Xuất hiện kịch bản lừa đảo giả dạng ‘nhà truyền giáo’ đi ‘hành hương’ tại Philippines và Thái Lan
Cảnh sát Philippines và Thái Lan gần đây đã cung cấp một số thông tin sau các cuộc điều tra tội phạm giả dạng dưới “vỏ bọc tôn giáo”.
Các đối tượng buôn người đang sử dụng một thủ đoạn mới tinh vi hơn để lôi kéo nạn nhân và nhằm trốn tránh hải quan sân bay. Chúng tự nhận là nhà truyền giáo, đặc biệt là người theo Ki-tô giáo, đi du lịch hoặc lấy lý do đi “hành hương”.
Cảnh sát Philippines báo cáo vụ việc ba người phụ nữ (23, 25 và 50 tuổi) đã cố gắng lên một chuyến bay đến Singapore quá cảnh tại Thái Lan. Họ tự nhận mình là “nhà truyền giáo”, “tình nguyện viên thuộc Giáo hội Công giáo làm công tác truyền giáo tại Thái Lan”.
Do một số tình tiết mâu thuẫn trong lời khai, kết hợp với điều tra và thẩm vấn bổ sung, sự thật đã được tiết lộ. Người phụ nữ lớn tuổi nhất thực chất là một thành viên trong tổ chức buôn bán phụ nữ trái phép sang Thái Lan.
Hai phụ nữ trẻ bị dụ dỗ với lời hứa về một “công việc giảng dạy”, nhưng thực chất bị đưa vào mạng lưới tội phạm và cuối cùng trở thành nạn nhân của nạn mại dâm.
Cảnh sát cho biết thủ đoạn của các nhóm buôn người là cử một kẻ đóng vai một du khách hợp pháp. Người này có nhiệm vụ dẫn dắt nhóm nạn nhân được ngụy trang dưới danh nghĩa đi truyền giáo hoặc hành hương.
Lực lượng an ninh tại Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Campuchia đã phối hợp thực hiện chiến dịch và thành công trong việc bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến các mạng lưới buôn người.
Theo báo cáo cuối năm 2024 của Cục Di trú Philippines, lực lượng chức năng đã phát hiện 998 nạn nhân, cùng với nhiều hình thức trá hình như người hành hương giả mạo, hôn nhân sắp đặt và mang thai hộ. Các nạn nhân đa phần bị lôi kéo qua mạng xã hội và thường bị đưa đến làm lao động cưỡng bức tại Thái Lan, Campuchia và Myanmar.
Cha Shay Cullen – một linh mục truyền giáo người Ireland thuộc Hội Thừa sai thánh Columban – đã sáng lập Quỹ Công giáo PREDA (viết tắt của People’s Recovery, Empowerment, and Development Assistance) tại Philippines. Quỹ đã nhiều lần lên tiếng tố cáo việc phụ nữ trẻ Philippines bị lừa bằng những lời hứa ngọt ngào về công việc thu nhập cao. Thực chất, họ bị đe dọa, ngược đãi và làm việc trong nhiều kiện khắc nghiệt.
Tại Philippines, Phong trào Liên tôn chống Buôn người (PIMAHT), gồm đại diện các cộng đồng Ki-tô giáo, Hồi giáo và Phật giáo, đã hoan nghênh nỗ lực của cảnh sát và chính quyền. Họ khẳng định cam kết chống lại nạn buôn bán trẻ em và bóc lột tình dục.
Cha Bryand Restituto, trợ lý Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines, lên án mạnh mẽ các cá nhân và mạng lưới tội phạm đã lợi dụng lòng tin của con người, đồng thời giả dạng bằng ngôn từ, trang phục và tôn giáo để che đậy tội ác.
Tại Thái Lan, một trong những nữ tu tích cực trong cuộc chiến chống nạn buôn người là Sơ Marie Agnes Buasap, thuộc Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Phao-lô Thành Chartres. Sơ hiện là điều phối viên Mạng lưới Talitha Kum Thái Lan. Sơ tích cực nâng cao nhận thức cho giới trẻ, các gia đình, giáo viên và nhà giáo dục. Mạng lưới Talitha Kum còn hỗ trợ đón tiếp và tái hòa nhập cho các nạn nhân.
Các cộng đoàn Công giáo tại Đông Nam Á cũng khẳng định cam kết hỗ trợ các nạn nhân trong Ngày Cầu nguyện và Hành động chống Nạn Buôn người, được cử hành vào ngày 8/2, lễ kính thánh Giusepphina Bakhita.
Nhiều tổ chức Công giáo đang triển khai những sáng kiến mới, đặc biệt trong các trường học, thông qua việc đưa giáo dục phòng chống nạn buôn người vào chương trình giảng dạy.
Theo: Agenzia Fides
Lược dịch: Khánh Ly – WTGP HN