Thư chung mùa Vọng

THƯ CHUNG MÙA VỌNG 2012

Sống Đức Tin thể hiện bằng Đức Ái để “đất chúng ta trổ sinh hoa trái”

Kính gửi cộng đoàn dân Chúa giáo phận Bắc Ninh,

1.      Khởi nguồn từ Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa năm 2010 của Hội đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi các tín hữu cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, đồng thời, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày 100 vị đầu mục Bắc Ninh tử đạo,Giáo Phận chúng ta đã tiến hành hai kỳ Họp Mặt Giáo Phận vào cuối tháng Ba và cuối tháng Chín năm 2012. Các đại biểu đại diện cho mọi thành phần dân Chúa, các đoàn thể và ủy ban trong Giáo Phận đã về tham dự họp mặt tại Trung Tâm Mục Vụ chan chứa tình anh chị em dưới mái nhà Cha chung. Trong hai kỳ Họp Mặt, các đại biểu đã cùng lắng nghe nhau trình bày để tìm ra những thao thức và những định hướng cho đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại giáo phận Bắc Ninh trong hoàn cảnh hiện nay. Tất cả nhằm làm cho Giáo Phận trổ sinh hoa trái. Các đại biểu đã tập trung bàn thảo 3 điểm chính: (1) gia đình, (2) giáo dục nhân bản và đức tin, (3) linh mục.

2.      Thật là một sự trùng hợp tuyệt vời, những trăn trở thao thức của Họp Mặt Giáo Phận về đời sống đức tin đã được tiếp nối bằng Năm Đức Tin do Đức Giáo Hoàng đương kim khai mở, nhằm mục đích khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng đức tin trong sự toàn vẹn và với một niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng.[1] Thế nên, Năm Đức Tin là một cơ hội để chúng ta nhìn lại cách sống và thực hành đức tin của mỗi người. Khi chúng ta nhìn lại đời sống đức tin thì đừng bao giờ quên lời bất hủ của thánh Giacôbê: Đức tin không có hành động là đức tin chết.[2]

3.       Giờ đây, từ những đúc kết của 2 kỳ cuộc Họp Mặt Giáo Phận, tôi nêu ra những định hướng cho Năm Đức Tin và những năm tiếp theo. Trước hết về gia đình. Để xây dựng mỗi gia đình trở thành mái ấm chan chứa hạnh phúc yêu thương thì điều cốt yếu là phải thấy được phẩm giá cao cả của hôn nhân Kitô giáo: đó là một ơn gọi và một bí tích. Phải xác tín rằng: chính Thiên Chúa xe duyên và chúc phúc cho các đôi vợ chồng nên một xương một thịt. Thế cho nên, đời sống hôn nhân gia đình là dấu chỉ diễn tả tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh: Hội Thánh được gọi là hiền thê của Đức Kitô, và Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh đến hiến mình cho Hội Thánh trên Thánh Giá cũng như trong bí tích Thánh Thể. Trong đời sống đạo, tôi mời gọi anh chị em quan tâm xây dựng gia đình mình thành mái nhà 3 chữ T, đó là nhà Thờ, nhà Trường và nhà Thương: gia đình trở nên ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin và mái ấm tình thương.[3]

Từ mỗi gia đình nhỏ mở rộng ra những gia đình lớn hơn là cộng đoàn xứ họ, giáo phận và Giáo Hội. Thành phần đông đảo nhất, mạnh mẽ nhất của Giáo Hội là anh chị em giáo dân. Thế nên, anh chị em được mời gọi sống đạo một cách tích cực và chủ động, luôn sẵn sàng đóng góp sáng kiến, công sức của mình cho Giáo Hội, nhằm xây dựng Giáo Hội tại nơi mình sống thành Giáo Hội tham gia – mọi người đều tích cực đóng góp phần mình vào Giáo Hội. Qua đó, chúng ta có được sự hiệp thông mật thiết giữa các thành phần trong Giáo Hội, làm cho Giáo Hội thực sự trở thành một đại gia đình có Chúa là Cha và mọi người là anh chị em thân thiết với nhau.

4.      Tiếp đến về giáo dục nhân bản và đức tin. Nền giáo dục Việt Nam hiện nay được nhiều người nhìn nhận là chẳng những lạc hậu mà còn lạc hướng: kiến thức không giỏi mà đạo đức lại hầu như thiếu vắng. Đặc biệt là gần như người ta hoàn toàn không biết đến lương tâm. Do đó xã hội xảy ra nhiều tệ nạn và tội ác. Trong môi trường xã hội đương thời, người trẻ cần phải được học những kỹ năng sống như câu thành ngữ: học ăn học nói học gói học mở. Người trẻ lẫn người lớn cần được giáo dục để có một lương tâm trong sáng và ngay thẳng, mang trong mình những tâm tư của Đức Kitô Giêsu[4]. Đừng bao giờ quên điều răn thứ 4 của Đức Chúa Trời dạy mọi người sống phải có lòng thảo hiếu với cha mẹ ông bà tổ tiên và biết kính trên nhường dưới. Trong việc giáo dục nhân bản và đức tin, các bậc cha mẹ phải là những thày cô đầu tiên của con cái. Cha mẹ giáo dục con từ lúc còn thơ và bằng gương sáng: Uốn cây từ thuở còn non – Dạy con từ thuở con còn ngây thơ. Khi mẹ cho con bú sữa thì cũng cho bú luôn cả Đức tin bằng những lời ru và lời nói thấm đẫm tính tôn giáo. Về nhân bản, ông bà cha mẹ không chỉ dạy con cháu sống lễ phép, chăm ngoan, thảo hiếu, mà chính ông bà cha mẹ cần phải sống lịch sự, ngay thẳng và tử tế để con cháu noi theo. Về đức tin, ông bà cha mẹ phải xây dựng một bầu khí đạo đức trong gia đình: cùng nhau đọc kinh cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, siêng năng tham dự Thánh lễ, sống tin tưởng và phó thác, thúc giục và tạo điều kiện thuận lợi cho con cháu tham dự các lớp học kinh bản giáo lý để sống đạo và chuẩn bị lãnh nhận các bí tích. Mọi người nên học thuộc lòng những câu Kinh Thánh chủ chốt giúp mỗi người có thể trở thành một trang Kinh Thánh sống động.

Trong các xứ họ, cha xứ cần làm mẫu gương về nhân bản và đức tin, cũng như có chiều sâu nội tâm, thể hiện qua đức ái mục tử, ngõ hầu có thể chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.[5] Cha xứ cần nỗ lực tổ chức các lớp học về giáo lý, đức tin và nhân bản. Ban hành giáo và các hội đoàn cộng tác nhiệt tình với cha xứ trong lãnh vực giáo dục này. Về phía Giáo Phận cần thường xuyên tổ chức những khoá đào tạo nhằm nâng cao đời sống nhân bản và đức tin. Ban Giáo lý và Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể cần có chương trình giáo dục đức tin và nhân bản chung cho toàn Giáo Phận. Các em thiếu nhi phải được giáo dục đức tin một cách hệ thống và nền tảng, để khi lớn lên đi học tập làm việc ở môi trường xã hội mới, các em vẫn vững vàng sống chứng nhân đức tin và có khả năng loan truyền đức tin, kể chuyện Chúa Giêsu và Giáo Hội cho những người khác. Cần khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người trẻ quảng đại cống hiến và can đảm sống đức tin cách sinh động và trưởng thành. Nhờ đời sống nhân bản và đức tin vững mạnh, giới trẻ Công Giáo sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

5.      Đời sống của các xứ họ, các hội đoàn và toàn thể Giáo Phận tùy thuộc rất nhiều ở lòng nhiệt thành và năng lực của các linh mục. Có thể nói các linh mục nắm giữ chìa khóa trong công cuộc canh tân Hội Thánh nói chung và ở bình diện giáo phận và các xứ họ nói riêng. Nhờ bí tích truyền chức thánh, linh mục hành động trong tư cách Chúa Kitô là Đầu và là Mục tử, nên linh mục luôn được mời gọi trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước. Đừng bao giờ quên hình ảnh Chúa Giêsu là mục tử nhân lànhđến để chiên được sống và sống dồi dào.[6] Trong Năm Đức Tin này, các linh mục được mời gọi chu toàn trách nhiệm làm người canh giữ đời sống đức tin của Dân Chúa. Trách nhiệm này đòi hỏi hai mặt: một mặt là trình bày giáo lý lành mạnh, mặt khác là cảnh giác trước những sai lạc trong đời sống đức tin. Để được như thế, các linh mục phải không ngừng vun trồng sự hiểu biết kiến thức về Thiên Chúa và về nhân loại cách thích hợp và liên tục. Để có thể sống ơn gọi linh mục cách phong phú và thi hành thừa tác vụ cách hiệu quả, linh mục cũng không được sao lãng việc tuân giữ những kỷ luật phụng vụ và kỷ luật trong đời sống bản thân, qua việc chu toàn đọc các giờ kinh phụng vụ, cử hành các bí tích, nhất là Thánh lễ một cách sốt sáng, luôn ý thức sống ba lời khuyên Phúc Âm: tuân phục, thanh bần và khiết tịnh. Hãy ghi lòng tạc dạ lời thánh Phêrô: Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham muốn lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.[7] Sống được như thế, linh mục mới trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô đến độ khi gặp linh mục, người ta phải thốt lên: chúng tôi không thấy các linh mục mà chúng tôi thấy Chúa Kitô!

Mặt khác, toàn thể cộng đồng Dân Chúa, cụ thể là giáo dân ở các xứ họ, cũng cần tôn trọng, cộng tác và trợ giúp các linh mục như những người cha tinh thần của mình. Linh mục vẫn là con người, nên cũng rất cần được anh chị em cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ. Linh mục là người của Chúa, của Giáo Hội, không chỉ như là một quan chức của chính quyền. Giáo dân cần nhìn các linh mục với con mắt siêu nhiên. Đó là những người được Thiên Chúa gọi và chọn để chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Đôi khi các linh mục không đáp ứng được những chờ đợi của giáo dân vì sức của các ngài có hạn; tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng vì những đòi hỏi của giáo dân không chính đáng. Đặc biệt các Ban Hành Giáo và các đoàn thể hãy tích cực cộng tác với các linh mục để phục vụ các xứ họ tốt đẹp nhất. Giáo Hội xác tín rằng thiếu các linh mục thì sứ mệnh của Hội Thánh khó hoàn thành được. Hy vọng trong tương lai gần, Giáo Phận sẽ có thêm linh mục để nhu cầu thiêng liêng của giáo dân được đáp ứng hiệu quả hơn.

6.      Mùa Vọng sắp tới. Trong đời sống, không ai lại không nuôi niềm hy vọng những điều tốt đẹp đến cho mình. Và khi hy vọng, người ta tin rằng ai đó sẽ có thể lấp đầy những thiếu vắng của ta và biến ước mơ của ta thành hiện thực. “Ai đó” trong Mùa Vọng này chính là Chúa Giêsu, Đấng có khả năng thoả mãn mọi khát vọng hạnh phúc vô biên trong lòng chúng ta. Mùa Vọng là mùaHội Thánh khơi lên trong chúng ta và mọi người niềm hy vọng vào Chúa Giêsu đem đến cho cả nhân loại cũng như từng người ơn bình an và niềm vui. Đó là niềm vui tuyệt diệu mà một bệnh nhân tại làng phong Quả Cảm thường chia sẻ với mọi người: “Trước khi rửa tội, tôi chưa bao giờ biết vui là gì; sau khi được rửa tội, tôi không bao giờ biết buồn là gì.

7.      Cuối cùng, thưa anh chị em, mọi thành phần dân Chúa gồm cả linh mục, tu sĩ và giáo dân đang sống chung trong giáo phận Bắc Ninh còn nhiều gian khó, Giáo Phận không phải là một mâm cỗ cho chúng ta ngồi thưởng thức, nhưng là một cánh đồng để chúng ta lao tác. Chúng ta không có sẵn những mảnh đất đầy hoa thơm trái ngọt, nhưng chúng ta cố gắng canh tác, vững tin Chúa sẽ cho trổ sinh hoa trái từ những mảnh đất khô cằn. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng và dạt dào hy vọng vào điều đó vì như lời thánh Phaolô: Tôi trồng, Apolo tưới và Thiên Chúa sẽ cho mọc lên[8].

Nguyện xin Mẹ Mân Côi và các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh hộ giúp chúng ta. Xin Chúa chúc lành cho từng anh chị em và cho toàn thể gia đình Giáo Phận chúng ta. Nhờ ơn phúc từ Trời và sự nỗ lực cố gắng của mọi người, chúng ta có quyền tin tưởng và hi vọng rằng:đất chúng sẽ ta trổ sinh hoa trái [9] dồi dào.

Bắc Ninh, ngày 1 tháng 12 năm 2012

(ấn ký)

 Cosma Hoàng Văn Đạt

     Giám mục Bắc Ninh

 


[1] x. Tự sắc Porta Fidei, số 9

[2] x. Gc 2,17

[3] x. Thư mục vụ Năm Đức Tin của HĐGMVN, số 9

[4] x. Pl 2,5

[5] x. Pl 2,15

[6] x. Ga 10,10

[7] x. 1 Pr 5,2-3

[8] x. 1Cr 3,6

[9] x. Tv 85,13