Tài liệu Hoa Mân Côi và Hội trưởng gia Giáo phận tháng 11.2024
Trong tháng này, anh chị em hãy cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, trong đó có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bạn bè hay người thân của chúng ta. Đó chính là nghĩa vụ của chúng ta để trả ơn các ngài.
File PDF A4 | File PDF A5 | File Word A4 | File Word A5 |
HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH – Tháng 11.2024
File PDF | File Word |
Ý nguyện: Trong tháng này, chị em hãy cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, trong đó có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bạn bè hay người thân của chúng ta. Đó chính là nghĩa vụ của chúng ta để trả ơn các ngài.
I . ĐỌC TIN MỪNG LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI Mc 9, 42-48 (Tin mừng Mc chương 9 từ câu 42 đến câu 48. Mọi người đọc chung, đọc chậm rãi ít nhất là 3 lần và tinh lặng ít phút sau mỗi lần đọc).
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô.
42 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.
43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.
45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục,
47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, 48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
- GỢI Ý CHIA SẺ
- Nội dung đoạn Tin mừng trên, nói về điều gì ?
- Đoạn Tin mừng trên đây, Chúa Giêsu lên án gắt gao đối với kẻ nào làm gương xấu cho người khác.
- Tiếp đến, Ngài đưa ra phương thức đoạn tuyệt đối với tội lỗi. Nghĩa là cắt đứt tương giao với tội lỗi thì mới có thể chiếm hữu được hạnh phúc Nước Trời.
- Qua đoạn Tin mừng trên đây, Chúa nói gì với tôi ?
- Qua đoạn Tin mừng trên, Chúa nhắc bảo tôi; tuyệt đối không được làm gương xấu cho người khác. Nhất là đối với những người tôi có trách nhiệm; như vợ chồng, con cái hay người thân trong gia đình tôi, đặc biệt là những người đức tin còn non yếu.
- Thứ đến, Ngài yêu cầu tôi phải móc mắt, chặt tay, chặt chân… là những thứ gây dịp tội cho tôi. Tuy nhiên, điều Chúa nói trên đây, tôi không được phép hiểu theo nghĩa đen. Bởi vì, dù tôi có chặt đi cơ phận trên thân thể mà không chặt đứt ước muốn xấu xa trong suy nghĩ của tôi, thì việc cắt chặt ấy chẳng có giá trị gì đối với tôi. Hơn nữa, nếu hiểu và thực hiện theo nghĩa đen, thì Giáo hội Công giáo của chúng ta là một “Giáo hội khuyết tật” và như thế, những người không cùng niềm tin với chúng ta, họ sẽ coi chúng ta là thứ tôn giáo bệnh hoạn và quái dị.
- Nhưng ở đây, Ngài có ý bảo tôi hãy đoạn tuyệt với tội lỗi bằng cách cắt đứt tương giao với những người, những nơi hay nhưng vật gây ra dịp tội cho tôi.
- Chúa mời gọi tôi như vậy, tôi đã làm được gì ?
- Chúa bảo tôi phải tuyệt đối tránh gương xấu trước mặt người đời và nơi môi trường sống của tôi. Thế nhưng, trong đời sống thường ngày, tôi vẫn hay gây ra gương mù, gương xấu cho người khác. Đặc biệt là cho con cái hay ngươi thân của tôi.
- Về đời sống nhân bản, tôi chưa làm gương sáng cho con cái tôi trong cách cư xử, trong lời ăn tiếng nói và đặc biệt trong cách hành xử thiếu văn hoá, thiếu tế nhị, thiếu nhân bản của tôi qua những lời mắng nhiếc, chửi rủa con cái hay người khác bằng những lời lẽ thô tục, dơ bẩn.
- Với ông bà, cha mẹ, tôi vẫn chưa đối xử cho phải đạo làm con đối với các ngài. Tôi vẫn còn nói xấu, chê bai, chỉ trích hoặc không quan tâm tới các ngài, đôi khi còn mong cho các ngài chết đi cho khỏi liên luỵ… Điều ấy, chắc chắn sẽ gây gương mù gương xấu cho con cái tôi.
- Tôi vẫn chưa làm gương cho con cái trong lời nói thật thà. Vẫn còn lươn lẹo dối trá. Vẫn còn nói tục, nói hành nói xấu người khác trước mặt con cái tôi. Đôi khi còn gian lận; cân non, đong thiếu, điêu ngoa, tắt mắt… tất cả những điều ấy, chắc chắn sẽ gây ra dịp tội cho người khác.
- Về đời sống đức tin, tôi còn lười biếng, chưa làm gương sáng về đời sống đức tin, chưa gióng dựng đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình, trong việc tham dự Thánh lễ, chưa siêng năng xưng tội rước lễ…. Những gương xấu như thế, làm sao không gây ảnh hưởng cho con cái tôi hay cho người khác. Những điều ấy nhiều khi khiến cho họ thờ ơ với Chúa, có khi còn quay lưng lại với đạo.
- Tôi có quyết tâm thực hành những điều Chúa đòi hỏi tôi không ?
- Tôi sẽ cố gắng nỗ lực xa tránh tội lỗi bằng cách biến đổi mình mỗi ngày, để sau này khỏi bị rơi vào hoả ngục, nơi giòi bọ rúc rỉa, nơi lửa không hề tắt và nhất là phải xa cách Chúa đời đời.
- Từ nay, tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để tránh gương mù gương xấu cho người khác, để mai sau tôi không bị xử phạt nghiêm khắc trong hoả ngục hoặc trong luyện ngục như các linh hồn đang phải gánh chịu.
- Trong tháng cầu hồn này, tôi cũng sẽ cố gắng cầu nguyện cho các linh hồn, trong đó có tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân của tôi. Có lẽ vì tôi mà giờ đây họ đang phải chịu thanh luyện trong luyện ngục, chịu lửa thiêu đốt và nhiều hình khổ khác, nhất là phải tạm xa cách Chúa cho tới khi nào đền tội xong mới được lên thiên đàng. Tất cả những linh hồn ấy đang nài xin và mong chờ lời cầu nguyện cũng như việc xin lễ hay các việc lành phúc đức của tôi, để giúp đỡ các ngài. Amen.
* Cầu nguyện cho chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.
1- Anna Nguyễn Thị Khen, Giáo họ Thái Ninh, Giáo xứ Thái Nguyên.
2- Anna Nguyễn Thị Thảo, Họ Nhà xứ, Giáo hạt Vinh Tiến.
3- Anna Nguyễn Thị Phước, giáo họ Hương La, Giáo xứ Tử Nê
4- Anna Nguyễn Thị Chung, họ nhà xứ, Giáo xứ Bắc Giang
5- Maria Nguyễn Thị Thuỷ, họ nhà xứ, Giáo xứ Bắc Giang
6- Anna Đỗ Thị Yên, họ nhà xứ, Giáo xứ Tử Đình
7- Anna Ngô Thị Mai, giáo họ Cửa Sông, Giáo xứ Hoà Loan
8- Maria Phan Thị Kính, giáo họ Tam Giang, Giáo xứ Thái Nguyên
*Lưu ý: Theo lịch phân công, ngày 07 tháng 12 tới, Giáo hạt Tuyên Quang sẽ tập trung về TTTM Từ Phong để dâng hoa kính Đức Mẹ. Chị em sẽ tập trung lúc 13h30 để học hỏi, chia sẻ Lời Chúa => 14h30 dâng hoa kính Đức Mẹ => 15h00 Thánh lễ.
Lm. Phêrô Mai Viết Thắng
Đặc trách Hội Mân Côi Giáo Phận Bắc Ninh
HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN BẮC NINH
Tháng 11.2024
-
- LỜI CHÚA: Lc 14,25-33
- SUY NIỆM: HY SINH
Trong đoạn Tin Mừng trên, Đức Giêsu đưa ra một lời mời gọi mạnh mẽ và đầy thách thức dành cho những ai muốn theo Ngài. Ngài vừa khuyến khích vừa nhấn mạnh rằng, việc trở thành người môn đệ của Ngài không chỉ là một quyết định nhất thời mà là một hành trình dài, một hành trình đòi hỏi sự hy sinh và cam kết lớn lao.
Đầu tiên, khi Đức Giêsu nói rằng “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”, Ngài đang mời gọi chúng ta xem xét lại các mối quan hệ và những gì thực sự quan trọng trong cuộc đời mình. Điều này không có nghĩa là Ngài kêu gọi chúng ta phải từ bỏ gia đình hay tình yêu thương, mà là chúng ta phải đặt Ngài lên hàng trên mọi sự, lên trên mọi người. Ở đây, sự hy sinh có thể là việc từ bỏ những thói quen, sự ích kỷ, hoặc những tương quan có thể kéo chúng ta ra xa khỏi Thiên Chúa, xa rời tình yêu với Ngài. Có lẽ, khi Thiên Chúa trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của ta, mọi thứ khác sẽ được định hình lại theo ánh sáng của Ngài. Điều này có thể khiến chúng ta cảm thấy bất an hoặc khó khăn, nhưng chúng ta cũng sẽ sớm tìm thấy sự bình an và hạnh phúc khi xác tín rằng ta đang sống theo mục đích cao cả mà Ngài đã vạch ra cho chúng ta, ta đang làm theo đúng thánh ý nhiệm mầu của Ngài.
Đức Giêsu sử dụng hình ảnh của người xây tháp và vị vua chiến đấu để minh họa cho việc cần thiết phải cân nhắc và nhận định trước khi quyết định theo Ngài. Ngài hỏi chúng ta: “Ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn?” Điều này không chỉ đơn thuần là một lời khuyên, mà là một lời nhắc nhở rằng, sự quyết tâm này không phải là một khoảnh khắc cảm xúc, nhưng là một sự chọn lựa có ý thức và liên lỉ trong suốt cuộc đời. Chúng ta thường thấy nhiều người bắt đầu một hành trình đức tin nhưng không đủ kiên nhẫn và cam kết để theo đuổi nó đến cùng. Đức Giêsu cảnh tỉnh ta rằng, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta có thể rơi vào tình trạng thất vọng và bị chê cười vì không hoàn thành những gì đã bắt đầu. Sự chuẩn bị này bao gồm việc cầu nguyện, tìm hiểu Lời Chúa, và tham gia vào cộng đoàn đức tin nơi xứ họ, giúp chúng ta giữ vững niềm tin trong những lúc khó khăn.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các trưởng gia đình chúng con, nhận ra giá trị của việc theo Chúa và dám hy sinh những gì quý giá nhất trong cuộc sống để trở thành môn đệ của Ngài. Xin cho con có đủ can đảm và sức mạnh để sống theo con đường Ngài đã chỉ dẫn. Đôi khi con cảm thấy yếu đuối và thiếu tự tin, nhưng con biết rằng chỉ khi con để Ngài dẫn dắt, con mới có thể vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Xin hãy làm cho con trở thành ánh sáng cho những người xung quanh, để họ cũng có thể nhìn thấy Chúa qua cuộc sống của con. Amen.
* Gợi ý suy niệm:
1- Bạn có phải là một Kitô hữu mỗi phút trong ngày hay chỉ một vài giờ mỗi tuần?
2- Trong cuộc sống hiện tại, có điều gì hoặc ai đó đang chiếm ưu thế trong lòng tôi, cản trở tôi trong hành trình theo Chúa? Tôi có sẵn sàng từ bỏ những cản trở đó để theo Chúa không? Nếu có, tôi sẽ bắt đầu từ đâu?
III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:
1- Đaminh Nguyễn Văn Hải – Nhà xứ Đại Lãm
2- Giuse Nguyễn Quang Sách – Nhá xứ núi Ô
3- Giuse Nguyễn Văn Hùng – Nhà xứ Xuân Hòa
4- Giuse Nguyễn Văn Sỹ – Nhà xứ Tử Nê
5- Phêrô Nguyễn Văn Tống – Nhà xứ Bến Cốc
6- Phaolô Trần Văn Khương – Họ Xạ Hương, xứ Đức Bản
7- Giuse Nguyễn Minh Khương – Nhà xứ Đất Đỏ
8- Giuse Trần Văn Chắt – Nhà xứ Thống Nhất
9- Giuse Nguyễn Văn Long – Nhà xứ Thống Nhất
10- Tôma Nguyễn Anh Hùng – Họ Đại Lợi, xứ Phúc Yên
11- Anrê Nguyễn Văn Sủng – Họ Tân Lợi, xứ Phúc Yên
12- Anrê Dương Văn Bảo – Nhà xứ Bảo Sơn
13- Giuse Nguyễn văn Khoa – Nhà xứ Đại Từ
14- Giuse Nguyễn Văn Vụ – Nhà xứ Kẻ Mốt
IV- HỌC TẬP: GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO (tt)
NGƯỜI KITÔ HỮU SỐNG ĐỨC TIN
Cho đến hôm nay, phần đông người Công Giáo Việt Nam vẫn giữ được đời sống đức tin rất tốt, được cụ thể hóa qua việc tham dự Thánh Lễ cũng như lãnh nhận các bí tích. Tuy nhiên, đời sống đức tin ấy nhiều khi chỉ là những thói quen do ảnh hưởng của gia đình, xứ đạo hơn là một chọn lựa và dấn thân cá nhân. Một đức tin như thế sẽ khó lòng đứng vững trong khung cảnh đô thị hóa và xã hội hóa đang và sẽ diễn ra mỗi ngày một nhanh hơn. Vì thế, cần xây dựng một đức tin mang tính cá vị, hiểu như một chọn lựa tự do và ý thức trước tiếng gọi của Thiên Chúa.
Đức tin là lời đáp trả của con người toàn diện trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Con người toàn diện ấy bao gồm cả lý trí, tình cảm, ước muốn và hành động. Vì thế, để sống đức tin, người tín hữu không chỉ ngừng lại ở những hiểu biết thuần lý, nhưng phải bước vào đời thờ phượng và luân lý. Nhờ cầu nguyện, ta gặp gỡ chính Đấng mà ta tin. Và niềm tin đích thực được thể hiện qua đời sống hằng ngày “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa, đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người” (1 Ga 2,3).
Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN
Fx. Nguyễn Văn Huân
Tin liên quan