Về làng Đông Tiến thăm ngôi nhà thờ bỏ hoang

 Nằm ở bên tả ngạn sông Cầu,  về phía Tây Bắc so với thành phố Bắc Ninh, ngôi nhà thờ bỏ hoang Đông Tiến không chỉ thu hút lữ khách bằng vẻ đẹp cổ kính mà còn bằng những câu chuyện phong rêu…

Đặt chân tới xứ Quan họ trong tiết trời se lạnh bởi cái rét Nàng Bân, tôi ngẩn người trước vẻ đẹp cổ kính, hoang sơ của ngôi nhà thờ cổ từ phía bên bờ dòng sông mang nhiều dấu ấn lịch sử. Chỉ qua một chuyến phà sang ngang hoặc đi qua cây cầu Thị Cầu, tôi có thể đặt chân đến ngôi làng Đông Tiến – xã Quang Châu – Việt Yên – Bắc Giang. Chính con sông Cầu hay còn gọi là sông Như Nguyệt là lằn ranh chia cắt hai tỉnh Bắc Hà này.

5

Nhà thờ nằm ngay bên triền đê và giữa lòng những ngôi nhà đang mọc lên san sát. Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ rằng, nó sẽ ở giữa một bãi đất trống hay đồng không mông quạnh nào đó. Và tôi phát hiện ra,” trăm nghĩ chẳng bằng một đến”! Đến không chỉ để xem nhưng còn được nghe về những chuyện xưa cũ…

Làng Đông Tiến ngày nay là một ngôi làng “lương dân hoàn toà”. Họ là những người nơi khác đến định cư tại đây sau năm 1954. Sau trận Điện Biên Phủ, hơn một triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam. Trong số đó, có những giáo dân thuộc xứ họ Đông Tiến. Họ bỏ làng, bỏ nhà thờ, cả lợn gà, đồ dùng trong nhà và lẫn vào đấy sự luyến tiếc. Dân xóm bên và những người từ khu tự trị Việt Bắc trở về đã chiếm dụng ngôi nhà bỏ lại này.

Sau đó, nhà thờ Đông Tiến được làm trường học cho trẻ; phía sân nhà thờ trở thành hợp tác xã; nhà xứ thì được UBND xã dùng để làm việc. Ở gần nhà thờ là dinh thự gồm hai tầng với những gác gỗ bằng lim của cụ Trùm Vinh – là địa chủ lúc bấy giờ. Sau khi cả làng di cư đi hết, UBND xã cho phá dỡ những gác gỗ và tài sản của nhà cụ để chia cho một số bần cố nông. Tuy nhiên, chiếc cổng có hình Thánh Giá ở phía trên của nhà cụ vẫn còn cho tới bây giờ.

4. Cổng nhà của ông Trùm Vinh

Cổng nhà ông trùm Vinh

Khoảng năm 1978, ông Trần Văn Cương (đã mất) lẻn vào nhà thờ để đào trộm xem có của cải gì không. Vô tình, ông đào vào ngôi mộ có hài cốt chứa trong một chiếc tiểu bằng đất. Trong ngôi mộ có một thẻ bài trắng bằng ngà đề chữ quốc ngữ là: Đức Thánh Xương (vị đầu mục tử đạo còn có tên là Phêrô Khanh nhưng dân làng vẫn gọi là Đức Thánh). Hiện nay, mộ của ngài vẫn đang nằm ở đó và được một nhà dân bên cạnh thắp hương mỗi tháng. Được biết, nhiều cha trong giáo phận Bắc Ninh cũng tỏ ý muốn đưa di hài của cị đầu mục Xương về; tuy nhiên,  cũng có những ý kiến cho rằng nên để tại  đó để người dân xung quanh không động tới phần còn lại của nhà thờ.

1. Nơi chôn cất của Đức Thánh Sường

Mộ vị đầu mục Phê rô Khanh (Xương)

Năm 1978, UBND xã, do ông Nguyễn Hữu Để thuộc làng Quang Biểu chủ trương đầu tiên đã cho phá dỡ nhà thờ. Nhà xứ được làm Ủy ban cũng được đem bán cho dân. Ông Nguyễn Văn Thiêm – đời thứ hai ở trên đất nhà xứ xưa kể rằng: ngôi nhà cũ của linh mục có kiến trúc kiểu Pháp với nhiều mái vòm. Trên mái vòm giữa cửa nhà có chữ Nam Thanh Quán ( hoặc là Quang). Ngôi nhà thờ cũng được thiết kế rất đẹp. Những bậc cầu thang lên tháp chuông và cột nhà thờ được làm bằng gỗ lim. Có cái cột cao tới 5-6m và phải hai người lớn mới ôm trọn. Nhà thờ còn được làm bằng rất nhiều mái tôn đẹp. Tuy nhiên, sau khi phá dỡ thì họ chia cho dân, mỗi người một ít.

Ông Thiêm còn kể rằng, ở xung quanh có nhiều ngôi mộ. Chỉ những người có chức sắc như linh mục hay ông bà cố mới được chôn ở đó. Khi chôn thì mộ được đào sâu 2m và có đề tên bằng tiếng Pháp.

3. Ông Nguyễn Văn Thiêm

Ông Nguyễn Văn Thêm

Nhà thờ chỉ bị phá phần giữa và vẫn còn tháp và phía cuối. Nhiều người dân xung quanh đã lấn đất và xây nhà hoặc công trình phụ xung quanh. Hiện tại thì không có đường đi nào và khu giữa nhà thờ. Phía trên tháp nhà thờ, cây cối mọc rất nhiều. Hồi trước, có một cây đa rất to và đẹp mọc trên đó. Nhiều người tới để lấy nhưng không thể lên được. Giờ thì cây đa đó không còn. Tháp chuông còn là nơi trú ngụ cho nhiều đàn chim sẻ hay chim lạc từ chân trời nào. Họ chỉ biết rằng lũ chim trời hay tới đó để  xây tổ và làm cho ngôi làng thêm thanh bình.

Mọi người trong làng Đông Tiến ngày nay chẳng ai biết về số tuổi của ngôi nhà thờ. Họ chỉ biết rằng, khi ông bà, cha mẹ và chính họ sinh ra đã thấy có nó, đã thấy nó sừng sững và nghiêm trang bên dòng sông Như Nguyệt. Bị bỏ hoang và tàn phá bởi bàn tay thời gian, nó vẫn không chịu ngã gục mà còn là mảnh đất cho nhiều mầm sống trên nó.

Nhiều người từ phía sông bên này đứng ngắm vẻ đẹp hoang sơ của ngôi nhà thờ bị bỏ hoang này. Nhiều đoàn thì tới đó để tham quan và nghe người dân nơi đây kể về những câu chuyện “đã bám rêu”. Đôi khi, có những người trẻ từ Sài Gòn hay từ đâu đó trên địa cầu quay lại nơi đây để tìm về nguồn cội. Nó vẫn và sẽ đứng đó như một chứng tích về lịch sử , về đức tin của một thời đã qua…

2. Phần cuối của ngôi nhà thờ 4. 5. Nhà một người dân ở trước phía đầu nhà thờ. 5. Phía đầu nhà thờ.

Lữ khách