Tuần Thánh – Hành trình đem yêu thương vào thế giới | Hiểu đúng cử hành đức tin trong Phụng vụ số 2
Chúng ta đang sống trong thời gian hồng ân của những ngày cuối Mùa Chay Năm Thánh 2025. Ngoài việc ăn chay, thống hối, cầu nguyện, Hội Thánh cũng giúp chúng ta bước vào những ngày cao điểm và linh thiêng nhất của Năm Phụng vụ – gọi là TUẦN THÁNH, tuần lễ cho các tín hữu đắm mình vào những cử hành long trọng hướng về mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô, một hành trình đầy ý nghĩa, nơi tình yêu cứu thế được hiện thực hoá qua các cử hành phụng vụ.
Tuần Thánh là gì?
Truyền thống xa xưa của Kitô giáo ghi nhận: Tuần Thánh được cử hành để ghi dấu hành trình“Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo”… và đỉnh cao“chính Tam Nhật Vượt Qua, nhằm tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của cả Năm Phụng Vụ” (Hiến chế Phụng Vụ viết tắt là PV, số 18-19).
Đây không chỉ là chuỗi các nghi thức diễn tả việc Chúa Giê-su chịu đau khổ cho đến cái chết trên thập giá và sự sống lại của Người, mà còn là một dịp để các tín hữu tưởng niệm và hiện tại hoá ơn cứu độ của Thiên Chúa, qua câu chuyện về tình yêu thương vô bờ bến, lòng khiêm nhường và sự hy sinh cao cả của Đấng Cứu Thế trong các cử hành: Chúa Nhật Lễ Lá – Tưởng niệm Cuộc Thương khó của Chúa, Khai mạc Tuần Thánh; Tam Nhật Vượt Qua với Thánh Tiệc Ly, Thứ Sáu Chúa tử nạn, và cuối cùng là niềm vui Đại Lễ Phục Sinh.
Vậy để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy cùng nhau khám phá ý nghĩa sâu xa và những bài học sống động mà Tuần Thánh ban tặng.
Hành trình Tuần Thánh
- Trước hết là: Chúa Nhật Lễ Lá – ngày khai mạc Tuần Thánh. Giáo Hội còn dành ngày này để tưởng niệm Cuộc thương khó của Chúa.
Qua các bài đọc, Hội Thánh nhắc lại việc Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, dân chúng tôn vinh người là VUA hay ĐẤNG CỨU THẾ – MESIA bằng truyền thống cầm lá – biểu tượng của chiến thắng và hoà bình và hô vang: “Hosana – Hoan hô Con Vua Đavít!” Ngày nay, phụng vụ Lễ Lá cho mỗi tín hữu bắt chước biến cố tôn năm xưa bằng việc long trọng LÀM PHÉP VÀ KIỆU LÁ trước thánh lễ để tuyên xưng rằng ĐỨC GIÊ-SU LÀ VUA – là Mêsia của cõi lòng các giáo hữu, sau đó lá được mang về lưu giữ ở các gia đình để nhắc nhớ về sự chiến tháng của Chúa Ki-tô. Giáo hội đề cao cuộc rước lá tôn vinh Chúa Ki-tô Vua hơn là chỉ cầm lá, tuy nhiên hình thức rước long trọng chỉ cử hành một lần trong thánh lễ có đông số tín hữu tham dự nhất, ngay cả từ chiều thánh lễ chiều thứ bảy. (x. Thư Luân Lưu Về Việc Chuẩn Bị Và Cử Hành Đại Lễ Phục Sinh, viết tắt là Ps. 28-32)
Phụng vụ cũng cho tín hữu tham dự vào Bài Thương khó tường thuật Cuộc khổ nạn của Chúa, để khẳng định Vua Giê-su không dùng chính trị hay quyền lực, mà ngự trị trong lòng chúng ta bằng tình yêu khiêm hạ và phục vụ đến hiến mình. Chúa Cứu thế là Vua, cũng nhắc chúng ta phải tự xếp mình vào số các tội nhân đang cần ơn cứu độ của Chúa, và ý thức phải bước qua khổ nạn, chịu chết mới đến Phục Sinh vinh quang. Vì thế, Kitô hữu và Giáo hội của Chúa Kitô cần hiện diện bằng sự phục vụ khiêm hạ theo gương Đức Giêsu. Nên nhớ, khi đọc Bài Thương Khó, không mang đèn nến, không xông hương, không chào và cũng không ghi dấu thánh giá trên sách (x. Ps. 33-34)
- Tiếp theo là hành trình của Thứ Năm Tuần Thánh. Buổi sáng Đức giám mục giáo phận chủ tế thánh lễ Làm Phép Dầu với linh mục đoàn để bày tỏ sự hiệp thông trong chức tư tế và sứ vụ duy nhất của Chúa Ki-tô (x. 35-36). Chiều đến, Giáo hội cử hành Lễ Tiệc ly – kết thúc Mùa Chay và khởi đầu Tam Nhật Vượt Qua, và cùng tưởng nhớ về bữa tối sau cùng của Chúa Giêsu, còn gọi là Bữa Tiệc Ly, “mà trong đó Ngài bị phản bội, Ngài tỏ lộ tình yêu cho những ai thuộc về Ngài, Ngài dâng hiến thịt và máu mình lên Chúa Cha dưới hình bánh và rượu rồi trao cho các Tông đồ, để các ông chia sẻ với nhau, và rồi Chúa Giêsu truyền lệnh cho các ông và những người kế vị các ông trong chức linh mục cử hành hy lễ này đến muôn đời’.” (x. Ps. 44)
Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh ghi nhận CHÚA GIÊSU ĐÃ TRAO BAN BÍ TÍCH THÁNH THỂ, Thiết Lập Chức Tư Tế Linh Mục và trao tặng thế giới lệnh truyền về tình yêu thương huynh đệ. Vì thế, Nhà Tạm để trống hoàn toàn trước khi cử hành thánh lễ và bánh thánh sẽ được truyền phép để cho tín hữu rước lễ hôm nay và ngày mai. (x. Ps 45.48).
Theo truyền thống, trong khi hát Kinh Vinh danh trong thánh lễ thì rung và kéo chuông để báo hiệu Mùa Chay đã chấm dứt, sau đó tiếng chuông được thay thế bằng các dụng cụ báo hiệu khác, tiếng đàn chỉ được hỗ trợ tiếng hát cho đến Kinh Vinh danh trong Canh thức Vượt Qua. (x. Ps.50).
Ngoài ra, nghi thức rửa chân cho những người được tuyển chọn giữa dân thánh, để nói lên ý nghĩa biểu trưng về tinh thần phục vụ và bác ái của Chúa Ki-tô, Đấng đã đến ‘không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ’. (x. Ps. 51). Người đã làm gương cho các môn đệ, cho các linh mục và chúng ta hôm nay bài học khiêm nhường, quên mình phục vụ để được hưởng phúc vĩnh hằng. Điều này được biểu lộ rõ trong phần dâng lễ Tiệc Ly, những phẩm vật dành cho người nghèo, nhất là các phẩm vật đã được thu góp trong Mùa Chay như là hoa trái của việc sám hối, có thể được tiến dâng trong khi mọi người hát “Đâu có tình yêu thương và bác ái…” [Ubi caritas est vera] (Ps.52). Sau lời nguyện hiệp lễ, việc kiệu Mình Thánh Chúa được tiến hành để dành thời gian cho tín hữu đến cầu nguyện bên Thánh Thể Chúa, nhất là cùng suy gẫm Chương 13-17 của Tin Mừng Gioan, nên việc Chầu Thánh Thể này phải bên Nhà Tạm đóng kín (không được chưng trong Mình Thánh trong Mặt Nhật) (x. Ps. 54-56). Kết thúc nghi lễ, bàn thờ phải được lột khăn, còn thánh giá nào trong cung thánh phải cất đi hoặc phủ khăn (x. Ps. 57).
- Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày CẢ GIÁO HỘI THINH LẶNG để tưởng niệm cuộc thương khó và chịu chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Vì thế trong ngày này, Giáo Hội chia sẻ cuộc thương khó của Chúa và bằng việc ăn chay kiêng thịt. KHÔNG CỬ HÀNH THÁNH LỄ HAY BÍ TÍCH NÀO, ngoài bí tích giải tội và xức dầu bệnh nhân. Chỉ cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Sách và Kinh Sáng ( Ps.58-62)
Khoảng 3 giờ, cử hành Cuộc Thương khó của Chúa, nếu không thì cử hành vào giờ thuận tiện sau đó, nhưng không được quá 21 giờ. Nghi Lễ này gồm có Phụng Vụ Lời Chúa mà cao điểm là việc công bố Bài Thương Khó theo thánh Gioan; sau đó là việc Tôn kính Thánh Giá cách trọng thể, và sau cùng là việc rước lễ với Mình Thánh đã được truyền phép hôm trước. (x. Ps.63-67.70).
Thập giá của Người không chỉ là biểu tượng của cảnh chịu đựng, mà còn là minh chứng cho tình yêu thương và tha thứ vượt lên mọi thử thách. Vì thế, Chỉ dùng một Thánh giá duy nhất trong nghi thức kính thờ nhằm diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa biểu tượng của nghi thức, và Thánh giá được trưng bày để cho từng tín hữu tôn kính. Lưu ý, kết thúc buổi cử hành, lột khăn bàn thờ ; Thánh giá vẫn để lại và có thêm 4 cây nến cháy sáng (x. Ps. 69-71).
- Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội ở bên mộ Chúa bằng những phút tĩnh lặng để tuyên xưng “Người đã chịu mai táng và ngày thứ ba sống lại như lời Kinh Thánh”, (1 Cr 15,4). Đây là khoảnh khắc thiêng liêng của sự sống chiến thắng cái chết, báo hiệu sự phục sinh của Chúa Giêsu – mong ước của mọi tín hữu và nguồn động lực cho sự đổi mới trong đời sống họ (x. 73-75).
Khi đêm về, Giáo Hội cử hành Đêm Canh Thức Vượt Qua, còn gọi là Vọng Phục Sinh đón chờ Chúa Ki-tô sống lại. Đêm nay là đêm thánh của người Kitô hữu và được coi là “mẹ của mọi lễ Canh thức” (x. Ps. 77). Cộng đoàn Kitô hữu ôn lại tất cả lịch sử cứu độ, từ buổi khai sinh lập địa và việc dân Israel ra khỏi Aicập cho đến việc Đức Giêsu sống lại và được tôn vinh trên trời, họ cầm đèn sáng trong tay giống như những người đang tỉnh thức đợi chủ trở về để đưa họ vào bàn tiệc. Vì thế, từ đêm nay, cộng đoàn thắp nến hát vang lời Allêluia! Mừng Chúa Phục Sinh! (x.Ps.87).
Phụng vụ buổi canh thức quan trọng nhất này gồm có 04 phần: Làm phép Nến và Công bố Phục Sinh, Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ các bí tích khai tâm và Phụng vụ Thánh Thể. Tín hữu cũng nên lưu tâm rằng: việc rước lễ có ý nghĩa đặc biệt trong canh thức vọng phục sinh vì để tín hữu kết hiệp với hy tế của Chúa Kitô và sự sống lại của Ngài. (x. Ps. 88- 90.92)
- Cuối cùng, Chúa Nhật Phục Sinh – Đại lễ của niềm tin: “Người không có ở đây đâu, vì Người đã trỗi dậy rồi.” (Mt 28,6). Hội Thánh cử hành trọng thể thánh lễ mừng Chúa Giêsu sống lại vinh hiển, mang lại sự sống đời đời cho những ai tin vào Người. Vì thế, thay vì nghi thức sám hối thì rảy nước thánh đã làm phép trong Đêm Canh Thức. Hãy cùng nhau tham gia để cảm nhận được niềm vui trọn vẹn khi coi các Chúa Nhật Mùa này trọng như Lễ Phục Sinh, Nến Phục Sinh làm bằng từ sáp nguyên tuyền cần được thắp lên và đặt gần giảng đài hay bàn thờ trong tất cả các cử hành phụng vụ trọng thể của Thánh Lễ và các Giờ Kinh, dịp Rửa tội hay an táng… cho đến hết Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ngoài Mùa Phục sinh không để Nến Phục Sinh trên cung thánh nữa. (x. Ps. 97-101)
Hành trình đem yêu thương vào thế giới
Từ những nghi lễ thiêng liêng của Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta học được rằng: Thời gian thánh từ Lễ Lá đến Lễ Phục Sinh luôn đi kèm với việc cử hành các nghi thức phụng vụ để cứu chuộc loài người.
Đây còn là một hành trình mời gọi mỗi chúng ta bước theo Chúa, tập trung vào việc tưởng nhớ cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, giúp các tín hữu hướng về lòng thương xót của Thiên Chúa, suy ngẫm về tình yêu hiến tế của Đức Kitô, để sống đức tin và lan tỏa yêu thương đến mọi người. Chúng ta hãy dành thời gian suy ngẫm và thực hành những bài học quý giá mà Tuần Thánh ban tặng.
Mỗi nghi thức, mỗi lời cầu nguyện trong dịp này là cơ hội để chúng ta bước theo Chúa Giêsu – Đấng đã sống cho yêu thương và chết để cứu độ. Vì thế, Tuần Thánh không chỉ là một ký ức được tưởng niệm, nhưng là một lời mời gọi sống Tin Mừng hôm nay:
- Hy sinh và tha thứ như Chúa đã làm.
- Khiêm tốn phục vụ như Người đã rửa chân cho các môn đệ.
- Hy vọng và yêu thương dù đời còn nhiều bóng tối.
Hãy bắt đầu một hành trình mới trong gia đình, nơi trường học, giữa cộng đoàn – mỗi hành động nhỏ bé yêu thương đều là một bước chân cùng đi với Chúa.
Sống Tuần Thánh – Bước theo Đức Kitô – Gieo yêu thương mỗi ngày.
Bạn đã sẵn sàng chưa?
Ban Phụng tự GP Bắc Ninh