Tài liệu Hoa Mân Côi và Hội trưởng gia Giáo phận tháng 10.2023

HOA MÂN CÔI Tháng 10 / 2023

Tải file PDF A4 Tải file PDF A5 Tải file WORD A4 Tải file WORD A5

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 10/2023

Tải file PDF Tải file WORD

HOA MÂN CÔI    

Tháng 10 / 2023

*******

        Ý nguyện:  Trong tháng này, chị em hãy chăm chỉ đọc Kinh Mân Côi, để cầu nguyện cho việc truyền giáo của Hội Thánh. Xin Chúa cho mỗi chị em Mân Côi trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng cho con cái cũng như những người khô khan nguội lạnh trong chính gia đình mình.

I – LỜI CHÚA :   Tin mừng Lc 1,26-38 Lễ Bảo Trợ của Hội  Mân Côi.

  1. GỢI Ý SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng trên đây, được kết thúc bằng hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ. Hai tiếng “Xin vâng” xem ra rất nhỏ nhẹ đơn sơ, nhưng lại chứa đựng một tầm ảnh hưởng hết sức lớn lao.

Thánh Augustinô đã nói: “để sáng tạo nên con, Thiên Chúa không cần đến con. Nhưng để cứu chuộc con thì cần có con cộng tác”. Quả đúng như vậy, Thiên Chúa có chương trình cứu độ của Ngài, nhưng để chương trình cứu độ ấy được thành công, cần phải có sự vâng phục và cộng tác của con người. Mặc dù Chúa muốn cho con người được hạnh phúc, nhưng nếu con người từ chối, Thiên Chúa cũng không thể bắt ép con người, bởi vì Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do của họ.

Chương trình đầu tiên của Chúa đã thất bại vì A-đam, E-và đã bất tuân, không vâng lời Thiên Chúa. Ông bà đã nghe ma quỷ cám dỗ làm theo ý riêng, không làm theo ý Chúa, nên đã dẫn nhân loại tới sự chết. Trái lại, Đức Mẹ đã đồng ý cộng tác và vâng phục trong sự tự do, nhờ hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ, nên chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện cho loài người. Do đó, hai tiếng “Xin vâng” có ảnh hưởng trực tiếp tới chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ vọng lại hai tiếng “Xin vâng” của Ngôi Lời Thiên Chúa. Vì vâng lời Chúa Cha, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Ngay khi Đức Mẹ đáp lời “Xin vâng” với Thiên thần Gabriel, Con Thiên Chúa cũng đáp lời “Xin vâng” với Chúa Cha. Với hai tiếng “Xin vâng”, Đức Mẹ đã khai thông chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa đã bị bế tắc bởi Nguyên tổ loài người. Sau hai tiếng “Xin vâng”, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, trong cung lòng trong sạch, thánh khiết của Đức Mẹ.

Hai tiếng “Xin vâng” của Mẹ nghe có vẻ rất nhỏ nhẹ và khiêm tốn, nhưng đã ảnh hưởng tới cả cuộc đời của Chúa Giêsu và Đức Mẹ cũng như cho cả thế giới.

Với Chúa Giêsu, nhờ hai tiếng xin vâng của Đức Mẹ, Chúa đã bước vào trần thế trong thân phận của một con người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã rời trời cao để đến ở nơi đất thấp. Ngài đã dập tắt ý riêng để làm theo ý Chúa Cha và coi thánh ý Chúa Cha như là lương thực để nuôi sống khi Ngài nói: “Lương thực nuôi sống Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy”. Vì vâng lời Chúa Cha mà Ngài đã chấp nhận chết trên Thánh giá như Ngài đã cầu nguyện trong vườn cây Dầu: “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cất chén này xa Con, nhưng đừng theo ý Con, mà theo ý Cha”.

Cũng vậy, với Mẹ Maria, hai tiếng “Xin vâng” đã ràng buộc tất cả cuộc đời Mẹ vào chương trình của Thiên Chúa. Vì “xin vâng”, Mẹ đã phải sinh con trong hang nhốt súc vật bẩn thỉu, hôi hám. Vì “xin vâng” Mẹ đã phải lận đận trốn chạy sang Ai cập trong đêm tối, đến một nơi không hề có người thân quen, không biết tiếng tăm, không biết phong tục tập quán. Vì “xin vâng” mà Mẹ đã chấp nhận đau khổ như lời tiên tri Simêon đã tiên báo: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”. Vì “xin vâng” mà Mẹ đã theo Đức Giêsu trên khắp hành trình rao giảng Tin mừng nơi trần thế. Vì “xin vâng” mà Mẹ phải đứng dưới chân thập giá, chịu mọi nỗi đau đớn, khổ nhục với con của Mẹ. Khi tận mắt chứng kiến nỗi đau khổ ấy, dường như Mẹ cùng chết với Chúa Giêsu, con của Mẹ. Vì cuộc thương khó của Chúa chính là nỗi đau khổ của Mẹ.

Như thế, để nói tiếng “Xin vâng” với Chúa Cha, cả Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã phải tận diệt ý riêng của mình để thuận theo thánh ý Chúa Cha. 

Khi tạo dựng nên chúng ta, Chúa đã có chương trình dành riêng cho mỗi người chúng ta, đó chính là chương trình tốt đẹp nhất. Nhưng nếu ta không cộng tác, thì chương trình ấy sẽ không thực hiện được. Để chương trình của Chúa được thực hiện, ta phải biết noi gương Đức Mẹ, đáp lời “Xin vâng” với Chúa, biết bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa. Hãy biết bỏ chương trình riêng để đi vào chương trình của Chúa. Hãy xin vâng khi vui cũng như lúc buồn. Hãy xin vâng khi hạnh phúc cũng như lúc đau khổ, bất hạnh. Hãy noi gương Đức Mẹ, xin vâng trong ngày truyền tin vui, và xin vâng cả khi đứng dưới chân thập giá trong đau khổ như Mẹ. Xin Vâng từng giây phút trong cuộc đời. Khi chương trình của Chúa được thực hiện, ta sẽ được hạnh phúc thực sự và không chỉ đem lại hạnh phúc cho ta mà còn cho những người chung quanh ta nữa.

Qua lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy xin Mẹ dạy chúng ta luôn biết noi gương Mẹ đáp lời XIN VÂNG, để từ nay chúng ta không còn sống theo ý riêng của mình nữa mà biết luôn sống thánh ý Thiên Chúa như Mẹ đã nêu gương cho chúng ta.

Ta cũng hãy xin vâng bằng cả tấm lòng thành kính, bằng cả con tim và cả niềm vui, nỗi buồn xảy đến trong cuộc đời ta. Vì đó chính là thánh ý Thiên Chúa. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là con cái của Mẹ, để mai ngày được cùng Mẹ chung hưởng phúc vinh quang. Amen.

III – GỢI Ý SỐNG VÀ CHIA SẺ 

  1. Tôi có sẵn sàng đáp lời vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời tôi, dù tôi chưa hiểu ý Chúa không ?  
  2. Mẹ không đáp lời xin vâng nơi môi miệng, nhưng đặc biệt Mẹ sống lời xin vâng ấy trong suốt cuộc đời Mẹ. Tôi có sống lời xin vâng hay chỉ vâng vâng, dạ dạ mà không đem ra thực hành?
  3. Khi gặp buồn phiền đau khổ, tôi có nhìn ra và vâng theo thánh ý Thiên Chúa hay tôi phàn nàn kêu trách Chúa ?

          * Cầu nguyện cho chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

1 – Maria Phạm Thị Phương, giáo họ Đức Bản, giáo xứ Vân Cương.

2 – Anna Lê Thị Ngà, giáo họ Cửa Sông, giáo xứ Hoà Loan.

3 – Anna Nguyễn Thị Bóng, giáo họ Cửa Sông, giáo xứ Hoà Loan.

4 – Maria Nguyễn Thị Quy, họ nhà xứ, giáo xứ Thanh Dã.

5 – Anna  Nguyễn Thị Bích, giáo điểm Chũ, giáo hạt Bắc Giang.

  • *Lưu ý: Lễ Mân Côi, Bảo Trợ giáo phận năm nay được tổ chức vào lúc 9h00 sáng thứ Bảy, ngày 07 Tháng 10 năm 2023, tại Đền Lòng Chúa Thương Xót, giáo xứ Bến Đông. Xin các chị em về tham dự lễ bảo trợ của giáo phận, cũng là lễ bảo trợ của chị em được đông đủ, sốt sáng.
  • Chị em Mân Côi toàn giáo phận sẽ tập trung lúc 8h00 để ổn định, 8h30 dâng hoa kính Đức Mẹ, 9h00 Thánh Lễ.
  • Xin Ban phục vụ các giáo xứ, giáo họ trình bày với cha xứ của mình, cho chị em xưng tội trước khi về tham dự Thánh lễ.
  • Thứ bảy, ngày 04/11/2023, theo lịch phân công, Giáo hạt Vĩnh Phúc sẽ tập trung tại TTTM Từ Phong lúc 16h00 để gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ => 17h00 cơm chiều => 18h00 dâng hoa kính Đức Mẹ => 18h30 Thánh lễ.

Lm. Phêrô Mai Viết Thắng

Đặc trách Hội Mân Côi Giáo Phận Bắc Ninh.

 

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 10/2023

I- LỜI CHÚA: Lc 9, 57-62

  1. SUY NIỆM:

Trong văn hóa Đông Phương, đạo có nghĩa là đường, theo đạo có nghĩa là theo một con đường. Theo nghĩa này, theo đạo Công Giáo là đi theo con đường của Thiên Chúa. Nhưng ý nghĩa ấy còn vượt xa hơn nữa bởi Đức Giêsu không chỉ là người dẫn đường mà chính Người cũng là đường, là đạo. Vậy theo đạo là đi theo Đức Giêsu, sống đạo tức là sống như Chúa, sống cho Chúa và trong Chúa. Thật vậy, theo đạo và sống đạo không hề dễ dàng chút nào, nhất là trong bối cảnh ngày hôm nay. Thánh Luca đã minh chứng rõ nét những đòi buộc của Đức Giêsu khó khăn như thế nào. Ba người trong trình thuật hôm nay đều có những nỗi trăn trở riêng, nhưng Đức Giêsu đã chỉ cho họ đâu mới thực sự là theo đạo, là sống đạo.

– Đối với người đầu tiên, Đức Giêsu đã thẳng thắn đáp lại sự hăng hái của anh trước hoàn cảnh bấp bênh của Người: “… nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Thân phận “bèo dạt mây trôi”, “ba chìm bảy nổi” của người môn đệ đã được Đức Giêsu cảnh tỉnh. Chính Người cũng sống phiêu bạt, nay đây mai đó, không chỗ trú thân, lúc nào cũng trong tư thế “lên đường”. Chấp nhận bước theo Chúa là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định, là sống thân phận lữ khách trên cõi đời này. Cuộc sống “trên đường” ấy khiến cho Người tự do hơn và luôn trong tâm thế ứng trực trước sứ mạng của Chúa Cha, của trần gian.

– Người thứ hai lại phải xin phép cho về chôn cất cha anh ta trước khi theo Chúa. Chôn cất cha mẹ là một việc bổn phận đạo hiếu thiêng liêng của những người làm con. Đức Giêsu cũng rất coi trọng việc thảo kính cha mẹ. Thế nhưng, đối với Người, việc ra đi loan báo Tin mừng là một bổn phận thiêng liêng cấp bách hơn. Ngài đòi buộc anh ta phải dành ưu tiên cho bổn phận này hơn hết.

– Người thứ ba chấp thuận theo Chúa với điều kiện cho anh về từ giã gia đình trước đã. Đối với người này, Đức Giêsu, một lần nữa, mời gọi anh ta phải dứt khoát hơn nữa một khi đã “tra tay vào cày.” Anh phải dứt khoát ra đi, chứ không còn vấn vương với những hoài niệm quá khứ, những lo toan, những ràng buộc của gia đình nữa, để tận tâm cho Nước Trời.

Thánh Luca không trình bày họ là những ai, và cuối cùng, họ có bước theo Chúa hay không; nên dường như ta sẽ dễ dàng thấy mình nơi hình ảnh của những con người ấy. Trước một xã hội đầy những bộn bề lo toan, ta có rất nhiều chọn lựa và ta phải lựa chọn. Đó là chấp nhận hy sinh điều này mà đón nhận điều kia. Hôm nay, Đức Giêsu không dạy ta sống bất hiếu với cha mẹ, vô cảm với người đã khuất, hay thậm chí là lãng quên gia đình,… nhưng Người dạy ta phải can đảm trong việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Đôi khi đó không phải là lựa chọn nữa, mà là ưu tiên số một của mỗi người chúng ta với tư cách là người Kitô hữu. 

Lạy Chúa Giêsu, trong thân phận làm người, anh em chúng con là trưởng gia đình nhiều khi vẫn còn vấn vương nhiều thứ bộn bề trong cuộc sống gia đình và xã hội, mà lãng quên bổn phận thiêng liêng hàng đầu của chúng con là gì. Xin Chúa giúp mỗi trưởng gia chúng con hiểu hơn và sống can đảm hơn với lời mời gọi loan báo Tin Mừng trong đời sống hàng ngày.  

* Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

– Có điều gì mà Thiên Chúa đang mời gọi mỗi chúng ta, và đâu là những khó khăn, thách thức của bạn để đáp lời xin vâng?  

– Điều gì là ưu tiên số một trong cuộc sống của tôi, liệu Thiên Chúa có được ưu tiên không?

III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Giuse Phạm Văn Nhâm – Họ nhà xứ Thiết Nham

2- Giuse Nguyễn Ngọc Thanh – Giáo họ Thanh Giã

3- Ông Vinh Sơn Đỗ Lương Hảo – Họ nhà xứ Nam Viên

4- Giuse Nguyễn Văn Thịnh – Họ Nghĩa La, xứ Lai Tê

5- Gioan Nguyễn Văn Đích – Họ nhà xứ Tiểu Lễ

6- Giuse Nguyễn Xuân Bính – Họ nhà xứ Tân cương

7- Giuse Phạm Văn Đức – Họ nhà xứ Yên Lãng

8- Giuse Vũ Văn Sỹ – Nhà xứ Đức Bản

9- Đaminh Nguyễn Xuân Đông – Nhà xứ Đức Bản

10- Vinh Sơn Nguyễn Văn Mùi – Họ Đông Trai, xứ Đức Bản

11- Phêrô Bùi Văn Cù – Họ nhà xứ Tân Bình

12- Augúttinô Cao Văn Cát – Họ nhà xứ Tân Bình

13- Giuse Nguyễn Văn Chiền – Họ nhà xứ Vinh Tiến

14- Phaolô Lê Văn Tiếu – Họ Bạch Hạc, xứ Hòa Loan

IV- HỌC TẬP:

KINH THÁNH: SÁCH GHI LỜI CHÚA (tt)

LINH ỨNG VÀ CHÂN LÝ KINH THÁNH

Nhìn từ bình diện nhân loại, Kinh Thánh là tổng hợp những tác phẩm của nhiều tác giả nhân loại. Họ là những con người cụ thể, sống trong một thời đại cụ thể, với những vấn đề của thời đại và có những khả năng riêng biệt. Tuy nhiên khi đọc Kinh Thánh, người tín hữu lại tuyên xưng “Đó là Lời Chúa” (1 Tx 2,13). Vì họ xác tín rằng chính Thiên Chúa là Tác Giả của Kinh Thánh. Chính Thiên Chúa là Tác Giả của Kinh Thánh. Tuy nhiên, “để viết các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực, tất cả những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều đó mà thôi” (MK 11). Hành động đó của Thiên Chúa được gọi là LINH HỨNG và “Những gì Thiên Chúa mặc khải mà Kinh Thánh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự lính hứng của Chúa Thánh Thần” (MK 11). Vì thế nên “Phải công nhận rằng Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa muốn Kinh Thánh ghi lại vì phần rỗi chúng ta” (MK 11).

Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN

Fx. Nguyễn Văn Huân