Bài học nơi “giáo điểm trên cao”
Trời chuyển thu, bầu trời buổi ban mai trở nên cao và xanh hơn; những tia nắng mỏng manh xuyên qua từng kẽ lá rọi xuống trên con đường làng nhỏ hẹp. Chiếc xe máy của anh em chúng tôi băng qua nhiều bản làng, để đến với một giáo điểm xa xôi tại miền cực Bắc của giáo phận, nhằm hoàn thiện thông tin số hóa dữ liệu giáo dân theo chương trình của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Khi mặt trời đã đứng bóng trên những sườn núi cao, chúng tôi đã đến giáo điểm SĐ (tác giả xin giấu tên địa danh). Không chần chừ lâu, sau khi gặp ông trùm chánh, chúng tôi nhờ ông trùm dẫn đoàn và lần lượt đến từng nhà trong giáo điểm. Vì địa hình hiểm trở và nhiều tuyến đường chưa được giải phóng nên việc di chuyển giữa các hộ gia đình rất vất vả. Có nhiều đoạn đường phải xuống lội suối, hay dắt xe đi bộ. Tuy nhiên, khi đến mỗi gia đình chúng tôi đều được chào đón rất nồng hậu và vui vẻ, mọi người xin chúng tôi cùng đọc kinh và mời chúng tôi ăn những món ăn bản địa rất độc đáo.
Được biết, tổ tiên của họ là người vùng Bùi Chu, Nam Định xưa lên sinh sống từ năm 1930, nhưng vì sự biến chuyển của thời cuộc ngày nay đa phần những người trẻ trong giáo điểm lại di cư về thành phố lớn, hay các cặp vợ chồng đi làm xa bỏ lại con nhỏ cho ông bà chăm sóc. Vì vậy, số nhân danh thuộc giáo điểm trong nhiều năm qua không những không tăng mà còn suy giảm. Nhiều đôi hôn nhân rối đạo. Các em thiếu nhi vì không có bố mẹ trực tiếp chăm sóc nên phần lớn bỏ học, bỏ nhà đi làm. Đáng buồn hơn là không ít giáo dân đã bỏ Chúa và tin thờ một thần khác. Theo các cụ cao niên kể lại thì trước đây, nơi đây cũng từng là một giáo họ rất nề nếp với gần 200 người. Mặc dù ở xa nhau nhưng mọi người vẫn cùng nhau đọc kinh, tham dự thánh lễ và sống rất yêu thương nhau.
Có lẽ đây là một thực trạng không chỉ tại giáo điểm này mà còn ở nhiều nơi trong giáo phận. Bởi nền kinh tế thị trường, các bạn trẻ trong các giáo xứ di cư đến thành phố lớn để kiếm công ăn việc làm. Hoặc nhiều người chọn cho mình giải pháp đi lao động nước ngoài để đồng lương được cao hơn. Vì thế, tình trạng gia đình trẻ để con nhỏ ở quê nhà cho ông bà chăm sóc rất phổ biến. Từ sự mất cân bằng về dân số nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống đức tin và xã hội.
Nhờ việc đến và lắng nghe những câu chuyện về đời sống của họ mà đã để lại cho bản thân của tôi rất nhiều cảm thức đức tin và cả những thao thức về đời sống ơn gọi của mình. Trước đây tôi nghĩ rằng xứ đạo, họ đạo nào cũng đạo đức, đời sống của mỗi cộng đoàn đều lý tưởng và tôi hài lòng về giáo phận của mình. Nhưng giờ đây, sau khi được nhìn và nghe rất nhiều vấn đề đến từ mỗi gia đình nhỏ, tôi lại thấy mình cũng cần phải suy nghĩ khác để học khác và sống khác. Bởi đứng trước những thay đổi của đời sống đạo, hoạt động mục vụ không chỉ dừng lại ở việc giữ đức tin hay truyền giáo cho những khu vực mới mà đặc biệt là phải “tái truyền giáo” cho chính những kitô hữu, qua việc đồng hành cùng những người di cư, sống xa nhà không sinh hoạt đức tin.
Qua việc nỗ lực lấy thông tin giáo dân năm nay, tôi đã học được nhiều hơn từ thực tế. Nhờ đó, cuộc sống của tôi phong phú hơn với những kinh nghiệm của nhiều người tôi gặp gỡ. Đời sống đức tin của tôi thêm vững vàng hơn nhờ những bài học quý giá nơi trường đời. Rồi đến, thao thức đi tu theo Chúa cũng được củng cố bởi những con người đang khao khát được tái truyền giáo.
Có thể nói, một ngày đến từng gia đình lấy thông tin giáo dân năm 2023 đã giúp tôi trưởng thành hơn và cũng dấn thân hơn. Bởi tôi biết, mỗi ngày, từng người trong giáo phận Bắc Ninh thân yêu này đều được mời gọi trổ sinh nhiều hoa trái tốt tươi.
Muối đất