Thánh lễ đặt viên đá xây dựng đền Lòng Chúa Thương Xót
Giáo họ Bến Đông: Thánh lễ đặt viên đá xây dựng Đền Thành Lòng Chúa Thương Xót.
Năm 1931, Chúa hiện ra với thánh nữ Faustina trong một thị kiến. Thánh nữ nhìn thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng lạt. Thánh nữ nhìn không chớp mắt thẳng vào Chúa trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả.
Nơi trái tim Người có hai tia sáng màu xanh và màu trắng chiếu tỏa khiến thánh nữ vui thỏa. Hai tia sáng biểu hiệu cho Máu và Nước. Tia sáng nhạt là biểu hiệu của Nước, để làm cho các linh hồn nên công chính. Tia sáng đỏ là biểu hiệu của Máu, để ban sự sống cho các linh hồn… Hai tia sáng này phát xuất từ những thẳm sâu nhất của tình thương êm ái Cha, lúc mà Trái Tim đau thương của Cha bị lưỡi đòng chọc mở ra trên cây Thánh Giá.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cổ võ nhiều về việc sùng kính lòng Chúa thương xót. Ngày 30 tháng 4 năm 2000 nhằm ngày Chúa nhật sau Lễ Phục sinh, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho Faustina và thiết lập ra ngày Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, ấn định vào ngày Chúa nhật sau Lễ Phục Sinh hằng năm.
Để cổ vũ người tín hữu Bắc Ninh nói chung tôn sùng lòng Chúa thương xót, ngày 07 tháng 01 năm 2016, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục giáo phận đã dâng thánh lễ làm phép khu đất và đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót tại giáo họ Bến Đông, giáo xứ Nội Bài.
Bến Đông là Giáo họ trực thuộc Giáo xứ Nội Bài với 694 giáo dân, thuộc thôn Đại Bằng, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Cuối thế kỷ XIX, có 3-4 gia đình từ dưới thuyền chài, buôn vôi, bán cá, buôn than, nghề sông nước đã lên định cư trên bãi đất hoang. Từ đó, đức tin đã ngời sáng trên quê hương Đông Anh, Hà Nội. Dần dà, khoảng năm 1936, giáo họ đã có 20-30 gia đình.
Một thời gian sau, vì những lý do thuận lợi khác, các cụ đã chuyển làng sang bên kia sông (vị trí của giáo họ hiện nay).
Người giáo dân đã cùng nhau xây dựng một ngôi nhà thờ tạm ba gian bằng lá để mọi người quy tụ đọc kinh, cầu nguyện. Cuối năm 1940, ngôi nhà thờ được đặt móng và hoàn thiện. 5 năm sau, giáo họ cùng nhau làm thêm 2 gian nữa cũng trên móng cũ để thêm chỗ cho nhiều giáo dân tham dự.
Năm 1948, ước nguyện làm nhà thờ 7 gian được hoàn thành. Ngôi nhà thờ khang trang và cổ kính dài 24m, rộng 9m, cao 7m tọa lạc trên diện tích khuôn viên 6000m2.
Vinh dự hơn nữa, năm 1950, ngôi tháp cao 22m, có một quả chuông 70kg đã tồn tại. Tháp chuông như minh chứng cho đức tin nơi đây, nhiệt tình và sốt sắng trong việc linh hồn. Tiếng chuông được vang lên mỗi ngày, âm vang cùng dòng sông, tạo nên sự trầm ấm, mời gọi mọi người hướng về những sự trên trời, quê hương của chúng ta. Thấy vậy, các Đấng bậc rất vui lòng đến cho lễ tại họ đạo Bến Đông.
Cho đến nay, Giáo họ luôn tạ ơn Thánh Tâm Chúa đã dìu dắt chúng con trong muôn chặng đường cuộc đời, cách riêng là những lúc tối tăm nhất.
Từ hôm nay, giáo họ Bến Đông sẽ là nơi có Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót, vì thế, ước chi nhờ luôn “tín thác vào Chúa”, mỗi người trong giáo họ Bến Đông luôn biết mở lòng để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời cũng biết trao ban lòng thương xót đến với những người chung quanh.
Thông tin và hình ảnh từ giáo họ Bến Đông