Hành hương theo bước chân các bậc tiền nhân (phần 2)
2. Bước đi trong Chúa Thánh Thần
Sau giấc ngủ an lành, đoàn hành hương thức dậy và khởi đầu ngày mới với giờ kinh sáng. Những lớp sương mù cuối thu bao phủ cả vùng sông và che kín hết tầm mắt. Cảnh tượng nơi đây chẳng khác gì thời kỳ tạo dựng trong Sáng thế kí “bóng tối vẫn bao trùm vực thẳm và Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” (St 1.2).
Tiếng gà gáy lúc sớm tinh mơ đánh thức những cư dân nơi “một con gà gáy ba tỉnh nghe thấy” ở vùng ngã ba sông tiếp giáp giữa Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội.
Theo chương trình định trước, con thuyền sẽ rẽ vào sông Cà Lồ đến thăm các xứ họ Trung Nghĩa- Đồng Nhân, Xuân Lai, bến Nầm, bến Bẽ, bến Đông cạn, Bến Già, bền Dừa, bến Cốc…, nhưng vì thuyền không thể vào được sông Cà Lồ nên phái đoàn quyết định thay đổi hành trình là tiếp tục tiến theo hướng thượng lưu sông Cầu.
Nằm bên tả ngạn sông Cầu nơi tiếp giáp với ngã ba bến Xà là giáo họ Tiên Sơn và Đồng Công do cha Gioakim Nguyễn Đức Thành phụ trách. Nếu tiến xa thêm vài cây số nữa là giáo xứ Ngọ Xá nơi cha Giuse Phạm Văn Phương coi sóc.
Nhà thờ Tiên Sơn
Ngắm nhìn những ngư dân đang thả lưới bắt từng con tôm con tép làm người viết nghĩ tới công cuộc loan báo Tin mừng phải mang từng tâm hồn về với Chúa. Cũng vậy, Tin mừng của Đấng Phục sinh thấm nhập và biến đổi những con người đang tần tảo kiếp kế sinh nhai kia.
Hơi ấm xua tan giá lạnh, những tia nắng dọi xuống làm tan biến sương mù bao phủ, hạt sương thu trên tán lá vàng đang dần biến mất. Ánh nắng dọi xuống xuyên qua đám mây mù như tia chân lý soi chiếu vào những tâm hồn tội lỗi. Ngồi tựa mạn thuyền thả mình vào cảnh sông nước mà lòng bay bổng. Những bãi ngô, soi dâu, đôi lúc được xen kẽ bởi những bụi che tô điểm cảnh vật thơ mộng đến mê hồn làm cho lữ khách như lạc vào cõi bồng lai tiên đảo. Những bãi dâu hai bên bờ kia là nguồn thức ăn chính cho những nong tằm để ngày ngày nhả tơ dệt lên các bộ báo áo tứ thân, khăn xếp áo the cho các liền anh liền chị.
Vì không được định trước nên thuyền chỉ biết hướng ngược dòng mà chưa biết đến điểm nào nhất định, đoàn hành hương chỉ biết thẳng tiến theo Thánh Thần hướng dẫn. Những làn điệu dân ca Quan họ được quý cha, quý thầy cất lên sao thanh thoát, tình tứ, ngọt ngào làm cho bầu khi thêm sinh động, những câu ca “ngồi tựa mạn thuyền”, hay lời ca “anh đến quê em nơi đây có dòng sông Cầu, dự ngày hội Lim …” sưởi ấm lòng du khách.
Xa xa thấy đám người vẫy tay như muốn mời gọi du khách, thuyền giảm tốc độ và hướng về phía đoàn người đó, đến đây chúng tôi mới biết giáo dân họ Bến Đông hay tin phái đoàn chuyển hành trình đi tiếp về hướng thượng lưu sông Cầu, họ đã chờ ở đây mấy tiếng đồng hồ mong ước được vị mục tử ghé thăm. Bến Đông là một họ lẻ của giáo xứ Thường Thắng có hơn 300 nhân danh do cha Vinh sơn Nguyễn Văn Quân quản nhiệm.
Cảm kích trước sự mến khách của anh chị em Bến Đông, con thuyền cập bến để khách hành hương lên nhà thờ viếng Mình Thánh, đọc kinh và chụp hành lưu niệm chung với giáo dân. Chia tay Bến Đông mà ai nấy cứ bịn dịn bởi lòng hiếu khách của con người nơi đây, anh chị em giáo dân theo chân chúng tôi đến tận bến đò với khát khao sẽ được tham dự Thánh lễ mà chẳng dám nói. Như được Thánh Thần Chúa thôi thúc, không chút do dự Đức cha quyết định dâng lễ ngay cho anh chị em. Lại một Thánh lễ được cử hành ngay trên sông nước, khác với Thánh lễ hôm qua được dâng vào ban tối thì Lễ này được cử hành giữa ban trưa, Thánh lễ hôm nay cũng thật đơn sơ nhưng lại rất tuyệt vời, trang trọng.
Vẫy tay chào tạm biệt Bến Đông mà du khách không giấu nổi cảm xúc nghẹn ngào, những nếp nhăn trên trán các lão nông xế bóng nhưng với niềm tin mãnh liệt, những nét mặt thơ ngây của đám trẻ, những ánh mắt hồn nhiên của các thôn nữ lắng đọng mãi trong tầm hồn mỗi người trong giờ phút chia li.
Chia tay Bến đông khi đã quá giờ ngọ, ánh nắng nhẹ mùa thu với hơi nước mát lạnh, những cái bắt tay đầm ấm, những câu nói tạm biệt làm ấm lòng du khách, cho dù lúc này cái bụng đang sôi lên sùng sục.
Đoàn hành hương tiếp tục hành trình khó khăn vì phía thượng nguồn có những giải đá ngầm dưới nước mà nếu người lái thuyền không giỏi kinh nghiệm thì thuyền sẽ bị mắc cạn ngay. Nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng bước theo Chúa Thánh Thần. Câu đáp ca trong Thánh lễ “có Chúa bênh đỡ tôi” làm du khách vững tâm tiến bước mà chẳng thế lực nào có thể cản ngăn nổi.
Đến bến đò Chã thì con thuyền không thể nào đi tiếp được vì mùa khô nước quá cạn. Thật tình cờ nhưng lại như được xắp xếp trước bởi bàn tay vô hình, bến đò Chã nằm liền kề với nhà thờ giáo xứ Tiểu Lễ.
Tiểu Lễ có 5 giáo họ nằm rải rác trên huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, số nhân danh có gần hai nghìn người do cha Phêrô Chu quang Hòa đảm trách.
Hay tin có đoàn hành hương đến, cha xứ Phêrô và anh chị em giáo dân ra tận bến sông đón phái đoàn. Theo chân cha Phêrô và anh chị em giáo dân, chúng tôi tiến bước vào nhà thờ cùng nhau đọc kinh chiều. Sau đó là giờ chầu Thánh Thể tạ ơn và kết thúc chuyến hành hương.
Những thập kỷ đã qua Giáo phận Bắc Ninh phải trải qua biết bao thăng trầm, có bước theo dấu chân cha anh mới nếm trải phần nào khó khăn, thử thách khi hạt giống Tin mừng được gieo trồng trên mảnh đất miền “Quan họ”. Hành trình bước theo chân các bậc tiền nhân giúp lữ khách trải nghiệm và củng cố thêm niềm tin sắt son vào Đức Kitô.
Cha anh đã viết lên những trang sử hào hùng bằng cả mồ hôi, nước mắt lẫn máu đào, máu cha ông tổ tiên đổ ra đã không trở thành vô ích, mà làm cho hạt giống Tin Mừng được sinh hoa kết trái, đức tin tiên tổ truyền lại cho thế hệ chúng ta quả là vô giá. Hành trình đức tin tiến về Thiên Quốc vẫn còn nhiều chông gai trước mắt, nhưng mỗi người đang được thôi thúc bước tiếp các bước chân của các bậc tiền nhân.
“Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10: 15).
Hà Như Nguyệt