Nhìn lại chặng đường năm năm!
Caritas Nam Viên: Nhìn lại chặng đường năm năm!
Từ lúc chưa có ý tưởng cũng như chưa biết đến caritas là gì cho tới khi nghe lời cha xứ bảo rằng: Cha muốn giáo xứ có Caritas, H có thể giúp cha không? Thế là con bé nhận lời cha xứ và bắt đầu cất bước lên đường. Năm đầu, nói là Caritas giáo xứ nhưng thực sự chỉ có một thành viên, vừa là tướng cũng vừa là quân, chẳng biết làm gì cả, giáo phận rót sao làm vậy.
Năm sau, cha xứ lại nhã ý xây dựng một phòng Thiên Thần – là nơi lưu trữ các thai nhi bị phá bỏ – để rồi sau đó, chính thức công bố thành lập ban Caritas Nam Viên. Lúc này, cả những người được chỉ định và những người tình nguyện tham gia vào ban là 11 người. Trước khi tuyên thệ, các thành viên được cha giám đốc Caritas giáo phận và sơ văn phòng hướng dẫn cũng như có thời gian học hỏi về hoạt động và các điều lệ của Caritas. Ai ai cũng hào hứng và mạnh dạn tuyên hứa giữa cộng đoàn giáo xứ Nam Viên.
Vậy là thành viên cũng có thêm rồi và công việc cũng bắt đầu hé ra nhiều dần. Đầu tiên, nhóm đã chia nhau đi học hỏi từ các ban Caritas giáo xứ bạn về việc đi thu gom thai nhi bị phá bỏ. Tìm kiếm được thai nhi rồi lại đem sang các giáo xứ bạn để niệm.
Cũng như bao anh chị em trong nhóm, tôi đã xung phong và lên đường thực hành đầu tiên. Nhớ lại hôm ấy, tôi và một chị nữa đi đón thai nhi. Lúc đưa em vào phòng niệm xác, tôi và chị đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy một hình hài nhỏ bé đã đầy đủ còn nằm trong bọc ối. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi đã rất đau xót mà khóc nức nở vì thương em bé cũng như nghĩ thương cho bản thân mình.
Sao người ta lại lỡ giũ bỏ đứa con là kết tinh của một tình yêu cao đẹp được trong khi tôi luôn mong mỏi thì lại không có nổi một mụn con?
Tôi thầm hứa rằng mình sẽ cố gắng làm một việc gì đó để có thể an ủi các thai nhi bị bỏ rơi. Vậy là theo nhã ý của cha xứ, chúng tôi tiếp tục việc mua đất, xây dựng nghĩa trang Thiên Thần, nơi an táng các hài nhi bị phá bỏ. Nhờ số tiền xin được, chúng tôi đã mua được gần hai sào đất và bắt đầu múc các hố để sẵn chờ đón các con về vườn Thiên Thần của nhà xứ. Quả thực, chúng tôi đã vui mừng biết bao khi không còn phải đưa – gửi các con đi đâu nữa.
Không dừng lại ở việc thu gom thai nhi và an táng, nhóm chúng tôi còn đi thăm hỏi giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, bệnh tật, thăm nom và trao quà cho họ. Hàng ngày, khi mọi người có thể nghỉ ngơi chìm vào giấc ngủ trưa thì chúng tôi lại vác xe đi để làm những công việc mà mọi người bảo rằng không giống ai. Có những lúc, chúng tôi đi hàng trăm cây số chỉ để thăm một người nào đó rồi lại về. Công việc có mệt thật đấy nhưng trên môi mỗi người chúng tôi đều nở nụ cười hạnh phúc. Chúng tôi nghĩ rằng những người đau khổ kia đều là hiện thân của Đức Ki-tô. Mỗi khi làm như thế, chúng tôi đều đã nghĩ là mình đang viếng thăm Chúa nơi anh chị em mình.
Cũng có những lúc công việc chẳng giống ai kể trên lại được mọi người nhắc đến khi chúng tôi thăm hỏi, chăm sóc người cô đơn bị gia đình làng xóm kì thị. Chúng tôi đến như một người con, người cháu của họ, từ dọn dẹp nhà cửa cho tới giặt giũ quần áo cũng như rửa từng cái bát cho các cụ. Thậm chí có lần, mấy anh chính quyền thôn tìm vào hỏi han này khác vì họ lo rằng chúng tôi là một bọn lừa đảo nào đó. Tuy nhiên, chẳng có khó khăn gì khi chúng tôi giải thích cho họ hiểu công việc của mình bằng những nở nụ cười tươi tắn, an nhiên của mọi người.
Thời gian cứ dần trôi và đôi khi công việc phục vụ thầm lặng của chúng tôi đã đánh thức được sự yêu thương, sẻ chia và không còn chuyện kì thị xảy ra đến với các cụ. Họ cũng đã quan tâm, yêu thương và thay nhau chăm nom các cụ. Vui lắm, hạnh phúc lắm khi chúng tôi thấy mình là cầu nối cũng như nguồn động viên an ủi của gia đình các cụ.
Vâng! Chưa bao giờ nhóm chúng tôi bị thất nghiệp hay rơi vào tình trạng hết việc. Hình ảnh của những người nghèo khó, bệnh tật cũng như thiên tai lũ lụt luôn thôi thúc chúng tôi phải lên đường. Có khi vác gạo vác đồ đi hàng cây số, chúng tôi vẫn vui, vẫn hát, khuôn mặt luôn nở nụ cười trìu mến khi giúp được anh em của mình lúc khó khăn.
Có khi covid đe doạ tới bản thân và gia đình nhưng vì Caritas vì “tình yêu” như “Thiên Chúa là tình yêu”, chúng tôi lại can đảm vượt mọi nỗi khó khăn cá nhân đến với những người khó khăn, mang tình thương đến với con người đang đau khổ. Chúng tôi cũng ước mong chính Thiên Chúa, bằng cách nào đó, sẽ đến với mọi người trong lúc dịch bệnh này.
Nhóm chúng tôi đa phần là phụ nữ, mà phụ nữ ở đây cũng không được như các đoàn hội khác, chúng tôi đa số là những phụ nữ không chồng hoặc có chồng thì cũng ở xa, tóm lại chúng tôi đều là những “bà goá” theo nghĩa nào đó. Vâng đúng vậy! goá đấy! không chồng đấy thì sao nào? Chỉ có thế chúng tôi mới thật sự có thể hy sinh được trên con đường Chúa đã và đang mời gọi những bà goá như chúng tôi.
Có những lúc công việc của chúng tôi bị mọi người cho rằng chỉ có mấy đứa goá mới nghĩ ra lắm trò như vậy! Lắm trò là đúng mà, vì chúng tôi không phụ thuộc vào gia đình cũng như không lo lắng lắm về gia đình thì chúng tôi mới toàn tâm toàn ý lo cho việc chung chứ nhỉ? Nhiều lúc an ủi nhau là vậy đó, nhưng cũng nhiều lúc lại ngồi khóc với nhau khi các ngày lễ, ngày tết nhìn gia đình họ sum vầy, còn mình thì sao ngồi một mình có chờ có ngóng cũng chẳng thấy người thân yêu của mình về đoàn tụ nữa. Vậy là nỗi tủi thân lại xuất hiện trong con người chúng tôi.
Qua bao nhiêu ngày tháng làm việc, qua bao thăng trầm của cuộc sống, từ khi chưa biết, cho tới biết, bao nhiêu cái bỡ ngỡ là bao nhiêu bài học cho chúng tôi nhìn lại và rút ra kinh nghiệm làm việc cho mình. Giờ đây chỉ biết tạ ơn Chúa đã mời gọi chúng tôi vào con đường phục vụ Chúa, cũng cảm ơn các ân nhân đã tin tưởng giúp đỡ cho nhóm chúng tôi.!!!
Maria Phạm Thị Hoài