Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2022 – Phật lịch 2566

HỘI ĐỒNG TOÀ THÁNH VỀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2022 – Phật lịch 2566

CÁC PHẬT TỬ VÀ KITÔ HỮU KIÊN CƯỜNG TRONG HY VỌNG

Quý bạn Phật tử thân mến,

  1. Nhân dịp Đại lễ Vesak kính nhớ việc đản sanh, thành đạo và nhập diệt của Đức Phật, chúng tôi viết thư này cho các cộng đồng Phật tử trên khắp thế giới để chuyển đến quý bạn những lời chào thăm nồng nhiệt của Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn.
  2. Đây là thời điểm mà nhân loại đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Là năm thứ ba liên tiếp, mọi người trên khắp thế giới gặp khủng hoảng sức khỏe do COVID-19 gây ra. Những thảm họa thiên nhiên thường xuyên gắn liền với cuộc khủng hoảng sinh thái đã phơi bày sự mong manh của chúng ta là những công dân đang chung sống trên Trái đất. Các cuộc xung đột vẫn tiếp tục đổ máu người vô tội và gây ra đau khổ khắp nơi. Đáng buồn thay, vẫn có những người lấy tôn giáo biện minh cho bạo lực. Như Đức giáo hoàng Phanxicô đã đau buồn nhận xét: “Nhân loại, vốn tự hào về sự tiến bộ trong khoa học, trong tư tưởng, trong biết bao điều tốt đẹp, lại thụt lùi trong việc xây dựng hòa bình… Và điều đó khiến tất cả chúng ta phải xấu hổ. (Diễn văn với các thành viên của Bộ các Giáo hội Đông Phương trong Phiên họp khoáng đạingày 18.02.2022).
  3. Mặc dù chúng ta thấy xuất hiện những dấu chỉ của tình liên đới để đối phó với những thảm kịch do những cuộc khủng hoảng này gây ra, nhưng việc tìm kiếm những giải pháp lâu dài vẫn còn gian nan. Việc theo đuổi của cải vật chất và loại bỏ các giá trị tinh thần đã dẫn đến sự suy đồi đạo đức chung trong xã hội. Là Phật tử và người Kitô hữu, cảm thức tôn giáo và đạo đức của chúng ta về tinh thần trách nhiệm phải thúc đẩy chúng ta giúp cho nhân loại đi tìm sự hòa giải và phục hồi. Những người tôn giáo, đượctrợ lực bởi những nguyên tắc cao quý, phải cố gắng trở thành những ngọn đèn hy vọng, dù nhỏ nhoi, soi sáng con đường đưa nhân loại chiến thắng khoảng trống tâm linh đã gây ra quá nhiều tội ác và đau khổ.
  4. Đức Phật và Đức Giêsu Kitô đều hướng môn đệ của mình đến những giá trị siêu việt, dù theo những cách khác nhau. Những Diệu đế của Đức Phật giải thích nguồn gốc và nguyên nhân của đau khổ và chỉ ra Bát chánh đạo dẫn đến diệt khổ. “Chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước” (Kinh Chuyển pháp luân, 56.11). Nếu được thực hành, giáo pháp này là một phương thuốc chữa trị cho căn bệnh không ngừng chiếm hữu dẫn đến thói tham lam và các trò chơi quyền lực. Phúc Âm không bao giờ đề nghị dùng bạo lực để giải quyết (vấn đề). Các Mối Phúc được Đức Giêsu công bố cho chúng ta thấy cách sống kiên cường khi đặt ưu tiên cho các giá trị tinh thần giữa một thế giới đang diệt vong. “Phúc thay ai nghèo khó, phúc thay ai hiền lành, phúc thay ai than khóc, phúc thay ai xây dựng hoà bình” (x.Mátthêu5,1-12). Họ được chúc phúc vì bất chấp những khó khăn hiện tại, họ vẫn tin vào lời hứa của Thiên Chúa về hạnh phúc và ơn cứu độ.
  5. Chúng ta có thể giúp nhân loại trở nên kiên cường bằng cách khai mở những kho tàng ẩn giấu trong truyền thống tâm linh của chúng ta. Đối với các Phật tử, Bát Chánh Đạo có thể phát triển lòng từ bi và trí huệ để dấn thân vào xã hội. Đối với các Kitô hữu, hy vọng là một trong những kho báu này. Như Đức giáo hoàng Phanxicô nói, “hy vọng mời gọi chúng ta nhận ra rằng luôn có một lối thoát, rằng chúng ta luôn có thể định hướng lại, rằng chúng ta luôn có thể làm điều gì đó để giải quyết các vấn đề” (Laudato Si’, 61).
  6. Chúng tôi tin chắc rằng hy vọng giúp chúng ta thoát khỏi sự chán nản. Về vấn đề này, chúng tôi xin chia sẻ lời minh triết của cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh về tầm quan trọng của hy vọng: “Nhờ có hy vọng mà ta có thể chấp nhận hiện tại một cách dễ dàng hơn. Nếu chúng ta tin rằng ngày mai có thể khá hơn, thì những gian nan của ngày hôm nay ta không còn thấy nhọc nhằn lắm.” (x.An lạc từng Bước chân, 1991, 41-42). Chúng ta hãy cùng nhau làm việc vì một ngày mai tốt đẹp hơn!
  7. Quý Phật tử thân mến, chúng tôi cầu chúc cho việc cử hành đại lễ Vesak của quý bạn sẽ gìn giữ niềm hy vọng luôn sống động và tạo nên những hành động đón nhận cùng giúp ứng phó với những bất lợi do các cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra.

Vatican, ngày 1 tháng 5 năm 2022

Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot,

Chủ tịch

Đức Ông Kodithuwakku K. Indunil J.

Thư ký

Chuyển ngữ: Văn Phòng Đối Thoại Liên Tôn và Đại Kết / HĐGM Việt Nam

Nguồn: WHĐ (06.5.2022)