Tin Mừng trên những rẻo cao (phần 2)
Tin Mừng trên những rẻo cao (P2)
“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”
Suốt 20 thế kỷ qua Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô đã trở thành niềm hy vọng dưỡng nuôi những tâm hồn cậy trông. Có biết bao chứng nhân không tiếc mồ hôi, nước mắt và sẵn sàng cả máu đào để bảo vệ một Đức tin vô giá. Nhờ đó trên những triền núi cao hay suối sâu nơi đâu cũng xuất hiện bóng dáng thập tự giá – chiếc chìa khóa dẫn tới hạnh phúc Nước trời. Dẫu có những khó khăn, thử thách nhưng Đức tin vàng đá cùng lòng đạo thiết tha, những tín hữu trên miền rẻo cao vẫn không ngừng làm cho hạt giống Tin Mừng của Chúa đâm rễ sâu vào lòng đất và trổ sinh những hoa trái ngọt ngào.
Chuyến hành trình lần này của chúng tôi chính thức khởi hành từ Tòa giám mục mến thương khi những ánh nắng dịu dàng đầu thu chớm nở nụ cười. Bình minh đã thức giấc sau đêm dài ngủ mê vì hai cơn bão liền kề. Chiếc xe Jolie – người bạn đường thân thiết bắt đầu chuyển bánh, chầm chậm tiến qua ngôi nhà thờ Chính tòa cổ kính 121 năm tuổi. Phố phường Kinh Bắc nhộn nhịp đông đúc như thường ngày. Con đường quen thuộc vẫn nồng nàn mùi nước mưa dẫn chúng tôi ra xa lộ Bắc Ninh – Nội Bài. Những kỷ niệm về chuyến lữ hành năm trước lại ùa về kéo theo những cung bậc cảm xúc đa chiều. Một mùa thu nữa lại đến với rất nhiều nỗi niềm tỏ mờ, tạm lắng đi những bộn bề lo âu để nhường chỗ cho những ký ức mới sắp hạ sinh trên những vùng rẻo cao ngọt mềm với Chúa và Mẹ Maria.
- Chặng thứ nhất: Bóng Mẹ che mát núi rừng Bạch Xa
Chiếc xe bon bon băng qua quốc lộ 18 rồi tiến thẳng vào quốc lộ 2. Trên đoạn đường qua cầu Kim Anh, nếu rẽ sang tay trái men theo sông Cà Lồ chúng ta sẽ gặp giáo họ Bến Cốc thuộc giáo xứ Nội Bài nơi có nghĩa trang thai nhi do Đức Cha giáo phận thiết lập từ năm 2007. Nếu rẽ sang tay phải theo quốc lộ 35 cũng chính là con đường dẫn vào các giáo họ như Thanh Hà, Tân Nương thuộc giáo xứ Lập Trí.
Chạy dọc suốt quốc lộ số 2, chiếc xe chở đoàn từ từ đi vào giữa lòng thành phố Vĩnh Yên – nơi Cha Tôma Nguyễn Văn Phùng đang trực tiếp coi sóc. Khác với lần trước, lần này chúng tôi rẽ vào con đường dẫn đến Tam Đảo và Tây Thiên, hai địa danh du lịch nổi tiếng nằm trong giáo phận Bắc Ninh.
Đến trung tâm thị trấn Tam Đảo đoàn chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình đến Tuyên Quang theo con đường 2C, đây là tuyến đường rừng nối liền từ Vĩnh Yên đến Tuyên Quang. Đến ngã ba rẽ đi Tây Thiên, du khách sẽ bắt gặp một ngôi nhà thờ màu vàng khang trang của giáo họ Sơn Đình thuộc giáo xứ Đại Điền – nơi Giáo phận đã trao cho các Cha Dòng Đồng Công trực tiếp coi sóc.
Con đường 2C ôm sát chân núi Tam Đảo tuy không gồ ghề, không có dốc cao, không có suối sâu nhưng cũng quanh co và đầy thử thách. Đi giữa những tán lá rừng xanh mướt vẫn còn văng vẳng tiếng ve kêu mà thấy lòng lâng lâng, hồi hộp trước giờ khắc đặt chân đến mảnh đất địa đầu phía bắc của giáo phận.
Thỉnh thoảng lại có những con suối róc rách chảy ngang qua đường khiến du khách đi qua như được gội mát giữa tiết trời oi bức. Những dòng suối mát trong ngần ấy cũng chính là nguồn dinh dưỡng nuôi nấng những cánh đồng lúa trù phú. Những nhánh lúa đương thì con gái khẽ e ấp mình giữa lòng thung lũng nhỏ gầy nằm sát chân núi Tam Đảo.
Dãy núi Tam Đảo lúc ẩn lúc hiện hệt như một chàng trai người rừng khỏe mạnh chạy dọc suốt ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Tam Đảo cũng là dãy núi nằm giữa lòng giáo phận.
Xuyên qua những cánh rừng đang bắt đầu vào thu, men theo dòng Lô Giang đoàn chúng tôi đã đặt chân đến thành phố Tuyên Quang để tiếp tục cuộc hành trình trình theo quốc lộ 2A. Con đường từ Tuyên Quang lên thị trấn Tân Yên bị các xe tải nặng nghiền nát làm biến dạng. Mặt đường bỗng trở thành hệ thống ổ gà, ổ voi dày đặc. Ngồi trong xe mà cả đoàn cứ rung lắc bần bật.
Trải qua quãng đường ghồ ghề, đoàn chúng tôi cũng đặt chân đến mảnh đất địa đầu giữa lúc cái nắng đang lên đến đỉnh điểm. Theo cung đường này muốn sang thăm Bạch Xa, bắt buộc lữ khách phải đi qua một phần đất thuộc tỉnh Hà Giang. Từ cổng chào Hà Giang đi thêm chừng gần một cây số rưỡi, bến đò Bạch Xa – nằm hai bên bờ Lô Giang đã hiện ra trước mắt.
Nghe tin đoàn chúng tôi đến thăm, ban hành giáo và bà con giáo dân Bạch Xa đã sang tận bên này bến đò đón tiếp chúng tôi. Đến đây, ô tô của đoàn phải gửi lại bên này vì con đò nhỏ không sang được. Sông Lô đang vào mùa nước lũ, dòng nước xiết chảy cuộn đỏ phù sa khiến con đò bồng bềnh như chạy trên một cõi phiêu bồng. Những cây cổ thụ già nua oằn mình soi bóng xuống dòng sông ngầu ngầu đỏ. Dòng Lô này cũng chính là ranh giới tự nhiên phân cách giữa giáo phận Bắc Ninh và giáo phận Hưng Hóa.
Giáo xứ Bạch Xa cách tòa giám mục chừng 230km về phía bắc. Bạch Xa là giáo xứ cực Bắc của giáo phận. Hiện nay, giáo xứ có chừng trên hai ngàn nhân danh đa số làm nghề nông, trồng rừng, sống rải rác trong 4 giáo họ và 3 giáo điểm. Ngôi nhà nguyện nhỏ bé nằm sát bên dòng sông Lô của họ nhà xứ được làm bằng gỗ từ cách đây gần 40 năm, bà con giáo dân ở đây vẫn hằng ước mong đến một ngày không xa sẽ xây dựng được một ngôi thánh đường khang trang để cùng nhau cầu nguyện.
Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng đời sống đạo của bà con giáo dân vẫn kiên vững không lay. Không ai nhớ rõ vùng đất này có đạo từ khi nào chỉ biết khi lớn lên đã được các bậc tiền nhân dạy dỗ rằng “Chúa là Cha và mọi người là anh em”. Trải qua bao năm tháng khó khăn, nhọc nhằn cấm cách, những người tín hữu nơi địa đầu của giáo phận luôn xác tín niềm tin vào Đức Ki tô như nước sông Lô vẫn theo dòng đổ về biển cả.
Sau bao năm tháng miệt mài cầu nguyện, đến năm 2008 giáo phận đã cử Cha Giuse Trần Quang Khiêm – một người con xứ Tuyên lên coi sóc vùng núi rừng Hàm Yên này. Sau 2 năm miệt mài lao tác trên cánh rừng truyền giáo, Cha Giuse đã gây dựng được cho Bạch Xa một nếp sống đạo không hề thua kém bất cứ đâu. Đến năm 2010, Đức Cha giáo phận bổ nhiệm Cha Giuse Ngô Ngọc Đoàn làm chánh xứ Bạch Xa. Tiếp nối công cuộc truyền giáo cho vùng rừng thiêng nước độc này, Cha Giuse Ngô Ngọc Đoàn đã đưa thêm nhiều sáng kiến mục vụ nhằm thúc đẩy công cuộc Loan báo Tin mừng cho nhiều người chưa biết Chúa.
Đầu năm 2012, Đức Cha đã gửi một Cha trẻ lên coi sóc Bạch Xa thay cho Cha Giuse Ngô Ngọc Đoàn. Sau hơn một năm làm “thợ săn” trên cánh rừng truyền giáo, Cha Giuse Hoàng Anh Tuấn không hề quản ngại đường xá hiểm trở, cơ sở vật chất thiếu thốn để đến đồng hành và củng cố niềm tin cho bà con giáo dân.
Công việc mục vụ của một linh mục miền sơn cước quả thật không dễ dàng. Những chuỗi đường rừng hiểm trở có nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua nhưng nhờ Ơn Chúa và sự cầu bầu chở che của Mẹ Maria mà các Cha đã kiên vững băng qua mọi gian lao thử thách.
Nhắc đến Hàm Yên người ta nghĩ ngay tới giống cam sành nổi tiếng thơm ngon, một trong mười đặc sản đệ nhất trời Nam. Nhưng đến giờ trên vùng núi rừng này, người ta còn nhắc đến một đặc sản nữa đó là giống cây Đức Tin. Một trong những hoa trái của cây Đức tin nơi đây chính là núi Đức Mẹ Bạch Xa.
Bạch Xa hay chính xác hơn trước đây người dân thường gọi là núi “Bạch Xà”, có nghĩa là núi con rắn trắng. Theo truyền tụng thì vào những năm 20 của thế kỷ trước ở vùng núi này, con trai đầu lòng của các gia đình khi mới sinh thường mắc những chứng bệnh lạ và sau đó không lâu thì qua đời. Lúc ấy, Cha già Thịnh – một trong những linh mục đạo đức thuộc giáo phận Hưng Hóa đang coi sóc vùng Tuyên Quang. Khi nghe tin dữ, Ngài đã không quản đường rừng gian nan mà đi bộ hàng chục cây số để đến vùng rừng thiêng nước độc này.
Sau khi cầu nguyện, Cha già Thịnh đã được linh báo rằng ở trong núi có một con rắn độc chuyên bắt những bé trai đầu lòng và miệng của con rắn ấy chính là cửa hang. Để trừ những tai họa cho dân, Cha già Thịnh đã quyết định đặt tượng Đức Mẹ vào miệng hang. Kể từ đó, con trai đầu lòng của các gia đình vùng này sinh ra đều khỏe mạnh và lớn lên bình thường, có nhiều cụ còn sống đến ngày nay và sẵn sàng làm chứng cho tích truyện này. Qua biến ố lớn lao ấy, nhiều người lương dân đã xin được rửa tội để trở thành con cái Chúa.
Ngay dưới chân núi Bạch Xa, bà con giáo dân đã tự tay đắp dựng tượng thánh Phêrô – quan thầy của giáo họ và đặt trên một hòn đá tự nhiên cực lớn. Cạnh ngay tượng đài Thánh tông đồ là khu đất đặt nhà nguyện đầu tiên của Bạch Xa. Tính đến thời điểm này, phần đất có ngôi nhà nguyện đang sử dụng là địa điểm thứ 3 mà giáo họ chuyển đến. Trong tương lai gần, giáo họ dự tính sẽ xây dựng ngôi thánh đường khang trang trên phần đất Lễ đài hiện tại.
Vào ngày 18 tháng 03 vừa qua, giáo xứ Bạch Xa đã hân hoan chào đón Đức tổng giám mục Leopoldo Girell – đại diện Đức Thánh Cha tới thăm mục vụ và dâng Thánh Lễ kính Thánh Giuse. Ngài thật sự xúc động khi tận mắt chứng kiến đời sống Đức tin của bà con giáo dân Bạch Xa. Ngài còn chia sẻ rằng đến Bạch Xa mà ngỡ như đến miền đất hứa.
Như lời ngài nói, Bạch Xa quả là một miền đất hứa cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của Đấng Phục Sinh. Chính trên mảnh đất xa xôi, hiểm trở này một niềm tin vững chắc như núi đá đã được dựng xây suôt hơn một trăm năm qua.
2.Chặng thứ hai: Xuôi dòng Gâm nghe tiếng Mẹ dặn dò
Tiễn chúng tôi sang tận bên kia con đò, Cha xứ Giuse Hoàng Anh Tuấn không quên hẹn gặp chúng tôi vào một ngày gần nhất. Ánh mắt của vị linh mục trẻ miền sơn cước hiện lên rạng ngời một niềm tin báo hiệu cho ngày mai tươi sáng. Chắc hẳn, không chỉ chúng tôi mà còn rất nhiều người sẽ trở lại Bạch Xa để thăm Cha xứ, thăm giáo xứ và nhất là đến hang Đức Mẹ núi Bạch Xa để cầu nguyện. Một lời hẹn hò đầy ý nghĩa theo chúng tôi suốt chặng đường dai.
Chia tay Bạch Xa khi những ánh bình minh bắt đầu khoe sắc báo hiệu một ngày oi nồng, nắng nóng. Xuôi dòng Lô theo đường số 2, đoàn chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình còn đầy ắp những khó khăn đang đứng đợi phía trước. Dẫu đoạn đường xa mờ, mấp mô nhưng có Chúa ở cùng chúng tôi không hề nào núng.
Sau hơn một giờ đồng hồ xuôi dòng, đoàn chúng tôi cũng đặt chân đến cầu Bợ – một trong những cây cầu nối liền hai bên dòng Lô Giang. Điểm hẹn chúng tôi ghé thăm tiếp theo là nhà thờ giáo xứ Tân Bình, mọi người thường gọi là Bình Xa hay Bợ.
Giáo xứ Tân Bình hiện nay có khoảng một ngàn rưỡi giáo dân sống rải rác trên địa bàn hành chính rộng lớn thuộc các huyện Chiêm Hóa, một phần huyện Hàm Yên do Cha Giuse Nguyễn Văn Đinh coi sóc. Đây cũng là một trong những giáo xứ trẻ với nhiều hứa hẹn cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng.
Men theo con đường đất, một giáo dân Tân Bình dẫn đoàn đến thăm làng phong Đồng Lệnh. Sau hai trận bão con đường trở nên lầy lội như những thửa ruộng chuẩn bị xuống mạ. Các xe tải lớn liên tục chạy qua khiến cho con đường vốn đã xấu lại càng trở nên tồi tệ hơn, những đường ray đất bì bõm, gập ghềnh được hình thành. Chiếc xe Jolie vất vả, oằn mình lội qua quãng đường ngập đầy bùn đất. Chỉ cần lái xe lơ là một chút là hậu quả khôn lường có thể ập đến.
Đoàn chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ để vượt qua quãng đường chông chênh dài chưa đầy chục cây số trong cái nắng đầu thu còn bỏng rát. Khi còn cách làng phong chừng 2 cây số, tất cả thành viên trong đoàn buộc phải đi bộ qua đoạn đường lầy lội, trơn trượt ngổn ngan đá sỏi nằm chờ thi công. Có đến đây, có trực tiếp đi trên con đường này mới có thể thấu hiểu đời sống khó khăn của bà con nơi đây.
Hay tin đoàn chúng tôi đến thăm, một số bà con trong làng đi xe máy ra đầu đường bê tông của làng để chào đón. Con đường chạy giữa vườn mía là một trong những công trình mà Đức Cha Giáo phận đã trực tiếp xin tài trợ xây dựng.
Nhờ ơn Chúa giúp, chúng tôi cũng vào được làng phong Đồng Lệnh. Làng phong này được thành lập từ năm 1972, đến năm 1977 thì bị giải tán, sau đó lại được tái thiết lập. Đã có thời điểm người ta không còn nhắc nhớ gì đến Đồng Lệnh và bỗng nhiên làng phong này trở thành một vùng đất chết khi nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Thế nhưng, nhờ niềm tin mãnh liệt những bệnh nhân phong đã vững vàng vượt lên số phận hòa nhập với cộng đồng. Đến nay, giáo phận đã gửi hai cô thuộc Tu Hội Đức Mẹ Hiệp nhất lên đây chăm sóc cho những người bệnh phong. Đa số, đời sống của bà con nơi làng phong đã được cải thiện đáng kể nhưng cũng còn không ít những số phận cô đơn sống dưới nếp nhà cấp bốn sờn cũ kỹ.
Hiện lên rõ nhất trong những phận người đớn đau ấy, bà cụ Chinh năm nay 104 tuổi. Cụ lên đây từ những ngày đầu thành lập làng, đến năm 1989 thì cụ xin học đạo và được các Cha rửa tội. Qua tiếng nói thì thào nhưng quả quyết, cụ bảo với chúng tôi, không biết Chúa chắc con sẽ không biết ngày hôm nay. Đến thăm làng phong, chúng tôi gặp một số em thiếu nhi giáo xứ Tân bình cũng đến đây thăm các cụ. Nhìn các em hồn nhiên vui chơi, thăm hỏi, chụp hình chung với các cụ, chúng ta có quyền hy vọng tương lai không xa hạt giống Tin mừng sẽ trổ sinh muôn vàn hoa thơm trái ngọt trên những rẻo cao này.
Chia tay làng phong Đồng Lệnh mà ai nấy đều khâm phục nghị lực sống của những bệnh nhân phong. Khi người ta không có nơi bấu víu, không gia đình, không tiền của, không nhà cửa… và mang trên người một căn bệnh quái ác thì tài sản duy nhất để bảo đảm cho cuộc sống chính là Đức Tin.
Trên con đường trở về gập ghềnh, lầy lội chúng tôi tin sẽ có thật nhiều những bước chân lành lặn sẽ đến đây để nâng đỡ cho những số phận kém may mắn giữa núi rừng xứ Tuyên này.
Tạm chia tay làng phong, băng qua con đường rừng đầy ắp gió, đoàn chúng tôi đến với thị trấn Vĩnh Lộc – Chiêm Hóa khi cái nóng dội xuống như đổ lửa. Dù tiết trời oi nồng nóng bức nhưng một số bà con vẫn hăng say đến nhà nguyện đọc kinh.
Vĩnh Ngọc là một giáo họ khá lớn có chừng hơn 800 nhân danh sống quanh thị trấn Vĩnh Lộc. Ngôi nhà nguyện hiện tại của giáo họ nằm sát dòng Gâm Giang xanh lơ màu nước.
Ở đây, chúng tôi gặp một đệ tử đang theo dòng Đức Mẹ Viếng Thăm ở tận Bùi Chu về nghỉ hè. Không một chút băn khoăn, ngần ngại dì Phương đã tình nguyện dẫn chúng tôi đến thăm các giáo họ trong vùng.
Xuôi theo dòng nước Gâm Giang trong xanh như ngọc, Chiếc xe trườn mình vượt qua đèo Gà gồ ghề bụi bặm. Điểm hẹn tiếp theo mà chúng tôi được dì Phương đưa tới là nhà nguyện của giáo họ Tham Kha. Ngôi nhà nguyện nhỏ bé làm bằng gỗ của giáo họ Tham Kha được xây dựng từ khá lâu vẫn là nơi các tín hữu vùng rẻo cao tụ họp cầu nguyện.
Vừa mở cửa bước vào nhà nguyện, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi gặp một bà cụ đang sốt sáng đọc kinh cầu nguyện. Nói chuyện với chúng tôi, cụ bảo năm nay đã 82 tuổi, gia đình cụ chuyển lên đây rất lâu rồi không nhớ nổi. Cụ chỉ nhớ ngày 3 buổi: sáng, trưa, tối là cụ ra đây cầu nguyện.
Giáo họ Tham Kha hiện có khoảng 60 hộ gia đình ước chừng khoảng trên 300 nhân danh, đa số là sống nhờ vào việc trồng sắn và cấy lúa. Bà con giáo dân ở đây rất khao khát Thánh Lễ và thầm ước ao có thể xây dựng được một ngôi nhà nguyện khang trang để thờ phượng cho xứng hợp.
Tiếp tục chạy xe dọc theo dòng Sông Gâm, đi qua chiếc cầu treo đung đưa dì Phương tiếp tục đưa chúng tôi đến thăm nhà thờ họ Bến Chinh khi cơn đói đã dâng lên cồn cào. Giữa cái nắng oi nồng, ngôi nhà thờ Bến Chinh đổ bóng dài xuống làm dịu đi tiết trời ngột ngạt.
Tuy là một giáo họ nhỏ nằm sát bên dòng Gâm Giang nhưng bà con giáo dân Bến Chinh nỗ lực hết mình để xây dựng ngôi thánh đường khang trang như ngày hôm nay. Sau bao năm tháng cầu nguyện ước ao, Chúa đã thương ban và đổ tràn muôn ơn phúc xuống giáo họ nhỏ bé này.
Chuyến hành trình lại được nối tiếp trên một cung đường gồ ghề hiểm trở. Dường như sau hơn một ngày đày mình trên những con đường như thế này nên các thành viên trong đoàn cũng cảm thấy quen. Có đi trên những đoạn đường thế này mới hiểu được công việc mục vụ của các Cha trên những vùng núi khó khăn đến mức nào.
Theo như lời hẹn, đoàn chúng tôi đi đến khu vực địa giới hành chính xã Chi Phú ghé vào thăm nhà bà cụ Lân. Tuy đã 2 giờ chiều nhưng cả gia đình cụ vẫn kiên trì đợi đoàn đến để dùng cơm trưa. Bữa cơm thân mật cùng gia đình càng làm cho chúng tôi xúc động. Cụ Lân bảo, cơm gạo thì chúng con không thiếu chỉ thiếu các Cha và Thánh Lễ thôi.
Giữa núi rừng hẻo lánh, xa nhà thờ lại không có Thánh Lễ, cụ Lân nghĩ ra cách giữ đạo rất hay đó là dự Lễ qua radio. Chỉ với chiếc đài nhỏ bé mà suốt bao năm qua, cụ không hề bỏ một Lễ Chúa Nhật nào. Chỉ có điều vì dự Lễ qua đài nên cụ không được rước mình Chúa một cách trực tiếp. Mỗi khi đến phần hiệp Lễ, cụ lại đọc kinh chịu Lễ thiêng liêng. Nhưng bù lại, cụ được đọc kinh truyền tin chung với Đức Thánh Cha và được Ngài ban phép lành qua đài.
Cụ Lân cũng cảm ơn các Cha của Đài Chân Lý Á Châu đã đem Chúa đến cho mọi người qua những phương tiện truyền thông. Cụ luôn nâng niu chiếc radio nhỏ bé như báu vật của riêng mình để mỗi sáng Chúa nhật cụ lại bật lên và chải chiếu giữa nhà tham dự Thánh Lễ.
Đến đây, chúng tôi như được bồi đắp thêm nền tảng Đức tin và nhờ cụ Lân chiếc radio cũ kĩ mà nhiều người đã lãng quên bỗng biến thành con thuyền chuyên chở Đức tin đến cho những giáo dân vùng núi rừng Đông Bắc này.
Sau bữa cơm trưa thân mật cùng gia đình cụ Lân, đoàn chúng tôi tiếp tục đến thăm nhà bác Tâm – một lương dân yêu mến đạo. Ngồi nói chuyện với bác Tâm chúng tôi thêm hiểu hơn về gia đình bác.
Bác Tâm vốn là người Ninh Bình di cư lên đây từ năm 1974. Bác bảo đã đi nhiều nơi nhưng thấy ở đây có tình người nhất, người yêu ngươi nên mới quyết định cắm rùi ở chốn rừng hoang nước độc này. Chính ngôi nhà gỗ xây dựng từ năm 1984 mà bác đang ở là được bà con vùng này giúp đỡ và bác gọi đó là nhà của làng.
Chia tay bác Tâm mà chúng tôi tin rằng, với tâm hồn đơn sơ chắc chắn Bác chẳng xa Nước thiên Chúa vì Bác sống theo những giá trị Tin mừng đã được gieo vào tâm hồn ông. Rời Chi Phú chúng tôi đi sâu vào “an toàn khu” Kim Bình – một trong ba ATK của Việt Minh trên vùng rừng Đông Bắc này.
Dừng chân tại nhà bà Quyển có anh Tuấn là con rể bác Tâm. Gia đình bà Quyển vốn là giáo dân Bùi Chu lên đây theo chương trình phát triển kinh tế mới từ những năm 70 của thế kỉ trước. Quả thật, ít có ai dám ngờ qua một chương trình của chính quyền vô thần, Chúa đã biến thành khí cụ để gửi gắm những hạt giống Đức tin lên vùng rẻo cao khô cằn này. Nhờ vậy mà giờ đây ngay giữa lòng ATK khi xưa, những hạt giống Tin Mừng đã đâm chồi nảy lộc và trổ sinh hoa trái.
Tiếp tục lần theo dấu chân của những giáo dân vùng xuôi lên đây định cư, chúng tôi đến thăm gia đình ông Dũng – trưởng giáo khu Chi Phú – Kim Bình. Ở đây trên suốt chục đường này, cứ cách chừng 4 đến 5 km lại có một gia đình Công giáo vốn là người dưới xuôi lên đây làm ăn.
Ông Dũng chia sẻ rằng, giữa vùng xôi đỗ này nhưng mọi người vẫn nhiệt thành và kiên vững về Đức tin. Hàng tuần vao tối Chúa nhật, tất cả các gia đình trong khu cùng tập trung tại một nhà để đọc kinh cầu nguyện và cứ thế luân phiên từ nhà này sang nhà khác. Nhờ vậy mà gần hai chục gia đình vẫn giữ được nề nếp sinh hoạt đạo suốt bao năm qua.
Trước giờ chia tay gia đình ông Dũng, chúng tôi không quên nhắc lại câu chuyện tình của con trai ông Dũng và vợ anh vốn là một cô gái thuộc xứ đạo Yên Thủy. Hai người gặp nhau nhờ tham gia nhóm Loan Báo Tin Mừng. Vượt qua những thử thách, tình yêu của đôi bạn trẻ trở nên tròn trịa hơn, giờ đây cả hai đã nên nghĩa vợ chồng và có với nhau những đứa con bụ bẫm. Những đứa trẻ được sinh ra như là quà tặng mà Chúa ban thưởng cho đôi bạn trẻ và gia đình.
Nghe những câu chuyện cổ tích ngay giữa lòng ATK, chúng tôi như được bồi bổ thêm về Đức tin. Chính Chúa quan phòng đã sắp đặt để những hạt giống Tin Mừng có thể bám rễ trên vùng rẻo cao đầy khó khăn, thử thách.
Chia tay gia đình ông Dũng mà ai nấy cũng bịn rịn, bồi hồi, xao xuyến. Chiếc xe màu xanh xờn bạc của đoàn chuyển bánh lên đường. Con đèo Làng chớm vào thu nghe rõ từng tiếng chim hót gọi nhau tim về tổ ấm. Những tia nắng chiều tàn tạ còn sót lại trên những tán lá rừng dường như lưu luyến chưa muốn rời. Những bụi chuối, nương ngô xanh ngan ngát điểm tô cho công trình của Đấng Hóa Công.
Hình như ở đâu đó nơi đây có một cánh rừng đang chín, sắc vàng của nó hắt lên nền trời làm bầu trời ánh lên một mầu đồng hun trù phú. Mùa thu đang rón rén đứng sau dãy núi Sông Gâm điệp trùng luôn sát cánh bên nhau. Chỉ ít hôm nữa thôi sắc vàng của lá sẽ phủ kín nơi này.
3.Chặng thứ 3: Giữa xứ chè Mẹ phù trì đoàn chiên
Sau một đêm nghỉ ngơi an lành tại giáo xứ Yên Thịnh – nơi có cây Thánh Giá mà ở phần 1 đã nhắc đến, đoàn chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình đầy lý thú. Con đường mang số hiệu 37 nối liên từ Tuyên Quang sang Thái Nguyên trở nên đẹp hơn bằng phẳng hơn khi có Chúa ở cùng.
Trên cung đường này, chiếc xe tất bật vượt qua Đèo Khế. Đèo Khế là danh giới tự nhiên phân tác hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên. Trước kia đường đi hiểm trở vì đèo cao vực thẳm, đến nay người ta hạ xuống thấp nên cũng cải thiện được đôi chút sự hiểm trở.
Vượt qua Đèo Khế, chúng tôi chính thức đặt chân sang xứ sở ngát hương chè và mênh mông Hồ Núi Cốc. Giáo họ đầu tiên thuộc giáo hạt Thái Nguyên mà đoàn đến thăm là giáo họ Vinh Sơn (trước đây có tên là Tân Thành) thuộc giáo xứ Đại Từ do Cha Phê-rô Mai Viết Thắng coi sóc.
Ngôi nhà thờ chông chênh của giáo họ nằm giữa cánh đồng lúa đương thì con gái xanh mươn mướt. Ngôi nhà thờ được làm bằng gỗ suốt mấy chục năm qua vẫn là nơi tụ họp đọc kinh cầu nguyện của cả dân họ.
Giáo họ Vinh Sơn hiện có chừng 400 nhân danh sống chủ yếu nhờ trồng chè và cấy lúa. Nghe tin có đoàn đến thăm, ông trùm và một số bà con giáo dân đã ra tận nơi đón tiếp và nói chuyện với chúng tôi.
Vinh Sơn nổi tiếng với quả chuông được làm từ vỏ bom. Hàng ngày tiếng chuông Bom vẫn ngân vang khắp vùng…
Đứng nói chuyện với chúng tôi ông trùm kể lại quá trình chế tác quả chuông này. Vào năm 1989, dân họ đã mang xác quả bom từ trên núi về mày mò và tạo nên quả chuông treo ngay trước cửa nhà thờ. Nghe tiếng chuông được làm từ bom chúng tôi lại chợt nhớ đến câu Kinh thánh trong sách Isaia “đúc gươm đao thành cuốc thành cày/ rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Isaia 2,4).
Chia tay giáo họ Vinh Sơn chúng tôi trộm nghĩ, từ một quả bom gây đau thương cho con người, Chúa đã biến đổi thành quả chuông hòa bình. Nhờ tiếng chuông ấy mà Đức tin củng cố và loan truyền đến muôn người.
Tạm gác lại câu chuyện về chuông bom của giáo họ Vinh Sơn, chúng tôi đến thăm giáo họ Yên Lãng khi cái nắng cứ đua nhau kéo về. Tuy trời nắng nóng, oi bức nhưng bà con giáo dân vẫn miệt mài lao động dựng xây ngôi nhà Chúa.
Ngôi nhà thờ Yên Lãng được khởi công cách đây chừng hai năm và giờ đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Đối với một giáo họ miền núi xây dựng được một ngôi nhà thờ cao lớn như vậy quả là một việc không nhỏ. Có những lúc tưởng chừng như không thể tiếp tục nhưng nhờ có Chúa đồng hành qua sự giúp đỡ của các vị ân nhân và nhất là sự nhiệt tâm, sẵn sàng hy sinh cho công việc nhà Chúa của bà con giáo dân đã đẩy nhanh quá trình xây dựng. Chỉ trong tương lai không xa một ngôi thánh đường khang trang sẽ mọc lên giữa vùng núi Đại Từ.
Bắt tay chào tạm biệt bà con giáo dân Yên Lãng chúng tôi tiếp tục đi vào lòng hồ Núi Cốc. Ngay ở đầu đoạn đường dẫn, hai ngọn tháp của nhà thờ Đại Từ hiện lên giữa vùng núi rừng như một biểu chứng Đức tin Kitô giáo.
Đi sâu vào Hồ Núi Cốc, hơi nước mát mẻ tỏa lên từ mặt hồ trong xanh làm dịu bớt tiết trời oi nồng đầu thu. Hồ Núi Cốc Thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, hồ Núi Cốc giáp ranh với cả huyện Phổ Yên và Đồng Hỷ. Hồ chảy thông theo dòng sông Công, một nhánh ăn sâu vào tận chân núi Tam Đảo. Hồ gắn liền với huyền thoại chàng Cốc và nàng Công.
Truyền thuyết kể rằng: Xưa có nàng Công, con một quan lang cai trị bản làng. Nàng xinh đẹp, hát hay, múa giỏi. Có chàng Cốc chỉ là một tiều phu nghèo. Nhưng Cốc thổi sáo rất hay. Những đêm trăng sáng, núi rừng thanh vắng, tiếng sáo du dương của Cốc vang đến tai nàng. Rồi nàng gặp chàng. Năm tháng, đôi trai gái Công và Cốc yêu nhau say đắm, thề sống với nhau trọn đời…
Quan lang biết chuyện, ngăn cấm nàng Công gặp Cốc. Những quan lại nhà giàu thì đe dọa Cốc. Cốc đành lủi thủi sống dưới một cây sồi lớn. Tiếng sáo của chàng cất lên nhờ gió gửi đến người yêu nghe da diết buồn thảm như nỗi lòng chàng. Cốc tha thiết nhớ nhung rồi chết dưới gốc cây sồi, hoá thành cả một dải núi thẳm. Cũng vì thương xót Cốc, nàng Công khóc lóc thảm thiết. Nước mắt nàng chảy mãi, chảy mãi thành suối, sau biến ra hồ như ngày nay. Nước hồ tắm vào núi, Núi Cốc bọc lấy hồ, nên gọi là Hồ Núi Cốc!
Huyền thoại về nàng Công, chàng Cốc tuy xa mà gần. Gần bởi lời nguyện ước trọn đời của chàng và nàng chẳng khác gì lời đoan hứa của người Công giáo trong bí tích Hôn nhân. Nhờ lời đoan hứa vĩnh hôn và đơn hôn ấy mà những gia đình Công giáo vui sống bên nhau làm cho Tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa đơm bông kết trái.
Giờ đây, Đạo Chúa đã ngự giữa hồ tình yêu này. Những ngôi thánh đường nằm sát bên hồ ngày ngày vẫn vang lên lời ngợi ca chúc tụng Đấng Hóa Công. Vào thăm ngôi nhà thờ đang xây dựng của bà con giáo họ Đồng Danh, lắng nghe lại những huyền tích nơi đây mà chúng tôi thấy lòng mình như được mở ra.
Giáo họ Đồng Danh thuộc giáo xứ Đại Từ. Hiện giáo họ nhỏ với khoảng 300 tín hữu, đa phần bà con sống nhờ vào những nương chè và làm nghề thương mại du lịch nên thu nhập còn bấp bênh. Dẫu cuộc sống còn bộn bề, ngổn ngang nhiều lo toan nhưng dân họ vẫn thay nhau gánh vác công việc xây dựng nhà Chúa. Và chắc cũng chỉ ít thời gian nữa thôi, ngọn tháp của nhà thờ Đồng Danh sẽ đổ bóng xuống Hồ Núi Cốc.
Chia tay Đồng Danh, chúng tôi thầm cầu nguyện cho công trình nhà Chúa sớm được hoàn thiện. Trạm dừng chân nghỉ trưa của đoàn là nhà xứ Tân Cương – nhiệm sở của Cha Đa Minh Nguyễn Minh Tân. Tân Cương nổi tiếng với giống chè hảo hạng mà chỉ nơi đây mới có. Nhớ 2 năm trước khi thực hiện kí sự “giáo phận Bắc Ninh một chặng đường” chúng tôi cũng đã đến thăm Tân Cương khi nhà mục vụ chưa hoàn thiện. Nay ngôi nhà đã khang trang, khuân viên nhà thờ cũng đang được Cha xứ tiếp tụ cải tạo, tu bổ và nâng cấp.
Sau bữa cơm trưa, chúng tôi được Cha Tân trực tiếp dẫn đến thăm giáo điểm Thậm Thình. Con đường từ Tân Cương sang Phúc Tân êm ái, nhẹ nhàng. Đến giáo họ Phúc Tân, xe ô tô của đoàn phải gửi lại nhà ông trùm. Ông trùm Phúc Tân và bà con giáo dân đã chuẩn bị xe máy sẵn sàng để đưa đoàn vào Thậm Thình.
Con đường từ Phúc Tân vào Thậm Thình đang thi công lại gặp mưa nên đi lại rất khó khăn. Những chiếc xe máy ì ạch vượt qua đoạn đường chỉ vài kilomet mà mất đến cả tiếng đồng hồ. Nhiều lúc qua những đoạn lầy lội, gồ ghề người ngồi sau phải bỏ xe đi bộ. Thật không ngờ khi nhân loại bước sang thiên niên kỉ thứ 3 được hơn chục năm mà ở vùng đất nằm sát thành phố Thái Nguyên lại có những con đường tồi tệ đến vậy.
Giữa trưa nắng chang chang, những giọt mồ hôi chảy xuống mà thấy mắt cay cay. Cuối cùng, mọi người trong đoàn cũng đến được địa điểm tập kết. Để đến được Thậm Thình, cả đoàn phải gửi lại xe máy rồi vượt qua một chặng đường rừng mới có thể đến được đích. Đã đi nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được trải nghiệm cảm giác đi trên đủ các phương tiện giao thông từ ô tô, đến xe máy và cuối cùng là đi bộ.
Đứng trước đoạn đường núi cao chót vót giữa cái nắng như thiêu như đốt, dường như ai cũng chùn chân bước. Đã có những lo lắng, mệt mỏi nhưng có Chúa ở bên ai nấy lại rộn vang tiếng cười mà yên tâm tiến bước.
Con đường núi gầy guộc, xanh xao hôm nay trở nên rộn ràng. Tiếng chim reo vui như để chào đón những bước chân yêu thương đem Chúa đến cho mọi người. Quên đi những mệt mỏi, ưu phiền trên môi ai nấy đều nở một nụ cười.
Cánh rừng vùng Đông Bắc đương độ vào thu thay áo. Đi giữa non xanh suối ngàn mà lòng thêm thiết tha yêu đời. Từ trên đỉnh đèo phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy cột tháp truyền hình Tam Đảo quanh năm mây phủ, sương mờ. Dưới chân đèo tiếng suối chảy đều đặn mà sục sôi quện với hương rừng tao nên một bản nhạc không lời dài bất tân. Lặng im nghe tiếng gió rừng tâm sự mà thấy cảm thông và yêu mến những người dân nơi đây.
Đi bộ qua quãng đường rừng chừng 3 cây số, cuối cùng đoàn chúng tôi cũng đặt chân đến giáo điểm Thậm Thình. Thậm Thình là một giáo điểm nhỏ bé với vẻn vẹn chỉ có vài gia đình gốc Thái Bình lên đây định cư từ thập niên 70 thế kỉ 20.
Vào thăm nhà bà cụHàm, lắng nghe câu chuyện về cuộc sống của cụ và gia đình mà thấy trái tim như quặn thắt lại. Giữa những tháng năm khó khăn vì miếng cơm manh áo mà gia đình cụ phải rời bỏ làng xóm, quê hương đi tha phương cầu thực.
Có nhiều lúc tưởng như bỏ quên mất đạo mà Chúa vẫn thương tình chở che dìu dắt và nhất là đưa những người mục tử đến với dân chúng lầm than. Cụ Hàm nghẹn ngào không nói lên lời, cụ bảo trong cuộc đời chẳng bao giờ cụ nghĩ sẽ có một ngày Đức Cha giáo phận lại đến thăm mình, thế mà ngày Mồng Hai Tết năm ngoái, Ngài đã đi bộ leo qua đèo lên tận đây và dâng Lễ cầu nguyện cho mọi người. Chỉ cần như thế là hạnh phúc lắm rồi, bây giờ có nhắm mắt xuôi tay cũng toại nguyện.
Khi xưa, Đức Trinh Nữ Maria đã đi qua miền núi đá rừng hoang để thăm bà Ê-li-za-bét. Hôm nay, các Cha đến thăm Thậm Thình và ở lại dâng Thánh Lễ cho bà con giáo dân. Thánh Lễ vọng mừng kính Đức Mẹ hồn xác về trời trở nên linh thiêng hơn khi được cử hành giữa miền sơn cước xa xôi và đơn độc.
Những lời kinh, tiếng hát ngân vang khắp núi rừng. Niềm vui như nở trên môi cười tất thảy mọi người. Mấy mươi năm trước có ai dám nghĩ rằng có một ngày như hôm nay. Chính Chúa đang ngự trong tấm bánh đã quy tụ đoàn con cái tản mác khắp bốn phương vào một gia đình chung sống thuận hòa. Nhờ đó ánh sáng Tin Mừng dần được thắp lên trên rẻo cao đầy thử thách này.
Sau Thánh Lễ, Cha xứ đã trực tiếp kiệu Mình Thánh Chúa đến cho cụ Hàm. Dù không còn đi lại được, lại chịu sự dày vò của bệnh tật nhưng cụ vẫn vui tươi đọc kinh lần hạt suốt cả ngày. Chiều nay, được thông hiệp vào cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Kitô qua bí tích Thánh Thể, cụ càng cảm thấy hạnh phúc và vững tin vào Thiên Chúa quan phòng.
Chia tay cụ Hàm và bà con giáo điểm Thậm Thình, đoàn chúng tôi đi bộ trở ra con đường cũ. Dường như lúc về có Chúa dẫn lối nên đoạn đường trở nên ngắn lại. Cơn giông tố từ đâu kéo nhau bay về cuốn theo bụi đường, những hạt mưa xuất hiện. Màn đêm dần buông xuống khép lại một ngày mệt mỏi nhưng thắm đượm tình Chúa và tình người.
4.Chặng thứ tư: Mẹ về trời giữa một ngày rực ánh sáng
Một ngày mới lại đến, sau một đêm giông tố, bão bùng bình mình lại thức dậy. Hôm nay là ngày Lễ kính Đức Mẹ hồn xác về trời. Đoàn chúng tôi lại tiếp tục chặng hành trình cuối cùng. Một ngày dài với nhiều thử thách cùng những điều lý thú đang đợi chúng tôi khám phá.
Từ Thái Nguyên sang Yên Thế phải đi qua Phú Bình – Cầu Ca theo quốc lộ 37 rồi rẽ sang tỉnh lộ 287, băng qua giáo xứ Nhã Lộng và giáo xứ La Tú. Sau hơn hai giờ giờ đồng hồ, đoàn húng tôi cũng đặt chân đến Yên Thế – địa danh nức tiếng với vị anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám.
Cụ Hoàng Hoa Thám hay còn gọi là cụ Đề Thám mà dân gian phong tặng danh hiệu Hùm thiêng Yên Thế là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế suốt từ năm 1885 đến năm 1913. Cuộc dấy binh của cụ đã để lại tiếng vang lớn trong lòng dân tộc.
Sáng nay, đoàn chúng tôi đến thăm giáo xứ Tân An – một giáo xứ nằm trong vùng rừng thiêng Yên Thế. Tân An hiện nay có khoảng trên bốn ngàn nhân danh đa số sống bằng nghề nông trồng lúa nước. Cha xứ Giuse Ngô Ngọc Đoàn đã chia sẻ nhiều điều về đời sống đạo của bà con giáo dân và công việc mục vụ của Cha trên vùng núi rừng hẻo lánh này.
Dẫn chúng tôi đến thăm giáo điểm Phúc Sơn. Cha Đoàn giới thiệu đây là một trong những giáo điểm chưa có nhà nguyện. Khu đất mà đoàn chúng để xe chính là nơi dự kiến xây dựng nhà nguyện nhưng giờ còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Phúc Sơn có 16 gia đình với 61 nhân danh cũng chủ yêu sống dựa vào ruộng nương. Đời sống kinh tế còn khó khăn.
Dù chưa có nhà nguyện, nhưng Cha xứ vẫn thường xuyên đến dâng Lễ nhờ tại nhà giáo dân. Tuy đời sống khó khăn là vậy nhưng bà con giáo dân vẫn siêng năng đọc kinh cầu nguyện. Mỗi khi Cha xứ cho Lễ là bà con lại họp nhau lại đông đủ chẳng khác gì ngày hội.
Cứ có Lễ là gia đình lại căng bạt ra sân để che mưa che nắng cho mọi người. Đông đảo bà con giáo dân không chỉ Phúc Sơn mà còn của các giáo họ, giáo điểm khác trong vùng đến tham dự Thánh Lễ. Niềm tin rạng ngời hiện lên qua từng đôi mắt của các tín hữu.
Thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ lên trời được cử hành trong đơn sơ nhưng lại tuyệt vời tựa như cuộc đời của Mẹ vậy. Ngay giữa rừng thiêng, lời tuyên xưng Đức tin mãnh liệt của cộng đoàn chính là một biểu chứng hùng hồn cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Đấng cứu nhân độ thế.
Qua mỗi Thánh Lễ, mối dây liên kết mọi người trong cộng đoàn như được thắt chặt hơn nữa. Để nhờ lời Chúa tác động những tín hữu sẽ nhiệt thành sống đạo và sẵn sàng làm chứng cho Tin mừng.
Chia tay giáo diểm Phúc Sơn, chia tay giáo xứ Tân An, lòng chúng tôi rộn vang lên lời thưa xin vâng của Đức Maria. Chiếc xe lại tiếp tục nhiệm vụ đưa đoàn đến điểm hẹn cuối cùng trong chuyến hành trình lần này.
Theo tỉnh lộ 265 rồi rẽ sang quốc lộ 31, đến xã Tiên Hưng thuộc huyện Lục Nam, ngôi thánh đường cổ kính Tiên Nha hiện lên giữa bầu trời thu trong xanh, xung quanh bao bọc bởi hồ nước rộng mênh mông êm đềm.
Sau mấy giờ đồng hồ ngồi trên ô tô, cuối cùng đoàn cũng đến được với mảnh đất nổi tiếng vải thiều Lục Ngạn. Những đồi vải nằm kề bên nhau xanh xanh màu lá hệt như tấm thảm lớn trải ra hai ven đường. Tạo hóa đã ưu ái ban cho vùng đất này giống vải quý, hương sắc thơm nồng, ngọt ngào.
Tiến vào thị trấn Chũ, đoàn chúng tôi dừng chân ghé thăm đền Đức Mẹ của giáo họ nổi tiếng với câu ca “Hỡi anh hỡi chị đi đâu/ Đến đền Đức Mẹ mà cầu bình an. Được tin có các Cha đến thăm, ông Văn Thành đã ra tận nơi đón đoàn. Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên nhà nguyện của giáo họ, ông Văn Thành kể lại huyền tích Đức Mẹ Chũ.
Câu chuyện ông Thành kể nghe sao tha thiết, ngọt ngào. Trước kia có một thời trên vùng đất màu mỡ này người ta lãng quên mất Đạo Chúa nhưng Chúa thì chẳng lãng quên và bỏ rơi một ai. Chính nhờ tượng Đức Mẹ bị nghẹo cổ trong vườn vải suốt bao năm tháng lại trở thành điểm tựa quy tụ các tín hữu. Kể từ đó giáo họ Chũ được hồi sinh.
Đến hôm nay, tượng Đức Mẹ đã được khôi phục lại gần như xưa. Một ngôi nhà nguyện khang trang đã mọc lên trên chính mảnh chứa đầy những vết thương lịch sử.
Tính đến thời điểm này, giáo họ Chũ đã có trên 400 nhân danh phần lớn là các gia đình làm nghề trồng lúa, trồng vải, buôn bán và một số ít là công chức. Các hội đoàn đang dần được thiết lập. Tuần nào, các Cha cũng đến dâng Thánh Lễ cho bà con. Nhờ đó, đời sống Đức tin ngày càng được củng cố và phát triển, số người trở lại đạo cũng không ngừng gia tăng. Đời sống Đức tin đã hồi sinh và thăng triển không ngừng trên mảnh đất này.
Giữa xứ sở của vải thiều, tiếng hát hòa vào lời kinh dâng cao theo điệu hát cung đàn, trầm bổng du dương như tấu lên bản nhạc của con người và đất trời dâng lên lời ngợi ca Thiên Chúa toàn năng, nhân hậu. Niềm hân vui sướng cùng chung một bàn tiệc thánh rộn rã, âm vang xé tan không gian yên ả của một thị trấn nhỏ giữa vùng rẻo cao mênh mông.
Thật trùng hợp, khi Thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ hôn xác lên trời tại giáo họ Chũ cũng chính là Thánh Lễ khép lại chuyến hành hương này của đoàn chúng tôi. Một Thánh Lễ đầy ý nghĩa hứa hẹn một tương lai tươi sáng không chỉ của giáo họ Chũ mà còn cả toàn giáo phận.
Chia tay vị Linh mục trẻ nhất giáo phận, vẫy tay chào bà con giáo dân đoàn chúng tôi trở về ngôi nhà chung tòa giám mục. Bầu trời đêm phủ xuống con đường bóng đen chập chùng. Những khó khăn vất vả tựa như những cơn gió, chúng có thể dập tắt những tia lửa mong manh nhưng cũng thổi bùng lên ngọn lửa Đức Tin mạnh mẽ.
Có đi nhiều nơi, gặp nhiều người mới thấu hiểu một điều, dù người ta có khác nhau về ngôn ngữ, sắc tộc, màu da, dù hoàn cảnh sống có hơn thua, dù nghèo đói hay no đủ, dù hạnh phúc hay khổ đau… nhưng nếu tất cả có chung một Đức tin thì mọi khoảng cách đều trở nên vô nghĩa. Cuộc sống có nhiều con đường để đi nhưng chỉ có con đường thập tự của Đức Kitô là dẫn đến vinh quang Phục Sinh muôn đời.
Những ánh mắt trìu mến, những nụ cười thân thương, những cái bắt tay thấm đẫm tình người, những câu chuyện huyền nhiệm linh thiêng, những câu kinh văng vẳng núi rừng, những lời ca ngân vang như suối nguồn, những tiếng chào nghe ấm lòng người lữ hành, những giây phút sẻ chia ngọt ngào, những kỷ niếm đong đầy con tim… sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng nuôi sống những hạt giống Tin Mừng trên những rẻo cao ngọt ngào. Một chuyến hành trình đầy ăm ắp những kỷ niệm lại cột chặt lấy mỗi người.
Sau 4 ngày lặn lội trên hàng ngàn cây số, băng qua núi đèo hiểm trở, lội qua suối sâu thử thách… đoàn chúng tôi kết thúc hành trình Đức tin trong an bình.
Hai ngàn thu khẽ băng qua
Tiếng xưa Chúa phán xa xa vọng vào
Để giờ trên những rẻo cao
Tin Mừng rợp bóng thanh tao lạ lùng.
Đức Nguyễn