Từ chuyện ông từ đền Sĩ Nhiếp đến việc đặt tên đường cho hai giáo sĩ

Hà Như Nguyệt

Thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng cả lề phải lẫn lề trái xuất hiện hàng loạt ý kiến trái triều về việc đặt tên đường để ghi công hai giáo sĩ Phương Tây đã sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ ở Đà Nẵng. Trong đó, độc giả đặc biệt chú ý đến ý kiến phản đối của phó giáo sư tiến sĩ  Lê Cung, Trường Đại học Sư phạm Huế (ĐH Huế) và nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân. Thế nhưng, ở làng Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có một vị thủ nhang đã dành cả đời cùng tâm huyết để chăm chút cho ngôi đền thờ “tướng giặc” Đông Hán.

Ông từ ở đền Sĩ Nhiếp

Sĩ Nhiếp (có tư liệu gọi là Sĩ Tiếp) là vị quan Thái thú quận Giao Chỉ , ông cai trị Giao Châu  từ năm 187 đến 226 (tức vào cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc theo lịch sử Trung Quốc). Sĩ Nhiếp là vị quan của Nhà Đông Ngô sang cai trị đất Việt. Song le ông lại là người có công đầu trong việc phát triển Nho giáo cho người Việt nên thành ra Sĩ Nhiếp được hậu thế tôn vinh là “Nam Giao Học Tổ”. Ngôi đền thờ vị quan nhà Đông Ngô được xây dựng ở làng Tam Á, tỉnh Bắc Ninh. Có lẽ Sĩ Nhiếp là vị Thái Thú duy nhất người Trung Quốc được người Việt tôn vinh là bậc thánh hiền và xây dựng đền thờ tại chính nơi ông mở trường dậy học trong quần thể thành Luy Lâu xưa.

Cổng đền Sĩ Nhiếp

Giữa những bận rộn và ồn ào, người viết tìm về đền thờ Sĩ Nhiếp giữa tiết trời đầu đông hơi xe lạnh, đan xen những tia nắng vàng nhạt tỏa xuống vùng đất Luy Lâu. Dò đường rồi hỏi thăm, người viết tìm đến được làng Tam Á và gặp được cụ Phạm Đình Phiếu tuổi đã 85, thủ nhang đền thờ Sĩ Nhiếp.  Tuy đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, lưng có gù, chân có chậm nhưng cụ Phiếu vẫn minh mẫn và trên hết là giọng nói còn rất hào sảng. Bình tĩnh nhâm nhi ly trà nóng hổi, cụ Phiếu lim dim đôi mắt, chậm dãi kể chuyện về cuộc đời, về những huyền thoại và điển tích liên quan đến vị quan thái thú nhà Đồng Hán cai trị xứ Việt bao năm nhưng lại là bậc thánh hiền có công với dân tộc Việt, có công với dân làng Tam Á.

Cụ từ Phạm Đình Phiếu

Thế nên, người dân làng Tam Á, già trẻ gái trai dù có đi đâu về đâu vẫn luôn tự hào có đền thờ Sĩ Nhiếp và một lòng hướng về quê hương. Nhất là mồng bẩy tháng Giêng hàng năm, người Tam Á trong nam ngoài bắc, du khách thập phương đổ về làng Tam Á để dự ngày hội đền thờ vị thái thú người Đông Ngô xưa. Vì vậy được làm thủ nhang sớm chiều hương khói nơi đền thờ Sĩ Nhiếp là niềm vinh dự và tự hào chẳng phải ai cũng có được.

Cụ Phiếu  kể về  làng Tam Á bầu chọn cụ từ: Các cụ trong làng cùng với các chức sắc họp nhau bầu ra cụ từ để trông coi, quét dọn và hương khói hàng ngày. Theo phong tục của làng Tam Á khi tới tuổi các cụ mới được đề cử, ngày xưa thì tuổi vào các cụ là 51 tuổi, nhưng ngày nay thì phải từ 60 tuổi trở lên, ứng viên làm cụ từ phải còn khỏe mạnh, danh thơm tiếng tốt mới có thể được đề cử. Trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc không có cụ từ trông coi đền nên dân làng thay phiên nhau ra quét dọn và hương khói ở đền cách tự nguyện. Cụ Phiếu đã không ít lần được đề cử, nhưng tới tận khi 80 tuổi cụ  mới nhận lời dân làng ra làm cụ từ. Công việc hàng ngày của cụ là quét dọn đền, mỗi ngày thắp hương hai lần   vào sáng sớm và chiều tối.                                                                                                  

Dân làng Tam Á và khách thập phương vẫn thường xuyên đến thắp hương khấn  tại đền vào các ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng. Đặc biệt, vào các dịp thi cử thì có rất nhiều các cháu học sinh tìm đến đây thành tâm lễ bái xin với thánh nhân được đỗ đạt. Riêng ngày hội mồng bẩy tháng Giêng thì khỏi phải nói, khách thập phương ở khắp mọi nơi túa đến trẩy hội và khấn xin vị quan thái thú nhà Đông Ngô phù trì.

Cụ phiếu rất vinh dự được làm cụ từ tại đền Sĩ Nhiếp. Cụ bảo, cụ từ là thăy mặt cho nhân dân trong thôn, làng chăm chút cho ngôi đền, đền xấu hay đẹp là tùy thuộc vào cụ từ. Có người khi đến thăm đền muốn vào hậu cung nhưng cụ không cho phép vì hậu cung là nơi linh thiêng nơi thánh ngự nên chỉ cụ từ mới có thể được vào và mỗi ngày chỉ được vào một lần quét dọn và thắp hương. Cụ Phiếu còn tự hào kể về ông cụ thân sinh khi sinh thời cũng đã từng làm cụ từ, nhờ thế cụ Phiếu đã học được các bài khấn vái với thánh nhân từ cụ thân sinh.

Để ghi ơn công lao Thái Thú Sĩ Nhiếp, dân làng Tam Á đã làm bài thơ ca ngợi công đức của vị Nam Giao Học Tổ – Thánh Sĩ Nhiếp như sau:

“Hùng cứ một phương đấy Giao Châu

Nội trị ngoại giao khéo những là

Giữ yên bờ cõi thời loạn lạc

Những bậc trí hùng lẽ nào hơn

Thời ông cực thịnh dân yêu mến

Sớm khánh chiều chuông sáo kèn vang

Ngựa xe nô nức người đi lại

Luy Lâu há lại kém Trường An

Việc quan nhàn rỗi siêng đèn sách

Góp dựng nên nền đất hiến văn

Dạy dân thông hiểu điều thi lễ

Xứng là học tổ đất trời Nam

Lăng mộ nghìn thu cừu trấn phục

Tam quan cổng đón đất nho sinh

Ngày dương tối nguyệt thánh trì tụng

Con cháu nơi này mãi vinh quy.”

Đó là câu chuyện của cụ từ, còn ở cấp quốc gia, Bộ văn hóa thông tin đã cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cho đền là lăng  Sĩ Nhiếp từ năm 1993.

Hai vị tiến sĩ phản đối đặt tên đường Alexandre de Rhodes

Trong những ngày qua, việc đặt tên đường để ghi ơn hai giáo sĩ Thiên Chúa Giáo đã có công sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ cho người Việt sử dụng đã có nhiều câu chuyện phức tạp. Có nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có nhiều ý kiến phản kịch liệt. Trong các ý kiến phản đối, nổi lên hai người có vị thế khá khủng là phó giáo sư Tiến sĩ  Lê Cung, trường ĐH Huế và nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân. Hai ý kiến trái triều này làm cho thành phố Đà Nẵng phải tạm gác lại việc đặt tên đường để ghi ơn hai vị giáo sĩ có công với chữ Quốc Ngữ.

Tuổi Trẻ Online ngày 26 tháng 11 năm 2019 có đăng tải ý kiến phản đối của hai vị này khi cho rằng: giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina chưa xứng đáng để hậu thể noi gương. Trái lại hai giáo sĩ có tội với dân tộc Việt nam chứ không phải có công, như ông Cung khẳng định:  “Alexandre de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Trái lại, đối với dân tộc Việt Nam, Rhodes là kẻ có tội thì làm sao vinh danh, đặt tên đường được…..” Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì cho rằng:  “quá trình ban đầu của việc tạo ra chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển văn minh của dân tộc ta, mà chỉ là một phương tiện để truyền giáo, một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta…..”

 Từ góc nhìn chủ quan, người viết không biết hai giáo  Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina  có tội với dân tộc như thế nào mà ngày nay gần như 100% người Việt nam dùng chữ viết của các ngài. Nếu các ngài có tội thì cũng chỉ có tội với những nho sĩ giáo điều luôn muốn bám vứu vào chữ Nôm, chữ Hán: “Cái học nhà nho đã hỏng rồi, Mười người đi học, chín người thôi ,”. Không biết hai vị đang phản đối hai giáo sĩ trên khi dùng chữ của các ngài sáng tạo ra để phản đối các ngài các vị đó nghĩ gì, hay là các vị vẫn đang dùng chữ Hán, chữ Nôm. Nói như rất đông cư dân mạng đã nhận xét thì hai vị này đang “ăn cháo đá bát”, tức là dùng ngay chữ viết để phản đối công sức của người sáng tạo ra chữ viết.

Chắc chắn để sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ thì hai giáo sĩ trên không thể làm một mình được mà  cần đến sự cộng tác của người bản địa. Nhưng không ai có thể chối cãi được ý tưởng để sáng tạo ra chữ quốc ngữ là ý tưởng của các giáo sĩ. Cuốn từ điển xuất bản đầu tiên: Việt–Bồ–La là do cha Alexandre de Rhodes biên soạn và ấn bản là minh chứng rõ rệt nhất cho công sức của các giáo sĩ Phương Tây với sự phát triển của dân tộc Việt cho đến ngày nay.

Sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là công cụ để thực dân Pháp xâm lăng…” có lẽ đây là suy nghĩ mông muội và giáo điều vô cùng tận. Kết luận như thế là thiếu căn cứ, là quy kết, là chụp mũ, vì cả hai giáo sĩ đều không phải là người Pháp. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes gốc Do Thái,  sinh tại Avignon lúc đó là vùng đất của Tòa Thánh, lãnh thổ của Đức Giáo Hoàng (chứ không phải thuộc Pháp), còn giáo sĩ Francisco de Pina lại là người Bồ Đào Nha. Trong khi đó cả hai giáo sỹ đến Việt nam từ  năm 1617 – 1645, trước khi thực dân Pháp đến Việt nam (1858) đến hơn 200 năm. Để chiếm Việt Nam có lẽ nào người Pháp đã phải cử “gián điệp” đi thám thính từ hơn 200 năm trước để tìm hiểu cặn kẽ về dân tộc Việt Nam nhằm mục đích phục vụ cho việc xâm lược? Hai thế kỷ chứ không phải hai cái chớp mắt để tìm hiểu về đường đi nước bước của “con mồi” liệu có đáng tin chăng?

Có thể nói các giáo sĩ Công giáo sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ với mục đích ban đầu là dậy đạo cho người Việt và truyền bá văn minh Âu châu cho người dân, chứ các ngài đâu cần hậu thế vinh danh hay đặt tên đường. Bởi lẽ, các ngài là những giáo sĩ Dòng Tên nên nằm lòng câu Thánh vịnh: “Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,  nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.“ (Tv 49, 12)

Dẫu vẫn biết quan điểm ủng hộ hay phản đối là tự do của mỗi cá nhân, tuy nhiên lịch sử sẽ đánh giá rất công bằng công tội của mỗi người. Nếu phải so sánh về cụ từ Phạm Đình Phiếu ở đền Sĩ Nhiếp với hai vị lên tiếng việc đặt tên đường cho giáo sĩ Phương Tây thì thật là khập khiễng. Bởi lẽ cụ từ ở đền Sĩ Nhiếp là người ít được học hành, quanh năm chỉ biết ruộng vườn nhưng cụ lại có cái nhìn hết sức nhân văn và lòng biết ơn vô hạn đối với người đã đem Đạo Nho tới với dân tộc Việt. Trong khi đó PGS.TS Lê Cung và nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân là những bậc đức cao vọng trọng, có ăn có học đàng hoàng nhưng lại thiếu đi cái nhìn công bằng về một thời kỳ, về một nhân vật lịch sử ngoại lai nhưng đem đến cho dân tộc Việt biết bao điều mới mẻ. Vị quan đại diện cho chính quyền cai trị của Trung Quốc trong thời kỳ nghìn năm Bắc Thuộc được người dân Việt vinh danh. Vậy thì còn lý do nào có thể ngăn cản việc đặt tên đường cho những giáo sĩ phương Tây đã sáng tạo ra chữ viết chúng ta vẫn đang dùng. “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” là điều mà cha ông đã dậy dỗ từ khi ta còn trong dạ mẫu thân, hà cớ chi ta phải làm cái việc “ăn cháo đá bát”?

Lăng Sĩ Nhiếp