Vài nét về giáo xứ Kẻ Mốt (Đức Trai)
Giáo xứ Kẻ Mốt hay còn gọi là Đức Trai là một trong những giáo xứ cổ kính của giáo phận Bắc Ninh, cổ cả về lịch sử hình thành và đời sống đức tin. Giáo xứ nằm bên tả ngạn sông Thái Bình thuộc địa bàn hành chính xã Cẩm Sơn – huyện Cẩm Giàng – tỉnh Hải Dương. Kẻ Mốt cách TGM Bắc Ninh 40km về hướng Nam và là giáo xứ duy nhất của giáo phận Bắc Ninh nằm trên địa bàn hành chính tỉnh Hải Dương.
1. Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thôn 2, Định Sơn, Cẩm Giàng, Hải Dương.
Năm thành lập: 1841
Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi (7/10).
Cha xứ: Giuse Nguyễn Văn Công
Giáo dân: Kẻ Mốt hiện có 250 nhân danh sống rải rác trong tổng dân số của xã vào khoảng 2700, đa phần bà con giáo dân sống dựa vào nông nghiệp. Đây là mảnh đất màu mỡ phù sa do sông Thái Bình bồi đắp, thuận lợi cho việc trồng cấy hoa màu.
Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn Đaminh giáo dân, hội Mân Côi, hội nhà hoa, hội nhà nến, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, đoàn trống trắc, ca đoàn.
Nhà thờ: Nhà thờ rộng 10,5m, dài 30m, mái cao 15m, tháp chuông cao 35m với 3 quả chuông, quả chuông nhỏ chừng 50kg đúc từ khi xây dựng nhà thờ cũ và 2 quả chuông mới được đúc sau này, mỗi quả nặng chừng 100kg.
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Kẻ Mốt là một trong những mảnh đất đón nhận đức tin đầu tiên của giáo phận Bắc Ninh (trước cả Kẻ Sặt của Gp. Hải Phòng). Năm 1841, Đức cha Hermosila Liêm O.P dời Tòa Giám mục từ Phố Hiến về đặt tại Kẻ Mốt (địa điểm đó nay thuộc địa bàn xã Định Sơn – Cẩm Giàng – Hải Dương). Thời gian này, Dòng Đaminh, các lớp chủng viện Latinh và Lý đoán cũng theo về đặt trụ sở tại Kẻ Mốt. Như vậy, từ năm 1841 tới năm 1883, Kẻ Mốt là nơi đặt Tòa Giám mục Đông Đàng Ngoài, có đầy đủ chủng viện và dòng tu.
Trong 42 năm tồn tại, Chủng viện Kẻ Mốt đã đào tạo được khá đông các linh mục cho giáo phận Đông Đàng Ngoài. Lúc ấy, Kẻ Mốt có khoảng trên 1000 giáo dân. Đây là quãng thời kỳ sôi động của Giáo Hội Việt Nam. Vào thời Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883), cha xứ Kẻ Mốt và Kẻ Sặt là Vinhsơn Đỗ Yến bị bắt và chịu xử trảm ngày 30/6/1838 tại pháp trường ở ngã tư Bình Lao – Hải Dương. Cha xứ Phêrô Nguyễn Văn Tự bị bắt và chịu xử trảm ngày 5/9/1838 tại pháp trường Cổ Mễ (Cống Muối) Bắc Ninh. Cùng bị bắt với cha xứ Phêrô còn có năm chứng nhân anh dũng khác là: Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu (thầy giảng), Đaminh Bùi Văn Úy (thầy giảng), Tôma Nguyễn Văn Đệ (thợ may), Augustinô Nguyễn Văn Mới (lao công) và Stêphanô Nguyễn Văn Vinh (tá điền), cả năm đều chịu xử giảo (thắt cổ) ngày 19/12/1839 cũng tại pháp trường Cổ Mễ – Bắc Ninh.
Kẻ Mốt không chỉ sản sinh ra các anh hùng tử đạo mà còn là nơi che giấu và nuôi dưỡng các Đức cha, quý cha và thầy giảng trong các thời kỳ cấm đạo khốc liệt nhất. Đức cha Hermosilla Liêm đã sống và làm việc ở Kẻ Mốt, Đức cha Berriô-Ochoa Vinh và cha Almatô Bình đã học tiếng Việt và lẩn trốn ở Kẻ Mốt, cả ba đều chịu tử đạo vào ngày lễ Các Thánh năm 1861, tại pháp trường Năm Mẫu, ngoại thành Hải Dương. Cuối cùng là Thầy Giuse Nguyễn Duy Khang. Thầy Khang học tại chủng viện Kẻ Mốt, thầy đã hăng hái phục vụ và bảo vệ Đức cha Hemosilla Liêm và bị xử trảm ngày 6/12/1861 tại pháp trường Năm Mẫu khi mới 29 tuổi. Tất cả các ngài đều được Đức Gioan Phaolô II phong hiển thánh ngày 19/6/1988.
Năm 1954, hòa vào dòng người di cư, đa phần giáo dân Kẻ Mốt khăn gói vào Nam lập nghiệp tại các giáo xứ Thạch Đà (Gò Vấp – Sài Gòn) và giáo xứ Phong Cốc (Tây Ninh). Vào những năm 1970, chính sách khai thông dòng chảy sông Thái Bình được triển khai, nhà thờ và giáo dân di tản lên vùng trên cách đó khoảng 7km (tức là địa điểm hiện tại thuộc xã Định Sơn). Năm 1978, Cha Giuse Trần Đăng Can khởi công xây dựng nhà ngôi nhà thờ đầu tiên cho giáo dân Kẻ Mốt tại vùng đất mới di cư lên. Sau hơn 20 năm, ngôi nhà thờ dần xuống cấp, tới năm 2003 Cha Giuse cùng ban hành giáo và giáo dân khởi công xây dựng nhà thờ mới, nhà phòng, nhà giáo lý.
Nhà thờ hiện tại của giáo xứ tọa lạc tại thôn 2 – Định Sơn, được hoàn thiện năm 2005. Nhà thờ là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo kết hợp hài hòa các giá trị kiến trúc của phương Đông và phương Tây, tạo nên hình thái vừa linh thánh vừa gần gũi.
3. Đời sống đức tin
Đến nay, giáo xứ Kẻ Mốt đã có được cơ sở vững chắc. Tuy số giáo dân còn khiêm tốn (so với năm 1954), nhưng đời sống đức tin đang ngày được củng cố và phát triển. Hằng tuần, giáo xứ có thánh lễ vào tối thứ 4 và tối thứ 7. Tuy là giáo xứ nhỏ nhưng Kẻ Mốt cũng có rất nhiều hội đoàn đang hoạt động tích cực, để góp phần làm cho cây đức tin của giáo xứ hồi sinh và đâm bông kết trái, hầu kế thừa truyền thống và di sản đức tin đồ sộ của các bậc tiền nhân anh dũng.
BTT GP Bắc Ninh