khổ và những người đang bị thất nghiệp, không có công ăn việc làm.
I . ĐỌC TIN MỪNG Lc 9, 23-25 (Tin mừng Luca chương 9 từ câu 23 đến câu 25. Mọi người đọc chung, đọc chậm rãi ít nhất là 3 lần và tinh lặng ít phút sau mỗi lần đọc).
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Rồi Chúa Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ?”
- GỢI Ý CHIA SẺ
- Nội dung đoạn Tin mừng trên đây, Chúa nói về điều gì ?
- Chúa Giêsu đặt ra điều kiện cho tất cả những ai muốn theo Chúa và muốn làm môn đệ của Ngài. Điều kiện đó là: Phải từ bỏ mình và vác thập giá mình mọi ngày mà theo.
- Chúa còn giải thích thêm: Ai quan tâm lo lắng về đời sống thể xác mà quên mất đời sống linh hồn thì sẽ mất sự sống đời đời. Trái lại, ai chấp nhận thiệt mất mạng sống đời này vì Chúa, thì sẽ giữ được sự sống đời đời.
- Chúa còn nhấn mạnh: Ai chiếm hữu được cả thế giới làm của riêng mà mất linh hồn thì cũng vô ích.
- Qua đoạn Tin mừng trên đây, Chúa nói gì với tôi ?
- Chúa bảo tôi phải từ bỏ: Nhưng từ bỏ bao giờ cũng tạo ra cho tôi sự mất mát và nuối tiếc. Nhất là những thứ ta phải từ bỏ đã ăn sâu vào lối sống hoặc gắn kết với cuộc sống của tôi. Tôi có can đảm từ bỏ không ?
- Chúa bảo tôi bỏ cái gì? Thưa: Bỏ đi tất cả những người, những nơi, những vật và những suy nghĩ xấu làm cản trở hành trình theo Chúa của tôi và đặc biệt là từ bỏ ý riêng của tôi để thuận theo ý Chúa. Nhưng từ bỏ ý riêng là thứ từ bỏ khó nhất trong tất cả những thứ Chúa đòi tôi từ bỏ. Đó là tiêu diệt cái tôi của mình.
- Ngoài việc từ bỏ, Chúa còn đòi buộc tôi phải vác thập giá mình mọi ngày mà theo. Thập giá mà Chúa nói ở đây, có phải là cây thập giá bằng vật chất như gỗ, đá hay bằng kim loại… như ta vẫn thường thấy không ? Hoặc có phải ta đi tìm kiếm đau khổ hoặc tạo ra đau khổ và coi đó là thập giá để chuốc lấy không ?
- Thưa: Thập giá không phải là cây gỗ mà ta vẫn thường thấy. Chúa và Giáo hội cũng không bao giờ dạy ta đi tìm đau khổ hay tạo ra đau khổ để đón lấy. Nếu ta hiểu như vậy thì đạo của chúng ta là một thứ tôn giáo bệnh hoạn, lập dị và quái gở. Nhưng thập giá mà Chúa mời gọi ta vác đi theo Ngài, là tất cả công việc bổn phận và những hy sinh vất vả lao nhọc của cuộc sống chúng ta trong trách nhiệm làm chồng làm cha, làm vợ, làm mẹ, làm con cái.. đối với nhau, làm công dân đối với đất nước và nhất là bổn phận của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa. Đấy chính là thập giá mà Chúa muốn mời gọi chúng ta vác đi theo Ngài.
- Chúa mời gọi tôi như vậy, tôi đã làm được gì ?
- Tôi đã từ bỏ được gì trong đời sống của tôi ? Tôi đã bỏ được thói suy nghĩ xấu về người khác ? Bỏ thói nói hành, nói xấu, nói châm chọc, khích bác, chê bai, khinh thường người khác chưa ? Tôi đã bỏ đi được những lời nói gây chia rẽ hay phá hoại sự hiệp nhất trong cộng đoàn, bỏ đi thói nóng nảy, giận hờn, chửi chồng chửi con.. thù oán, ghen tuông, dâm ô, kiêu ngạo, ngông cuồng, ăn chơi đua đòi, lãng phí thời gian vào những việc vô bổ, lãng phí của ăn, ăn gian, nói dối, lươn lẹo, lừa lọc, cân non, đong thiếu, phỉ báng, ích kỷ, keo kiệt, bủn xỉn, thiếu bác ái đối với người khác….. chưa ?
- Tôi đã từ bỏ được thói lười biếng việc đạo đức như: Cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, xưng tội rước lễ của tôi chưa ?
- Tôi đã bỏ được thói a dua, hùa theo hoặc lôi kéo người khác làm điều xấu xa, tội lỗi chưa ?
- Tôi có quyết tâm làm những điều Chúa đòi hỏi tôi không ?
Tôi sẽ cố gắng tập từ bỏ tất cả những thói hư tật xấu trên đây và tất cả những gì trái ngược với ý Chúa, với lề luật của Chúa và của Giáo hội. Trước hết là tập từ bỏ những điều xấu từ trong suy nghĩ. Vì đó là căn nguyên dẫn tới hành động xấu, đồng thời tập từ bỏ những lời nói vô bổ, những lời nói hành, nói xấu gây chia rẽ trong cộng đoàn. Đặc biệt là quyết tâm từ bỏ những hành động xấu xa tội lỗi.
- Thứ đến, tôi sẽ cố gắng hết sức để tập vác thánh giá theo chân Chúa bằng cách đón nhận những hy sinh đau khổ, dù là những hy sinh nhỏ nhặt trong bổn phận hàng ngày của tôi để nên giống Chúa.
- Có một khuôn mẫu giúp ta từ bỏ nết xấu, để cải đổi đời sống của ta và tập luyện nhân đức dựa theo Kinh Cải Tội Bảy Mối có Bảy Đức.
- Cuối cùng; Tập thành thói quen; dành ít phút xét mình mỗi ngày trước khi đi ngủ, để xin lỗi Chúa về những điều xấu đã trót lỗi phạm tới Chúa hoặc tới tha nhân trong ngày sống, đồng thời xin Chúa thêm sức cho ta, để ngày mai ta sống tốt hơn, sống đẹp lòng Chúa hơn.
* Cầu nguyện cho chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.
1- Maria Nguyễn Thị Tiếp, Giáo họ Xuân Thuỵ, Giáo xứ Tư Đình
2- Anna Trần Thị Thơ, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Vinh Tiến
3- Anna Trần Thị Nhật, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Vinh Tiến
4- Anna Nguyễn Thị Bắc, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Vinh Tiến
5- Maria Nguyễn Thị Trình, Giáo họ Đại Lợi, Giáo xứ Phúc Yên.
*Lưu ý: Thứ Bảy, ngày 03/08/2024, theo lịch phân công, Giáo hạt Bắc Ninh sẽ tập trung tại TTTM Từ Phong lúc 16h30 để học hỏi, chia sẻ => 18h30 dâng hoa kính Đức Mẹ. => 19h00 Thánh lễ.
Lm. Phêrô Mai Viết Thắng
Đặc trách Hội Mân Côi Giáo Phận Bắc Ninh
HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 07/2024
- LỜI CHÚA: Thứ Tư – Lễ Thánh Tô-ma Tông Đồ: Ga 20,20-29
- SUY NIỆM: CHÚNG TÔI ĐÃ THẤY CHÚA.
Câu chuyện trong trình thuật của Tin mừng hôm nay thách thức đức tin của ông Tô-ma và mỗi người chúng ta. Khi Đức Giê-su Phục sinh hiện ra với các môn đệ trong căn phòng u uất nỗi sầu thương và sợ hãi, thì ông Tô-ma lại không hiện diện ở đó với nhóm môn đệ. Người ta cũng không rõ lý do vắng mặt của ông là gì, nhưng dường như có một khoảng cách vô hình nào đó giữa ông và các môn đệ còn lại. Điều này càng trở nên rõ nét hơn khi ông Tô-ma chối bỏ lời chứng của họ về Đấng Phục Sinh: “Chúng tôi đã thấy Chúa!”
Trong biến cố Vượt Qua, chính ông Tô-ma cũng như phần lớn các môn đệ không tận mắt chứng kiến các chết của Thầy Giê-su trên thập giá, nhưng có lẽ ông cũng ít nhiều nghe được chuyện Thầy của mình bị đánh đòn, đóng đinh và bị đâm nơi cạnh sườn. Dường như, đối với bản thân ông, nếu Thầy đã thực sự phục sinh thì thân xác ấy vẫn còn mang những vết thương kia. Thế là ông cũng muốn tự mình kiểm chứng, ông muốn thấy tận mắt, ông muốn sờ tận tay. Đó là điều kiện để ông có thể tin vào một chuyện lạ lùng thời bấy giờ: người chết sống lại.
Thật vậy, Đức Giê-su phục sinh đã chiều lòng ông, chứ Người không trách phạt, không đòi buộc Tô-ma một lần nữa. Có lẽ Người cũng không muốn mất ông chỉ vì sự cứng cỏi, hoài nghi của ông. Một tuần sau, cũng ngày thứ nhất trong tuần, Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, và lần này có mặt ông Tô-ma ở đó. Nhưng trong căn phòng ấy, như thể chỉ có Đức Giê-su phục sinh và một mình Tô-ma mà thôi. Người mời gọi ông thực hiện những đòi hỏi của mình. Trong tình cảnh này, chính thái độ bao dung và yêu thương của Thầy Giê-su đã chinh phục được cõi lòng chai đá của ông. Trong khoảnh khắc ấy, chính ông đã phải thốt lên những lời tuyên xưng cao đẹp nhất: “Lạy Chúa của tôi; lạy Thiên Chúa của tôi.” Nhân cơ hội này, chính Đức Giê-su đã thách thức và hướng ông lên một đức tin mạnh mẽ hơn nhiều: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin!”
Ngày nay, chúng ta không có được kinh nghiệm quý giá của ông Tô-ma nhưng lại được lãnh một mối phúc mà chính ông cũng không có được. Đó là mối phúc của người tin, của những người được lắng nghe lời chứng của các môn đệ, và chính Tô-ma đã củng cố cho lời chứng ấy thêm xác thực và vững chắc hơn.
Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, cuộc sống của chúng con, những người trưởng gia đình còn đầy dãy những lo toan thách đố. Đôi lúc, chúng con cảm thấy cuộc đời thật nặng nề với đầy những nỗi lo lắng cơm áo, gạo tiền, những vất cả, gian truân. Chúng con cảm thấy hoang mang, sợ hãi, chúng con cảm thấy hoài nghi, và nhiều thứ khiến chúng con dễ xa cộng đoàn của mình. Xin Chúa giúp chúng con có được kinh nghiệm sâu xa như các tông đồ xưa để dám mạnh dạn tuyên xưng rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa.”
* Gợi ý suy niệm và chia sẻ:
– Tôi có phải là một Tô-ma khác trong cuộc sống hàng ngày? Nghi ngờ, cứng lòng,…
– Tôi cần làm gì để trở nên chứng nhân về Chúa Giê-su Phục sinh trong bối cảnh (gia đình, nơi tôi đang làm việc) riêng của mình?
III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:
1- Cha Giuse Trần Quang Vinh – Đặc trách HTGĐGP
2- Gioakim Nguyễn Văn Phú – Ngọc Liễn, xứ Ngọ Xá
3- Mát-thêu Lê Văn Tuân – Họ Nhà xứ Thường Thắng.
4- Giuse Nguyên Gia Tường – Giáo điểm Chũ, Bắc Giang
5- Giuse Nguyễn Văn Tuân – Họ Nhà xứ Đồng chương
6- Phêrô Nguyễn Văn Vượng – Họ Đồng Cờ, xứ Yên Mỹ
7- Tôma Nguyễn Văn Sang – Họ Đại Lợi, xứ Phúc Yên
8- Tôma Nguyễn Anh Hùng – Họ Đại Lợi, xứ Phúc Yên
9- Giuse Nguyễn Văn Cường – Họ Nhà xứ Vĩnh Yên
10- Gioan Nguyễn Văn Nhiên – Nhà xứ Thống Nhất
11- Phaolô Tạ Quốc Khánh – họ Bạch Hạc, xứ Hòa Loan
IV- HỌC TẬP: GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA: ĐỨC TIN (tiếp theo)
Không phải chỉ có người Công Giáo mới tin vào Thiên Chúa. Rất nhiều người chia sẻ với chúng ta niềm tin ấy, cách riêng trên quê hương Việt Nam thân yêu. Tuy nhiên, hình ảnh mỗi người có về Thiên Chúa lại có thể rất khác nhau và nhiều khi, vị Thiên Chúa mà người ta tôn thờ chỉ là vị Thiên Chúa theo sở thích và trí tưởng tượng của con người. Với người Kitô hữu, niềm tin vào Thiên Chúa không thể tách ra khỏi niềm tin vào Đấng Ngài sai đến là Đức Giêsu Kitô. Chỉ một mình Ngài biết Thiên Chúa và có thể chỉ cho ta thấy Thiên Chúa đích thực “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Vì thế, tin là tin vào Thiên Chúa được tỏ ra trong Đức Giêsu Kitô. Niềm tin ấy, chúng ta không thể có nếu không được chia sẻ Thánh Thần của Đức Giêsu vì “Không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). Ngài là Đấng “thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa … Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 2,10-11).
Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN
Fx. Nguyễn Văn Huân