Tạm biệt “ông” trong trái tim tôi

Người ta thường nói: “Con thuyền qua sông để lại sóng/ Con người đi qua cuộc đời để lại những dấu chân”. Theo dấu những bước chân của ông trong hành trình tám mươi năm cuộc đời, tôi tìm về miền ký ức tuổi thơ mình, để nhớ lại những kỷ niệm về ông.
“Ông” là danh xưng thân thương mà đám “chim chích” chúng tôi được phép gọi cha Giuse Phạm Sĩ An – một vị linh mục nhân lành của giáo phận Bắc Ninh, một vị linh hướng khả kính của nhà phước Đaminh Xuân Hòa, nay là Dòng nữ Đaminh Bắc Ninh. Cách xưng hô đó vừa diễn tả thâm tình gia đình sâu nặng, vừa tránh sự rắc rối của xã hội kỳ thị tôn giáo lúc bấy giờ. Ông sinh ngày 16/03/1940, tại làng Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Năm lên chín tuổi, gia đình ông theo làn sóng di cư vào nam hầu hết, chỉ còn mình ông ở lại vì kiên định với lý tưởng đời tu.
Hình ảnh thân thương của ông đã in đậm vào trí nhớ tuổi thơ tôi từ năm 1994. Ông thật mẫu mực nhưng gần gũi, giản dị. Nơi ông toát lên một phong thái điềm tĩnh và thanh thản, một tâm hồn tĩnh lặng và bình an, một tính cách hòa ái và cởi mở, luôn nhiệt thành và đầy tiềm năng tri thức.
Ngày tôi còn là một đứa trẻ nhảy nhót, rong chơi thì ông đã không còn khỏe, và ở vào ngưỡng tuổi của người đã kinh qua những gian nan, thăng trầm nhất của cuộc đời, đến độ tôi cảm tưởng, dường như trời có sập xuống thì cũng chẳng làm khuấy động được tâm hồn tịch mịch, bình lặng của ông. Ông phải đối diện với nhiều thứ bệnh. Đó là dư âm nghiệt ngã của những năm tháng chịu giam cầm tù ngục vì bách hại đức tin và vì lý tưởng đời tu. Tôi được biết điều đó qua lời ông kể trong những dịp trò chuyện ít ỏi: “Đó là những tháng ngày gian nan, cơ cực, thiếu thốn…nhưng luôn cháy bùng một ngọn lửa mến Chúa và Giáo hội.
Rồi nhà nước trả lại tự do. Những mong sẽ hết lòng dấn thân cho giáo phận, vì phần rỗi các linh hồn, nào ngờ lại bệnh tật thế này…”. Tôi thương ông nhiều lắm! Và cũng cảm phục ông nhiều lắm! Suốt một quãng đời xuân trẻ, ông chỉ một lòng đăm đắm theo Chúa. Đúng là “tình yêu Đức Kito thúc bách tôi”(2 Cr 5, 14). Tình yêu ấy đã thúc đẩy ông kiên trung theo Ngài qua hết nhà tù này đến trại giam nọ, ròng rã suốt hai mươi năm. Trung thành! Bền bỉ! Sau này khi đã lớn hơn, tôi hay suy nghĩ về ông như một động lực tiếp lửa cho hành trình ơn gọi của mình. Tôi lại nhớ bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình? Phải đâu may nhờ rủi chịu? Phải đâu trong đục cũng đành?”(Một đời người, một rừng cây). Không! Ông đã chọn bước theo Đức Kito với đầy ý thức tự do, và kiên trung đi tới cùng của lời mời gọi ấy: “Điều gì anh em muốn người khác làm cho mình, thì hãy làm cho họ trước. Và điều gì anh em không muốn người ta làm cho mình, thì cũng đừng làm cho họ”(Mt 7, 12).
Năm tháng qua đi theo những mùa xuân thay lá. Giờ tôi đã lớn, nhưng cảm xúc một thời tuổi thơ về ông vẫn còn tươi rói như mới ngày hôm qua, rằng: Ông là mẫu mực trí tuệ của tuổi thơ tôi. Một phong cách trí tuệ thánh thiện, thanh cao và tinh anh. Đời ông cơ cực, thiệt thòi nhiều. Sinh ra vào thời buổi loạn lạc, cấm cách, đói nghèo nên đâu được học hành đàng hoàng, cả học chữ cũng như học đạo. Nhưng bù lại, Chúa ban cho ông một mái đầu thông sáng, học đâu nhớ đó, lại cần cù sáng tạo, nên những bài học rời rạc theo từng bữa đói bữa no, từng biến cố thăng trầm của thời cuộc vẫn được nối ghép thành những kiến thức sâu sắc, uyên thâm giúp ích cho cuộc đời và đức tin của Giáo hội. Ông không chỉ vững chắc, sâu sắc về giáo lý thần học; những trải nghiệm tâm linh sống động ngang qua những thử thách dâu bể đời mình; mà còn thể hiện một tiềm năng nghệ thuật tài hoa trên các bình diện thơ, ca, nhạc, họa và ngôn ngữ học. Tôi rất ngưỡng mộ ông! Sau này khi đã lớn, không còn được tiếp xúc với ông thường xuyên nữa, nhưng thỉnh thoảng có dịp, tôi lại ghé thăm ông. Đó cũng là dịp để tôi chia sẻ những vui buồn của cuộc sống mình. Qua những lời hướng dẫn thân tình, tôi luôn cảm nhận một sự bình an, thanh thản và độ lượng của một người đã bỏ xa những bụi bặm trần gian. Cũng nhờ đó mà trí lòng tôi được soi sáng thêm ra, để nhìn rõ hơn và biết quí trọng những giá trị lâu bền của cuộc sống.
Và hôm nay, ông đi xa thật xa. Vĩnh biệt cõi trần gian tạm bợ để bước vào một nơi đầy ánh sáng huy hoàng. Cũng là lúc, tôi đủ độ sâu để nhận ra: Dường như cả cuộc đời ông chưa bao giờ được bù đắp bởi cái gọi là vinh hoa thế trần? Sinh ra trong cái nghèo; biệt ly với gia đình ở cái tuổi lên mười và không bao giờ được gặp lại thầy mẹ nữa; năm hai mươi bốn tuổi chịu chức linh mục trong thầm lặng; một tháng sau đó bị cầm tù đằng đẵng suốt hai mươi năm; tiếp tục kiên nhẫn chịu bệnh cho đến chết, và chết rồi còn vâng phục để trở về an nghỉ trong mảnh đất của giáo phận Bắc Ninh thân yêu, khác với di nguyện của ông. Tôi nhìn thấy nơi ông bóng dáng của một La-za-rô được Thiên Chúa chúc phúc: “suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, được an ủi nơi đây, trong lòng tổ phụ Ap-ra-ham”(Lc 16, 25). Tôi tin rằng, Thiên Chúa thương ông thật nhiều và cũng rất đặc biệt, nên Ngài trao gởi cho ông những bông hồng ở đằng sau Thánh giá. Có lẽ, chỉ những người có đủ đức độ và thân tình với Chúa như ông mới đủ sức đi tới cùng để hái những bông hoa đó. Giờ đây khi đã bước vào ngưỡng cửa của đời sống vĩnh hằng, chắc chắn ông đã hiểu hết ý nghĩa của những gian nan, khốn khó kia trong kế hoạch của Thiên Chúa là gì? Thế nào là qua thập giá mới bước vào vinh quang? Phải chăng, Chúa đang mời gọi ông: “hãy vào mà hưởng phúc lành của chủ ngươi, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc”(Mt 25, 33).
Con kính chào ông. Con cảm ơn ông-một vị linh hướng nhân lành, một vị tôn sư khả kính. Ngày mai là lễ an táng của ông. Chúng con sẽ không bao giờ được thấy ông nơi trần gian này nữa. Điều ấy nhắc con: thế hệ ông qua đi, có nghĩa là thế hệ chúng con đã tới hay gần tới. Chúng con sẽ làm gì, sẽ sống thế nào để tiếp bước những dấu chân rất đẹp của ông? Chúng con sẽ đóng góp gì để giữ lửa đức tin cho mình và thắp lửa đức tin cho cuộc đời? cho giáo phận thân yêu?
Xin ông cầu bầu cùng Chúa cho chúng con.

BTT Dòng Đa minh Bắc Ninh