Dân họ trong tiếng reo vui và nước mắt của lòng tin

MM Tân, SJ.

Chuyện về một giáo họ vùng xa,

Tuyên Quang, một vùng đất bao gồm nhiều ngọn núi cao san sát nhau, người dân sống dọc theo dòng sông Lô, tuy nhiên hai bên bờ sông cũng toàn núi cao, dưới dòng sông đây đó những tảng đá ngầm lởm chởm.

Dân ở đây bao gồm người kinh từ dưới xuôi lên vào những năm đói kém, men theo dòng sông Lô. sinh sống trên các nhà bè vừa chở cây về xuôi, vừa bán mắm muối, rồi từ từ lên bờ lập cư, sống xen lẫn với các bản làng dân tộc Tày, Dao, Mán… từ đó hình thành nên những xứ đạo dọc theo sông Lô : Đồng Chương, Yên Thịnh, Lực Tiến, Vĩnh Ngọc, Tân Bình, Bạch Xa thuộc Giáo phận Bắc Ninh là một phần đất của tỉnh Tuyên Quang, và cuối cùng là giáo xứ Vân Cương, Huyện Đoan Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ, từ đây dòng sông Lô đổ vào sông Hồng. Riêng giáo xứ Vĩnh ngọc, Lực Tiến nằm ven bờ sông Gâm, con sông bắt nguồn từ Quảng Tây – Trung Quốc chảy qua địa hạt các huyện Na Hang, Chiêm Hóa rồi đến Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang và hòa mình vào sông Lô.

Đất hẹp, người thưa vì đâu cũng chỉ thấy núi non, dân chúng hôm nay sống nhờ cây cam, chanh, và khoai mì trồng men theo sườn núi, vất vả lắm. Xen kẽ giữa các dãy núi là những con đường và những mảnh ruộng lúa.

Năm 1984, khi thầy Vinh sơn Nguyễn Hải Du được bề trên Giáo Phận sai đến vùng này để gặp gỡ các trùm họ, bấy giờ mới chỉ có 18 họ đạo, tất cả trực thuộc giáo xứ Đồng Chương, nay thì đã thành lập thêm được 5 giáo xứ nữa, mỗi giáo xứ ít gì cũng phải có trên dưới 5 giáo họ, đấy là chưa kể đến các giáo điểm đang hình thành.

Bước lữ hành của mỗi giáo họ khác nhau, nó cũng giống như bước lữ hành của một đời người, có thể vươn lên tới tận trời, nhưng nếu buông mình theo thói đời thì sẽ có ngày rơi xuống vực thẳm, để cuối cùng bị vùi dập trong ghen tương, hờn giận.

Và sau đây là hành trình của một họ đạo, từ khởi đầu cho mãi tới hôm nay:

Năm 1945, năm đói, các cụ từ tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) theo dòng sông Lô lên vùng núi rừng heo hút Tuyên Quang, và đã dừng chân ngay tại một khúc sông có cây cao bóng cả. Qua tới năm 1947, có thêm mấy gia đình nữa, các cụ đã xúm nhau chặt cây dựng một ngôi nhà lá lụp xụp làm chỗ họp nhau đọc kinh cầu nguyện.

Qua năm 1959, số gia đình có trên chục nhà, các cụ xẻ gỗ vuông dựng lên ngôi nhà nguyện đầu tiên.

Trận lụt năm 1969, nước ngập lênh láng, nhà nguyện được dời lên chỗ đất cao

năm 1988, nhà nguyện di dời một lần nữa, nhưng vì ngôi nhà đã mục nát, đã đến lúc phải tính đến việc dựng một ngôi nhà nguyện mới.

năm 1990, khi đó giáo họ đã có khoảng gần 30 nóc nhà. Ông cụ An tôn Phạm Bá Tòng coi như trùm họ đứng ra kêu gọi mọi người bắt tay dựng nhà thờ mới, công việc được trao cho 3 chàng trai trẻ đứng ra đảm đang mọi chuyện. họ đã sát cánh bên nhau, khi ấy nhà nhà đều có cây soan sẵn sàng dâng cúng, các anh đã vào từng nhà để chọn phải chặt cây nào cho đúng việc, đồng thời cho phạt mộc tại chỗ để khi tập trung, chỉ cần một hai ngày là có thể dựng.

Khung sườn nhà được dựng lên, vì giữa anh em toàn các tay thợ mộc giỏi, ngày nào cũng có cả chục thợ làm, nhưng cơm ăn thì bữa nào biết bữa đó. Có ngày tới 9 giờ sáng rồi mà bếp vẫn trống trơn, ấy vậy cứ đúng giờ đúng buổi là cơm nước tươm tất : nhà cho nắm gạo, nhà cho con gà, trái bầu, trái bí, mọi người no lòng hả dạ, chẳng đói khát bao giờ.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, dựng một ngôi nhà thờ không dễ dàng gì.

Nhưng  vì Thiên Chúa thương xót và muốn ôm ấp từng mái nhà trong vòng tay tình yêu của Ngài, Chúa vui  thích ở giữa những người con dân nghèo khổ, do đó chính Người đứng ra lo liệu, qui tụ, liên kết để mọi người chung sức, chung lòng, đủ khôn ngoan để ngôi nhà được hoàn tất trong Thiên Chúa và trong tình yêu của người.

Nhà nguyện đã làm xong chỉ còn thiếu mái ngói, bà con nghèo biết kiếm đâu ra tiền mua? Cuối cùng Đức Giám Mục giáo phận đã đứng ra phụ giúp để ngôi nhà nguyện hòan tất đẹp đẽ, trở thành điểm qui tụ và liên kết dân họ.

Từ tiếng cầu kinh dòn dã ở nhà thờ cho đến lời kinh sáng tối của mỗi nhà, đến công việc của từng nhà, đâu có việc là ở đó có chung tay góp sức, bất kể cưới hỏi, ma chay, hay làm nhà làm cửa, hoặc cấy hái… vùng đất này, mảnh trời này, vùng quê nghèo nhưng giầu lòng nhân ái, già trẻ lớn bé đều vui tươi và  Thiên Chúa cũng vui thích ở giữa dân Người, cứ như một mảnh trời riêng của Thiên Chúa với con cái loài người.

Thời gian dần trôi, giáo họ mỗi ngày thêm nề nếp : trong các đám tang, trước đây chỉ nghe tiếng kèn bát âm, nay đã biết lấy lời kinh thay tiếng khóc mỗi khi có nhóm hay hội đoàn tới viếng xác; còn đám cưới thì phải đầy đủ phép tắc ở giáo xứ Đồng Chương, nếu không, cỗ bàn dọn lên có to mấy cũng chỉ ngồi nhìn nhau chứ chẳng ai tham dự; hội các ông gia trưởng và hiền mẫu cũng được gây dựng, để đêm đêm có lời kinh tiếng hát vang lên, nay nhà nọ mai nhà kia, thiếu nhi tập trung học kinh bổn mỗi chúa nhật.

Năm 2008 : Giáo xứ đón cha xứ đầu tiên.

Qua tới năm 2012 : giáo xứ đón cha xứ thứ ba

Thế rồi, vào một ngày tháng 9 năm 2015, cha xứ muốn cùng với bà con xây nhà thờ mới, bởi vì số gia đình nay đã gia tăng, từ 30 gia đình ban đầu giờ đã hơn năm chục.

 Ngôi nhà nguyện, dù đã trải qua 25 mùa mưa gió, nhưng vẫn vững vàng như dân họ, vững niềm tin và lòng cậy trông, mối dây hiệp nhất vẫn bền chặt, đặc biệt kể từ năm 2008, có các cha về coi sóc. Thực ra,  đôi khi giữa dân họ cũng có một vài chuyện rầy rà va chạm, như viên đá nhỏ ném vào mặt nuớc phẳng lặng, khuấy động đôi chút rồi trả lại yên tĩnh cho vùng đất vốn hiền hòa, mãi hiền hòa.

Xóm nghèo đã chung sức để dựng lên ngôi nhà thờ gỗ chắc đẹp, dù trong túi chẳng có một đồng, nay không chỉ dân họ đứng ra, mà có cha xứ chỉ đạo, thì ngôi nhà thờ lớn mấy cũng đâu khó gì, nhưng cái khó lại đến từ một chuyện cỏn con mới buồn cười chứ.

Công trình xây dựng đâu chả vậy, cần nguồn điện 3 pha để khoan, cắt sắt và hàn, vận hành máy trộn hồ, và cha xứ đã giao cho một trong 3 chàng trai trẻ năm nào, lo thủ tục xin kéo đường dây điện mới về làng. Điều làm cha xứ ngạc nhiên là giấy tờ mới xin đã được chấp nhận lẹ làng, với công thức dân chôn cột, nhà đèn kéo dây và đặt đồng hồ.

Phần kéo dây nhà đèn xin 12 triệu, có gì không ổn trong chuyện này? chuyện thủ tục đầu tiên có gì lạ đâu, nhưng với một số người thì lại nghĩ khác, và bất đồng diễn ra từ đây, chuyện nhỏ thôi mà.

Quen với tình làng nghĩa xóm trước giờ dễ dàng, anh đứng ra xin điện đi vay 8 triệu đóng trước, nhưng hỡi ơi, có một số khá đông không muốn chi trả thì sao, chuyện đã rồi, đúng là chuyện cười ra nước mắt…Người đứng ra lo liệu, nói rằng mình chẳng bỏ túi được một xu, nhưng một số người khác cứ nghĩ ngược lại. Có thể giữa dân họ còn nhiều uẩn khúc, trước giờ mọi người đều bỏ qua cho xong chuyện, coi như “củ ấu cũng tròn”, nay thì chuyện kéo điện đã châm ngòi nổ, cha xứ đứng giữa chịu trận.

Chuyện nọ tiếp chuyện kia, chỉ là những viên sỏi nhỏ ném vào mặt nước phẳng lặng bấy lâu, nhưng nhiều viên sỏi thì xáo trộn cả mặt hồ, làm vùng quê nghèo dậy sóng : những con tim của lòng tin, con tim của tình bạn nay bắt đầu ngờ vực.

Đồng tiền, vâng đồng tiền thì cứ dương dương tự đăc, rung đùi cười ngạo nghễ.

Cuối cùng, mặc cho những bất đồng, ngôi nhà thờ mới cũng xây dựng xong, khang trang và đẹp đẽ. Nhưng ngôi nhà thờ các tâm hồn trong giáo họ thì vẫn còn dang dở.

Thật vậy, một khi sự gắn bó tương thân tương ái đã nhạt phai thì ngôi nhà thờ có đẹp mấy cũng không đủ sức qui tụ. Có những người gặp nhau “bằng mặt” chứ không dễ “bằng lòng”.

Và một ngày…tháng…năm, trong hai thánh lễ thánh lễ Chúa Nhật và lễ kính Thánh Quan Thày dân họ, bên các ông đếm được 3 người, các bà đông hơn chút. Sự thể  đã làm cha xứ bối rối, không biết làm gì khác hơn là rút thẻ Vàng cảnh cáo : “Các ông bà không cần Lễ thì tôi không đến cho Lễ nữa”.

Thực ra, cánh cửa nhà thờ bấy lâu vẫn mở rộng, nhưng một số người cũng chẳng màng lui tới, thì đóng với mở, lễ với không lễ cũng giống nhau thôi.

Thế là chuyện bình thường đã trở thành bất thường, và xóm nghèo  lâm cảnh bất bình thường.

Thực tế, bước đường lữ hành của một giáo họ chứa đầy những chuyện bất thường thì cũng chỉ là bình thường thôi mà, để Thiên Chúa, ngay trong những bất thường của con người, dẫn con người đến vùng trời của đức ái, ở đó những bước bất thường trong cõi vô thường chỉ là bình thường, để dân họ có thể vươn tới Thiên Chúa là Đấng phi thường.

Trong khi dân họ vẫn đang trong tình trạng bị  “thẻ vàng” thì cha xứ nhận lệnh đổi nhiệm sở,

Giáo họ cùng với bà con trong giáo xứ đón cha quản nhiệm mới,

Đứng trước đoàn chiên tan tác, người đã làm gì và sẽ phải làm gì?

Theo gương vị thánh tông đồ dân ngoại,

Cha xứ đã đến từng nhà : “khuyên nhủ, khích lệ, van nài mọi người” (1Tx, 2,12)

sống xứng đáng với ân huệ Thiên Chúa ban…

vẹn nghĩa trọn tình với nhau trong Thiên Chúa.

Những chuyện bất thường trong cuộc sống chỉ là bình thường thôi mà,

Nhưng cũng có thể làm cho con người “ra” tầm thường, nhỏ nhen. Đáng tiếc!

Dân họ hôm nay, đang lấy lại nhịp sống,
Nhìn nhau, chung bước trên những nẻo đường của tình yêu và lòng thương xót.
Khắp nơi lại tràn ngập tiếng reo vui.
vì chỉ có một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha.
Trong mọi chuyện, người này nhắc bảo người kia :
“Chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa,
Ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra. (1Ga 4,7).