Tài liệu Hoa Mân Côi và Hội trưởng gia Giáo phận tháng 02.2024

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn, cha Đặc Trách kính chúc anh chị em Một Năm Mới dồi dào sức khoẻ, dạt dào tình Chúa, chan chứa tình người và trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng trong Vườn Xuân Nước Trời.


HOA MÂN CÔI Tháng 02/ 2024

File PDF A4 File PDF A5 File Word A4 File Word A5

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH – Tháng 2/2024

File PDF File Word

 

HOA MÂN CÔI 

Tháng 02/ 2024

*****

Ý nguyện:  Trong tháng này, chị em hãy cầu nguyện cho chính mình cũng như cho mỗi thành viên trong gia đình mình được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần, để mỗi người trổ sinh được những hoa thiêng nhân đức, để mai ngày chúng ta được Chúa cho hưởng Mùa Xuân Nước Trời.

I – LỜI CHÚA    Xin đọc Tin Mừng Mt 6,25-34

  1. GỢI Ý SUY NIỆM

Trong ngày đầu Năm Mới, mọi người thường cầu chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và mong ước những lời cầu chúc đó trở thành hiện thực.

Thế nhưng, những lời cầu chúc ấy không phải bỗng dưng trở thành hiện thực, mà nó đòi hỏi phải nỗ lực hết sức mới có thể làm cho những lời cầu chúc ấy trở thành hiện thực trong đời sống chúng ta.

Cũng thế, Hoa Mai và Hoa Đào là loài hoa đặc trưng cho ngày Tết. Thế nhưng, làm thế nào để cây Mai, cây Đào có thể sinh được nhiều nụ hoa, tạo ra được những thế, dáng đẹp và được đem ra trưng bày ở nơi trang trọng nhất của gia đình hay nơi công sở ?

Chắc chắn điều ấy cũng không thể tự nhiên mà chúng có được. Bởi vì, không thiếu gì cây Mai, cây Đào, chẳng bao giờ được ai sử dụng trong ngày Tết. Vì chúng chẳng có nụ hoa, cũng chẳng có dáng dấp gì, thì ai có thể trưng bày nó trong ngày Tết ?

Vì thế cho nên, cây Mai, cây Đào muốn được đưa vào để trưng bày ở nơi trang trọng nhất trong gia đình hay nơi công sở vào dịp Tết, nó phải biết chấp nhận để cho chủ vườn uốn nắn thân cành theo ý chủ, mới có thể tạo ra được những thế dáng đẹp, bắt mắt đối với người chơi hoa. Không những thế, nó còn chấp nhận chịu đau đớn để cho chủ vườn tuốt lá, tỉa cành, đôi khi còn để cho chủ vườn chặt chém vào thân để tạo dáng cây cổ thụ.

Chấp nhận như thế, chắc chắn nó phải chịu đau đơn vô cùng. Vì mất đi những cành lá là phần chi thể, chảy đi những dòng nhựa là máu của sự sống để nuôi cây. Thế nhưng, niềm hy vọng tràn đầy đang chờ đợi ở phía trước, đó là sẽ có một ngày nào đó, nó sẽ được chủ vườn đem đi trưng bày.

Trong ngày đầu Năm Mới, mỗi người chúng ta cũng hãy liên tưởng hình ảnh cây Mai, cây Đào, để qua đó áp dụng vào đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta.

Trước mặt Chúa, chúng ta cũng chỉ là những thụ tạo bé nhỏ, được Thiên Chúa là người chủ vườn để tâm đưa mắt nhìn tới bằng tình yêu khôn tả của Ngài. Hy vọng một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ được Chúa đưa ta vào trưng bày trong vườn Xuân Nước Trời.

Vậy, mỗi người chúng ta cũng hãy can đảm để cho Chúa uốn nắn, cắt tỉa đời sống thiêng liêng của ta, để ta tuân theo ý muốn của Ngài. Đó chính là việc tuân giữ các giới răn và thực hành Lời Chúa. Khi ta để cho Lời Chúa và các giới răn uốn nắn, cắt tỉa, gọt giũa đời sống thiêng liêng của ta, chắc chắn đời sống của ta cũng sẽ đơm hoa kết trái là các việc lành phúc đức và cũng sẽ được trở nên tốt lành thánh thiện.

Khi ta biết chấp nhận để cho Thiên Chúa uốn nắn, cắt tỉa, gọt giũa đời sống thiêng liêng của ta, chắc chắn ta cũng sẽ cảm thấy đau đớn, khó chịu và cảm thấy mất mát nuối tiếc.

Thế nhưng, có chấp nhận cắt đi những phần thân thể bị ung nhọt, bị bệnh tật, những cơ phận thối rữa thì mới có thể tránh được việc di căn tới toàn thân và mới giữ được mạng sống ở đời này. Đời sống thiêng liêng cũng vậy. Nếu ta chấp nhận cắt tỉa đi những thói quen tội lỗi hay những nết xấu đã ăn sâu vào đời sống của ta, cắt đi những ung nhọt tàn phá đời sống linh hồn của ta. Khi ấy ta mới giữ lại được sự sống đời đời.

Trái lại, nếu ta không chấp nhận để Chúa uốn nắn, cắt tỉa, gọt giũa đời sống thiêng liêng của ta, thì ta mãi mãi vẫn chỉ là con người tỗi lỗi, dơ bẩn, xấu xa và chẳng bao giờ có thể được đem ra trưng bày trong vườn Xuân Nước Trời.

Do đó, mỗi người chúng ta hãy can đảm để cho Chúa uốn nắn, cắt tỉa, gọt giũa đời sống thiêng liêng của ta. Hãy để cho Ngài cắt tỉa đi những cành lá sâu xia là thói hư tật xấu, là tính thói ươn lười, ương ngạnh, ganh tỵ, ích kỷ, phỉ báng, độc ác, gian tham, xảo trá, kiêu ngạo, ngông cuồng… Khi đó, đời sống ta mới được trở nên trong sạch, xứng đáng được Chúa mang ra trưng bày trong vườn Xuân Nước Trời.

Trong đoạn Tin mừng của ngày đầu Năm Mới trên đây, Chúa cũng mời gọi ta: “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn những thứ khác Người sẽ ban cho sau”. Nghĩa là Chúa muốn nhắc bảo chúng ta rằng: Quê hương đích thực của chúng ta là hạnh phúc Nước Trời, nơi ta sẽ ở muôn đời muôn kiếp, là nơi tràn ngập ánh sáng và bình an, là nơi tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Do đó, những lời chúng ta cầu chúc cho nhau giầu sang phú quý, hạnh phúc, hoan hỷ… ở đời này. Tất cả những thứ ấy nay còn, mai mất. Chỉ có hạnh phúc đích thật nơi Thiên Chúa mới tồn tại vĩnh viễn. Do đó, trên tất cả mọi thứ ta tìm kiếm để phục vụ cho sự sống đời này, thì ta hãy nhớ; trước hết tìm kiếm những gì giúp ta vào được Nước Trời. Còn tất cả những thứ khác, ta hãy xin Chúa ban cho ta sau. Vì những thứ đó không phải là điều chính yếu.

Nhưng để chiếm hữu và vào được Nước Trời, Chúa Giêsu cũng đã nhắc nhở chúng ta: “Từ thời Gioan Tẩy giả đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được”. Ngài có ý nhắc bảo chúng ta rằng: Muốn vào được Nước Thiên Chúa, ta phải dùng sức mạnh thiêng liêng để chiến đấu với chính bản thân mình, tích cực tiêu diệt thói hư tật xấu thì ta mới hy vọng vào được Nước Trời.

Chính vì vậy, trong những ngày đầu Năm Mới Giáp Thìn này, chị em hãy cố gắng lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Hãy can đảm để cho Lời Chúa và các giới răn của Chúa uốn nắn, cắt tỉa, gọt giũa đời sống sống thiêng liêng của ta khỏi mọi thói hư tật xấu, để đời sống thiêng liêng của ta trổ sinh được nhiều hoa thiêng nhân đức. Đó chính là nguồn sức mạnh để ta có thể chiếm hữu được Nước Trời là hạnh phúc đời đời và để mỗi người chúng ta góp phần làm đẹp vườn Hoa Xuân trên thiên quốc. Amen.

III – GỢI Ý SỐNG VÀ CHIA SẺ 

  1. Tôi đã nhận thức rõ rằng: quê hương của tôi là hạnh phúc Nước Trời hay chỉ để ý đến cuộc sống đời này mà thôi ?
  2. Khi ý thức điều đó, tôi có chịu khó cắt bỏ đi những thói hư tật xấu đã ăn sâu trong đời sống của tôi chưa ?
  3. Tôi có chịu khó trồng vào mảnh đất tâm hồn tôi bằng các nhân đức chưa ?

* Cầu nguyện cho chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

1- Anna Nguyễn Thị Nụ, họ Nhà xứ, Giáo xứ Thống Nhất

2- Anna Nguyễn Thị Lan, họ Nhà xứ, Giáo xứ Bảo Sơn

3- Maria Lưu Thị Huệ, họ Nhà xứ, Giáo xứ Đại Từ

4- Maria Trần Thị Bắc, giáo họ Bến Chinh, Giáo xứ Vĩnh Ngọc

5- Anna Nguyễn Thị Hoà, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Vân Cương

6- Maria Lâm Thị Hoài, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Yên Thịnh

7- Têrêxa Phan Thị Minh, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Yên Mỹ

*Lưu ý: Thứ bảy, ngày 02/03/2024, theo lịch phân công, Giáo hạt Bắc Ninh sẽ tập trung tại TTTM Từ Phong lúc 16h00 để học hỏi, chia sẻ => 18h00 dâng hoa kính Đức Mẹ. => 18h30 Thánh lễ.

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn, cha Đặc Trách kính chúc chị em Một Năm Mới dồi dào sức khoẻ, dạt dào tình Chúa, chan chứa tình người và trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng trong Vườn Xuân Nước Trời.

Lm. Phêrô Mai Viết Thắng

Đặc trách Hội Mân Côi

Giáo Phận Bắc Ninh.

 

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 2/2024

  1. LỜI CHÚA: Thứ Tư sau CN V TN – Mc 7,14-23
  2. SUY NIỆM: ĐIỀU CHÍNH YẾU LÀ GÌ?

Trình thuật Tin Mừng hôm nay tiếp nối câu chuyện giữa những người Pha-ri-sêu, các kinh sư và Chúa Giê-su cùng các môn đệ của Người. Họ lên án các môn đệ của Đức Giê-su vì thấy một vài người không rửa tay trước khi ăn. Thực chất, họ đang lên án chính Đức Giê-su, vị Thầy đã dạy dỗ các môn đệ của mình. Thế nhưng, nhân dịp này, Đức Giê-su chỉ cho họ thấy điều gì là chính yếu, là quan trọng khiến người ta khỏi ô uế.

Thật vậy, trong xã hội Do thái thời bấy giờ, người dân rất sợ mình bị nhiễm uế bởi lẽ như thế, họ sẽ không được tham dự các việc phụng tự. Người Do Thái có thể bị nhiễm uế vì nhiều lý do khác nhau: khi ăn thịt con vật bị coi là ô uế, như thịt lợn, lúc chạm đến vật ô uế, khi mắc bệnh ngoài da, như người bị bệnh phong, người mẹ sau khi sinh con cũng bị coi là ô uế, những người làm nghề bị cho là ô uế, như thu thuế, thuộc da, và nhất là những người không phải người Do thái đều bị coi là ô uế; thế nên, người Do thái sẽ tránh không giao tiếp, không tiếp xúc, ăn uống hay vào nhà một người dân ngoại như dân Samari, quân Rôma, người Do thái sẽ tránh lại gần, tránh đụng chạm tới những người này. Bởi lẽ đó, khi thấy các môn đệ Chúa Giê-su không rửa tay trước khi ăn, những người Pha-ri-sêu và kinh sư lên án ngay tức thời là một lẽ thường tình.

Thế nhưng, Chúa Giê-su đã cho thấy đâu mới là nguồn gốc thực sự của ô uế. Người Do Thái, đại diện là những bậc thầy trong dân, những người Pha-ri-sêu và kinh sư, thường coi ô uế đến từ bên ngoài, do đụng chạm, do tiếp xúc, do ăn uống không thanh sạch. Đức Giê-su lại khẳng định điều ngược lại: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế.” Đối với Đức Giê-su, cái xấu xa từ bên trong, từ trái tim con người, cái ấy mới làm cho con người trở nên ô uế. Thật thế, những điều từ bên ngoài, như truyền thống của người Do thái vẫn giữ, không phải là chính yếu. Điều chính yếu là cái tâm, cái bên trong, chứ không phải cái bụng, cái tay.

Như vậy, Chúa Giê-su đã chỉ cho dân chúng, các môn đệ và từng người chúng ta hãy bỏ cái bên ngoài để tập trung vào cái bên trong. Bỏ chuyện đụng chạm của cái tay, chuyện ăn uống bề ngoài, chuyện giao tiếp, bỏ cái phụ, cái lớp vỏ để tập trung vào cái chính, tập trung vào con tim, tập trung vào những chuyển động đang diễn ra nơi ấy. Đồng thời, Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta hãy cùng nhìn lại bản thân với những nết xấu của tâm hồn liên quan đến tha nhân: gian dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, dâm đãng, ganh tỵ, vu khống, kiêu ngạo, ngông cuồng. Đó mới chính là nguồn gốc thực sự của sự ô uế vì lòng ích kỷ mà ta cần tránh.

Lạy Chúa Giê-su, là trưởng gia đình, trong cuộc sống đôi khi chúng con còn quá đề cao, cẩn trọng với những thứ bên ngoài tầm thường mà làm ngơ, quên đi những thứ bên trong cao thượng. Xin giúp mỗi trưởng gia đình chúng con ý thức hơn về tâm hồn của chính mình, để mỗi ngày chúng con được trong sạch hơn, xứng đáng làm con cái Chúa ngay giữa trần thế này.

* Gợi ý suy gẫm hoặc chia sẻ:

– Điều chính yếu trong đời sống của tôi là gì? Hình thức bên ngoài hay tâm hồn bên trong?

– Tôi đã nhận ra những nết xấu nơi mình thế nào? Tôi cần được Thiên Chúa chữa trị điều gì trong tâm hồn mình?

III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Vicentê Nguyễn Văn Lý – Nhà xứ Lập Trí

2- Phanxicô Nguyễn Văn Hiển – Họ Xuân Thụy, xứ Tử Đình.

3- Cosma Hoàng Văn Hoạ – Họ Xuân Lai, xứ Bến Đông

4- Phêrô Nguyễn Văn Nghiệp – Nhà xứ Trung Xuân

5- Nguyễn Đình Trường – Nhà xứ Thọ Ninh

6- Antôn Đinh Ngọc Quyết – Nhà xứ Yên Cư – Bắc Giang

7- Antôn Nguyễn Văn Tân – Nhà xứ Yên Cư – Bắc Giang

8- Đaminh Nguyễn Hữu Chí – Nhà xứ Đức Bản

9- Giuse Nguyễn Văn Đoan – Nhà xứ Vân Cương

10- Giuse Nguyễn Văn Chí – Nhà xứ Đồng chương

11- Gioan Nguyễn Văn Luân – Họ Vinh Sơn – Xứ Đồng chương

12- Gioan Vũ Văn Thủ – Họ Núi Dài – Xứ Đồng chương

13- Đaminh Nguyễn Văn Trấn – Nhà xứ Xuân Hoà

14- Giuse Nguyễn Long Đoan – Họ Nông Tiến – Xứ Yên Thịnh

15- Đaminh Nguyễn Đức Khang – Nhà xứ Tiên Lục

16- Giuse Trần Văn Bàn – Nhà xứ Thống Nhất

17- Giuse Đào Văn Thắng – Nhà xứ Bảo Sơn

18- Giuse Đinh Văn Pha – Nhà xứ Yên Mỹ

IV- HỌC TẬP: KINH THÁNH: SÁCH GHI LỜI CHÚA (tt)

“Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16).

  1. Ai là tác giả Kinh Thánh?
  2. Thiên Chúa là tác giả Kinh Thánh và Người đã linh hứng cho một số người để họ viết những gì Người muốn mặc khải.
  3. Để hiểu đúng Kinh Thánh, ta phải làm gì?
  4. Ta cần khiêm nhường xin Chúa Thánh Thần soi sáng và theo chỉ dẫn của Hội Thánh.
  5. Kinh Thánh gồm mấy phần và bao nhiêu cuốn?
  6. Kinh Thánh gồm hai phần: Cựu ước có 46 cuốn và Tân ước có 27 cuốn, trong đó bốn sách Tin Mừng là quan trọng nhất.
  7. Đâu là trọng tâm của toàn bộ Kinh Thánh?
  8. Là Chúa Giêsu Kitô, vì toàn bộ Kinh Thánh qui hướng về Chúa Kitô và được hoàn tất nơi Người.
  9. Hội Thánh tôn kính Kinh Thánh thế nào?
  10. Hội Thánh luôn tôn kính Kinh thánh như tôn kính chính Thân Thể Chúa. Cả hai nuôi dưỡng và chi phối toàn thể đời sống Kitô giáo.
  11. Kinh Thánh có cần cho đời sống chúng ta không?
  12. Rất cần, vì “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” (Thánh Giêrônimô). Bởi thế, ta phải siêng năng đọc, suy gẫm và đem ra thực hành (x. Mt 7,26).

Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN

Fx. Nguyễn Văn Huân