Sông Như Nguyệt trong dòng lịch sử giáo phận Bắc Ninh

Dòng Như Nguyệt xưa, sông Cầu nay bồi đắp phù xa cho hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, đây là nơi Lý Thường Kiệt đọc bản tuyên ngôn độc lập đâu tiên của Việt Nam. Dòng sông Như Nguyệt cũng là nơi cất lên những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm của người dân vùng Kinh Bắc. Kể từ khi Tin Mừng được gieo vào lòng đất mẹ Kinh Bắc, sông Như Nguyệt cũng gắn liền với dòng chảy đức tin của người tín hữu giáo phận Bắc Ninh.

Sông Như Nguyệt có chiều dài 289 km, bắt nguồn từ cực Bắc của giáo hạt Thái Nguyên (tỉnh Bắc Kạn) chảy suốt qua các giáo hạt Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Ninh. Khi nhìn từ bản đồ giáo phận sẽ thấy dòng sông như một cỗ tràng hạt khổng lồ nối liền nhiều giáo xứ trong giáo phận. Qua đó ta nhận thấy sự hình thành của các giáo xứ ven sông gắn liền với việc truyền giáo bằng đường thủy trên sông.

Cụ thể trong thời kỳ khai sinh giáo phận (1533 – 1679), trước khi có giáo phận Bắc Ninh đã có các làng công giáo ở rải rác tại tỉnh Bắc[1]. Vào năm 1637, hai cha Antonio Barbosa (người Bồ) và Felice Morelli (Người Ý) đến xứ Kẻ Đông và Kẻ Nam. Con đường các thừa sai dòng Tên đến Việt Nam đi từ Ma Cao, đến Bắc Việt, qua cửa Thái Bình, cửa Ba Lạt để vào sông Hồng. Nếu vào tỉnh Thái Bình, các thừa sai sẽ đi đến tỉnh Đông (Hải Dương), sau đó đi vào sông Đuống để đi đến Kẻ Chợ (Hà Nội), hoặc lên sông Như Nguyệt để đi đến Bắc Ninh. Tiếp đến vượt qua Hải Dương chừng 3 km đường sông sẽ đến làng Kẻ Mốt, qua Kẻ Mốt chừng 2 km đường sông nữa đến Kênh Than. Sau đó, rẽ tay trái là vào nhánh sông Bá Giang, đi theo sông này chừng 5 km là đến làng Kẻ Nê (xứ Tử Nê). Nếu thẳng sông Thái Bình vượt lên Phả Lại – Lục Đầu[2], gặp ngã ba sông Cầu và sông Thái Bình, đi theo sông Cầu tới gần Đáp Cầu thì tới làng Kẻ Roi (Xuân Hòa). Lịch sử đã ghi lại dấu chân truyền giáo đầu tiên tại những giáo xứ cổ nhất của giáo phận: Kẻ Mốt, Kẻ Nê và Kẻ Roi. Trong hành trình đó dòng Như Nguyệt đã trở thành tuyến đường huyết mạch giúp các thừa sai loan báo Tin Mừng cho nhiều vùng đất khác dọc theo đường sông.

Nhà thờ Nguyệt Đức ven sông Như Nguyệt

Tiếp đến, trong giai đoạn cây đức tin trổ sinh và phát triển mạnh mẽ (1679 – 1848), dòng Như Nguyệt vừa đóng vai trò là tuyến đường truyền giáo, vừa là nơi chứng kiến những thăng trầm trong lịch sử đức tin của giáo phận. Cụ thể trong giai đoạn này, dòng sông đã ghi lại dấu chân mục vụ của nhiều thừa sai, tín hữu trong và ngoài giáo phận. Trong cuốn “Sử ký địa phận Trung” ấn hành tại Phú Nhai năm 1916 khi nói về công việc của các cha dòng Đaminh có ghi lại lời của cha chính Thập (Juan de Santa Cruz) phục vụ tại Đàng Ngoài ghi lại việc các sinh hoạt đức tin như rửa tội, giải tội, thánh lễ thường diễn ra tại thuyền trên sông.

Đặc biệt vào năm 1837 tại bến đò Thổ Hà của dòng Như Nguyệt[3], có ghi lại biến cố cụ trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh[4] bị bắt giam khi đi chữa bệnh và rửa tội cho trẻ em. Sau đó, việc xử tử ngài và các bạn tử đạo Bắc Ninh khác cũng được thực hiện tại pháp trường Cổ Mễ, ở ven sông Như Nguyệt. Tiếp đến các nhà truyền giáo tiến dần lên vùng thường nguồn sông Như Nguyệt để truyền đạo Chúa. Trong cuốn lịch sử giáo phận Bắc Ninh của tác giả Đinh Đồng Phương ghi nhận:“Vào khoảng năm 1720, khu vực Nhã Lộng – Thái Nguyên chỉ là một vùng dân cư thưa thớt; thỉnh thoảng trên khúc sông Như Nguyệt gần đó có thuyền muối, thuyền gạo từ dưới xuôi chở lên bán. Lái buôn là người Công giáo, buổi tối cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện. Người dân Nhã Lộng gần đó mới đến tìm hiểu, học đạo; dần dần họ hiểu đạo và xin theo đạo”.

Bước sang giai đoạn sau năm 1848, nền móng đức tin của giáo phận ngày càng thêm vững chắc và trổ sinh nhiều hoa trái. Đặc biệt là sự kiện 100 vị đầu mục tử đạo tại cổng tả thành Bắc Ninh, vào ngày 04 tháng 04 năm 1862. Sau đó, vào năm 1883, Toà Thánh thiết lập giáo phận Bắc Ninh tách từ giáo phận Đông. Kể từ đó giáo phận có đức cha trực tiếp coi sóc, đời sống đức tin ngày một thăng tiến và phát triển. Dòng sông Như Nguyệt trong giai đoạn này tiếp tục trở thành tuyến đường mục vụ, là cầu nối giữa các giáo xứ, giáo hạt trong giáo phận.

Nhờ sự nỗ lực loan báo Tin mừng của cha anh nên dọc hai bên bờ sông Như Nguyệt có nhiều xứ họ như: Phong Cốc, Cổ Pháp, Yên Tập, Xuân Hòa, Đạo Ngạn, Nguyệt Đức, Mai Thượng, Tiên Sơn, Bến Đông, Tiểu Lễ, Nhã Lộng, Ngọc Lâm,…Qua đó ta có thể thấy, dòng sông Như Nguyệt gắn chặt với nhiều sinh hoạt đức tin và những biến cố thăng trầm của đời sống giáo phận, từ đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền móng đức tin ngày càng vững chắc.

Gần đây vào ngày 19 tháng 11 năm 2013, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã cùng phái đoàn tòa giám mục đi hành hương theo chân các bậc tiền nhân. Chuyến hành trình khởi đầu từ tòa giám mục qua giáo xứ Tử Nê, Kẻ Mốt, sau đó ngược sông Thái Bình thẳng tiến về phía Lục Đầu đến nhiều địa điểm như: giáo xứ Phong Cốc, Đạo Ngạn, pháp trường Cổ Mễ,…tiếp đến thuyền rẽ lên thượng lưu sông Như Nguyệt và dừng chân tại các giáo họ Tiên Sơn, Đồng Công, Bến Đông, cuối cùng chuyến hành trình kết thúc tại bến đò Chã nằm tại giáo xứ Tiểu Lễ.

Trong hơn 5 thế kỉ qua, kể từ khi hạt giống Thần Linh[5] được gieo vào lòng đất Việt. Hạt giống ấy đã không ngừng trổ sinh, lớn mạnh và để lại nhiều dấu ấn gắn liền với dòng lịch sử của dân tộc. Những dấu ấn đó là minh chứng cho sự phát triển của đạo Chúa, của niềm tin Kitô giáo. Quả vậy, khi nhớ về dòng Như Nguyệt ta không chỉ tự hào về quá khứ hào hùng của tiền nhân; nơi mồ hôi và máu đào của cha ông đã hòa cùng dòng nước. Từ đó giúp chúng ta sống chứng tá niềm tin ngay ở giây phút hiện tại. Ngay lúc này, chúng ta – những người con của giáo phận Bắc Ninh có trách nhiệm làm cho dòng sông “đức tin” của cha ông chảy mãi trên mảnh đất miền quan họ.

Giuse Bảo Duy – Tiểu Lễ

[1] Tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang

[2] Lục đầu giang: nơi hội tụ của sáu dòng sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình

[3] xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

[4] Cụ trùm họ và lương y Giuse Hoàng Lương Cảnh được suy tôn chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

[5] Hạt Giống Thần Linh: Chúa Giêsu Kitô