Ốc mượn hồn
Khi mặt trời đang lặng lẽ cất dần những tia nắng chói chang, bỗng mắt tôi bắt gặp một người bạn đang nhẹ thả những bước chân trên bờ cát trắng. Người bạn này đã một thời đưa biển đến với tôi, lúc tôi còn là một cô sinh viên. Vốn là một người con của vùng nông thôn xa biển, tôi chưa một lần đến biển, chưa một lần được nghe tiếng ào ào của sóng vỗ, chưa một lần nếm vị mặn chát của nước biển, chưa một lần thấy những đoàn, lớp sóng nô đùa bên nhau. Thỉnh thoảng có con sóng tinh nghịch, lao mạnh vào bờ đá góc cạnh, rồi thích thú văng ra những giọt nước trắng xóa. Nhưng khi gặp bạn, tôi có cảm giác mình như đang ở biển, đang được thả mình trên mặt nước mênh mông. Người bạn đó có tên là ỐC MƯỢN HỒN.
Khi nghe tên bạn, trong tôi bỗng xuất hiện một cảm xúc thật hứng thú với cái tên ngộ nghĩnh hay hay, và cũng gợi lên một chút tò mò.Tại sao bạn lại có tên như thế? Cái tên đó có nghĩa gì vậy?
Sự tình là thế này: Vỏ ốc bên ngoài vốn là “ngôi nhà” của bạn ốc xa lạ, nhưng bạn ốc đó đã không còn tồn tại. Giờ nó chỉ là một thứ bất động, vô giá trị. Vào một ngày kia, có một loài khác thấy thích với “ngôi nhà” đó, và rồi nó vào cư ngụ. Từ đó trở đi, vỏ ốc như có nguồn sống mới. Nó trở nên sống động hơn, được phiêu du mọi nơi trên bờ cát trắng, lẫn dưới lòng biển sâu. Đặc biệt hơn, nó lại có một cái tên trong các loại sinh vật trên biển.
Tên của bạn ốc khiến tôi không khỏi suy tư về thân phận của một kiếp người. Mỗi người sống trên trần gian này, cũng sẽ như một vỏ ốc không có nguồn sống, nếu không đặt cái hồn cư ngụ trong đó. Con người chỉ thực sự sống, và sống cách sung mãn, khi biết chọn lựa và mượn cho mình cái hồn. Trong thế giới tục hóa ngày nay, rất nhiều người chọn và mượn cho mình một cái hồn với nhiều phương thức và nhiều cách khác nhau. Có người đi mượn hồn là tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền lực, trí tuệ, hoặc không ít người đã mượn hồn nơi thân hình chuẩn và đẹp để làm nên giá trị sống cho mình. Khi suy nghĩ với cái tên “Ốc Mượn Hồn”, một câu hỏi đặt ra cho tôi: Là một người tu sĩ, tôi mượn gì đây?
Tôi xin mượn tình yêu của Đức Kitô làm hồn sống, gõ nhịp cho tôi bước đi trên suốt hành trình ơn gọi dâng hiến này. Động cơ đích thực của đời sống tu trì là muốn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, và muốn triệt để thuộc về Chúa Kitô. Bản thân tôi đã nghiệm được tình thương hải hà của Chúa và kế hoạch của Ngài dành cho tôi qua sức lôi cuốn mãnh liệt của Thầy Giêsu: được Chúa yêu thương chọn gọi, thánh hiến và sai đi ngang qua nhà dòng. Chính vì tình yêu, một Thiên Chúa với địa vị cao cả, là Vua vũ trụ, đã bỏ lại tất cả để mặc lấy kiếp người thấp hèn. Vì yêu mà “Đức Giêsu vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Đức Giêsu đã không chỉ an phận với việc chấp nhận kiếp sống nghèo, nhưng Ngài tiến đến đích điểm xa hơn của tình yêu, đó là trao hiến cả mạng sống mình cho con người. Vì yêu nhân loại, Ngài đã đến và đã trao ban tất cả cách nhưng không.
Vì vậy, tôi xin mượn hồn là tình yêu của Đức Kitô để sống trọn kiếp này. Tuy nhiên, để tình yêu tồn tại mãi, thì tôi phải biết chia sẻ cho người khác cùng với một tình yêu được bén rễ sâu trong tình yêu của Đức Kitô. Nghĩa là một tình yêu nối tiếp dòng chảy tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, có khả năng đưa con người chìm ngập vào dòng chảy “mắc nợ nghĩa tình”. Như sông kia sẽ trở nên trù phú cho muôn loài sinh sống, khi nó mở lòng đón nhận tất cả những nguồn suối chảy về, và dám hòa mình ra biển rộng. Cũng vậy, tình yêu chia sẻ như là chìa khóa mở ra với tình huynh đệ. Tình yêu ấy lấp đi mọi khoảng cách giữa giàu – nghèo, và nối kết người dại với người khôn. Nó tạo sự thân thiện giữa cấp trên với cấp dưới, và đưa niềm vui đến với u sầu, đưa tha thứ phá tan hận thù. Nó làm nỗi buồn giảm bớt và niềm vui được gia tăng. Chỉ nhờ tình yêu như thế, sự sống mới được chuyển trao, con người mới có thể sống, sống vững bền, sống dồi dào và được là chính mình.
Nhờ “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”, nên tôi dám dấn thân và củng cố từng bước trên hành trình ơn gọi của mình. Nhìn lại quãng thời gian qua cho một chọn lựa, một hành trình ơn gọi, không phải là một thảm hoa, cũng không phải cuộc sống êm đềm với trăng thanh gió mát…, nhưng là một thực tại có những khó khăn, những lớp sóng nhấp nhô và cả những vũng lầy êm ái hiểm nguy. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn xác tín rằng, tình yêu Đức Kitô bao phủ lấy cuộc đời tôi.
Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến khẳng định: “Đời sống thánh hiến, được bén rễ sâu xa từ gương mẫu và giáo huấn của Chúa Kitô, là quà tặng của Chúa Cha ban cho Giáo Hội qua Chúa Thánh Thần” (VC 1). Điều này áp dụng chính nơi tôi cách tỏ tường: tôi đã đón nhận món quà của Chúa với cả tấm lòng tri ân, cố gắng phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân cách quảng đại. Chính “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”, nên từng ngày là những chọn lựa để thuộc về Ngài. Quả thật, ơn lành Chúa ban cho tôi trong suốt thời gian qua, tôi có nhiệm vụ gìn giữ, phát triển và sinh hoa trái. Chính tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi, để mỗi ngày tôi lớn lên trong tình yêu Chúa và tha nhân. Tuy nhiên, tình yêu ấy có lúc bị phai màu, hờ hững, bất tín vì những cám dỗ, va vấp của phận người. Nhưng cho dẫu thế nào, thì tôi vẫn luôn thâm tín rằng, cả cuộc đời tôi được khởi đi từ tình yêu, lớn lên trong tình yêu và được tình yêu thúc đẩy để chạm được đến tình yêu Đức Kitô, và cùng với Mẹ Maria thực hiện sứ vụ “đánh thức thế giới”, nâng niu “Hồng ân Sự Sống” trong bậc sống của mình. Mặc dù không ai được coi là xứng đáng, nhưng với lòng tin tưởng và cậy trông, bản thân tôi sẽ can đảm nói như ngôn sứ Isaia: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6, 8).
Hành trình cuộc đời dâng hiến còn rất nhiều trông gai phía trước. Thế nên, tình yêu chia sẻ còn mời gọi người tu sĩ hãy sống với tinh thần phó thác như Đức Giêsu đã nói: “Chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Theo gương Thầy Giêsu, chúng ta, những người tu sĩ hãy ra đi để chia sẻ, hãy mang tình yêu của Đức Kitô đến với mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc. Hãy chia sẻ Đức Kitô, là hồn sống của mình với họ. Chỉ có hồn tình yêu Đức Kitô mới làm cho chúng ta trở nên có giá trị vững chắc trong lòng Thiên Chúa, và trong lòng con người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được chính tình yêu của Đức Kitô thúc bách, để mỗi người biết “cúi xuống” phục vụ, chứ không phải “ngửa mặt lên” đòi hỏi. Nhờ tình yêu của Đức Kitô thúc bách, xin cho chúng con biết chọn nếp sống có thể hiểu và cảm thông, đồng hành và liên lụy với những người nghèo khổ hèn mọn… Hơn nữa, xin cho chúng con biết loại trừ phong thái muốn khẳng định một đẳng cấp riêng, chọn nếp sống đầy những mối tương quan lễ nghĩa, nể vì hoặc tính sáo ngữ danh giá hão… Xin Thần Khí của Đức Kitô dẫn chúng con vào trong sự thánh thiện của Giáo hội, làm chứng cho sự thánh thiện của Chúa, luôn nâng đỡ từ chân những con người lầm lạc tội lỗi.
Sau cùng, với Thần Khí của Chúa Cha rộng mở, và Thần Khí hạ giáng của Đức Kitô, giống như hai cánh tay ôm trọn con người, ôm trọn tất cả mọi kiếp người ở một mức độ tối đa của tình thương cứu độ.
Hoa Dại
Học Viện Đức Maria – Mẹ Sự Sống
Tin liên quan